Hôm nay,  

Hệ Thống Siêu Thị Á Đông Kể Chuyện Trong Nhà Ngoài Chợ: Nồi Cơm Bốc Khói Dạt Dào Gạo Việt, Mỹ, Thái, Gạo Nào Ngon Hơn?

28/02/201400:00:00(Xem: 8907)
QUẬN CAM (VB) -- Có lẽ không có hình ảnh nào gần gũi với bữa ăn gia đình Việt Nam truyền thống hơn là một nồi cơm nghi ngút khói. Nhiều người hẳn còn nhớ giọng hát của Thái Thanh với hình ảnh sống động trong bài hát Quê Nghèo (Phạm Duy): “… chiều rơi, thoi thóp trên vài luống khoai, hiu hắt tiếng bà mẹ cười, vui vì nồi cơm ngô đầy…”. Dân Việt mình ngày xưa nghèo khổ quá, chỉ cần nồi cơm đầy- dù có phải độn ngô cũng được- là đã vui rồi!

Người Việt ở Mỹ bây giờ sung sướng lắm mà có nhiều người không biết trân quí hiện tại. Nồi cơm ngon, thơm phức, trắng tinh… là thứ đương nhiên có. Đi ra chợ để lựa một bao gạo đem về nấu cơm, người dân Little Saigon còn có nhiều chọn lựa hơn là dân mình trong nước, quốc gia xuất khẩu hàng thứ nhì trên thế giới. Việt kiều về nước thăm nhà bây giờ hay than phiền là ăn cơm ở Việt Nam bây giờ còn thua cơm ở Mỹ! Đứng trước quầy gạo của các chợ trong Hệ Thống Siêu Thị Á Đông có hàng chục loại gạo đến từ Thái Lan, Mỹ, Việt, Ấn Độ, Hàn, Nhật… nhiều người đi chợ đã phải nhờ nhân viên chợ chọn lựa giùm.

Nghề trồng lúa nước đã xuất hiện trên thế giới từ hơn 10,000 trước. Dân tộc Việt Nam đã hình thành rất sớm nền văn minh định canh, định cư, trồng lúa để làm nguồn lương thực chính cho mình. Mặc dù gạo được trồng trọt và dùng trên toàn thế giới, Châu Á vẫn được xem là quê hương của lúa gạo, với sản lượng và tiêu thụ đứng hàng đầu. Trong kiến thức của nhiều người Việt mình, Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Điều này đúng cho đến cách đây vài năm thôi. Đến năm 2013, Ấn Độ đã vươn lên thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đẩy Việt Nam và Thái Lan dành giật vị trí thứ hai. Còn một điều ít người biết đến nữa, đó là Mỹ dành vị trí thứ tư trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Như vậy, cả “Tứ Đại Thiên Vương” Ấn, Việt, Thái, Mỹ đều có mặt trong thị trường gạo ở Mỹ. Khách hàng Việt Nam quả thực là… thượng đế ở xứ này.

Đến với quầy gạo của Hệ Thống Siêu Thị Á Đông, khách hàng dễ nhận ra là gạo Thái Lan chiếm đến trên 80% các thương hiệu được bầy bán. Dân Việt mình hầu hết mọi người đều thích ăn gạo Thái Lan, vì gạo Thái nấu cơm dẻo, thơm ngon, có nhiều lựa chọn, chất lượng ổn định. Người đi chợ chỉ tìm ra được một vài loại gạo Việt Nam nằm lẫn trong một rừng gạo Thái, với giá bán rất rẻ so với gạo Thái. Cần nhắc lại là Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp thuộc loại lâu đời nhất ở vùng Đông Nam Á. “Nàng Thơm Chợ Đào” là tên một loại gạo thơm của Việt Nam có trong danh sách các loại gạo nổi tiếng nhất thế giới (nhưng nay cũng đã gạo Thái khai thác thương hiệu này để bán trong các chợ Việt Nam). Hình ảnh vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú như câu ca dao “Cửu Long gạo trắng nước trong” đã là biểu tượng cho sự trù phú của miền Nam Việt Nam ngày xưa. Cả Việt Nam lẫn Thái Lan hiện đang xuất khẩu trên dưới 8 triệu tấn gạo hàng năm. Như vậy tại sao hình ảnh hạt gạo Việt Nam lại nghèo nàn đến thế bên xứ Mỹ này? Tội đồ lớn nhất trong chuyện này chính là nhà cầm quyền CSVN. Trong khoảng 20 năm sau 1975, họ đã đóng cửa lại để kéo cả nền kinh tế đất nước đi xuống tận đáy, trong đó có cả nền nông nghiệp vốn rất vững mạnh của miền Nam Việt Nam, mà trước năm 1975 Thái Lan không phải là đối thủ. Khi họ quay đầu lại, chuẩn bị làm đúng lại những thứ cần phải làm, thì nền nông nghiệp Thái Lan đã cất cánh bay xa. Thái Lan đã trở thành một cường quốc nông nghiệp trên thế giới, mà chắc phải vài chục năm nữa Việt Nam mới đuổi theo kịp. Gạo Việt Nam hiện thua gạo Thái trên mọi phương diện, từ giống, cho đến cách chế biến, và độ ổn đinh về chất lượng. Thực ra, các giống gạo ngon như Nàng Thơm Chợ Đào, Jasmine 85…của Việt Nam cũng không thua kém gạo Thái Lan là bao nhiêu. Vấn đề là do cách làm ăn chụp giựt, ngắn hạn, kém tổ chức của nhà nước, thương gia Việt Nam đã làm hỏng đi hình ảnh của hạt gạo, của người nông dân Việt Nam rất đáng trân trọng. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đem sấy gạo! Lúa thu mua đủ thứ chỗ, phơi chưa đủ khô cho ra hạt gạo có độ ẩm cao. Muốn xuất khẩu được thì phải đem gạo đi sấy, làm cho hạt gạo bị nát và xỉn màu. Lại nữa, nông dân trồng giống gạo ngon thuần chủng, nhưng chính nhà nước và thương gia thu mua lại, trộn thêm gạo chất lượng xấu vào để cho rẻ, lời nhiều. Còn nhiều nguyên nhân tương tự như vậy nữa, đã khiến cho chất lượng của bao gạo Việt Nam khó mà kiểm soát được chất lượng, cho nên đành phải chấp nhận bán giá thấp. Mua gạo VIệt Nam, người mua phải chấp nhận sự… hên xui, có khi được bao gạo ngon không thua gạo Thái mà giá rẻ, nhưng có khi lại thua xa.

sieu-thi-gao-tai-cho-green-farm
Gạo Việt Nam rất ít so với các loại gạo Thái Lan, Mỹ tại chợ Green Farm.

Để lựa gạo cho đúng ý mình, khách hàng có thể lưu ý đến một số tiêu chuẩn như sau:

Độ dài của hạt gạo: có các loại hạt dài, hạt trung và hạt ngắn. Ở thị trường Mỹ gạo hạt dài là phổ biến nhất, nấu ra cơm tương đối khô và rời hạt. Đa phần loại gạo của Việt Nam, Thái, Mỹ đều là gạo hạt dài. Gạo hạt ngắn có khuynh hướng dẻo và dính nhiều hơn. Gạo Nhật dùng làm sushi chính là loại gạo này.

Màu hạt gạo: phổ biến nhất vẫn là gạo trắng. Các loại gạo nâu, đen hay đỏ là do lớp vỏ cám bọc bên ngoài hạt gạo. Nếu được chà sạch, các loại gạo này cũng sẽ trở thành gạo trắng. Tuy nhiên, hiện nay khuynh hướng ăn gạo nâu, gạo đỏ ngày càng thịnh hành là do vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe. Nhà giàu bây giờ ăn gạo nâu, gạo đỏ, chứ hồi xưa ở Việt Nam thường gạo đỏ chỉ có người nghèo mới ăn. Đúng là quan niệm về ăn uống đã thay đổi đi rất nhiều!

Chủng loại gạo: đây là yếu tố quyết định độ thơm, độ dẻo của cơm. Hầu hết dân Việt mình thích ăn các loại gạo thơm như Jasmine, Nàng Thơm Chợ Đào… để có được cảm giác “nồi cơm bốc khói thơm ngát”. Hầu hết các loại gạo Thái, gạo Việt Nam đều thuộc loại gạo thơm, hạt dài. Gạo Ấn cũng có chủng loại gạo thơm Basmati nổi tiếng. Người Mỹ cũng đã nhân giống và trồng loại gạo thơm Jasmine tại Louisiana, cho ra đời nhãn hiệu Jazzmen với hy vọng thay thế cho gạo thơm nhập từ Thái, Việt Nam, nhưng có lẽ độ thơm và dẻo cơm vẫn không giống như gạo nhập cảng.

Có người còn lưu ý đến hàm lượng tinh bột trong gạo vì sợ bị tiểu đường. Nhiều người tin rằng một số loại gạo của Mỹ, Ấn Độ ăn ít sợ bị tiểu đường hơn là gạo của Thái, Việt Nam. Thời buổi này, ăn gì cũng sợ… bệnh, thiệt là khổ!

Nói tóm lại, mỗi người hãy tự đặt ra một số tiêu chuẩn cho mình để lựa gạo. Thí dụ, nếu vẫn quan niệm “nồi cơm nghi ngút khói thơm ngát” là điều quan trọng nhất trong bữa ăn, thì gạo Thái là sự lựa chọn đầu tiên. Nếu thích rẻ và chấp nhận chất lượng có thể thay đổi, hãy nghĩ đến gạo Việt Nam. Còn ăn gạo Mỹ bởi vì “người Mỹ nên ủng hộ hàng Mỹ” thì dứt khoát đó là một sự lựa chọn… yêu nước!

GHI CHÚ: Quí khách có thể đến lựa các loại gạo Thái, Mỹ, Việt, Ấn tại 7 chợ trong hệ thống Siêu Thị Á Đông (Á Đông, Đà Lạt, Saigon Super Market, Mom, Green Farm Fountain Valley, Green Farm Gardena, Green Farm El Monte). Nhớ hỏi nhân viên các loại đang on sales với giá rẻ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.