Chỉ còn không đầy hai tuần nữa là đến ngày bầu cử năm nay, ngày 5 tháng 11. Vì
năm nay không có bầu cử Tổng-thống nên người ta gọi là "bầu cử giữa nhiệm-kỳ"
("mid-term elections"). Bầu cử giữa nhiệm-kỳ thì thường người đi bầu
không đông nhưng đây lại là một điều có lợi cho những ai hay đảng nào chịu khó
vận-động người đi bầu. Có nghĩa là tổng-số người đi bầu có thể không quá 30-40
phần trăm cử-tri (= tổng-số người có thẻ đi bầu) nhưng ai mạnh vận-động vẫn có
thể thắng, chỉ cần quá nửa của số 30-40 phần trăm đó thôi.
Đó là lý-do một số ứng-viên người thiểu-số (Da Đen, Latino, Da Vàng, Da Đỏ...)
thích chọn một mùa bầu cử giữa nhiệm-kỳ để ra thử vận. Đó có lẽ cũng là lý-do ở
miển Đông năm nay, chúng ta có một ứng-viên VN (đầu tiên) ra thử vận ở Đơn-vị
67 (khu Chantilly, Virginia, gần phi-trường Dulles) để tìm cách vào một ghế
Dân-biểu Tiểu-bang (Delegate) ở Virginia. Đó là anh Nguyễn Quốc Hùng, một bộ mặt
khá quen thuộc trong Cộng-đồng Người Mỹ gốc Việt vùng Thủ-đô.
Nguyễn Quốc Hùng là ai?
Muốn ra ứng cử vào một chức-vụ dân-cử (= public office) thì ta không thể là một
người vô danh tiểu tốt được. Ít nhất ta cũng phải có cái mà người Mỹ gọi là
"name recognition," có nghĩa là người ta nghe thấy tên mình, người ta
nhận ra ngay mình là ai. Vậy Nguyễn Quốc Hùng là ai?
Đối với những người sinh-hoạt nhiều trong cộng-đồng thì Nguyễn Quốc Hùng không
phải là ai xa lạ. Ngay từ khi mới hơn 30 một chút, anh đã dám ra ứng-cử vào chức
Chủ-tịch Ban Chấp hành Nghị-hội (Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ, tức NCVA, tắt
cho National Congress of Vietnamese Americans, sáng-lập vào năm 1986) và anh đã
thắng. Anh ở trong chức-vụ này hai nhiệm-kỳ, từ 2003 đến 2007, và trong thời-gian
anh đảm trách trách-nhiệm này, anh đã rất sốt sắng biến Nghị-hội thành một tổ-chức
được nhiều người biết đến, kể cả (và đặc-biệt) trong xã-hội chính-mạch.
Anh làm lại cái website của Nghị-hội thành một trang nhà phong phú nên được rất
nhiều người vào xem và tìm hiểu. Thời-gian đó, nếu ta lên Google đánh
"Vietnamese Americans" là lập-tức website của Nghị-hội nhảy ra liền,
và trong đó có nhiều tin tức đáng xem về người Mỹ gốc Việt.
Trong cùng thời-gian, anh cũng vận-động được nhiều nguồn tài-trợ cho Nghị-hội,
kể cả một ngân-khoản $225 nghìn của Freddy Mac nhân vụ bão Katrina (2004). Với
ngân-khoản này, Nghị-hội sau đó đã chia cho Boat People S.O.S. $100 nghìn và
NAVASA một ngân-khoản tương-đương, chỉ giữ lại cho mình có $25 nghìn để ra một
tài-liệu về nhu-cầu xây lại nhà cửa cho bà con bị bão phá hủy tàu và nhà. Cũng
nhân cơ-hội này, Nghị-hội đã được mời lên Quốc-hội trong một cuộc điều trần đặc-biệt
về tình-hình hậu-quả của bão Katrina, làm cho nhiều hội-đoàn người Mỹ gốc
Á-châu khác "xanh vì ganh tức" ("green with envy") bởi họ
có mặt lâu năm hơn Nghị-hội nhiều nhưng vẫn không bao giờ có được một buổi điều
trần dành riêng cho họ.
Nguyễn Quốc Hùng và các viên chức.
Đẩy mạnh VAYLC
Tuy Nghị-hội đã tổ-chức các khóa huấn luyện tuổi trẻ (dưới tên VAYLC hàng năm,
tắt cho Vietnamese American Youth Leadership Conference) từ năm 1999 với các
anh Bùi Vũ Đức, Võ Thành Nhân, song đến khi Nguyễn Quốc Hùng vào nắm Nghị-hội
thì anh đặc-biệt chú tâm đẩy mạnh sinh-hoạt này của Nghị-hội, biến VAYLC thành
một sinh-hoạt rất đặc-trưng của Nghị-hội. Đến nay, các khóa huấn luyện VAYLC của
Nghị-hội đã đào tạo được trên 300 anh chị em thanh-niên thanh-nữ về các cộng-đồng
của mình tham-gia vào các việc thiện-nguyện, các việc cộng-đồng, các việc
công-ích. Đó là một đóng góp lớn của Nghị-hội (và VAYLC) vào việc nâng cao
trình-độ, củng cố sức mạnh cộng-đồng của người Mỹ gốc Việt.
Trong thời-gian anh làm việc với Nghị-hội và ngay cả sau khi anh rời Nghị-hội,
anh Nguyễn Quốc Hùng còn cộng-tác với VATV của anh Võ Thành Nhân và sau này,
SBTN Washington để đưa lên chương-trình "APAs on the Hill" ("Người
Mỹ gốc Á-châu Thái-bình-dương trên Quốc-hội") phỏng vấn các dân-biểu, nghị-sĩ
gốc Á trên Quốc-hội hoặc tường-trình về các cuộc điều trần liên-hệ đến người Mỹ
gốc Việt, gốc AC-TBD. Nhờ vậy, không những anh mang đến cho chúng ta những tin
tức liên-quan đến cuộc sống của chúng ta, anh cũng qua đó mà được người ta nhận
biết dễ dàng khi giờ đây anh ra tranh cử để vào nghị-trường Virginia.
Trẻ trung, tin tưởng và có phương-pháp
Nếu anh thắng cử lần này, Nguyễn Quốc Hùng sẽ là người Mỹ gốc Việt đầu tiên
trên cả miền Đông được vào một Quốc-hội Tiểu-bang, nghĩa là anh sẽ làm lịch-sử.
Bởi đó mà không ít người trong cộng-đồng ủng-hộ cuộc tranh cử của anh. Ta cứ
theo dõi các cuộc phỏng vấn của anh trên VATV hay/và SBTN Washington thì cũng
thấy anh thu hút được khá nhiều sự chú ý của cộng-đồng chúng ta.
Song tranh được lá phiếu của người Việt chúng ta không thì không đủ. Do vậy mà
Nguyễn Quốc Hùng đã tìm cách tranh thủ lá phiếu của nhiều nhóm dân-tộc khác,
trong một tinh-thần mà người Mỹ gọi là "all inclusive." Ngay từ trước
khi về làm việc với Nghị-hội, anh đã có chân trong tổ-chức NAACP (tức tổ-chức
toàn-quốc lớn nhất của người Da Đen ở xứ này) ngay từ khi anh còn ở Cali.
Về miền Đông, anh lập gia-đình với một người Đại-Hàn nên anh cũng quen không ít
người trong cộng-đồng người Mỹ gốc Đại-Hàn. Rồi ta cứ xem cách anh đi vận-động,
ta thấy anh cố gắng rất nhiều để bắt tay với các cộng-đồng khác nữa, như cộng-đồng
Ấn-độ, cộng-đồng Trung-hoa v.v.
Để thấy anh làm việc có quy-củ, có phương-pháp, ta chỉ cần duyệt lại những nỗ lực
của anh từ ngày anh quyết-định ra tranh cử thì rõ. Trước hết, anh định nghĩa
cái "platform" tức lập-trường tranh cử của anh, đặt nặng vấn-đề
giáo-dục con em, vấn-đề giải-tỏa các bế tắc giao-thông, và giúp các tiểu-thương
phát triển. Anh cũng thuê ngay một người Mỹ trắng làm phụ-tá cho anh.
Sau đó là ngày "kick off" tức là ngày bắt đầu vận-động vào Chủ-nhật
11 tháng 8 ở chính nhà anh (cũng là ngày kỷ-niệm 10 năm anh chị lấy nhau), từ 3
đến 5 giờ chiều.
Sau khi vận-động để lấy được sự ủng-hộ của các vị dân-cử thuộc Đảng Dân-chủ ở địa-phương
(Dân-biểu Gerry Connolly, bà Chủ-tịch Quận Fairfax Sharon Bulova, v.v.), anh có
một bữa cơm trưa ra mắt cộng-đồng (Việt) ở Little Saigon Restaurant ngày 13/9.
Tại đây, anh lấy được sự yểm-trợ của hai chủ-tịch Cộng-đồng, chủ-tịch tiền-nhiệm
(Đỗ Hồng Anh) và đương-kim chủ-tịch (Đoàn Hữu Định) cùng nhiều người khác. Ngay
một người thuộc Đảng Cộng-hòa cũng lên tiếng ủng-hộ anh vì, theo ông Nghị-hội
khuyến khích chúng ta tham-gia cả hai đảng để có tiếng nói ở xứ này.
Ngay sau bữa cơm trưa đó, anh Hùng sang dự lễ Tết Trung-thu của Hướng-đạo ở
Thomas Jefferson Community Center.
Hôm 17/9, anh gửi điện-thư đi cho biết về mặt tài-chánh, anh chỉ thua người đối-thủ
có $7,000 tức là không xa bao nhiêu.
Hôm 18/9, anh cho biết anh đã đến ăn sáng với nhóm Dân-chủ ở khu-vực phi-trường
Dulles. Rồi tham-gia một diễn-đàn ứng-cử-viên mang tên Dulles South Alliance để
được nghe quan-điểm của cả hai đảng, cũng như anh đã cho báo Korea Times phỏng
vấn. Cuối tuần 20 đến 22/9, anh chia xẻ một bàn quảng-cáo với Dân-biểu Tiểu-bang
Mark Keam, một người Đại-Hàn sinh ở Sài-gòn và hiện cũng ở trong Quốc-hội
Virginia.
Thứ Bảy, 21/9, anh cũng có mặt ở Tết Trung-thu ở Eden và Chủ-nhật, 22/9, anh đi
cùng với một số tình-nguyện-viên đi gõ cửa 500 nhà tự giới-thiệu. Mấy hôm sau,
ngày 27/9, cũng lại đi gõ cửa 500 nhà khác.
Thứ Tư, 2/10, những tình-nguyện-viên của anh làm "phone bank" để đi gọi
mọi người đi bầu (cho Hung Nguyen4Delegate) hôm 5/11 tới đây. Cùng lúc, anh
cũng xuất hiện với ứng-viên Thống-đốc thuộc Đảng Dân-chủ, ông Terry McAuliffe.
Ngày 15/10, anh gởi điện-thư đi kêu gọi ủng-hộ tài-chánh vì anh cần $32,000 để
đủ chi-phí cho đến ngày bầu cử. Và đến ngày 17/10, anh nhắc nhở mọi người là có
thể đi bầu sớm ("early voting") để nhỡ hôm 5/11 vướng bận chuyện gì
thì vẫn đã bầu rồi.
Rõ ràng Nguyễn Quốc Hùng tin tưởng ở việc làm của mình cũng như khả-năng kiếm
phiếu, không chỉ trong cộng-đồng nhỏ hẹp của người Mỹ gốc Việt mà còn trong cả
cộng-đồng lớn hơn ở ngoài kia nữa. Vận-động một cách tích-cực, hăng say, tin tưởng
và khoa-học như anh, Nguyễn Quốc Hùng chắc hẳn sẽ có "a good shot at
it" như người Mỹ thường mô-tả những người có cơ may thành tựu.