Hôm nay,  

Duyên Lành Từ Kiếp Trước: Từ Vn, Qua Mỹ, Tới Ấn Độ (bài 4)

23/01/200300:00:00(Xem: 5742)
PHOTO: Đức Đạt Lai Lạt Ma (trái) ký tên lưu niệm lên một trang bìa nhật báo Việt Báo, và Tenzin Dorjee. (Photo Lê Phúc)

Đó là những cơ duyên mà gia đình đã gieo nhân lành từ lâu, theo lời chị Huyền, mẹ của cậu lạt ma trẻ được chọn qua tu học nơi một trong các tu viện nghiêm khắc nhất của Phật Giáo Tây Tạng, và là tu viện cao cấp nhất của dòng mũ vàng (Hoàng Mạo, Gelugpa), dòng tu của 14 đời Đạt Lai Lạt Ma.
Chị Huyền nói, chị mang ơn quý Thầy từng giảng dạy cho chị thời còn thơ ấu, và những kỷ niệm vẫn còn sinh động không thể quên được.
Chị nói về ngôi chùa Từ Quang (của Hòa Thượng Tâm Châu) mà các khóa tụng kinh Pháp Hoa chị thường theo tụng hàng ngày, trong đó chị giữ nhiệm vụ thỉnh chuông Đại Hồng Chung. Và thầy Nhật Quang, vị bổn sư đã viên tịch của chị, luôn luôn yêu cầu tứ chúng nhường chỗ ngồi sau Đại Hồng Chung cho chị, vì thế nào chị cũng tới tụng kinh dù có trễ, trong thời chị đang bận rộn với giờ giấc sinh viên nhưng không chịu bỏ thời khóa tu trì ở Từ Quang Tự.
Cũng chính Thầy Nhật Quang đã ban cho chị pháp danh Diệu Đế (Chân Lý Cao Cả), và ban cho Thầy Don pháp danh Tịnh Quang.
Cho tới bây giờ, sau nhiều năm rời nước, chị vẫn nghe bên tai tiếng chuông đại hồng bất cứ khi nào nghĩ về Thầy hay về ngôi chùa Từ Quang. Chị tin chính pháp danh Tịnh Quang ban cho Thầy Don cũng là một tiền định: sau này, Thầy Don được ban pháp danh là Kusho Konchog Osel, cũng một nghĩa tương tự.
Mà vị thầy dạy kèm riêng cho Thầy Don lại là người được xem cao nhất trong truyền thống tu học của dòng Gelugpa: vị thầy Lati Rinpoche, người đã giữ chức Viện Trưởng Gaden Shartse trong 8 năm, rồi sau đó nhận lệnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma để nhận nhiệm vụ dạy kèm cho các vị tái sinh -- và Thầy Don là hậu thân của vị thầy nào mà được chọn đặc biệt vào nhóm học trò của Lati Rinpoche, và được Đức Đạt Lai Lạt Ma và Geshela rất mực quý mến" Có lẽ, những việc này sẽ được bạch hóa sau khi Thầy Don ra trường, nghĩa là còn lâu lắm. Và nếu đó là trường hợp mà các vị thầy thấy cần thiết.
Giáo Sư Tenzin Dorjee giải thích rằng, “Kusho” có nghĩa là vị sư cao quý, tức “Cao Tăng”; “Konchog” có nghĩa là hiếm hoi và quý giá, như trong nhóm chữ “Konchog Sum” nghĩa là Tam Bảo, Phật Pháp Tăng. Còn “Osel” nghĩa là Tịnh Quang (Clear Light).
Tóm lại, pháp danh của Thầy Don có nghĩa là Cao Tăng Bảo Tịnh Quang.
Một ngày tu của Thầy Don ra sao"
Theo tờ Register, đời sống tại tu viện Gaden Shartse rất mực nghiêm khắc: Tiếng chiêng đánh thức dậy lúc 5 giờ sáng, các sư nối hàng vào chùa tụng kinh, dùng điểm tâm lúc 7 giờ sáng với loại thực phẩm đều đặn tới buồn nản, rồi các sư vào lớp học ngôn ngữ, tranh luận và lý luận cho tới 12:30 giờ trưa, rồi thì dùng bữa trưa. Buổi chiều là các lớp dạy kèm riêng, do các vị đạo sư và giảng sư thực hiện cho các nhóm học tăng; rồi bữa ăn tối nhẹ với cơm và súp lúc 6 giờ chiều; rồi các sư lại vào các lớp học Kinh Phật và lớp tranh luận, đôi khi kéo dài tới nửa đêm.
Đó là lịch tu học mà gia đình chị Huyền anh Hỷ đã chứng kiến khi cả nhà cùng tới thăm Thầy Don. Và Thầy Don nơi đây -- trong tu viện Gaden -- thì kể như cũng tương đương với quy chế quản thúc tại gia (house arrest), đó chính xác là chữ mà các vị sư lớn hơn đã nói với Thầy Don, khi nhậm nhiệm vụ coi sóc Thầy Don.


Tuy nhiên, khi các vị thầy của Thầy Don cảm thấy rằng sau vài năm sống nghiêm ngặt ở tu viện Gaden thì đã đủ, và nên tìm nơi học thích nghi hơn cho cậu bé lạt ma người Mỹ gốc Việt này. Đó là 1ý do Thầy Don được chuyển về Học Viện Lý Luận Phật Giáo IBD (Institute of Buddhist Dialectics) -- ngôi trường này thành lập theo lệnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nơi nhiều vị sư trẻ học triết học Phật Giáo, nhưng cũng có nhiều học viên là cư sĩ đời thường. Chương trình học có cả Triết Học Tây Phương, Khoa Học Chính Trị, Văn Học Tây Tạng, và Thi Ca. Trường có cả 1 phòng hướng dẫn điện toán tin học. Sau 2 năm trong tu viện Gaden, Thầy Don về IBD để sẽ học vài năm -- nơi này chỉ cách 10 dặm phía Nam Little Lhasa, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ lưu vong sống và hoạt động.
Ngôi trường này chỉ có 300 sinh viên, và Thầy Don là người trẻ nhất. Trong trường, Thầy Don cũng có vài người bạn, trong đó có 3 vị sư ngoại quốc. Jangchup Puntsok, nhà sư người Israel, nguyên là một nhân viên y tế nổi máu giang hồ bèn làm Tây Ba Lô đi bụi đời ở Nepal thì khám phá ra Phật Giáo và khái niệm về Tánh Không. Lobsang Dawa từng là 1 sinh viên hội họa ở Mexico City, khi cùng mẹ và anh đi Ấn Độ nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp về từ bi. Thoupten “Jacky” Jinpa là 1 kỹ sư ở New York phải nuôi gia đình ở Hawaii thì 1 người bạn lôi đi nghe 1 vị lạt ma thuyết pháp. Jacky kể, y hệt như cú sét ái tình, yêu ngay lần đầu gặp mặt, thế là mọi chuyện thay đổi và anh không thể sống lại như đời thường.
Đời sống ở học viện IBD đỡ nghiêm ngặt hơn so với tu viện Gaden.
Chuông reo buổi sáng lúc 6 giờ sáng. Sau buổi ăn trưa là 1 tiếng đồng hồ tự do, thế nên có thể ngủ thêm 1 giấc trưa. Sau buổi học chiều, có thêm 90 phút tự do, trong đó vài sư rủ nhau đi chơi bóng rổ ở sân ngoài học viện. Buổi ăn tối thì tùy ý, hoặc ăn trong nhà ăn, hoặc ra vườn ngồi ăn với bạn hữu, nhưng Thầy Don ưa mang bữa ăn về phòng và ngồi thọ thực riêng. Buổi tụng kinh chiều lúc 7 giờ tối, sau đó là giờ tranh luận kéo dài tới 9:30 giờ đêm. Thầy Don phải về phòng lúc 10 giờ đêm, nhưng khi vào phòng có quyền ngủ trễ.
Quý Thầy ở IBD nghĩ gì về Thầy Don"
Hiệu Trưởng Học Viện IBD là ngài Pema Dorjee tin rằng Thầy Don được tiền định để qua Ấn Độ tu học, “Đây phải là có duyên lành từ kiếp trước. Tôi tin rằng Kusho có nghiệp rất lành, nghiệp này đẩy Kusho qua Ấn Độ để làm sư, rồi lại học triết học Phật Giaó tới chỗ thâm sâu. Kusho quá trẻ, có một gia đình rất tốt, và có nhiều thân nhân, nhưng Kusho thực sự muốn tu học Phật Học. Đúng vậy, Kusho thực sự muốn. Chính Kusho đã quyết định.”
Ghi chú thêm về pháp danh của vài vị trong bài:
-- Đức Đạt Lai Lạt Ma có tên thật là Tenzin Gyatso -- dịch là Trí Hải -- Gyatso là Biển, Tenzin là Gìn Giữ Chánh Pháp, tức là Trí Tuệ. Anh dịch là Ocean of Wisdom, Biển Trí Tuệ.
-- Geshe Tsultim Gyeltsen. Geshe là Tiến Sĩ Phật Học. Tsultim là Đạo Đức, Gyeltsen là lá cờ chiến thắng.
-- Tenzin Dorjee (Kim Cương Trí). Dorjee là Kim Cương.
(HẾT)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.