Hôm nay,  

Nhà Thơ Phan Xuân Sinh Ra Mắt Thi Phẩm Tát Cạn Đời Sông

24/04/201300:00:00(Xem: 6237)
Westminster (Bình Sa)- - Vào lúc 01 chiều Chủ Nhật 21 tháng 4 năm 2013 tại VIỆN VIỆT HỌC số 15355 Brookhurst St., Suite # 222 Thành Phố Westminster, CA 92683, nhà thơ Phan Xuân Sinh đến từ TX đã thành công trong buổi ra mắt tác phẩm TÁT CẠN ĐỜI SÔNG, là thi phẩm Thứ 6 của ông.

Buổi ra mắt Thi Phẩm "TÁT CẠN ĐỜI SÔNG" do Nhà Thơ Thành Tôn, Nhà Thơ Trần Yên Hòa và một nhóm Văn Nghệ Sĩ Quảng Nam tổ chức với sự tham dự đông đão giới Vặn Thi hữu, Họa Sĩ, thân hữu, một số các chiến hữu đã một thời vào sanh ra tử với Phan Xuân Sinh, đa số là đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng cư ngụ tại Little Sài Gòn, Nam California, đến từ S. Carolina có Nhà Thơ Trần Phù Thế, đến từ Houston TX có Nhà thơ, nhà báo Ngu Yên, Nhà Thơ Ngu Yên cũng là người MC điều hợp chương trình buổi ra mắt thi phẩm Tát Cạn Đời Sông, là một MC sống động duyên dáng đã làm cho những người tham dự say sưa theo dỏi những bài nhận định về Nhà thơ Phan Xuân Sinh.

Sau phần nghi thức chào cờ do Nhà Thơ Trần Yên Hòa phụ trách, tiếp theo ông giới thiệu thành phần tham dự sau đó Nhà Thơ Ngu Yên lên điều hợp chương trình.

Mở đầu Nhà Báo, Nhà Văn Phạm Phú Minh đã nhận định về Thơ Phan Xuân Sinh với tính cách đồng hương Quảng Nam, một bài nhận định khá dai với những chi tiết thật xúc động trong đó có đoạn ông nói : Thưa quý vị, những sức mạnh như thế hiện diện khá nhiều trong thơ Phan Xuân Sinh. Khi viết về những gì thân thiết với quê hương Quảng Nam thì trong thơ của ông lại lộ ra những cách nói của quê mình. Tôi cho đó là những giây phút tác giả sống thật nhất với bản chất của mình, nên như từ vô thức, những ngôn ngữ mà khi đi khỏi quê hương có thể tác giả ít khi dùng tới, thì khi viết những bài thơ này cách nói xưa lại xuất hiện một cách rất tự nhiên, không cần có sự trau chuốt như khi viết về những đề tài khác. Tôi rất cảm động khi đọc bài Đi Thăm Mộ Má trong tập thơ này. Ngay đoạn mở đầu tác giả đã khiến ta sững sờ vì một trùng hợp lạ lùng:

Chiều nay con vào thăm mộ má, Cẩm Hải -nghe tên- lạnh cả người,

Nơi đây xưa chiến trường sôi sục, Nơi đây con gửi lại một bàn chân.

Cẩm Hải, mảnh đất quê, nơi chôn giấu hai phần thân thiết nhất đời mình: bà mẹ và một phần thân thể của mình, vốn trước kia do bà mẹ sinh ra. Tác giả đã viết ra những lời tâm sự với mẹ, lời lẽ thân thiết và mộc mạc:

Chưa biết nói má bỏ con đi mất, đời quay tròn như một trái banh, con ngụp lặn giữa vũng sình lầy lội, cố ngoi lên tìm hơi thở trong lành. Họ đá con lăn cù, rơi vào hố thẳm, tát vào đời con xây xẩm mặt mày, dạy cho con cắn răng chịu đựng, tình người như trông tựa khói mây...

Tôi có cảm tưởng như nghe lời một đứa trẻ chạy về "mét má" những điều đụng độ với tụi bạn lối xóm, khiến con quay tròn như một trái banh, hoặc họ đá con lăn cù, hay là con bị người ta tát cho xây xẩm mặt mày nhưng vẫn cắn răng chịu đựng...
phan_xuan_sinh_dsc_0395
Từ trái, Nhà Thơ Phan Xuân Sinh, Nhà Thơ Thành Tôn, và một độc giả chờ nhận sách.
Và cảm động nhất là những lời lẽ cuối:

Thôi giữ dùm con bàn chân phải, để nó nằm yên với má trong tay, như ngày xưa má từng ôm con vậy, bây giờ con đã cao chạy xa bay. Lâu lâu con lại về thăm má, cũng nơi đây chôn kín một bàn chân, nếu nhớ con, má ôm vào lòng ấp ủ, má cứ vuốt ve vì nó chính là tình thân.

Tác giả đã nhìn ra một giải pháp tuyệt vời để giải quyết những bất hạnh của đời mình, là mẹ mất sớm, và vừa mới ra chạm mặt với đời đã bị mất một bàn chân ngay trên vùng đất mẹ mình an nghỉ. Người con đã nhờ mẹ giữ lại bàn chân ấy như một dấu tích của chính mình. Một giải pháp vô cùng nhân hậu sẽ làm vơi đi nỗi khổ cho thế giới bên này lẫn thế giới bên kia."

Tiếp theo Nhà Văn Đỗ Xuân Trúc nói về Thơ Phan Xuân Sinh, một bài khá dài nhưng trong đó có đoạn ông nói: "Bước vào thế giới Thi Ca trong tuổi trẻ, Phan Xuân Sinh mang trọn vẹn các hệ lụy của kiếp thi nhân Trà, Rượu, Tình Yêu. Có lẽ Trà không quan trọng lắm nhưng Rượu và Tình Yêu như hai dưỡng chất làm đam mê gây hứng cho hồn thơ chợt đến. Rượu và bạn bè: Chất men đưa người làm thơ vào miền mộng ảo, quên thực tại ngoài đời, để ru hồn thơ bay vào không gian huyền ảo. Trong hơi men, người thơ Phan Xuân Sinh chuyện trò cùng Ngũ Tử Tư, cùng Tào Tháo, cùng Ức Trai Nguyễn Trải: Ta cũng bạc đầu sao chẳng ra chi, Ngài bạc đầu làm nên nghiệp lớn. Thay dạng đổi hình như chuyện giỡn. Mà danh ngài lưu mãi ngàn năm...

Với Phan Xuân Sinh, rượu như hơi thở. Còn sống, còn rượu, còn thở, còn thơ. Rượu vào Thơ ra. Qua chén rượu cùng bè bạn, anh đã viết bao nhiêu bài thơ thật hào hùng, ngông nghênh dễ thương.

Khi còn trong chiến tranh, Phan Xuân Sinh đã không ngần ngại đối ẩm cùng người lính Bắc phương.. ."

Tiếp theo Nhà Văn, Nhà Thơ Trần Yên Hòa lên nói về Thơ Phan Xuân Sinh ông cho biết : " Hôm nay tôi chọn một đề tài dễ nhất, và cũng có thể gọi là hấp dẫn nhất trong thơ Phan Xuân Sinh và nhất là trong tập Tát Cạn Đời Sông này, đó là bóng dáng nhân vật nữ, để xem coi, anh chàng làm thơ này, bóng sắc giai nhân nào đã lọt vào mắt của anh và anh dùng đó, coi như là một hình ảnh hứng khởi để đem vào thơ, và sau đó anh dùng chữ nghĩa để diễn đạt nó... Như Vũ Hoàng Chương với Tố, Tố của Hoàng ơi Tố của anh? Rồi những người làm thơ khác như Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm, Mai Đình, Nguyên Sa với Nga, v.v… đó là những người đi vào hồn thi nhân có tên có tuổi…

Còn Phan Xuân Sinh thì sao?

Vào tập, Phan Xuân Sinh ghi mấy dòng: Vẫn biết người muôn trùng cách trở, Sao mắt ta đau đáu chờ trông? Vẫn biết, ngày trôi qua nhanh quá

Ta còm lưng tát cạn đời sông.

Nhân vật nữ đầu tiên này của Phan Xuân Sinh được gọi tên là người, thay thế cho tiếng nàng cổ điển hay tiếng em bình thường được nhiều người làm thơ vẫn dùng. Người đây không viết hoa, nhưng người quả là quá quan trọng với Phan Xuân Sinh, người đã làm Phan Xuân Sinh phải đau đáu chờ trông, vì người đã bay vụt qua đời chàng, không biết lâu hay mau, nhưng thực đã muôn trùng cách trở, nên chàng thi sĩ này quay lại nhìn thời gian thì thời gian trôi qua vùn vụt, khiến chàng chỉ còn lại một mình "ta còm lưng tát cạn đời sông".
phan_xuan_sinh_dsc_0424
Từ trái, Nhà Báo, Nhà Thơ Ngu Yên giới thiệu Nhà Thơ Phan Xuân Sinh.
Một chữ còm thôi, đủ thấy chàng đau khổ đến dường nào, chữ còm có ý là còm cỏi, ốm o, gầy mòn, nhưng cũng cho ta thêm hình ảnh một người gầy mòn đó phải đi lưng còng xuống đất. Thật là quá đáng thương chỉ tại vì quá yêu người.

Và đến chữ Tát Cạn Đời Sông cũng làm cho ta suy nghĩ, Tát Cạn nếu nói theo một nghĩa bình thường là tát cạn nước trong sông, như "Đồng vợ đồng chồng tát bể đông cũng cạn" nếu hiểu theo nghĩa ví von hơn là:

"Anh yêu em, anh đợi chờ em như phải là tát cạn nước trong sông" thì cũng đã quá rồi, huống hồ gì tác giả nói Tát Cạn Đời Sông, chữ Đời cho ta thêm một ý niệm về thời gian: là dài dằng dặc, nếu nói về đời người thì có thề là 60 năm, 80 năm hay cùng lắm là một trăm năm, còn Đời Sông thì dài lâu tít tắp, có thể trăm năm, ngàn năm hay miên viễn, có con sông nào chết đâu, hoạ hoằn lắm mới có chuyện thương hải biến vi tang điền.

Tát Cạn Đời Sông, Phan Xuân Sinh lấy bốn chữ này là chủ đề cho toàn tập thơ khiến tôi rất thích, dù nó có một ý nghĩa mơ hồ nào đó nhưng đó là ngôn ngữ thơ, ai đọc lên cũng hiểu anh đang nói gì..."

Nói chung trong một buổi chiều thờn gian hạn hẹp nhưng tất cả những nguời nói về thơ Phan Xuân Sinh thì qú nhiều vấn đề để nói.

Cuối cùng Nhà Thơ Phan Xuân Sinh lên cảm ơn Ban Tổ Chức, cảm ơn bạn bè thân hữu đã dành cho anh những cảm tình nồng ấm nhất, và anh cũng hé mở cho mọi người biết khi anh quyết định lấy chị Phan Xuân Sinh bây giờ là vì chị là người đã biết tất cả và chấp nhận những hoàn cảnh để cùng anh trăm năm kkết tóc.

Như qúy vị đã biết, Phan Xuân Sinh một người làm thơ đã từng lăn lộn ngoài chiến trường, gục ngã ngoài chiến trường, và "vịn" câu thơ đứng lên giữa muôn trùng cay nghiệt. Nhưng trong thơ không đượm một chút thống hận. Một người làm thơ chỉ lấy sự thanh thảng để xoa dịu những vết thương hằn sâu trong chiến tranh. Không lấy thơ làm nấc thang của danh vọng. Buổi chiều Thơ Phan Xuân Sinh bạn bè thân hữu còn được nghe giong ngâm điêu luyện của Nghệ Sĩ Khánh Hồng (phu nhân của Nhà Thơ Trần Yên Hòa) qua tiếng sáo Ngọc Nôi, Khánh Hồng còn là một Ca Sĩ hát thật hay, ngoài Khánh Hồng còn có một vài Ca Sĩ thân hữu góp vui thật xuất sắc.

Được biết Nhà Thơ Phan Xuân Sinh đã xuất bản những tác phẩm trước đây gồm: Chén Rượu Mời Người (Thơ chung với Dư Mỹ), Đứng Dưới Trời Đổ Nát (Thơ), Bơi Trên Doòng Nước Ngược (Truyện), Khi Tình Đang Ru Đời (Thơ), Sống Với Thời Qúa Vãng (Truyện).

Qúy vị muốn có những tác phẩm của Phan Xuân Sinh xin liên lạc: Phan Xuân Sinh 12530 Hunting Brook Dr Houston, TX 77099-USA hoặc vào: www.phanxuansinhusa.com Email: pxsinh@yahoo.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.