Hôm nay,  

Bài viết về Nhạc sĩ Phạm Duy

27/01/201300:00:00(Xem: 8461)
Âm nhạc Việt Nam vừa có đại tang: Nhạc sĩ Phạm Duy từ trần tại Sàigòn trưa Chủ Nhật 27tháng Một 2013, thọ 93 tuổi. Trong lớp người đã tạo ra nền tân nhạc Việt Nam thế kỷ 20, Phạm Duy là nhạc sĩ có hơn 70 năm sống với âm nhạc và số tác phẩm lớn lao nhất.

Sinh thời, nhạc sĩ thường dành nhiều bài viết đặc biệt của ông cho báo xuân Việt Báo. Sau đây là một số bài viết về người nhạc sĩ lớn của chúng ta, trích từ Việt Báo Tết trong hai năm gần đây.

Bài I.
PHẠM DUY CÒN ĐÓ NỤ CƯỜI
92 TUỔI, 70 NĂM CA HÁT


image001a-large
Tác phẩm của Phạm Duy làm đời sống chúng ta thêm phong phú,
đến nỗi ai cũng có thể nhớ một kỷ niệm đẹp gắn liền với một hai ca khúc của ông.”


Người viết: Quỳnh Giao
Việt Báo Tết Nhâm Thìn 2012.

Vào dịp cuối năm, khi đèn đuốc Giáng Sinh lấp lánh đón mừng năm mới trong tiếng thánh ca, mà Tết Nguyên Đán năm nay lại đến khá sớm, chúng ta có cảm giác như bị thời gian xô đẩy tới chốn lạ, nơi mà cái mới cùng chen chân với cái cũ.

Cảm giác vừa bồi hồi với những gì đã qua đi và sẽ mất luôn, lại vừa háo hức với hy vọng của ngày mới khiến mình rất dễ tìm lại tuổi ấu thơ. Đấy là cái tuổi mà con trẻ phải đi ngủ sớm vì mai sẽ có tấm áo mới, nhưng vẫn luyến tiếc những nhộn nhịp của ánh đèn giao thừa và tiếng pháo đì đùng nên chưa chịu chui vào màn. Chỉ sợ là sẽ lại hụt mất một chuyện gì vui lắm!....

Tâm trạng mông lung ấy của người viết còn được "điểm xuyết" bởi một biến cố nhỏ, rất riêng tư. Duy Cường, con trai nhạc sĩ Phạm Duy, gửi thư báo tin là sẽ ra chơi vài ngày nên hẹn gặp bà chị.

Tối hôm đó, chúng tôi trở lại "Thị Trấn Giữa Đàng" là Midway City, tìm đến con đường cũ và ngôi nhà xưa của Phạm Duy, có liếp mắt cáo sơn trắng. Gia đình vẫn giữ ngôi nhà ấm cúng ấy. Trên xe đến đón Duy Cường, Quỳnh Giao nhớ lại Chú Duy và Cô Hằng, bỗng dưng lâm râm hát lại "Kỷ Niệm" ông viết cách đây 55 năm. Năm đó, ông đưa ngay cho con bé hát và ca khúc trở thành một phần khó phai của đời sống người viết.

Trong bữa ăn tối hôm đó, thực đơn chỉ có một món Phạm Duy! Tôm hùm cá hấp gì cũng không bằng "ngàn lời ca" và những câu chuyện về sức khoẻ và cách sống của ông ở nơi chốn ấy.

Phạm Duy sinh năm Dậu, cùng tuổi với thân mẫu của người viết nhưng sinh sau hai tháng và từ bé Quỳnh Giao đã gọi bằng chú. Khi hát trong ban "Hoa Xuân" của ông thì mình có cái thế như "con cháu trong nhà", lại được ông quý vì yêu nhạc, thích lời.

Phạm Duy quý mến tất cả những ai hát nhạc của ông, dù đôi khi hát chưa tới, hoặc sai lời. Ông dung dị hơn người bạn và cũng là một nghệ sĩ sáng tác xuất chúng là Vũ Thành. Dung dị mà đáo để. Trong ca khúc phổ thơ Thế Lữ là "Tiếng Sáo Thiên Thai", có người hát sai lời "hai con hạc trắng bay về Bồng Lai" thành... "bay về Đồng Nai". Đây là Phạm Duy trong tiếng cười: "Cũng được! Như vậy cho nó gần!..." Đúng là khẩu khí Phạm Duy.

Khi Quỳnh Giao thực hiện những đĩa nhạc có ca khúc Phạm Duy do Duy Cường soạn hòa âm – nhanh thật, mới đó đã gần hai chục năm – ông thường vào tận phòng ghi âm ngả lưng trên thảm thưởng thức phần thu thanh. Duy Cường cau mặt, cho bố nghe nhưng cấm bình đấy!

Có lần ông còn gật gù cho người viết này được sửa một chữ trong bài "Đường Chiều Lá Rụng". Thế mới ghê!...

Trong thế kỷ 20 của chúng ta, giữa quá nhiều tai ương thì Việt Nam vẫn có được một món quà nghệ thuật là "tân nhạc cải cách" xuất hiện hơn 70 năm về trước, khiến cho từ đấy đa số dân ta không hát như xưa nữa. Trong kho tàng tân nhạc đó, chúng ta có những tác phẩm của Phạm Duy, cả ngàn tác phẩm. Vị trí của ông, khó ai thay thế được.

Ông không chỉ là người may mắn sống rất thọ và viết rất sớm - từ đúng 70 năm trước vào năm 1942. Ông còn là người sống rất nhiều, tích tụ đủ loại sóng gió trong đời rồi biến thành nhạc.

Do những kỷ niệm thân thiết từ thuở ấu thơ đến mãi về sau, riêng Quỳnh Giao lại nhớ đến vài chi tiết đặc biệt về người nghệ sĩ siêu hạng này.

Phạm Duy là người có biệt tài ăn nói.

Ông có thể ứng khẩu trình bày hàng giờ về nhạc, đôi khi bằng tiếng Pháp rất chuẩn, với sự lôi cuốn vì mở ra cho người nghe những chân trời mới về âm nhạc và đời sống. Trong sự hùng biện ấy, ông còn có tài... chọc giận khiến nhiều người không hiểu có thể nổi điên mà mắc mưu.

Quỳnh Giao nhớ đến lối "đánh đuổi chầu rìa" quanh một bàn mạt chược: người trong cuộc không ưa kẻ đứng ngoài cứ bàn vào nước bài nên cố tình đánh ngược cho người đó phát bực mà đi chỗ khác! Quý vị nào mà bực và giận thì sẽ... hai lần khổ. Vì mình thì mất vui và ông lại bất cần!

Nổi tiếng về cách ăn nói hay nếp sống rất lạ, Phạm Duy thật ra lại là người rất ngăn nắp và chu đáo!

Ông thú thực không biết uống cà phê, ghét rượu và chẳng thích cờ bạc. Mọi tội ông chỉ có nòi tình, nhưng cũng thú thực là chưa tán ai cả, chỉ có người tán mình mà thôi! Người duy nhất ông tán tỉnh là bà vợ: Thái Hằng. Không chỉ tán bằng lời duyên dáng có thừa, ông thủ vai "Chú Cuội" để tán tụng bằng nhạc. Câu “Ta yêu cô Hằng, năm xưa xuống trần”… là để thổ lộ với một nàng có thật. Ông nghịch ngợm với chuyện thiêng liêng nhất của con tim!

Ngày xưa, nhiều lần từ California qua miền Đông chơi, Phạm Duy thức dậy rất sớm, điểm tâm đầy đủ dù chỉ uống trà chứ không uống cà phê. Rồi lấy ngay bản đồ gấp sẵn trong túi áo, xem trước những nơi chốn sẽ phải tới. Ông chỉ nhờ chủ nhà đưa ra bến xe điện ngầm, hẹn giờ sẽ về tới địa điểm khởi hành. Ông khoác áo ra đi và trở về đúng giờ giấc mà không muốn làm phiền một ai.

Quỳnh Giao thấy bốn người có lối sống trái ngược với tác phẩm của mình. Võ Phiến viết văn sắc xảo mà sống hiền hòa nhũn nhặn. Nguyên Sa tài hoa với thơ nhưng là thương gia có hạng. Mai Thảo ăn nói bạt mạng mà lại ân cần với văn chương và từng độc giả.

Phạm Duy là trường hợp thứ tư. Ông không hành xử như một nghệ sĩ xuất chúng và chờ đợi nhân gian phải cung phụng, chiều chuộng. Ông rất... văn minh trong cách cư xử đó.

Là nhạc sĩ sáng tác không có nguồn sống nào khác ngoài nhạc, Phạm Duy sòng phẳng với mọi người, dù đã biết và đã viết... "dăm eo sèo nhân the / Chưa phai lòng say mê. "Đôi ba lần gian dối, Đời vẫn ban cho ngọt bùi" là một cách nói của ông, nhưng Quỳnh Giao khó quên được vài kỷ niệm hơi đắng.

Trong một buổi ra mắt tại Houston để phổ biến đĩa nhạc "Minh Họa Kiều" của ông, Quỳnh Giao áy náy vì thấy số bán quá ít. Đây là Phạm Duy: "Cháu ơi, có người mua ngần ấy là mừng rồi! Lần trước, chú lễ mễ từ Cali qua miền... (xin miễn nói tên) mà đem về gần hết!"

Giờ này nhớ lại thì vẫn ứa nước mắt, nhưng bỗng thấy yêu đời hơn vì chữ "ngọt bùi". Và càng hiểu vì sao "gã Duy già của chúng ta" - như ông đã xưng từ bốn chục năm trước - có những phút nổi loạn, mà cũng có lúc như an phận. Ông giữ riêng mối thâm giao với nghệ thuật và cười với sóng gió.

Tác phẩm của Phạm Duy làm đời sống chúng ta thêm phong phú, đến nỗi ai cũng có thể nhớ một kỷ niệm đẹp gắn liền với một hai ca khúc của ông. Nhưng mấy ai đã đáp lại cho tương xứng?

Rất riêng tư thì Quỳnh Giao cầm bút lần đầu là để viết cho tờ Văn Học một đoản văn mừng sinh nhật thứ 66 của Phạm Duy, cách nay 25 năm rồi. Từ đó đã viết thêm cả chục bài về lời và nhạc của ông trong một số tác phẩm mình yêu thích nhất. So với những gì ông đã cống hiến cho người nghe và người hát thì thật chưa đầy vốc tay.

Được tin ông vẫn vui sống dù sức khoẻ không còn như xưa, Quỳnh Giao kính chúc ông "sống lâu trăm tuổi" nhưng biết rằng ông đã sống hơn trăm tuổi cho âm nhạc. Và di sản của ông sẽ tồn tại rất lâu trong tâm khảm của chúng ta.

Mừng năm mới, xin quý vị hãy lẩm nhẩm nhớ lại ngàn lời ca của Phạm Duy, từ dân ca đến tình ca, từ chiến trường ca đến đạo ca, tâm ca, hãy đi lại "Con Đường Cái Quan" trong trí nhớ, hãy để ý đến hình tượng của Mẹ trong ca khúc Phạm Duy và những khúc xuân ca của ông, chúng ta sẽ thấy rằng đời sống của mình có thêm ý nghĩa.

Đấy là món quà xuân bất tận của Phạm Duy. Mong rằng đấy cũng là niềm vui bất tận cho người nghệ sĩ thật ra vẫn trẻ mãi không già.

Quỳnh Giao
Việt Báo Tết Nhâm Thìn 2012.

* * *
Bài II.
Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Saigon tổ chức Mừng Thọ Nhạc Sĩ Phạm Duy


james_phamduy5-e1319651463463-large-content
“Ông tiếp tục rót vào không gian và trái tim chúng ta dòng nhạc tuyệt vời.”
James Durst viết về Phạm Duy. Saigon 5-10- 2011.


Hình ảnh trích từ trang web của James Durst, người nhạc sĩ lừng danh của nhạc đồng quê Mỹ, kể lại chuyện lần đầu tiên ông bay từ Hoa Kỳ sang Việt Nam chỉ để mừng sinh nhật thứ 91 của nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh mới do Phong Quang chụp ngày 5 tháng Mười 2011. Ảnh cũ từ mùa xuân 1974, khi James Durst cùng Phạm Duy đi hát khắp miền Nam Việt Nam. Bài đăng trong báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn 2012, do Trần Dạ Từ trích lược và ghi chú.

Chiều tối ngày 5 tháng Mười 2011, sinh nhật thứ 91 của nhạc sĩ Phạm Duy đã được tổ chức tại tư gia ông Lê Thành Ân, Tổng lãnh sự Mỹ ở Saigon, với sự tham dự của gia đình Phạm Duy và thân hữu Việt Mỹ. Để mừng thọ người bạn nhạc sĩ, James Durst lại cầm đàn hát dân ca “Qua Cầu Gió Bay” và ca khúc Phạm Duy do chính chàng chuyển sang Anh ngữ: “Little Child, catch a cricket. (Chú bé, chộp con dế.) Tiếp theo, nhiều ca khúc Phạm Duy cũng được hát bởi Duy Quang, Tuấn Ngọc, Thái Thảo, Đức Tuấn... Vị Tổng lãnh sự Mỹ gốc Việt nói “Buổi chúc thọ Phạm Duy góp phần tốt đẹp trong bang giao Việt Mỹ, vì sự giao tiếp văn hoá là quan trọng, có thể là phần quan trọng nhất, trong quan hệ giữa hai nước.” Trên trang web của ông, nhạc sĩ James Durst viết như sau:

“Sau 37 năm, vào tháng Mười 2011, tôi đã trở lại Việt Nam --chuyến đi rất ngắn-- để vinh danh ông bạn Phạm Duy của tôi, nhân dịp mừng sinh nhật thứ 91 của ông. Mặc dù Phạm Duy sinh ngày 21 tháng Mười năm 1921, nhưng người Việt Nam được tính một tuổi ngay khi vừa chào đời. Vị trí quốc gia của Phạm Duy giống như Pete Seeger/ Woody Guthrie*, đệ nhất ca nhạc sĩ Hoa Kỳ. Ông là ca sĩ, nhạc sĩ, phổ thơ, soạn ca kịch, hoà tấu và hàng ngàn ca khúc. Chúng tôi từng cùng nhau đi trình diễn khắp miền Nam Việt Nam vào mùa xuân 1974, theo lời mời của US Information Service. Tình bạn còn đưa tới việc chúng tôi cùng nhau thực hiện một tập nhạc song ngữ Phạm Duy - James Durst, Songs / Ca Khúc do Hội Việt-Mỹ bảo trợ, xuất bản. Một thân hữu đã tìm thấy ấn bản năm xưa của tập nhạc này trong một tiệm sách cũ và mang nó tới buổi tiệc mừng sinh nhật. Tôi đã ghi âm nhiều bài ca được chuyển ngữ này và dùng hai bài trong tập nhạc của tôi, Hue Manatee’s Quest**. Trên cái bìa bao màu đỏ đặc biệt của tập nhạc, hình người đàn ông ở hàng đầu chính là Phạm Duy. Sau 30 năm sống cùng gia đình tại miền Nam California, ông trở về Saigon năm 2005 sống những ngày còn lại. Cùng với hai người con, (Duy) Quang và (Duy) Cường --cả hai đều là nhạc sĩ được quí trọng-- ông tiếp tục rót vào không gian và trái tim chúng ta dòng nhạc tuyệt vời. James.”

--------
Ghi chú:

* Peter Seeger, năm nay 93 tuổi; ca khúc nổi tiếng: “Turn, Turn, Turn.” Woodrow Wilson “Woody” Guthrie sinh 1912, mất năm 1967; ca khúc nổi tiếng: "This Land Is Your Land,"

** Hue Manatee’s Quest là tên tập nhạc tuyển 10 ca khúc của James Durst. “Sự tìm kiếm của con heo biển Hue” bắt đầu bằng câu nói dễ thương của James, khi chàng cùng Phạm Duy đi hát khắp miền Nam Việt Nam: “My folks named Herald. My friend call me Hue. So can you.”
* * *
Bài III.
Viết Về Một Ca Khúc Phạm Duy


xuan_hanh-large
Trang bìa bản nhạc, do hoạ sĩ Duy Liêm vẽ, ấn hành tại Saigon năm 1959

“Nhịp điệu uy nghi hùng dũng
mà trong sáng êm dịu.”


Người viết: Quỳnh Giao
Việt Báo Tết Quý Tỵ 2013

Có phải là ngẫu nhiên chăng mà hai nhạc phẩm đầy tính chất anh hùng ca của Lizst và Beethoven đều lấy âm giai Mi giáng Trưởng (Mi bémol Majeur)? Đó là Cầm tấu khúc số 1 của Lizst có tên là "Héro" và Cầm tấu khúc số 5 của Beethoven có tên là "Emperor" viết cho đại đế Napoléon.

Trong nền tân nhạc Việt, các ca khúc về lịch sử hay những bài hùng ca thường được viết trên âm giai Fa Trưởng. Nói về nhạc thuật, các âm giai Trưởng như Do, Ré và Fa nghe thấy trong sáng và hợp với giọng Kim. Khi giọng Kim là giọng chính (chant), bè phụ thường được viết thấp hơn để làm nổi giọng chính. Những ca khúc như “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” của Hùng Lân, “Nước Non Lam Sơn” hay “Bóng Cờ Lau” và “Tiếng Chim Gọi Đàn” của Hoàng Quý, “Hội Nghị Diên Hồng” hay “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước, “Việt Nam, Việt Nam” của Võ Đức Thu, “Việt Nam Anh Dũng” của Dương Thiệu Tước”, “Việt Nam Hùng Tiến” của Thẩm Oánh, v.v.... đều được viết trên cung Fa Trưởng.

Thật sự, thì âm giai trong sáng hay u tối, êm dịu hay gay gắt chỉ có ảnh hưởng với nhạc khí, chứ không ảnh hưởng với giọng hát. Giọng hát nhẹ êm hay mạnh mà cứng là do âm sắc (timbre) của người trình bày. Giọng Thổ thường dầy hơn giọng Kim, ngược lại thì giọng Kim lanh lảnh và thánh thót hơn giọng Thổ. Riêng các nhạc sĩ sáng tác và sử dụng dương cầm, mà Frederic Chopin là một điển hình, thì chuộng loại âm giai mang nhiều dấu giáng (bémol). Ông cho rằng đàn những nốt giáng (phím đen trên dương cầm) thì tiếng đàn êm hơn, và về kỹ thuật thì ngón tay trườn trên phím, càng sâu càng dễ di chuyển lả lướt hơn…

Trong khung cảnh chung như vậy, ca khúc “Xuân Hành” của Phạm Duy lại được viết trên cung Mi giáng Trưởng, trong sáng mà êm dịu hơn âm giai Fa Trưởng.

Những ai mới nghe ca khúc này thì tự hỏi rằng tác giả dùng chữ "hành" trong ý nghĩa nào. Hành có thể là hành trình, hành khúc, hoặc biết đâu còn là một thể thơ cổ, như bài Tỳ bà hành mà ai cũng biết qua bản dịch của Phan Huy Vinh, hay bài Hiệp khách hành mà các độc giả của Kim Dung có thể còn nhớ và nhất là Hành phương Nam của Nguyễn Bính?

Người nghe hay người thưởng ngoạn có quyền mở rộng sự cảm nhận để hiểu tác phẩm từ sở thích hay nhận thức khác biệt của mình. Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy là người cẩn trọng, như tên của ông.

Trong cuốn "Ngàn Lời Ca" được xuất bản tại hải ngoại năm 1987, ông giải thích khung cảnh sáng tác của từng bài mà gọi đó là "sự tích". Ông trình bày rằng mình đã soạn nhiều ca khúc về hành trình của con người trong cuộc đời, trong đó có ba bài hành là "Lữ Hành", "Dạ Hành" và "Xuân Hành". Chúng ta liền hiểu ra ý nghĩa của chữ hành trong tác phẩm.

Nếu "Lữ Hành" là cuộc hành trình thơ thới và bất tận của loài người và được ông sáng tác tại Sàigòn vào năm 1953 đầy hy vọng thì "Dạ Hành" là lúc con người đi trong đêm tối. Mà bóng tối ở đây không là một khái niệm về thời gian khi thiếu ánh mặt trời. Bóng tối là chông gai hiểm hóc của phận người và ca khúc cũng được viết tại Sàigòn nhưng mà là Sàigòn khói lửa của chiến chinh tham tàn năm 1970.

Rồi Phạm Duy mới nói về cuộc đi bình thường là bài "Xuân Hành", sáng tác năm 1959, ở giữa hai bài hành kia. Hành trình bình thường và muôn thuở như câu hỏi đầy vẻ triết học là "người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu ".... Ngươi từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là thần thánh, vừa là ma quỷ, biết thương yêu dai mà cũng biết hận thù dài…. Nhất là biết vui buồn giữa hai nhịp đập của con tim, ngay cả khi tim ngừng đập.

Với khoảng cách thời gian, nghĩa là có thêm sự chín mùi của cuộc sống, mình có thể nghe lại ba bài hành này mà thoát khỏi hoàn cảnh của Sàigòn thời 53, 59 hay 70. Nghe lại với tâm cảnh của chính mình. Đấy cũng là lý do mà Quỳnh Giao thích bài “Xuân Hành” hơn cả.

Về nhạc thuật thì đấy là một ca khúc có nhịp điệu uy nghi hùng dũng, trong sáng mà êm dịu chứ không cứng cỏi, mạnh mẽ như nhiều bài hùng ca hoặc một khúc quân hành. Bài "Lữ Hành" rất hay nhưng ít người hát vì từ đầu đến cuối là dùng nhịp chõi – syncope. Đôi khi có người còn trình bày theo điệu "swing" khá giật mà không phản ảnh được nội dung sâu sắc thánh thiện của lời ca. So với "Lữ Hành" thì bài "Xuân Hành" dễ hát hơn, nhưng cũng cần trình bày hợp ca nên đòi hỏi kỹ thuật hòa âm mới diễn tả hết giá trị của tác phẩm. Phải chăng vì vậy mà ngày xưa, chúng ta ít được nghe ca khúc này ở ngoài các chương trình của đài phát thanh?

Bây giờ mà nghe lại, khi tư duy đã lắng đọng, người ta còn thấy ra một giá trị khác, là nội dung của lời từ.

Phạm Duy đã dẫn chúng ta vào tác phẩm với lời giới thiệu về câu hỏi muôn đời là người từ đâu tới và đi về đâu. Nhưng trong ca khúc mà cũng là một đời người từ thuở là mầm non chớm nở đến khi trở thành lá úa, ông còn diễn tả nhiều điều khác nữa. Nổi bật trong đó là chữ nhân, hay tinh thần nhân ái là chữ mà ông dùng. Chúng ta sinh ra là từ lòng người với tiếng khóc và nụ cười, với thương yêu và hận thù lẫn đắm say. Nhưng chân lý muôn đời là trưa hôm qua có thể còn là người, đêm hôm sau thì đã thác, có khi là vị thần hoặc một lũ ma lẻ loi....

Chữ sinh và hủy chỉ là hai mặt của cuộc đời và ai ai cũng như vậy. Nhưng, nội dung mang tính chất thánh ca của tác phẩm nằm trong thông điệp chìm ẩn bên dưới: sự bất diệt trong vòng tử sinh đó là chữ nhân. Nếu sinh ra và sống mãi với lòng nhân thì chẳng ai nên sợ cái chết. Cuộc hành trình của đời người mang ý nghĩa thăng hoa của một mùa Xuân khi nó được hướng dẫn bởi lòng tử tế.

Khi liên lạc với chú Phạm Duy - người viết vẫn gọi ông như vậy với sự tôn kính - về bài Xuân Hành, Quỳnh Giao đã lẩm nhẩm hát lại và ngẫm lại rồi nghĩ đến một thông điệp tôn giáo.

Đó là lẽ tử sinh của luân hồi, là ngũ uẩn gồm có sắc-thọ-tưởng-hành-thức. Nhờ sự suy ngẫm đó mình tìm ra một chữ "hành" trong kinh sách nhà Phật. Đấy là ý khác của hành trong bài Xuân Hành. Rất đơn giản thì hành động tốt sẽ tạo ra thiện nghiệp để có ngày vượt khỏi lẽ tử sinh. Phải chăng, câu "Đường nhân ái còn đi mãi mãi" của ca khúc nói về một cách sống bất tử? Nếu quả như vậy thì thông điệp này còn sâu xa biết bao.

Nhân mùa xuân tới, bài này được viết vơi lòng tri ân được gửi đến tác giả, cùng với lời chúc Xuân.

Quỳnh Giao
Việt Báo Tết Quý Tỵ 2013

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm nay, Dân Biểu Liên Bang Michelle Steel (Đảng Cộng Hòa-CA) trong tuần qua đã thúc giục Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn
Dữ liệu nghiên cứu mới cho thấy những người thợ móng tay—chủ yếu là phụ nữ Việt Nam, dân nhập cư và tị nạn—đang bị trả lương quá thấp dưới mức tối thiểu và bị xếp loại nghề nghiệp sai chỗ tràn lan, điều này làm suy yếu khả năng bảo vệ quyền lợi lao động của họ tại nơi làm việc. Ngoài ra, chủ tiệm—phần lớn điều hành các tiệm nail gia đình nhỏ lẻ—không nhận được giải trình về luật lao động hợp với ngôn ngữ và văn hóa của họ. Những kết quả báo cáo đã ghi trong dự luật AB 2444, một dự luật mới được Dân biểu Tiểu bang California Alex Lee (AD 24) đệ trình vào ngày 13 tháng 2 năm 2024 để thực thi các yêu cầu về giáo dục trong ngôn ngữ và tinh tế trong văn hóa cho thợ và chủ tiệm nail.
Vừa đúng thời điểm mọi người nghỉ kỳ Spring Break vào Tháng Ba này, một trong những quần thể hồ tắm phong thái resort rộng nhất tại một trong những cơ sở resort/casino lớn nhất trong nước sẽ mở cửa đón tiếp mùa vui đùa trong nước vào Thứ Hai, 11 Tháng Ba. Năm nay, khách vui chơi hồ tắm mọi nơi đều sẽ có thể tới tận hưởng môi trường như-một-ốc-đảo của The Cove, với diện tích rộng bằng năm sân football. Ban Quản Lý khu The Cove của Pechanga Resort Casino thực hiện thẻ dùng trong ngày cho những vị khách không-thuê-phòng-khách sạn và để những vị này được thuê 'lều - cabana' cùng 'giường nằm - daybed'.
Đã quá lâu, việc dạy kèm và trợ giúp làm bài tập về nhà đã nằm ngoài tầm với của nhiều học sinh và gia đình ở California. Sự phân chia giữa những người có thể tiến lên trong xã hội và những người chỉ có thể mơ ước về điều đó thường dẫn đến một nền tảng giáo dục không bình đẳng cho học sinh. Nhằm đem quyền lợi và cơ hội bình đẳng cho học sinh, thư viện địa phương của quý vị hiện đang cung cấp miễn phí dịch vụ dạy kèm và hỗ trợ làm bài tập về nhà trực tuyến HelpNow cho học sinh California!
Khoảng đầu tháng 04 năm 2024, Hoà thượng GIỚI ĐỨC-MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH Sư Trưởng HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG HUẾ VIETNAM sẽ vân du hoằng hoá ở Hoa Kỳ và Thầy sẽ lưu trú tại miền nam California từ ngày 05 đến 12 tháng 04 nam 2024 Nhân dịp này, Thầy muốn gặp gỡ những vị thiện hữu tri thức, quý phật tử hữu duyên
Một ngày mới bắt đầu với nhiều hoài ước thật đơn sơ mong sao mình và tất cả mọi người có những giây phút thật thảnh thơi an lành trong từng tâm niệm, lời nói và hành động thật nhẹ nhàng bình an, để cho một ngày sống có tràn đầy ý nghĩa, tuy đơn sơ và dễ dàng nhưng cũng không phải dễ như mình nói hay suy nghĩ đâu bạn nhé!
Vào sáng ngày Thứ Năm 14 tháng 3 2024, chùa Hương Sen (thành phố Perris, Quận Hạt Riverside) đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm ngày Thánh Tổ Ni Giới, Đức Phật Mẫu Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di.
Điểm nổi bật nhất của chương trình là cho mượn lên tới 20% cho khoản trả trước khi mua nhà, nhưng không vượt quá 150,000 USD
Trong chuyến hoằng pháp Âu Mỹ của Hòa Thượng Thích Như Điển từ ngày 12/3/2024 đến 17/3/2024 đến Orange County, chúng tôi, Kiều Mỹ Duyên và Thu Anh, có cơ duyên được phỏng vấn Hòa Thượng tại đài Saigon Radio Hải Ngoại, thành phố Westminster, Orange County, miền Nam California, vào ngày 13/3/2024.
Trước tiên, là xin nói lên niềm vui. Anh bạn trẻ Tâm Nhuận Phúc là học trò của Hòa Thượng Thích Phước Tịnh, một vị thầy từ nhiều thập niên lưu trú như một Thiền khách ở Tu Viện Lộc Uyển thuộc Làng Mai. Vì Thầy Phước Tịnh không có chùa riêng, nên bạn Tâm Nhuận Phúc có nhiều hoạt động khắp nơi, cũng không trụ nơi nào. Có khi bạn hợp tác với Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ từ Sacramento tới để tổ chức các buổi Thiền Chánh Niệm với các giáo viên, học sinh hay đoàn viên Gia Đình Phật Tử. Có khi bạn hoạt động cùng Giới Trẻ Mây Từ trong các Phật sự, mời quý Tăng Ni mở các buổi thuyết pháp hay Thiền tập ở Quận Cam. Khi thấy cần hỗ trợ Thầy Phước Tịnh giảng dạy về Thiền Tập Thập Mục Ngưu Đồ, bạn trẻ này phổ nhạc liền 10 bài ca chăn trâu cho các buổi thuyết giảng dễ nhớ. Có khi, bạn Tâm Nhuận Phúc tham gia cuộc thi viết về các đề tài Phật giáo trong Giải Hương Sen do Ni Trưởng Thích Nữ Giới Hương tổ chức. Và có khi Tâm Nhuận Phúc cầm đàn guitar tới giúp vui cho bất kỳ nơi nào các Phật tử cần tới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.