Hôm nay,  

Nhóm Văn Nghệ Thân Hữu Hắc Miêu Vinh Danh Phụ Mẫu

02/11/201200:00:00(Xem: 16570)
WESTMINSTER (T. Phan) -- Vào lúc 6 giờ chiều ngày Thứ Bảy 27 tháng 10 năm 2012, nhóm văn nghệ Thân Hữu Hắc Miêu đã tổ chức buổi trình diễn đặc biệt tại hội trường Nhật Báo Việt Báo để vinh danh các bậc sinh thành.

Đúng 5 giờ gần 200 quan khách, một số cựu Giáo Sư Y, Nha, Dược Khoa, các bậc Sinh Thành của nhóm văn nghệ Thân Hữu Hắc Miêu đã có mặt đầy đủ tại Hội Trường, dùng bữa ăn tối theo lời mời của Ban Tổ Chức.

Hội trường và sân khấu Việt Báo có đèn chiếu sáng, âm thanh hoàn hảo, cảnh trí lộng lẫy do tấm lòng thượng kính cha mẹ và quý trọng quan khách của nhóm văn nghệ Thân Hữu Hắc Miêu tự tay dàn dựng.

Dãy bàn danh dự dành cho quan khách, Quý vị Giáo Sư và thân phụ mẫu đã được các anh chị em trong nhóm bày biện trang trọng, bưng dọn thức ăn tận chỗ ngồi.

Đúng 6 giờ, hồi trống của Bác Sĩ Nguyễn Việt Cường vang dội hội trường, báo hiệu giờ khai diễn.

Sau mấy lời chào mừng quan khách của Bác Sĩ Nguyễn Việt Cường Trưởng Ban Tổ Chức, Bác Sĩ Phạm Quang Tố lên sân khấu giới thiệu bà Tuyết Trang, phu nhân của Bác Sĩ Trần Anh Dũng cùng điều khiển chương trình.

Tiến Sĩ Phan Ngọc Tiếu lên sân khấu thay mặt Ban Tổ Chức trình bày ý nghĩa và mục đích chương trình văn nghệ đêm nay, là để vinh danh các bậc sinh thành hết lòng yểm trợ, và cùng ngồi với các con trong nhóm Văn Nghệ Thân Hữu Hắc Miêu để hát cho nhau nghe, và nghe nhau hát suốt 10 năm qua.
hac_mieu_van_nghe
Văn nghệ Thân Hữu Hắc Miêu.
Qua cuộc phỏng vấn tại chỗ bà Bạch Hường, phu nhân của Bác Sĩ Nguyễn Việt Cường, người sử dụng điêu luyện tất cả các nhạc cụ Tân Cổ Đông Tây, đầu đàn của nhóm văn nghệ Thân Hữu Hắc Miêu cho biết: Cụ bà Thiều Oanh, thân mẫu của Bác Sĩ Việt Cường thường dặn con dâu: "Khi mô các con hát, nhớ cho mẹ đi nghe với." Từ lời dặn dò đó thành hiện thực đêm văn nghệ đặc biệt này.

Nhóm văn nghệ Thân Hữu Hắc Miêu gồm một số thân hữu yêu văn nghệ trong giới y khoa thường hát cho nhau nghe tại tư gia của Ông Bà Bác Sĩ Nguyễn Việt Cường và luân phiên tại tư gia của các thành viên trong nhóm vào các dịp nghĩ lễ: Xuân, Hạ, Thu, Đông đón mừng Năm Mới, Trung Thu, Noel, hiếu hỷ.

Nhân dịp này Bác Sĩ Tôn Thất Cần tặng Ban Tổ Chức một bó hoa hồng màu vàng thật lớn với tràng pháo tay nồng nhiệt của quan khách vang dội hội trường.

Tiết mục đầu tiên là nhạc phẩm "Vầng Trăng Xưa" nhạc và lời của Trần Dạ Từ, do Bác Sĩ Nguyễn Hòa trình bày để cảm ơn Việt Báo.

Tiếp theo, Dược Sĩ Tâm Thường, phu nhân của Bác Sĩ Võ Văn Tùng, là ái nữ của Cụ Bửu Bát tác giả ca khúc "Trầm Hương Đốt" sáng tác cho Phật tử hát sau hồi chuông trống bát nhã tại các chùa. Dược Sĩ Tâm Thường cũng là bào muội của đạo diễn điện ảnh Vĩnh Noãn với phim nổi tiếng "Chúng tôi muốn sống" .

Dược Sĩ Tâm Thường với giọng ca khá điêu luyện đã đưa tác phẩm "Bến Cũ" của Nhạc Sĩ Anh Việt vào tâm thức người nghe.

Hết phần đầu của chương trình, đến phần hai với 23 tiết mục: "Hận Đồ Bàn" với xiêm y lộng lẫy đầy màu sắc chiêm thành do Chế Hồng Loan và Nguyễn Hòa trình bày. Bác Sĩ Phạm Đặng Long Cơ "Nhớ Mùa Thu Hà Nội" qua giọng hát thật quyến rũ. Bác Sĩ Đoàn Yến với phụ họa của Hồng Loan và Ái Loan lắng đọng tâm tư của người con xứ Huế, đầm ấm cảm xúc tận cùng "Miền Trung Thương Nhớ". Võ Tá Hân, thiết tha trên giây đàn Tây Ban Cầm với một nhạc khúc Tây Phương. "Tỳ Bà Hành" với Hắc Miêu trong quốc phục cổ truyền Việt Nam.Tuyết Trang đưa cặp sóng thần Bác Sĩ Bùi Xuân Dương và Dược Sĩ Thu Oanh lên sân khấu với "Tình Khúc Cho Em". Dược Sĩ Ngọc Bội và Bác Sĩ Trịnh Bá Tường với màn "Cô Hàng Nước", BS Tường vừa hát vừa đệm Đàn Tây Ban Cầm vừa tán tỉnh phu nhân Ngọc Bội đóng vai cô hàng nước, cả hai vẫn lẳng lơ, vui nhộn như thủa ban đầu. Tú Anh và Nam Chi tiêu biểu giới trẻ thế hệ thứ hai của Hắc Miêu rất mới lạ, phong thái giới trẻ thời đại Tây Phương với tác phẩm "Triệu Đóa Hoa Hồng" làm cách biệt rõ nét với ban Hắc Miêu trang phục dân quê Miền Nam của "Đêm Gành Hào Nhớ Điệu Hoài Lang". Rồi "Nắng Đẹp Miền Nam" với chị Thu Thủy làm cho "Hoa Thơm Bướm Lượn" với giọng hát ngọt ngào điêu luyện của Ái Loan, Minh Thủy và Thúy Uyển. "Lý Mười Thương" với giọng rặc Huế của chị Bạch Hường, Mai Khanh và Phương Lan. Anh Trần Thanh Liêm phi công của một thời không quân Việt Nam Cộng Hòa kiêu hùng oanh liệt, nay với áo gấm, khăn nhiễu đi tìm "Cô Lái Đò", thả hồn mình sâu lắng theo cung đàn và lời ca. Bác Sĩ Trần Anh Dũng người dám leo lên bậc chót của chiếc thang khá cao có phu nhân Tuyết Trang yểm trợ, treo bức màn hoa đào cho sân khấu đêm nay để song ca "Lâu Đài Tình Ái" mùi mẫn như ngày đầu ước hẹn. Bác Sĩ Phạm Quang Tố và ban phụ diễn "Cây Đàn Bỏ Quên" đứng bên cây đàn còn đó, đằm thắm nhưng rất hiên ngang trong chiếc áo dài của các văn nho thi hào Việt Nam mà lại quên cái khăn đóng. Bác Sĩ Phạm Gia Nghị một giọng ca đầm ấm, trầm bỗng, sâu lắng "Gợi Giấc Mơ Xưa".

Đoàn hát xẩm Nguyễn Việt Cường và vợ Bạch Hường cùng Trịnh Bá Tường, Nguyễn Hòa, cùng vợ và ba ông Bác Sĩ này đều đeo kính đen làm người mù hát dạo trên xe lửa, nhưng đặc biệt là người mù bước lên sân khấu không hề vấp, hát xong còn giở kính đen nhìn khán giả "Mục Hạ Vô Nhân" cười như ý. Tình Trang và Thu Quyên "Trả Lại Em Yêu" chắc là trả cho "Anh Ba Khía" Nguyễn Hòa rất đúng điệu của một nông dân miền Tây nước Việt. Hồng Loan bây giờ không phải là cô gái Chiêm Thành mà là Huyền Trân Công Chúa Việt Nam từ giã Trần Khắc Chung "Nước non ngàn dặm ra đi", Hồng Loan trang phục đúng là cây quế giữa rừng. Bác Sĩ Nguyễn Đăng Phúc sưu tầm mũ Mossant và bộ áo quần, đôi giày hai màu của các công tử Hà Nội ngày xưa say mê với "Nỗi Lòng Người Đi".

Kết thúc chương trình là bản "Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè" do tất cả nữ quan khách và phu nhân của Ban Tổ Chức mặc áo bà ba lên sân khấu cùng hợp ca.

Điều đặc biệt và cũng là sự khích lệ lớn lao cho Ban Tổ Chức nhóm văn nghệ Thân Hữu Hắc Miêu, là quan khách và bố mẹ ngồi nghe con hát hết 23 ca khúc suốt gần 3 tiếng đồng hồ mà vẫn còn lưu luyến.

Tiến Sĩ Phan Ngọc Tiếu thay mặt Ban Tổ Chức và nhóm văn nghệ Thân Hữu Hắc Miêu cảm ơn quan khách và bố mẹ đã vỗ tay khen các con hát, chúng con hứa sẽ hát nữa cho bố mẹ và quan khách nghe lần sau, sẽ hát hay hơn nữa cho bố mẹ vui, chúng con mừng.

Đêm văn nghệ không có ca sĩ nhà nghề tham dự, chỉ có tiếng hát của những người đam mê văn nghệ trong giới y khoa, gây sự bất ngờ về khả năng và tài nghệ đặc biệt của các Y, Nha, Dược Sĩ, hát hay vì họ hát với tất cả tấm lòng dành cho các bậc sinh thành đã khuất và có mặt đêm nay tại Hội Trường Việt Báo.

Và đóa hồng của Ban Tổ Chức đặc biệt dành cho chị Hai Lúa Phương Lan hát rất hay và đã góp rất nhiều công sức cho sự thành công của Ban Hắc Miêu.

( T. Phan tường thuật)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.