Hôm nay,  

Hương Tình Quê Giữ Gìn Ca Nhạc Cải Lương

04/08/201200:00:00(Xem: 5497)
Gìn Vàng Giữ Ngọc là chủ trương của những anh chị trẻ yêu bộ môn cổ nhạc Nam Phần. Họ đã thành lập nhóm Hương Tình Quê, quy tụ những tiếng hát trẻ yêu thích vọng cổ, cải lương. Mỗi năm có vài lần tổ chức các sinh hoạt ca nhạc tại địa phương.

Vào ngày thứ Bảy 28/7/2012, tại phòng sinh hoạt ca nhạc tại 111 Gish Rd., San Jose, nhóm Hương Tình Quê tổ chức buổi sinh hoạt ca nhạc lúc 5:00pm,thu hút khoảng gần 100 đồng hương yêu bộ môn nghệ thuật nầy. Buổi diễn kéo dài đến hơn 9:00pm với dàn nghệ sĩ trẻ tân cổ nhạc: Cổ nhạc có nghệ sĩ Châu Kiệt, Phương Thu, Hoàng Dũng, Minh Trung, Minh Loan, Như Hà, Phương Tuyết, Nguyên Thi, Cẩm Loan, Huyền Dung. Tân nhạc có các ca sĩ Tuyết Nga, Linda, Lệ Hằng, Huyền Dung, v.v... Ban nhạc có nghệ sĩ Văn Hoàng (Guitar), Văn Cường (Sến), Đặng Lang (đàn bầu) và Minh Đức (Keyboard).

Đêm diễn trình bày các trích đoạn Phạm Lãi Tây Thi, Tiếng Trống Mê Linh, Lối Về Đất Cũ và các bài bản cổ như Phượng Hoàng, Trường Tương Tư, v.v... Buỗi diễn có sự bảo trợ của Hội An Giang, Hội Sóc Trăng và nhiều đồng hương miền Nam Kỳ Lục Tỉnh. Chị Hồng Điệp, Cần Thơ, vui vẻ cho biết “Lâu lâu cũng nên có những buổi ca nhạc như vầy cho đồng hương mình sống lại cảnh cũ người xưa.” Cảnh cũ người xưa có lẽ là không khí đêm ca nhạc. Một đồng hương khác cười nói “Chỉ thiếu chiếc xe sâm bổ lượng, nồi cháo lòng, mấy chiếc xe nướng khô mực….là giống rạp cải lương rồi…” . “Người đi xem hát bận áo bà ba, tíu tít nắm tay nhau chuyện trò cười nói…thiệt là giống cảnh đi coi hát ở nhà quê.” Chị nói tiếp.
cai_luong_tieng_que_huong__6_
Trưởng đoàn Cô Phương Thu và anh Nghê Lữ cảm tạ đồng hương đến tham dự.

Đuợc biết, hiện nay tại San Jose có nhiều sinh hoạt ca cổ nhạc, nhưng ít người biết đến. Nhóm cổ nhạc lâu đời nhất ở san Joe là Ban Tiếng Vọng Quê Hương do GS Ngọc Dung hướng dẫn, mỗi năm đều có giỗ tổ vào tháng Tám âm lịch quy tụ hàng chục nghệ sĩ cổ nhạc về tham dự.

Tưởng cũng nên biết, theo các nhà nghiên cứu thì khoảng thế kỷ 19, các nhóm đờn ca tại vùng đất mới Nam Kỳ được thành lập để tiêu khiển, để giúp vui trong các buổi lễ tại gia đình như đám tang, lễ giỗ, tân hôn...nhưng chưa hề biểu diễn trên sân khấu hay trước công chúng. Và nếu trước kia “cầm” (“cầm, kỳ thi, họa”) là của tầng lớp thượng lưu thì đến giai đoạn này nó không còn thuộc về phạm vi đó nữa, mà đã phổ biến rộng ra ngoài. Chính vì thế nhạc tài tử ở các tỉnh Miền Nam, về nội dung lẫn hình thức, dần dà thoát khỏi nhạc truyền thống có gốc từ Miền Trung, Miền Bắc. Nhắc lại giai đoạn này, trong Hồi ký 50 năm mê hát, của học giả Vương Hồng Sển có đoạn: “Căn cứ theo sách vở thâu thập và những lời của người lớn tuổi nói lại, và nếu tôi không lầm thì buổi sơ khởi của cải lương, là do sự ngẫu nhiên, sự tình cờ, là do lòng ái quốc mà nên”. Tác giả giải thích: “Người miền Nam có cái hay là khi biết dùng bạo lực hại thân vào tù, thì họ không dùng bạo lực. Họ cố đè nén lòng thương nước, chôn giấu trong một bề ngoài lêu lổng, chơi bời...Họ thường tụ họp vừa tập ca cho vui, vừa trau giồi nghệ thuật...rồi mỗi khi có đám tang, vào lúc canh khuya...họ cũng hòa đờn, tập dượt ca cho đúng nhịp, để đánh cơn buồn ngủ. Sau thành thói tục, mỗi dịp “quan - hôn - tang - tế” chủ nhà đều có mời họ cho rôm đám.” Vương Hồng Sển nói cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ, nhưng theo sự hiểu của ông thì: “Năm 1915 trở về trước, tại miền Nam, tài tử còn ca kiểu “độc thoại”. Năm 1916, có ca kiểu "đối thoại" (ca ra bộ)”. Và có lẽ từ đó hình thành nền cổ nhạc Nam Phần?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.