Hôm nay,  

Khoá Huấn Luyện Tuổi Trẻ Của Nghị-Hội Vừa Kết Thúc

25/07/201200:00:00(Xem: 14566)
Khoá huấn luyện tuổi trẻ của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ, thường được biết dưới tên vắn tắt là VAYLC (Vietnamese American Youth Leadership Conference), vừa kết thúc sau ba ngày sinh-hoạt khá sôi động tại Quốc-hội Hoa-kỳ, Bộ Ngoại-giao và khuôn-viên Trường Luật Viện Đại-học George Mason ở Arlington, Virginia.

Khai mạc sáng thứ Sáu 20/7 ở SBTN

Bởi tổ-chức hàng năm ở vùng Thủ-đô Hoa-thịnh-đốn (và đây là lần thứ 12 khoá huấn luyện này đã được Nghị-hội bảo-trợ) nên một trong những đặc-điểm chính-yếu của VAYLC là các tham-dự-viên có dịp sinh-hoạt với các cơ-quan lập pháp và hành pháp của Hoa-kỳ. Như năm nay là có cuộc họp trên Quốc-hội ở bin-đinh văn-phòng Hạ-viện mang tên Longworth và sau đó thì đến nghe thuyết-trình ở Bộ Ngoại-giao.

Sáng thứ Sáu, 20/7, các tham-dự-viên VAYLC 2012 đã tề tựu từ sáng sớm ở trụ-sở SBTN Hoa-thịnh-đốn cho mượn họp để: trước hết làm thân với nhau, sau đó nghe những lời dặn dò mở đầu cho khoá huấn luyện. Sau lời chào mừng của Ban Tổ Chức mà hầu hết là cựu-tham-dự-viên của những khoá VAYLC trước, G.S. Nguyễn Ngọc Bích đã ân cần chào đón các em dự khoá năm nay và giải-thích về liên-hệ giữa Nghị-hội và VAYLC.

Theo ông Bích, Nghị-hội, một tổ-chức vô-vị-lợi hoạt-động trên toàn-quốc trong cộng-đồng người Mỹ gốc Việt được thành-lập từ tháng 8 năm 1986, đã sớm nhìn ra nhu-cầu cần phải có sự tiếp nối thế-hệ để cho người Việt ở trên đất Mỹ có tiếng nói ở quốc gia rộng lớn này. Do vậy mà anh Bùi Vũ Đức, lúc bấy giờ còn là một thành-viên trẻ của Nghị-hội, vào năm 1999 đã nảy ra cái ý tổ-chức khoá huấn luyện tuổi trẻ đầu tiên của Nghị-hội. Thời-gian đó, Dược-sĩ Nguyễn Mậu Trinh là Chủ-tịch Chấp hành của Nghị-hội, đã hoàn-toàn tán thành ý-kiến của anh Đức. Từ đó, Nghị-hội đã yểm-trợ sinh-hoạt VAYLC, lúc đầu còn là 2 năm một lần song chỉ ít lâu sau thành một khoá huấn luyện hằng niên.
vlac
Một số tham-dự-viên VAYLC 2012 ở nhà hàng Present tối 20/7.
Tiếp sau ông Bích là anh Nguyễn Quốc Hùng, một chuyên-viên trẻ và cũng đã có thời làm Chủ-tịch Chấp hành của Nghị-hội trong 4 năm (2002-2006). Trong thời-gian tại chức, anh Hùng cũng đã có thêm nhiều ý-kiến làm cho VAYLC trở thành một sinh-hoạt được nhiều người chú ý như một lò đào tạo các lãnh-đạo trẻ trong cộng-đồng. Bằng-chứng là ít năm sau đó, Nghị-hội đã cho thực-hiện một cuộc thăm dò và được biết là cứ 4 em dự VAYLC thì 3 em đã trở về địa-phương hay cộng-đồng mình và đi vào những sinh-hoạt từ-thiện hay có ích cho cộng-đồng mình.

Giáp mặt với bên Lập pháp

Sau khi nghe Anh Nguyễn Quốc Hùng trình bầy về "networking," tức những kỹ-thuật lập mạng khi ra đời, cũng như nghe anh gợi ý về những câu hỏi mình có thể đặt ra khi lên Quốc-hội, mọi người đã lên xe buýt đến toà nhà Longworth để vào họp trong phòng 1320. Tại đây đã đợi sẵn anh Ricky Lê, phụ-tá lập pháp của nữ-Dân-biểu Zoe Lofgren (Đảng Dân-chủ, Bắc Cali), một người đã có dịp sinh-hoạt với Nghị-hội trong nhiều năm. Anh giới-thiệu một số bạn đồng-sự của anh trên Quốc-hội như anh Gene Kim, một người gốc Đại-Hàn, anh Gene Phan, một giáo-sư Đại-học về ngành Giáo-dục hiện đang tu nghiệp ở Quốc-hội, v.v. Vì lớp tuổi các vị phụ-tá này cũng không lớn hơn các em dự VAYLC năm nay nên sự trao đổi tỏ ra rất sôi nổi và hào hứng.

Đang khi đó thì Dân-biểu Frank Wolf (Đảng Cộng-hoà, Bắc Virginia) xuất hiện.Ông được biết như một nhà tranh đấu kiên trì và lâu năm cho tự do tôn-giáo và nhân-quyền ở VN. Lần này ông đã tỏ ra phẫn nộ trước những điều mà ông cho là thiếu sót của chính-quyền Obama về vấn-để nhân-quyền ở VN.Ông đặc-biệt phiền lòng về sự thất hứa của Đại-sứ David Shear của Hoa-kỳ ở Hà-nội.Theo ông, ông Shear đã hứa trong một buổi điều trần trên Quốc-hội là ngày 4/7 năm nay ông sẽ mời một số nhà tranh đấu cho nhân-quyền ở VN đến ăn mừng Lễ Độc Lập của Mỹ ở Sứ-quán Hà-nội.Ông Shear cũng còn hứa là sẽ gặp bà Nguyễn Quốc Quân là một công-dân Mỹ bị bắt khi vào VN. Nhưng ngày 4/7 đến và đi, khi ông Wolf gọi ông Shear đòi xem danh-sách những người đã được mời thì ông Shear đã không cung-cấp nổi danh-sách đó. Nộ-khí xung thiên, ông Wolf la: "Quý bạn có thể tưởng tượng được không? Một ông Đại-sứ Mỹ mà không dám gặp một công-dân Mỹ như bà Nguyễn Quốc Quân thì bây giờ phải gọi là gì? Liệu các anh chị có dám đi VN nữa không khi biết rằng ông Đại-sứ sẽ không chịu can thiệp cho các anh chị?" "Một toà đại-sứ Mỹ ở xứ người," ông Wolf khẳng-định, "phải là một ốc-đảo tự do (an island of freedom) trong một nước độc-tài!"

Ông nhắc, "hồi thời ông Gorbachev, Toà Đại-sứ ở Mạc-tư-khoa mở cửa đón tiếp những người tranh đấu cho tự do như Sharansky, như Solzhenitsyn... Tổng-thống Reagan sang Berlin nói, 'Ông Gorbachev, ông hãy đạp bỏ bức tường này đi!' ('Mr. Gorbachev, tear down this wall!') Thế mà đến khi TT Reagan mất, Quý Vị biết ai sang dự đám tang của ông Reagan không? Chính ông Gorbachev!"

Rồi ông cho cô phụ-tá của ông phát ra mấy lá thư ông và một số dân-biểu đồng-viện viết cho Tổng-thống Obama và bà Ngoại-trưởng Clinton đòi phải sa thải ông David Shear. Ông nói: "Cứ xem ông Gary Lock làm đại-sứ ở Bắc-kinh. Là người gốc Trung-hoa, ông hiểu rõ tâm-lý của Bắc-kinh, và khi ông nhà báo mù Trần Quang Thành vào toà đại-sứ Mỹ ở Bắc-kinh thì ông Lock đã can thiệp để cho ông ta được đi chữa bệnh và rồi sang Mỹ.Vì thế nên tôi cho chúng ta cũng phải có một ông đại-sứ người Mỹ gốc Việt ở Hà-nội. Chỉ có thế Hà-nội mới không thể làm trận làm thượng được với chúng ta."
vlac2
Ban Tổ Chức VAYLC 2012.
Sau ông Wolf, Dân-biểu Gerry Connolly (DC, Fairfax, VA) cũng cử một phụ-tá tới chúc cho VAYLC thành công.

Vào Bộ Ngoại-giao

Sau khi ăn trưa ở cafeteria ở Longworth, mọi người lại ra xe buýt đi đến bộ Ngoại-giao để nghe "đoản-thuyết" (a briefing) về chính-sách của Mỹ đối với Việt-nam. Vì đây là một buổi trao đổi không được phổ-biến ra bên ngoài ("off the record") nên phái-viên chúng tôi chỉ có thể nói là có 4 phụ nữ thuyết-trình cho phái-đoàn nghe về: thứ nhất là chính-sách nói chung của Mỹ đối với VN, thứ hai là vấn-đề nhân-quyền và thứ ba là vấn-đề buôn người, nhất là các phụ nữ VN bị bán sang các nước láng giềng. Một người gốc Việt, cô Jessica Phạm, đã tỏ ra rất sốt sắng trong việc thu xếp cho buổi "đoản-thuyết" khá đầy đủ này và các em trong phái-đoàn cũng đã có thời giờ đặt ra một số câu hỏi được trả lời khá cặn kẽ.

Chiều cùng ngày, trong một bữa cơm thân mật ở tiệm Present, các em đã có dịp vui chơi với nhau và gặp gỡ một số người trong cộng-đồng.

Thứ Bảy, 21/7, thăm dò nghề nghiệp và thiện-nguyện

Mở đầu ngày thứ hai là một màn trình bầy do Vel Hernandez trong Ban Tổ Chức nói về những cách ăn nói trước công-chúng, làm sao cho ngắn gọn, dễ hiểu (dù là đề-tài có thể hắc búa), giữ được sự chú ý của cử toạ và hấp dẫn, đánh vào tình cảm của người nghe. Để minh-hoạ, cô đưa ra trường-hợp một nữ-bác-sĩ VN ở San Diego đã tìm được ra cách đưa màu vào những tế-bào ung-thư để có thể cắt được chúng một cách dễ dàng--một đề-tài khoa-học không dễ chút nào nhưng vì trình bầy khéo nên ai cũng có thể hiểu được.

Sau đó các tham-dự-viên được chia làm bốn nhóm để thử thi những câu hỏi đặt ra trong các bài thi để vào ngành ngoại-giao ở Mỹ. Những câu hỏi coi tưởng dễ này đã làm cho không ít em bị khựng, gây nên những tràng cười khá vui nhộn.

Phần trình bầy về nạn buôn người và tổ-chức CAMSA ("Liên-minh chống Nô lệ thời nay ở Á-châu") là do hai nhân-viên của Boat People S.O.S., cô Annie Durkin và cô Hồng Lương, đảm trách. Song diễn-giả thu hút gần như trọn sự chú ý theo dõi của mọi người là ông Mark Keam, dân-biểu tiểu-bang Virginia gốc Đại-Hàn sinh đẻ ở Sài-gòn. Ông đã mở rộng được tầm nhìn của các tham-dự-viên dựa trên những con số thống-kê, những trường-hợp cụ-thể mà ông nêu ra trong cuộc sống của chúng ta ở Mỹ. Trong phần này cũng còn có phần nói chuyện của bà Grace Han Wolf, người Á-đông đầu tiên trong hội-đồng hành chánh quận Herndon, Virginia, một phụ nữ gốc Đại-Hàn ăn nói khá duyên dáng.

Nói về sự an-toàn trong ngành Nails là cô Diana Bùi. Cô cho biết có nhiều loại độc-tố trong các chất hoá-học người ta dùng trong ngành làm móng chân, móng tay, và những ai ở trong ngành này có thể tự bảo vệ nếu hiểu biết về những chất độc đó. Chúng ta cũng còn có thể tìm sự giúp đỡ với văn-phòng OSHA, cơ-quan đặc-trách về bảo vệ sức khoẻ và an-toàn lao-động.

Cuối ngày là phần trình bầy thật thu hút của bà Giao Phan, một nhân-viên cao-cấp trong Vệ-binh Duyên hải ("Coast Guard") của Hoa-kỳ. Bà cho biết bà tốt nghiệp kỹ-sư ở Virginia Tech rồi sau đó đi vào làm nhân-viên mua tàu bè, máy bay cho Hải-quân, dần dần leo lên những chức-vụ khá cao-cấp.Sau khi chuyển sang Vệ-binh Duyên hải, bà hiện lo một chương-trình mua quân-bị quân-trang lên đến 27 tỷ đô-la.Câu chuyện của bà đã hoàn-toàn thu hút các em khi bà tả từ lúc bà mua cái máy bay hay cái tàu biển đầu tiên cho đến khi bà được giao trọng-trách trông coi việc mua cái hàng-không-mẫu-hạm George W. Bush, chứng tỏ là một phụ nữ người Mỹ gốc Việt có thể lên rất cao ngay trong một ngành mà người ta tưởng chỉ dành cho đàn ông hay quân-nhân cấp tướng tá.Trình bầy cùng với bà Giao Phan là Trung-tá Tùng Lý, ông nói đến những cơ-hội mở rộng trong ngành Vệ-binh Duyên hải cho nhiều ngành chuyên-môn khác nhau.

Chủ-nhật, 22/7, mở rộng tầm nhìn

Sang ngày thứ ba của khoá huấn luyện, cô Lan-Anh Nguyễn của công-ty State Farm nói về cách quản-lý đồng tiền và thu xếp tài-chánh để làm sao cho cuộc sống của ta được ổn-định và đảm bảo. Rồi Thầy Đạt (Tristan Nguyễn), một trưởng phòng nghiên cứu cho Không-quân Mỹ, nói về những nhu-cầu trong thế-kỷ 21, viết tắt là STEM, gồm khoa-học (Science), Kỹ-thuật (Technology), Giáo-dục (Education) và Kỹ-năng các loại (Skills).Đây là những hướng phát triển mà không những nước Mỹ cần thúc đẩy mà ngay chúng ta là những cá-nhân cũng phải nhắm đi vào thì mới sinh tồn được.

Sang các lãnh-vực hoạt-động xã-hội, cô Trinh Nguyễn nói đến tầm quan-trọng của các phương-tiện truyền-thông xã-hội ("social media" như Facebook, Twitter hay các Blog) và việc đấu tranh cho những lý-tưởng của ta dựa trên những phát triển ngày càng mạnh của máy điện-toán, như Youtube, E-mail, Skype, v.v.

Sau một phần bàn về "Căn-cước văn-hoá" của mỗi người trong chúng ta, cuối ngày các tham-dự-viên được hướng dẫn bởi cô Christina Wadhwani và anh Nguyễn Đạt vào một số trò chơi rất vui nhộn nói về cách tổ-chức cộng-đồng ("Community organizing"). Để kết thúc, anh Eric Nguyễn nói về kinh-nghiệm của anh với tổ-chức Catalyst Foundation là một tổ-chức xây trường ở VN và tìm bố mẹ nuôi người Mỹ cho một số cô-nhi ở VN.

Ban Tổ Chức hoàn-toàn do các cựu-VAYLC

Cuối ngày, các tham-dự-viên được yêu-cầu đánh giá ba ngày hội-thảo.Rồi các em được trao bằng hoàn-tất khoá huấn luyện.Trước khi chia tay, ông Nguyễn Ngọc Bích nhấn mạnh đến sự-kiện toàn-bộ Ban Tổ Chức năm nay là những cựu-tham-dự-viên các khoá huấn luyện VAYLC của những năm trước: các anh Long Nguyễn, Bình Lý và các chị Bảo Ngọc, Vel, Vân-Anh và Yến Đinh, thậm chí đến cả một số thuyết-trình-viên cũng là cựu-VAYLC (như Lan-Anh Nguyễn hay Christina Wadhwani).Điều này, theo ông Bích, chứng tỏ là những khoá huấn luyện tuổi trẻ hàng năm của Nghị-hội đã đào-tạo được một số các anh chị có lý-tưởng và muốn trở lại giúp hay phục-vụ cộng-đồng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.