Hôm nay,  

Đại học Rice Thảo Luận Về Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt

14/03/201200:00:00(Xem: 9187)
Người Mỹ gốc Á đông nhất Houston

“Hiện người Mỹ gốc Việt là sắc dân Mỹ gốc Á đông đảo nhất tại Houston với con số trên 80,000 người, theo thống kê của cuộc kiểm tra nhân số 2010. Sau đó là người Ấn độ và người Tàu. Trước đây người Tàu đứng số một. Tuy nhiên,vì người Mỹ gốc Việt hầu hết từng là những người tị nạn chính trị từ năm 1975 nên trình độ học vấn, mức lợi tức còn thấp so với những sắc dân Á Châu khác khá xa. Ngoài ra, cộng đồng người Việt cũng còn không ít những khó khăn cần phải có sự lưu tâm của chính phủ để có thể vượt qua.”

dai_hoc_rice_thao_luan_ve_dan_vn

Các thuyết trình viên đang trả lời câu hỏi của khách tham dự, Hình VAHF


Đó là lời phát biểu của Giáo sư Tiến sĩ Stephen L. Klineberg và cũng là một sử gia danh tiếng của Đại học Rice tại Houston trước một cử toạ khoảng trên 70 nhà nghiên cứu, giáo sư, sinh viên và một số những người quan tâm, tham dự cuộc Hội thảo về đề tài: “Người Mỹ Gốc Việt Trong Khối Người Việt Hải Ngoại 35 Năm Sau Chiến Việt Nam” (Vietnamese American in the Global Diaspora 35 Year After the Vietnam War) do đại học Rice tổ chức tại Chao, Trung Tâm Nghiên Cứu về Người Mỹ Gốc Á Châu, vào lúc 4 giờ 30 chiều ngày 17 tháng 2 vừa qua với mục đích giới thiệu tới những nhà nghiên cứu và giáo dục tại Đại học Rice một công trình nghiên cứu mới. Đó là: kiến thức về lịch sử và văn hoá người Mỹ gốc Việt, một trong những nhóm di dân trẻ nhất tại Hoa kỳ.

Nhưng ít được chú ý nhất

Cũng theo Tiến sĩ Klineberg, sách sử và truyền thông Hoa kỳ vẫn chưa quan tâm đúng mức tới người Mỹ gốc Á nói chung, mặc dù người Mỹ gốc Á đã đi được một đoạn đường khá dài so với năm 1890, là năm mà Hoa kỳ có đạo luật cấm sự di dân của người Á vào Hoa Kỳ và những người Á châu có mặt tại Mỹ lúc bấy giờ, không có quyền công dân và không được hưởng bất kỳ phúc lợi gì. Riêng với người Mỹ gốc Việt thì hầu như còn vắng bóng trong lịch sử Hoa kỳ, hoặc có cũng rất ít oi mặc dầu chiến tranh Việt Nam đưa họ đến đây đã hơn 35 năm qua.
Vắng bóng trong Lịch sử Hoa Kỳ.

Ngoài Tiến sĩ Klineberg còn có bốn thuyết trình viên khác: Tiến sĩ Võ Thuý Đặng, thuộc đại học California tại Irvine (UCI), Tiến sĩ Linda Ho Peche của Đại học Texas tại Austin (UT Austin), nhà văn Andrew Lâm, từ San Jose, và bà Nancy Bùi thuộc hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF).

Tiến sĩ trẻ Võ Thúy Đặng đã trình bày phần nghiên cứu của cô về người Mỹ gốc Việt, cô cho rằng báo chí và một số những công trình nghiên cứu của Hoa kỳ thường nói về người Mỹ gốc Việt như những nạn nhân của chiến tranh, hoặc là một nhón di dân gương mẫu, hay là những người tị nạn chỉ quan tâm đến vấn đề chính trị và thường bỏ quyên sự đa dạng cũng như những đóng góp quan trọng của sắc dân này trong mọi lãnh vực. Cô cũng giới thiệu đến cử tọa chương trình Lịch sử truyền khẩu (The Vietnamese Oral Heritage Project-VOHP) mà cô đang thực hiện tại UCI và sự hợp tác của UCI với chương trình 500 Lịch sử phỏng vấn của hội VAHF.

Nhà văn Andrew Lâm trình bày về những khó khăn của người trẻ Mỹ gốc Việt lớn lên trong hai nền văn hóa Việt và Mỹ. Những yêu thương bảo bọc nhưng đầy những kỷ luật khắt khe của bậc cha mẹ trước bao chào mời đầy hấp dẫn của xã hội, khiến người trẻ lớn lên trong nhiều áp lực khó quên. Ông cũng giới thiệu hai cuốn sách đã xuất bản của ông: Perfum Dreams và East Eat West trước khi đọc một đoạn văn ngắn trong Perfum Dreams trước sự thích thú của cử tọa. Andrew hiện là một editor cho New America Media, một tổ chức tập hợp trên 2,000 cơ quan truyền thông của người thiểu số, có trụ sở tại San Francisco.

Những cố gắng nhằm cải thiện.

Giáo sư Linda Ho Peche trình bày về sự thiếu vắng của lịch sử người Mỹ gốc Việt trong lịch sử Hoa Kỳ và trong sách giáo khoa khiến cho việc giảng dạy về lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Việt thật khó khăn. Đó là lý do khiến cô và Trung Tâm Nghiên cứu Lịch Sử Người Mỹ Gốc Á (CAAS) tại Đại học UT tại Austin hợp tác với hội VAHF, một hội thiện nguyện từ trong cộng đồng đứng lên để tiếp tay với các đại học và sử gia cải thiện sự thiếu sót này.

Để nói về lý do khiến bà và hội viên hội VAHF đã thành lập hội trên 7 năm qua, bà Nancy Bùi kể lại câu truyện của người con gái của bà đã bị điểm F cho bài luận viết về VN dựa trên những kinh nghiệm và hiểu biết của bà. Khi bà đến nói chuyện với nhà trường thì được giải thích là nhũng điều viết trong bài luận không hề có trong sách vở tại Hoa Kỳ. Sau hơn bảy năm thành lập, hội đã cùng với Đại học Texas Tech hoàn thành bộ sưu tập nói về tù nhân chính Việt Nam. Bộ sưu tập thứ hai về làn sóng định cư vĩ đại của gần 200,000 người tị nạn đến Hoa Kỳ qua hải đảo Guam và bộ sưu tập thứ ba là 500 Lịch Sử Phỏng Vấn hội đang kết hợp vói CAAS và Liên Hội Sinh Viên vùng Bắc Mỹ uNAVSA để thực hiện. Bà Bùi tỏ lời cám ơn Đại học Rice đã quan tâm và hy vọng nhiều Đại học khác sẽ mở phân khoa nghiên cứu về người Mỹ gốc Á với môn học về người Mỹ gốc Việt để chương sử Người Mỹ gốc Việt, một phần quan trọng của lịch sử Hoa Kỳ được chú tâm đúng mức.

Nhũng người tham dự sau đó đã đặt nhũng câu hỏi về làm thế nào để lịch sử về các sắc dân Á Châu có chỗ đứng xứng đáng cũng như chính phủ Hoa Kỳ cần phải quan tâm nhiều hơn nữa. Tham luận viên đã đề nghị nhiều giải pháp như vận động với chính phủ, với phụ huynh và sinh viên hãy khuyến khích nhiều người theo học những môn sử người Mỹ gốc Á và kêu gọi các Đại học mở nhiều hơn phân khoa học về người Mỹ gốc Á. Một số người tham dự tỏ vẻ vui mừng và cám ơn nhũng giáo sư trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Mỹ gốc Việt cũng như hội VAHF đã có những nỗ lực và đóng góp trong việc viết lên trang sử trung thực và đúng đắn để đưa vào chính sử Hoa Kỳ.

Buổi hội thảo đã kết thúc vào lúc 6 giờ 30 chiều cùng ngày. Trong hàng ngũ quan khách, chúng tôi còn nghi nhận được sự có mặt của một số thân hào nhân sĩ người Mỹ gốc Việt và bà Sara Hoàng, chủ tịch cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Houston.

Trung Tâm Chao sau đó đã liên lạc vói hội VAHF để bàn về sự hợp tác giữa Đại học Rice và hội VAHF trong những ngày sắp tới.

Sinh viên nghèo được học miễn phí tại Rice?

Tiến sĩ trẻ Kimberly Hoàng trong dịp này cũng cho biết Rice là một Đại học tư nhân danh tiếng đứng hàng thứ năm trên toàn nước Mỹ, sinh viên tốt nghiệp tại đây hầu hết được thu nhận bởi các cơ quan tầm vóc quốc tế như World Bank, Liên Hiệp Quốc, hoặc các công ty đứng hàng đầu trong mọi ngành nghề . Hơn thế nữa, Rice còn nằm tại trung tâm thành phố Houston, nơi có đông đảo người Mỹ gốc Việt sinh sống nhưng số sinh viên người Mỹ gốc Việt theo học tại đây còn rất khiêm nhường. Vẫn theo cô Kimberly thì một trong những lý do chính là vì sự hiếu biết không cặn kẽ về giá học phí của Rice. Dù Rice có giá học phí cao, nhưng nếu phụ huynh của sinh viên có lợi tức dưới $80,000 sinh viên có đủ điểm để nhận vào Rice sẽ gần như được học miễn phí hoặc trả một số tiền rất tượng trưng nhờ nhũng chương trình học bổng cũng như trợ giúp sinh viên với lợi tức thấp rất dồi dào tại Rice. Cô Kimberly cho biết cô sẵn sàng hướng dẫn việc điền đơn cho nhũng sinh viên muốn theo học cử nhân 4 năm tại Rice. Cô Kimberly cũng cho biết Đại học Rice mong mỏi được liên kết chặt chẽ với cộng đồng người Việt Houston để có những hỗ trợ hổ tương và cô sẵn sàng làm cầu nối. Xin liên lạc với Kimberly Hoàng qua email: <kkh3@rice.edu>

Triều Giang

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.