Hôm nay,  

Hoa Thịnh Đốn: Vinh Danh Phụ Nữ Dịp Lễ Hai Bà Trưng

06/03/201200:00:00(Xem: 7928)

hoa_thinh_don_hai_ba_trung__1_-large-content: GS Nguyễn Lâm Kim Oanh phát biểu.

hoa_thinh_don_hai_ba_trung-large-content: Trong buổi lễ.

WASHINGTON (VB) -- Lễ Hai Bà Trưng là một sinh hoạt truyền thống của cộng đồng Gốc Việt vùng Hoa Thịnh Đốn, bao gồm tiểu bang Virginia, tiểu bang Maryland, thủ đô Hoa Thịnh Đốn; đa số đồng hương cư ngụ tại Virginia (Northern Virginia), một số ít ở tại Maryland và rất ít người ở trong thủ đô.

Vào hôm thứ bảy ngày 3 tháng 3 năm 2012, theo thông lệ, Hội Cao Niên đứng ra tổ chức với sự phụ giúp đắc lực và hữu hiệu của các cựu nữ sinh và cựu giáo sư trường nữ trung học Trưng Vương và các trường khác như Gia Long.....

Năm nay nơi tổ chức là hội trường khang trang của trung tâm sinh hoạt đồng hương gốc Do Thái trên đường Little River Turnpike. Gần 300 đồng hương tham dự, trong đó có khoảng 10 người không phải gốc Việt.

Điểm đặc biệt là khai mạc đúng giờ vào lúc 11:30 sáng với nghi thức chào quốc kỳ và mặc niệm, một vài chức sắc Hoa Kỳ trong vùng gửi thư chào mừng hay đích thân đến dự. Trường Trưng Vương đóng góp đặc sắc như đồng ca Trưng Nữ Vương, hoạt cảnh "Cùng Nhau Đi Đến Saigon" ....trường Gia Long với ca khúc của nhạc sĩ tranh đấu Việt Khang, ..... đặc biệt Hội Thủ Đức "Cư An Tư Nguy" (khẩu hiệu của quân trường này) đã làm sống lại trang sử khởi nghĩa hào hùng của Hai Bà trong một hoạt cảnh sôi động. Ban Tế Lễ thật là trang nghiêm truyền thống trước bàn thờ Nhị Vị Trưng Vương.

Diễn giả chính là giáo sư Nguyễn-Lâm Kim Oanh, phó giám đốc Nha Ngoại Ngữ và Giáo Dục Quốc Tế thuộc Bộ Giáo Dục Liên Bang trong bài phát biểu ngắn song ngữ ca tụng và vinh danh gương bất khuất và lý tưởng công chính của Trưng Nữ Vương, cùng kêu gọi các phụ huynh giúp con em học sinh, sinh viên để ý đến văn hoá trong đó có Sử Việt.

Dưới đây là bài phát biểu:

Kính chào quý Cụ, quý Ông Bà, quý Anh Chị Em

Kính thưa Quý Vị

Xin chân thành cảm tạ Ban Tổ Chức, cho chúng tôi có dịp được chia sẻ một vài cảm nghĩ trong buổi lễ Tưởng Niệm Hai Bà Trưng. Lúc nhỏ, tôi chỉ được dạy Nhị Vị Trưng Vương là hai nhân vật lịch sử tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên sau này khi có dịp dạy Việt Ngữ cho sinh viên ở các trường đại học Hoa Kỳ, chúng tôi tìm thấy được nhiều điểm đặc sắc khác nơi Hai Bà. 

Đối với sinh viên Mỹ gốc Việt học Việt Ngữ , lịch sử Việt Nam rất dài (hơn 4,000 năm so với chỉ hơn 200 năm lịch sử Hoa Kỳ), lịch sử Việt Nam phức tạp và khó nhớ. Do đó thay vì giảng cho sinh viên nghe, chúng tôi cho sinh viên làm việc trong từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm lãnh việc nghiên cứu một giai đoạn lịch sử và 1-2 nhân vật tiêu biểu trong giai đoạn ấy. Sau đó từng nhóm sinh viên thay phiên nhau tường trình phần của mình trong mỗi lớp học. Trong phần thuyết trình thì các sinh viên có quyền đối chất nhau do đó phần học này trở nên lý thú và có ý nghĩa hơn cho các em.

Tôi nhớ có một lần sau khi nhóm sinh viên trình bày về lịch sử phần Bắc Thuộc Lần Thứ Nhất (111BC-43 AD) và kể lại thành tích dành độc lập của Hai Bà Trưng cho lớp nghe. Có những em lúc bé đã được nghe cha mẹ hoặc cô/thầy giáo trường Việt Nam kể thì không thắc mắc. Nhưng có những em Mỹ, hoặc chưa bao giờ nghe thì liền sau đó có nhiều thắc mắc và nêu ra các câu hỏi như:

- trong văn hóa Á Đông: người phụ nữ không được tự do ra ngoài, phải ở trong nhà, hầu cha mẹ và hầu chồng thì làm sao Hai Bà biết cưỡi voi, biết dùng võ khí, hay có võ thuật để đi đánh giặc.

- có em thực tế hơn, hỏi :

- “người dân trong làng nghĩ như thế nào mà dám đi theo Hai Bà ra chiến trường?" 

- "làm sao họ tin tưởng được hai người phụ nữ chưa bao giờ có kinh nghiệm chiến đấu?”

Nhóm thuyết trình phải về nhà nghiên cứu thêm để tuần sau trả lời thắc mắc của các bạn. Nhờ vậy, chính bản thân tôi cũng được biết thêm về Hai Bà Trưng qua lời các sinh viên trình bày như sau:

- Từ thuở nhỏ Hai Bà đã chịu khó không những chu toàn những vai trò cổ truyền của phụ nữ mà còn luyện tập võ thuật; Hai Bà thuộc gia đình Lạc Tướng - có quyền hành nhưng không đàn áp kẻ yếu, ngược lại còn biết dùng khả năng để cứu giúp kẻ khác khỏi bị áp bức. Ngoài ra Hai Bà còn biết giao tiếp và gần gũi với dân trong làng và được cảm tình của họ; và cũng nhờ đức độ và tài ăn nói mà Hai Bà thuyết phục được nhiều người theo Hai Bà, mặc dầu họ biết hai người phụ nữ này không hề có kinh nghiệm chiến trận .Trong đường lối giáo dục tại Hoa Kỳ, sinh viên được dạy để phân biệt giữa huyền sử (legend) và lịch sử (history). Nếu các em không chứng minh được là nhân vật các em đang trình bày là có thật thì các bạn sẽ cho đó là huyền sử, không phải là lịch sử có thật . Trong phần nghiên cứu về Hai Ba Trưng, các sinh viên đã đưa ra được một trích đoạn (excerpt) trong lịch sử Trung Quốc, có ghi về sự kiện Hai Bà Trưng nổi dạy và chiếm được 65 quận huyện, và cầm cự được hơn 2 năm- tuy nhiên trong sử TQ thì dĩ nhiên họ không coi Hai Bà là anh thư song là quân phản loạn (rebellions) - điều quan trọng là các sự kiện chính yếu trong sử Việt Nam và Trung Quốc không khác nhau - chỉ được tường trình theo hai quan điểm ngược lại nhau.

Sau nhiều cuộc thảo luận, sinh viên đã đưa ra được những điểm họ đồng ý vì sao Hai Bà Trưng được nhiều người biết đến và cảm phục qua nhiều thế hệ:

1- Hai Bà biết phát triển các khả năng và năng khiếu của cả hai phái nữ và nam - vừa công dung ngôn hạnh, vừa tập luyện thể thao, võ thuật - do đó theo cái nhìn của các sinh viên thì Nhị Vị Trưng Vương là hai người phụ nữ của thế kỷ thứ 21, không bị ràng buộc và đóng khuôn trong các định kiến cổ truyền.

2. Hai Bà lớn lên trong một gia đình tôn trọng lẽ phải, sự công bằng chính trực, biết xả thân giúp đỡ kẻ khác - điểm này đã tạo ra những buổi nói chuyện chia sẻ thân tình và sôi nổi trong lớp về ảnh hưởng của gia đình đối với các em sinh viên. Có em chia sẻ là gia đình em chú trọng vào việc các em phải lựa các ngành nghề có khả năng kiếm được nhiều tiền và được nhiều người nể trọng. Có em nói bố mẹ chỉ muốn em dành hết thời giờ vào việc học để đạt được điểm cao - không muốn em tham gia bất cứ sinh hoạt nào ngoài giờ học, kể cả sinh hoạt văn hóa và xã hội. Cũng có những em kể là gia đình luôn luôn nhắc nhở đừng quên nguồn gốc, đừng làm điều gì xấu mang tiếng gia đình/dòng họ, phải ráng học để sau này đóng góp và trả ơn cho đất nước Hoa Kỳ đã cưu mang hơn 1 triệu người tị nạn Đông Nam Á.

Qua sự chia sẻ của các em tôi nghiệm thấy rõ ràng ảnh hưởng sâu đậm của gia đình trong sự trưởng thành và tiến trình làm người của các em - giáo huấn trong từng gia đình quyết định sự thành danh, hay thành nhân hay cả hai của các em.

3. Hai Bà có khả năng thích ứng với từng hoàn cảnh khác nhau - khi là người vợ, người con, người em, ... khi là người tướng lãnh, người lãnh đạo - Hai Bà dám đứng ra gánh vác việc lớn khi cần thiết - dám hy sinh mạng sống cho lý tưởng của mình - Các sinh viên có dịp thảo luận về lý tưởng sống của các em và chia sẻ những khó khăn cạm bẫy trong đời sống hàng ngày.

Sau khi tóm tắt được những điểm trên thì hình ảnh của Hai Bà Trưng không còn là hai người xa lạ đối với các em sinh viên Mỹ gốc Việt mà là hình ảnh của hai vị rất thật, rất gần (contemporary)-mà các em có thể hình dung, liên tưởng rõ ràng và liên kết với chính bản thân các em.

Khi đưa ra điểm này, chúng tôi muốn bày tỏ là con cháu chúng ta, dầu có sinh ra, lớn lên trên đất nước này và chưa bao giờ bước chân đến Việt Nam, vẫn có thể học hỏi, thâu nhận và nối kết với ngôn ngữ, văn hóa, va lịch sử Việt Nam khi các em có cơ hội học hỏi trong môi trường đại học, hoặc trung học, trong chương trình học dòng chính của các em.

Đã từng sinh hoạt, cộng tác và tổ chức nhiều khóa Sư Phạm cho các Thày Cô Giáo tại các trung tâm Việt Ngữ khắp Hoa Kỳ, tôi luôn ủng hộ và khâm phục việc làm của các Thày Cô Giáo, các Trung Tâm Trưởng, Hiệu Trưởng và các bậc cha mẹ, phụ huynh đã cố gắng duy trì tiếng mẹ đẻ cho các em. Tuy nhiên nếu các nỗ lực giúp con em chúng ta đừng quên nguồn gốc chỉ quy tụ tại các trường và trung tâm Việt Ngữ trong các cộng đồng thì thật sự là không đủ. Chúng ta phải tìm phương thức, tạo cơ hội cho các em được học Tiếng Việt, Văn hóa và Sử Việt trong các chương trình học dòng chính - qua các phương pháp học giúp cho các em tự tìm hiểu, trau dồi, nhận xét và hiểu theo cái nhìn của các em.

Nhân đây chúng tôi xin phép được chia sẻ một nỗ lực mà một số đồng nghiệp và chúng tôi đã vận động nhiều năm tại Tiểu Bang CA, nay vừa được thành công. Đây là một nỗ lực hợp tác với nhiều sắc dân có ngôn ngữ thiểu số khác nhau (tiếng Trung Hoa, Đại Hàn, Tây Ban Nha, Nga,..…) . Chúng tôi đã vận động để CA có một đạo luật chấp thuận cho học sinh tốt nghiệp trung học được cấp một chứng chỉ qua một ấn ký trên bằng Tốt Nghiệp Trung Học của các em (Seal of Biliteracy - Ấn Ký Song Ngữ) khi em nào chứng tỏ được khả năng thông thạo Anh Ngữ và thêm một ngoại ngữ. Điều này sẽ nâng cao giá trị của các trường/trung tâm Việt Ngữ, vì việc theo học Việt Ngữ của các em được nhà trường dòng chính tuyên dương .

Hiện tại, chỉ có một ít đại học có chương trình dạy Văn Hoá Việt hoặc có các lớp về lịch sử người tị nạn Việt Nam. Đây là một thiếu sót và mất mát lớn cho tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại. Không cần phải có đông sinh viên Việt Nam mới có thể có chương trình Việt Ngữ (Vietnamese Language) hoặc Việt Học (Vietnamese Studies). Có nhiều chương trình ngôn ngữ chỉ có 5-7 sinh viên học mỗi lớp mà nhà trường vẫn có lớp đều đặn.

Hiện tại, trong chức vụ Phó Giám Đốc Nha Ngoại Ngữ và Giáo Dục Quốc Tế, văn phòng chúng tôi cung cấp ngân khoản (gần 100 triệu Mỹ Kim) cho các đại học để họ lập ra các chương trình ngoại ngữ- nhất là các ngôn ngữ thuộc trong nhóm 78 ngôn ngữ có ưu tiên cao, mà trong đó có tiếng Việt. Mỗi năm văn phòng chúng tôi nhận được nhiều đơn của rất nhiều các đại học xin ngân khoản tài trợ để lập chương trình ngoại ngữ hoặc các môn học liên quan đến các quốc gia, dân tộc và văn hóa khác nhau. Tuy nhiên số trường đại học xin tiền để lập chương trình Tiếng Việt rất ít - trên toàn Hoa Kỳ, chỉ khoảng 5-7 trường. Trong khi đó các ngôn ngữ khác, từ một ngôn ngữ đang thịnh hành như tiếng Trung Hoa, tiếng Ả Rập đến một ngôn ngữ rất ít người học như các thổ ngữ của dân chúng gốc người Nam Mỹ, đều tiếp tục phát triển và có lớp tại nhiều đại học.

Một điểm khác biệt chính giữa cộng đồng Việt Nam và các cộng đồng khác là chúng ta tập trung sự tranh đấu cho các vấn đề Việt Nam tại Việt Nam, trong khi các cộng đồng khác tranh đấu cho các vấn đề của dân họ tại Hoa Kỳ, là nơi họ đang sinh sống và là đất nước vĩnh viễn của con cái họ. Tất cả các vấn đề Việt Nam sẽ không có người tiếp sức nếu các thế hệ sau không còn biết tiếng Việt, không hiểu về lịch sử Việt cũng như nguồn gốc Tị Nạn Cộng Sản của người Mỹ gốc Việt, không cảm thấy có một sự liên hệ nào hết đến dòng giống Việt của mình.

Như Nhị Vị Trưng Vương đã thực hiện, chúng ta thấy - khi cần tranh đấu, phải tranh đấu - khi cần thích ứng với hoàn cảnh, phải thích ứng được -

Hôm nay nhân dịp này, chúng tôi kêu gọi qúy vị cao niên tranh đấu cho con cháu qúy vị, cho các thế hệ tiếp bước, có cơ hội học hỏi, tìm hiểu, và gần gũi với Văn Hóa, Lịch Sử quê hương mình qua các lớp và chương trình Việt Ngữ và Việt Học trong các hệ thống giáo dục dòng chính. Chúng tôi mong các Cụ Bà đứng lên lãnh đạo và thuyết phục tất cả như Nhị Vị Trưng Vương đã từng làm . Vì tương lai con cháu Trưng Vương, chúng ta phải tranh đấu cho tương lai các em.

Xin chân thành cảm tạ .

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.