Hôm nay,  

Bạch Ốc tiếp xúc với người Việt về nhân quyền

24/02/201200:00:00(Xem: 7835)
Bạch Ốc tiếp xúc với người Việt về nhân quyền

san_jose_bieu_tinh_h12-large-contentBiểu tình hôm 12/2/2012 trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đòi nhân quyền cho dân trong nước (ảnh Bùi Văn Phú)

Bùi Văn Phú
Hôm Chủ Nhật 19/2 giới chức Toà Bạch Ốc cho biết họ muốn gặp gỡ cộng đồng người Mỹ gốc Việt để nghe quan điểm về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Thông tin do nhạc sĩ Nam Lộc chuyển đến truyền thông Việt ngữ nói cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai 5/3 tại Bạch Cung. Ngày hôm sau phái đoàn người Việt sẽ có những tiếp xúc với dân biểu và nghị sĩ tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Hành pháp Mỹ dự định đón tiếp khoảng 100 người Việt. Hai nhạc sĩ Nam Lộc và Trúc Hồ đang lo lập danh sách phái đoàn để gửi cho cơ quan an ninh lo thủ tục trước cuộc hội kiến.
Trả lời phỏng vấn của báo Cali Today ở San Jose nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết phái đoàn sẽ có những người từ 50 tiểu bang đã kí tên vào thỉnh nguyện thư về nhân quyền Việt Nam gửi Tổng thống Barack Obama. Còn lại là người của ban tổ chức, các ca sĩ sẽ hát những ca khúc của Việt Khang và Trúc Hồ và đại diện truyền thông.
Đây là kết quả của nỗ lực vận động cho nhân quyền Việt Nam được nhạc sĩ Trúc Hồ, giám đốc SBTN-TV và trung tâm băng nhạc Asia, khởi xướng qua một thỉnh nguyện thư đưa vào trang nhà của Toà Bạch Ốc từ hôm 7/2.
Thỉnh nguyện thư ngắn gọn này dài chỉ 120 chữ yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ không phát triển thêm quan hệ giao thương với Việt Nam cho đến khi tình hình nhân quyền ở đó được cải tiến. Bản thỉnh nguyện thư viết rằng từ năm 2007 đến nay chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp dã man qua việc quản chế, bắt giam hay xử án tù những người có quan điểm bất đồng với nhà nước như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hoà thượng Thích Quảng Độ, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải).
Gần đây nhất nhạc sĩ Việt Khang, tức Võ Minh Trí, bị bắt vì cho là đã sáng tác và hát những ca khúc phản đối Trung Quốc gây hấn, xâm lăng đất biển của Việt Nam và phản đối công an Việt Nam bắt giam nhiều người Việt bày tỏ lòng yêu nước qua những cuộc xuống đường tại Hà Nội và Sài Gòn vào mùa hè năm qua.
Để được hành pháp quan tâm và trả lời, thỉnh nguyện thư phải có ít nhất 25 nghìn chữ ký trong vòng một tháng. Thỉnh nguyện thư cho nhân quyền Việt Nam trong vòng mười ngày đã có được 50 nghìn chữ kí của người Việt tại Mỹ. Đó là điều khiến giới chức Bạch Ốc và Quốc hội Hoa Kỳ chú ý vì so sánh với những thỉnh nguyện thư khác liên quan đến một số vấn đề đang gây tranh luận trong quần chúng, như việc không gia hạn chính sách giảm thuế của Tổng thống George W. Bush (con) hay vấn đề kết hôn đồng tính mà trong thời gian hạn định thu thập chữ kí cũng cũng chỉ được đôi ba vạn.
Vì sự nhiệt tình lên tiếng của người Mỹ gốc Việt cho nhân quyền tại Việt Nam, Bạch Cung đã yêu cầu được gặp gỡ phái đoàn người Việt vào đầu tháng Ba.
Sự kiện hành pháp Hoa Kỳ tiếp xúc với người Việt để lắng nghe quan điểm của họ hay để giải thích chính sách của Mỹ đối với Việt Nam thì đây không phải là lần đầu tiên.
Trước kì bầu cử tổng thống năm 1992, giới chức chính quyền của Tổng thống George H.W. Bush (tức ông Bush cha) đã mời một số người Việt vào Bạch Ốc để nghe trình bày về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam trước khi có những bước đầu trong việc tháo bỏ cấm vận.

Năm 2007, trước khi đón Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chính thức thăm Hoa Kỳ, Tổng thống Bush (con) cũng đã gặp gỡ đại diện một số tổ chức chính trị của người Mỹ gốc Việt để nghe quan điểm của họ.
Vấn đề nhân quyền tại Việt Nam gần đây trở nên nghiêm trọng hơn với việc Hà Nội gia tăng bắt giam, quản chế nhiều người chỉ vì họ muốn bày tỏ lòng yêu nước trước vụ việc Trung Quốc có những động thái muốn kiểm soát biển Đông là khu vực tiềm ẩn số lượng lớn dầu hoả và là trục giao thông đường biển quốc tế.
Trong tình thế đó, tuy đàn áp người biểu tình Hà Nội lại muốn nâng quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam lên tầm chiến lược.
Nhiều quan chức Mỹ đã đến Việt Nam để lượng định tình hình và vấn đề nhân quyền được các giới chức nhắc nhở Hà Nội cần phải cải thiện trước khi quan hệ hai nước được nâng lên cao hơn.
Đầu năm nay một phái đoàn bốn thượng nghị sĩ Mỹ thăm Việt Nam. Sau đó Thượng Nghị sĩ John McCain phát biểu rằng muốn được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn việc bán vũ khí chiến lược cho Việt Nam, Hà Nội cần phải cải tiến tình hình nhân quyền.
Thứ trưởng ngoại giao đặc trách châu Á – Thái Bình Dương là ông Kurt Campbell đầu tháng này cũng đã đến Việt Nam. Ông kêu gọi Hà Nội cần tôn trọng nhân quyền thì mới hi vọng có quan hệ tốt hơn với Washington.
Dân biểu Loretta Sanchez thuộc Quận Cam, thủ phủ của người Việt ở miền nam California, đã đề nghị kết nối việc giao thương giữa hai nước với mức độ cải tiến nhân quyền của Hà Nội.
Cùng lúc, dự luật H.R. 1410 liên quan đến nhân quyền Việt Nam đã được một tiểu ban thuộc ủy ban ngoại giao Hạ viện biểu quyết thông qua sau khi nghe điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam dưới sự chủ toạ của dân biểu Chris Smith và sự tham dự của một số người Việt như Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch cơ quan Boat People SOS và cựu dân biểu Cao Quang Ánh.
Trong quá khứ, vào các năm 2001, 2004 và 2007 Hạ viện đã thông qua dự luật về nhân quyền, nhưng không được Thượng viện đem ra bàn thảo nên đã không trở thành luật.
Trong sinh hoạt chính trị Mỹ, Thượng viện là cơ quan lập pháp có nhiều ảnh hưởng trong việc định hướng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vì đó là cơ quan phê chuẩn các hiệp ước giữa Hoa Kỳ và các nước, phê chuẩn việc tổng thống bổ nhiệm các đại sứ.
Trong tiến trình bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tiếng nói của các nghị sĩ rất quan trọng. Khi hai nghị sĩ John McCain và John Kerry cùng đồng ý đưa ra một nghị quyết hỗ trợ cho việc thiết lập quan hệ với Việt Nam, khi đó Tổng thống Bill Clinton mới chính thức quyết định bang giao vào năm 1995.
Với quan hệ hai nước đang phát triển, không hi vọng một dự luật liên quan đến nhân quyền Việt Nam sẽ được quốc hội thông qua và được Tổng thống Barack Obama ban hành.
Tuy thế, những vi phạm nhân quyền của Hà Nội không phải là điều mà Hoa Kỳ không quan tâm. Vì chính sách đối ngoại của nước Mỹ luôn ở thế chân vạc bao gồm quyền lợi kinh tế, vị trí chiến lược và lý tưởng tự do, dân chủ.
Khi nào Việt Nam cùng chia sẻ ba định hướng trên về quan hệ quốc tế với Hoa Kỳ, khi đó Việt Nam sẽ trở thành đồng minh chiến lược.
© 2012 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.