Hôm nay,  

Sổ Tay Thường Dân: Một Nông Dân Thất Bại

25/05/199900:00:00(Xem: 8458)
Ông Lê Sức - một nông dân Việt Nam, góa vợ, 31 tuổi - vì mùa màng thất bát nên bỏ thôn quê lần vào thành phố kiếm sống. Tại đây, ông không đi ăn xin và cũng không đi bán máu để sống qua ngày, như nhiều người Việt khác hiện nay vẫn thường làm khi lâm hoàn cảnh tương tự; thay vào đó, ông Sức mưu sinh bằng cách buôn bán vặt vãnh trên đường phố. Ông ta bưng một cái khay nhỏ, chào mời du khách mua hàng, trước cửa một viện bảo tàng mới khai trương ở Khe Sanh - Quảng Trị. Ông bán những món hàng cũ kỹ - những thứ đã có lúc là vật dụng tùy thân quen thuộc của những chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam - đại loại như dao, nĩa, bật lửa, đồ cạo râu cũ, và độ hơn một chục cái thẻ bài. Giá ông ta rao bán thẻ bài là 5 Mỹ Kim 3 cái.
And all of them are fakes. Tất cả đều là đồ dởm, ký giả Mark McDonald đã tường thuật như vậy, qua bài báo "Battling 'Ghoulish' Trade In Dog Tags Sale Of Counterfeit Items Offends Officials And U.S. Veterans Groups," (San Jose Mercury News, 17 Mar. 1999:A15). Cũng theo bài báo này thì "business" của ông Lê Sức bị kết án nặng nề bởi cả hai phía: Hoa Kỳ và CSVN.
Về phía Hoa Kỳ, một đại diện của tổ chức cựu chiến binh "American Legion" phát biểu rằng đây là một việc bẩn thỉu (ghoulish). Một nhân vật khác, cũng thuộc tổ chức này, ông Phil Budanhn, còn đi xa hơn thế nữa: "Nếu chính phủ Việt Nam thực sự muốn nuôi dưỡng sự liên hệ tốt hơn với Hoa Kỳ, họ nên tìm cách chấm dứt chuyện này."
Về phía Việt Nam, những giới chức liên hệ đã đáp ứng lại sự quan tâm của hai nhân vật kể trên một cách rất nhiệt tình và nhanh chóng. Ông Ngô Thanh Bảo, giám đốc viện bảo tàng, cũng đồng ý rằng chuyện buôn bán thẻ bài là một việc làm đáng ghét (distasteful). Cụ thể hơn, ông Vũ Khắc Nhu - phó giám đốc Văn Phòng Tìm Kiếm Người Mất Tích (the Vietnam Office for the Search of Missing Persons) - tuyên bố rằng Hà Nội đã nghiêm cấm việc này, và vẫn theo lời ông thì công an đã bắt nhiều người buôn bán hài cốt và những vật dụng tùy thân của lính Mỹ.
Thiện chí của giới chức Việt Nam khiến cho ông đại sứ Hoa Kỳ, Peter Peterson, vô cùng hoan hỷ. Ông nói: "Tôi vô cùng hài lòng khi biết được giới hữu trách của tỉnh Quãng Trị đã dự tính ngăn cấm việc bán thẻ bài giả của lính Mỹ."
Như thế, ông Lê Sắc, một "nông dân thất bại" - a failed farmer, nếu ghi nguyên văn theo Anh Ngữ (không mấy chính xác) của Mark Mc Donald - sẽ trở thành một "doanh gia thất nghiệp", trong tương lai gần. Căn cứ theo tình hình nghiêm trọng và căng thẳng, như đã được ghi nhận bởi bài báo dẫn thượng, và bằng vào sự lục đục cố hữu trong quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn - ở một tương lai không xa - tôi còn ngại rằng ông Lê Sức có thể bị bắt, và dám bị kết án là đã "làm phương hại đến bang giao Mỹ - Việt". Tội danh này, trong hoàn cảnh hiện tại, đồng nghĩa với chuyện "phá hoại kinh tế nhà nước".
Phen này ông ta chắc chết, chết chắc!
Cũng như ông Lê Sức, tôi là một di dân Việt Nam thất bại - một người cầm viết thất bại (an unsucesseful pen holder, nếu nói theo tiếng Anh (cũng không hoàn chỉnh mấy của cá nhân tôi) và nói trong tinh thần vô cùng độ lượng. Đồng cảnh tương lân. Tôi nhìn thấy cảnh đời lao đao của ông Lê Sức mà không khỏi trạnh lòng.

Lộ kiến bất bình, vung đao bạt tụy. "Giữa đường gặp cảnh bất bằng mà tha" (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu). Ôi, nếu được như thế thì hào hùng quá. Đó là một giấc mơ, không bao giờ đạt, trong suốt cuộc đơì tôi. Xế rồi. Đời sắp về chiều. Thấy cảnh bất bình xẩy đến cho một người đồng hương, đồng bào, và đồng cảnh với mình mà gươm súng và sức lực đều không còn nữa. Thôi thì đành trình bầy vài ý kiến thô thiển - một cách nhũn nhặn, nghĩa là năn nỉ - với hy vọng (mong manh) là sẽ được cả hai giới chức Việt Mỹ tái cứu xét cho trường hợp của ông Lê Sắc.
Trước hết, xin thưa rằng, tôi hoàn toàn đồng ý với hai vị đại diện cựu chiến binh Hoa Kỳ là việc buôn bán thẻ bài giả mạo có thể làm tổn thương đến tình cảm của thân nhân những cựu chiến binh Hoa Kỳ - đã chiến đấu, và hy sinh tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi mô tả việc làm của ông ta là bẩn thỉu (ghoulish) thì tôi e là quí vị có hơi nặng lời và không được công bằng. Danh từ "ghoul" trong Anh Ngữ, theo tôi hiểu, để chỉ ma quỉ chuyên đào mồ mả và sống bằng xác chết. Chuyện mang hài cốt của những chiến binh Mỹ đã hy sinh ở Việt Nam ra để trả giá mặc cả hay mua bán trao đổi này nọ giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn, hình như, không phải là sáng kiến của ông nông dân Lê Sức. Nên nếu sự việc này bị coi là bẩn thỉu thì quí vị có quyền lên tiếng nhưng xin đừng hướng tiếng nói của mình về phía ông ta. Tôi bảo đảm là ông ấy hoàn toàn vô can, ít nhất thì cũng ở giai đoạn khởi đầu. Chuyện này, theo chỗ tôi biết, khởi thủy từ New York hay một chỗ nào khác chứ không phải ở một làng quê nghèo khốn nào đó của ông Lê Sức đâu.
Thứ đến, khi quí vị đặt trách nhiệm liên hệ Việt - Mỹ lên vai ông Lê Sức hay lên vai những con người cùng khổ tương tự - đang kiếm ăn vặt vãnh bằng cách đào bới hay bán thẻ bài ở Việt Nam - là điều mà tôi e rằng có hơi bất công và cũng... quá sức chịu đựng của họ. Bang giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội vốn chưa bao giờ tốt đẹp. Sự việc này không bắt nguồn từ mấy tấm thẻ bài giả mạo, và cũng không thể cải thiện được bởi những vật dụng lẩm cẩm này.
Tôi lấy làm tiếc là giới chức Hoa Kỳ (kể cả ông đại sứ) đã có một cái nhìn hơi thiếu phần khoáng đạt, và vô cùng buồn về thái độ thiếu lương thiện và không minh bạch của giới chức Việt Nam.
Năm nay, ông Lê Sức 31 tuổi. Nghĩa là ông sinh vào khoảng năm 1968. Ông chào đời được bẩy năm thì đất nước hòa bình và thống nhất. Năm năm sau, hiến pháp của CHXHCNVN năm 1980, điều 4 khẳng định: "Đảng Cộng Sản VN là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước, là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam." Rồi vừa mới đây, ngày 2 tháng 2 năm 99, ở hội nghị sáu lần 2, lại có nghị quyết, tái xác nhận: "Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam."
Ông Lê Sức sinh ra và trưởng thành "trong lòng cách mạng". Suốt cuộc đời ông ta được một đảng duy nhất, đảng CSVN (đảng tiền phong của giai cấp công nông) dành "độc quyền" nuôi dưỡng, giáo dục, lãnh đạo... Kết quả: đến năm 31 tuổi ông trở thành... "một nông dân thất bại"!
Sự thất bại đau đớn và thê thảm của này không thể giới hạn ở cá nhân ông Lê Sức. Nó cũng không thể biện minh được bằng "mồm loa mép giải" hay "mồm năm mép mười", theo kiểu "gái đĩ già mồm". Nó càng không thể "xí xóa" dễ dàng bằng cách đe dọa cấm đoán, hay vô cớ bắt bớ dân lành. Họ chỉ là nạn nhân chứ không phải là thủ phạm. Lẫn lộn giữa nạn nhân và thủ phạm (dù cố ý hay vô tình) là một lầm lỗi chết người. Đã bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu mảnh đời đã tan nát chỉ vì thái độ thiếu lương thiện và minh bạch tương tự - của giai cấp cầm quyền, ở Việt Nam - từ hơn nửa thế kỷ qua"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.