Hôm nay,  

San Francisco với những vị dân cử gốc Á

12/11/201100:00:00(Xem: 5286)

San Francisco với những vị dân cử gốc Á

buivanphu_20111109_sfvotes_h01_vandong-large-content: Bích chương vận động bầu cử dán trước cửa tiệm trong khu Little Saigon ở San Francisco (ảnh Bùi Văn Phú)

buivanphu_20111109_sfvotes_h02_edlee-large-content: Ông Ed Lee (đeo kính đen) trong một dịp tham dự hội chợ Tết của người Việt San Francisco (ảnh Bùi Văn Phú)

Bùi Văn Phú

Cử tri San Francisco ngày 8-11 vừa qua đã chọn ông Ed Lee làm lãnh đạo thành phố. Ông là người gốc châu Á đầu tiên được dân bầu làm thị trưởng một thành phố lớn với 800 nghìn cư dân, trong đó một phần ba là gốc Á, đông nhất là người Hoa và cũng có người Nhật, Hàn, Việt, Phi. San Francisco còn là trung tâm tài chính, thương mại và du lịch lớn nhất của bang California và miền tây Hoa Kỳ.

Ông Ed Lee hiện là quyền thị trưởng kể từ đầu năm nay khi nguyên Thị trưởng Gavin Newsom đắc cử chức phó thống đốc và đã tiến cử ông Ed Lee lúc đó đang làm quản trị viên thành phố tạm thời thay thế và việc tiến cử này đã được hội đồng thành phố phê chuẩn chấp thuận.

Ông Lee về đầu trong số 16 ứng viên qua một cuộc tranh cử theo cách ranked-choice khác với những cuộc bầu cử thường có tại Hoa Kỳ. Sau khi đã qua 11 vòng đếm phiếu, ông được 61%, tuy số phiếu chọn ông đứng hạng nhất chỉ có 32%.

1. Cách bầu chọn ranked-choice

Năm 2002 Hội đồng Thành phố San Francisco đưa ra luật bầu chọn thị trưởng, các giám sát viên, luật sư của thành phố, trưởng ty cảnh sát quận theo cách ranked-choice, diễn dịch một cách dài dòng là “chọn ba ứng viên xứng đáng nhất”.

Cách bầu chọn này cho phép cử tri được chọn 3 ứng cử viên trong danh sách trên phiếu bầu mà theo nhận xét riêng là 3 người đại diện xứng đáng theo thứ tự nhất, nhì và ba.

Vì các chức vụ dân cử ở cấp thấp hơn tiểu bang không theo cách bầu chọn qua sự đề cử của các đảng nên thường có nhiều người ra tranh cử. Trong quá khứ cử tri chỉ được chọn một ứng viên và nếu kết quả không ai được trên 50% số phiếu thì sẽ có cuộc bầu chọn vòng nhì giữa hai ứng viên được số phiếu cao nhất. Tổ chức bầu cử lần hai tốn kém cho ngân sách vì thế một số thành phố như Oakland, Berkeley và San Francisco đã ra luật bầu theo cách ranked-choice để không phải tổ chức thêm các cuộc bầu cử.

San Francisco đã áp dụng cách bầu chọn này trong kì bầu cử năm 2007. Lúc đó đương kim Thị trưởng Gavin Newsom tái ứng cử nên ông dễ dàng đạt được hơn 70% số phiếu bầu hạng nhất nên coi là thắng cử ngay.

Thành phố Oakland cũng áp dụng cách bầu chọn này vào tháng 11 năm ngoái và bà Jean Quan tuy không đứng đầu về số phiếu được cử tri chọn là ứng viên xứng đáng nhất trong số 10 ứng viên - Nghị sĩ Tiểu bang Don Perata về nhất với 34% số phiếu này, bà Jean Quan về nhì với 25% - nhưng khi đếm các phiếu chọn ứng viên xứng đáng thứ nhì, rồi thứ ba thì bà Jean Quan được làm thị trưởng.

Chọn ba ứng cử viên theo thứ tự nhất, nhì, ba là điều dễ cho cử tri. Còn để hiểu được cách đếm phiếu thì không dễ.

Khi các phiếu được đếm vòng đầu với lựa chọn hạng nhất của cử tri mà không ứng viên nào được trên 50% để thắng cử ngay thì người được ít phiếu chọn hạng nhất sẽ bị loại. Ủy ban bầu cử sau đó đếm số phiếu chọn hạng 2 của ứng viên vừa bị loại và cộng vào cho những ứng viên còn lại. Khi ứng viên được chọn hạng 2 cũng đã bị loại thì số phiếu hạng 3 sẽ được cộng vào. Tiến trình đếm phiếu tiếp tục lập lại với ứng viên đứng chót bị loại cho đến khi một ứng viên được trên 50% số phiếu thì người đó được tuyên bố thắng cử.

Kết quả có thể là một ứng viên không phải là người đã đạt được số phiếu hạng nhất cao nhất trong vòng đếm phiếu đầu tiên, như đã xảy ra tại Oakland.

Cách bầu chọn ranked-choice tuy tiết kiệm ngân sách nhưng không giúp cư dân cảm thấy yên lòng ủng hộ những chính sách mà ứng viên đã đề ra vì ứng viên thắng cử có thể không phải là người đã được đa số cử tri tín nhiệm ở mức cao nhất. Chính vì thế khi có những bất đồng hay không còn tin tưởng vào lãnh đạo, cử tri thường phê bình rằng người đại diện đã không được đa số cử tri ủng hộ và có thể tìm cách bãi nhiệm.

Trường hợp của Thị trưởng Oakland Jean Quan cũng lại là một thí dụ. Bà mới làm thị trưởng được gần một năm và đang bị những người bất đồng với chính sách về an ninh thành phố muốn truất nhiệm, ngay cả trước khi có những xung đột trong cách giải quyết việc phong trào Occupy Oakland dựng hàng trăm lều trại trước toà thị chính.

Hai giám sát viên trong hội đồng thành phố San Francisco là Sean Elsbernd và Mark Farrell đã đệ trình một đề nghị luật bỏ cách bầu chọn ranked-choice vì cho rằng cách bầu chọn không phản ánh lựa chọn xứng đáng nhất của cử tri.

2. Sự vươn lên của các chính trị gia gốc Á

Có nhiều người gốc Á trong chính trường San Francisco. Thập niên trước là giám sát viên Fiona Ma, nay giữ chức dân biểu tiểu bang. Hiện trong hội đồng thành phố có 3 dân cử gốc Á: Carmen Chu, Jane Kim và David Chiu là chủ tịch đương nhiệm.

Kì bầu thị trưởng đã có 16 ứng cử viên, với 5 gốc Á mà kết quả số phiếu họ đạt được cũng ở mức cao. Ed Lee dẫn đầu với 32% số phiếu, kế đến là 2 ứng viên gốc Hispanic là John Avalos 18%, Dennis Herrera 11%, rồi đến David Chiu 9%, Leland Yee 8% và Jeff Adachi 7%.

Trong kì bầu cử 8-11 có ứng viên gốc Việt là luật sư Trịnh Vương Vũ tranh chức chánh biện lý và về chót trong số 5 ứng viên với 4% phiếu bầu. Ông và gia đình mới từ quận Cam dọn về sống ở San Francisco được vài tháng.

Sự kiện ông Ed Lee được bầu chọn làm thị trưởng San Francisco làm nổi bật sự sự trỗi dậy của cộng đồng người Mỹ gốc Á tại vùng Vịnh San Francisco vì hiện tại thành phố Oakland bên cạnh có Thị trưởng Jean Quan và ở San Jose có Phó Thị trưởng Madison Nguyễn.

© 2011 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.