Hôm nay,  

Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 23

01/09/201100:00:00(Xem: 4200)
Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 23

khoa-tu-chau-au_1-400-large-contentHình ảnh trong Khóa Tu.

Tuyết Mai

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu (GHPGVNTNAC) đã tổ chức Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu Kỳ Thứ 23 trong mười ngày, từ 22 Tháng 7, 2011 đến 31 Tháng 7, 2011 tại Wieselburg, Áo Quốc. Cách đây hai mươi tám năm, Chùa Khánh Anh ở Pháp Quốc đã tổ chức mỗi năm một khóa tu học, chùa đã tổ chức được năm Khóa. Kế đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tổ chức 23 khóa. Những khóa đầu chỉ quy tụ một hai trăm phật tử, nhưng mỗi năm số phật tử tham dự một đông thêm. Kỳ thứ 23 vừa rồi có 1,024 phật tử từ 18 quốc gia ở Âu Châu về tham dự.
Ban tổ chức gồm hơn hai mươi vị cao tăng, trong đó có sáu vị Hoà Thượng là HT Thích Minh Tâm ở Pháp, HT Thích Như Điển ở Đức, HT Thích Bảo Lạc ở Úc Châu, HT Thích Thắng Hoan ở Hoa Kỳ, HT Thích Nguyên Siêu ở Hoa Kỳ, HT Thích Tánh Thiệt và rất nhiều vị Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni từ nhiều nơi cùng về, hợp tác tổ chức một chương trình tu học Phật pháp rất quy mô. Trong khóa tu năm nay có lớp dành cho gần 100 vị tăng ni về tu học, có lớp cho phật tử và có lớp riêng cho các em trong Gia Đình Phật Tử. Chương trình mỗi ngày gồm có hai thời tụng kinh sáng và tối, ba buổi thuyết pháp, mỗi buổi một giờ rưỡi. Trước giờ thọ trai buổi trưa có lễ Thọ Bát Quan Trai và sau đó quý Chư Tăng Ni và phật tử thiền hành trong khuôn viên nơi tu học.
Chính điện được trang hoàng rất hoành tráng. Trên tường của lễ đài có hình cảnh giới an lạc của Đức Phật A Di Đà, phía dưới là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, kế đến là hai hàng ghế của quý cao tăng, bên trái là hai hàng ghế của quý Ni. Hằng trăm Phật tử và các em trong Gia Đình Phật Tử xếp hàng giữa chính điện, Dọc hai bên tường có “banners” ghi lời Phật và lời Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy. Khóa học được khai mạc lúc 11 giờ ngày 22 Tháng 7, 2011. Hằng trăm phật tử trong áo tràng, và các em trong GĐPT trong đồng phục, đứng hàng dọc trong chánh điện, trang nghiêm cung nghinh Chư Tôn Đức quang lâm lễ đài. Sau đó tất cả cùng đọc kinh cầu nguyện. Trong buổi lễ này có nhiều quan khách thuộc chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông của Áo Quốc tới tham dự, phát biểu và ghi nhận hình ảnh tốt đẹp, đăng tải trên các báo lớn và truyền hình của Áo Quốc.
Trong lời mở đầu, Thượng Tọa Thích Thông Trí, Trưởng Ban Tổ Chức giới thiệu sơ qua về các Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu, đã được tổ chức mỗi năm, hai mươi ba năm qua. Thầy nói, trong bối cảnh sinh hoạt của cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại, sự kiện Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu có thể tồn tại suốt hai mươi ba năm là điều vô cùng cao quý. Để có được sự kiện quý giá này, nó đòi hỏi nhiều nhân duyên thù thắng: Thứ nhất Khóa Tu Học đã đáp ứng được nhu cầu cần thiết, việc tu học của quần chúng tăng ni và phật tử. Thứ hai là sự hy sinh không ngừng nghỉ của Chư Tôn Đức Tăng Ni trong Ban Điều Hành tổng quát, để vượt qua mọi chướng duyên trong việc tổ chức Khóa Tu Học hằng Năm. Thứ ba là sự đóng góp công sức của chư vị phật tử trong khóa tu học, từ việc sốt sắn tham dự, phát tâm thực hiện nhiều công tác như đưa đón, lo nơi ăn chốn ở cho hằng ngàn học viên và tinh tấn lo chu đáo các chương trình tu học. Thứ tư và cũng quan trọng hơn hết là sự gia hộ của Tam Bảo, của Chư Thiên, Long Thần, Hộ Pháp… giúp hóa giải những nghịch duyên thành thuận duyên để Khóa học được tiến hành thành công mỹ mãn…
Trong lễ khai mạc, Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Chủ Tịch GHPGVNTNAC ban đạo từ, Đức Phật đã dạy từ xưa và được truyền dạy cho đến ngày nay, đó là câu “Khẩu giáo bất như thân giáo”, có nghĩa là đem lời dạy, lời khuyên, lời thuyết pháp ra giáo hóa không bằng đem việc làm cụ thể, đem công hạnh của cái thân ra giáo hóa. Sau khi chúng ta học được tinh hoa của giáo lý Đức Phật dạy, chúng ta hãy làm thế nào biến những lời dạy cao quý của Đức Phật thành lời nói, ý nghĩ và việc làm trong đời sống hằng ngày. Chính điều đó có ảnh hưởng rất lớn trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh. Nếu chúng ta chỉ có nói thật hay, thật đầy đủ mà việc làm không thể hiện đúng như vậy, đúng tinh thần từ bi phật pháp, sẽ không đem ích lợi gì cho quần sanh. Muốn được có thân giáo thì phải đi qua con đường khẩu giáo, có nghĩa là nếu chúng ta không học, không hiểu mà tự nhiên có thân giáo, muốn làm gì thì làm, muốn tu kiểu nào thì tu, nói gì thì nói thì nguy hiểm hơn nữa. Chúng ta phải đi qua giai đoạn học hành, tìm hiểu, nghiên cứu, nhưng nếu dừng lại ở đó thì việc học hỏi không đem lại lợi ích gì hết, chỉ để tìm hiểu mà thôi.
Ngược lại chúng ta biến sự hiểu biết, học hỏi đó thành ra lời nói, ý nghĩ, việc làm, nó đúng, nó hay, nó đẹp sẽ đem lại lợi ích, như thế mới đúng với ý nghĩa của Đạo Phật. Nếu không, chúng ta sẽ tạo ra hai thành phần: một thành phần chỉ có học và nói như cái máy (không có hành), và thành phần thứ hai không có học, đụng đâu nói đó , tạo ra một lớp người tu không phương pháp, tu theo ý riêng của mình, rất nguy hiểm. Đó là hai điều cực đoan.
Lớp tu học Phật Pháp Âu Châu từ lúc khởi đầu cho đến nay nằm trong hai mục đích, tạo được hai ích lợi. Khẩu giáo hướng đến thân giáo, tức là tu - học. Sau những ngày tu học, trở về quê hương phật tử làm những gì có lợi cho tha nhân, cho cộng đồng, cho gia đình và cho nhân loại, đó là mục đích của Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu trải qua 23 năm nay.
Con đường của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu suốt 23 khóa tu học cho đến hôm nay không ngoài hai mục đích : thứ nhất là phát huy tinh thần “Bồ tát”, “Bồ Tát Đạo” là con đường của Bồ Tát muốn thành Phật. Năm nào cũng có chương trình dạy về Bồ Tát. Do đó có những người mặc chiếc áo nâu hiện diện trong khóa học này. Thứ hai là con đường Tịnh độ. Giáo Hội đã đưa tất cả phật tử Âu Châu vào hai con đường chính đó mà Đức Thế Tôn đã khai thị. Đức Thế Tôn quan tâm nhiều vấn đề như từ thiện, xã hội, văn hóa…nhưng luôn đặt nặng vấn đề giáo dục, do đó trong hai mươi ba năm qua, Giáo Hội đã theo con đường của Đức Phật.
Sau phần phát biểu của quý vị Hòa Thượng, Thượng Tọa là phần phát biểu của những viên chức địa phương ở Wieselburg, Áo Quốc như Bà Bộ Trưởng Văn Hóa và Môi Sinh, Thị Trưởng Wieselburg, Hội trưởng Hội Phật Giáo ở Áo Quốc… Tất cả đã bày tỏ niềm hân hoan được đón tiếp hằng ngàn Phật tử Việt Nam chọn nơi này mở khóa tu học. Có nhiều phóng viên, ký giả báo chí và truyền hình Áo đến thu hình cho lên báo, lên TV Áo Quốc.
Ban tổ chức đã thuê một phòng triển lãm thật rộng lớn ở Wieselburg, ngăn ra làm nhiều phòng, mỗi phòng có chỗ ngủ cho khoảng hai trăm học viên. Các phật tử tình nguyện vô những ban ẫm thực, vệ sinh, vận chuyển… mọi người phục vụ với tinh thần thiện nguyện rất cao nên việc đưa đón cho hằng ngàn người từ nhiều nơi ở Âu Châu về rất hoàn hảo, cả ngàn học viên mỗi ngày có ba bữa ăn chay rất ngon miệng và phòng ốc được dọn dẹp rất sạch sẽ. Công đức đóng góp này của các phật tử thật vô lượng.
Các khóa sinh phải thức dậy từ 5 giờ sáng, 9 giờ tối còn đến phòng học nghe thuyết giảng đến 10:30 tối. Những đề tài giảng dạy đã được ban giảng huấn chọn lọc kỹ, qua sự trình bày sinh động của những vị sư khả kính, nhiều kinh nghiệm tu hành, dù thời khóa biểu rất khích khao, đôi khi mệt mõi, nhưng tất cả học viên, người già, trẻ, nam nữ gì cũng tinh tấn đến lớp học để nghe thuyết giảng. Không khí lớp học lúc nào cũng thật hào hứng, hấp dẫn, lôi cuốn học viên theo dõi, góp ý, nên không ai muốn bỏ qua một giờ học nào. Mọi người hăng hái đến để nghe, để thẩm thấu những lời giảng dạy vô cùng quý giá của quý Thầy, chắc chắn những lời giảng dạy vàng ngọc này sẽ đem lại nhiều lợi lạc, ảnh hưởng sâu xa lên đời sống tinh thần, tâm linh của mỗi phật tử. Trong khóa học này có thêm 51 phật tử xin Thọ “Bồ Tát Giới”.

Mười ngày tu học qua nhanh, hằng ngàn phật tử ngoài được tắm mát trong biển cam lồ giải thoát, còn được hành trì tinh thần lục hòa được Đức Bổn Sư luôn nhắc nhở Tăng đoàn khi Ngài còn tại thế. Trong lễ mãn khóa vô cùng trang nghiêm, Thượng Tọa Thích Thông Trí báo cáo kết quả, nhìn chung trong sự tu học, sự sinh hoạt, các phật tử đã ứng dụng tinh thần “Thân hòa đồng trú”. Kết quả đó có thể nhìn thấy được qua sự tương thân, đoàn kết chặt chẽ giữa mọi người với nhau trong thời gian qua. Nhờ vào hồng ân Tam Bảo gia hộ, nhờ Chư Tôn Hòa Thượng gia tâm cầu nguyện, và được sự chỉ đạo, cố vấn thường xuyên của quý Ngài, cộng với sự đoàn kết, đồng lòng gánh vác việc chung của Giáo hội cũng như tinh thần thật cao của chư Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Âu Châu, Khóa Tu học Âu Châu đã thành công mỹ mãn.
khoa-tu-chau-au_2-400-large-contentMột đại diện học viên phát biểu cảm tưởng: "Chúng con bồi hồi xúc động trước sự chăm sóc của quý Ngài. Chúng con nghĩ, thể hiện lòng tri ân quý Ngài thiết thực nhất là nguyện thực hành những điều Chư Tôn Đức đã truyền dạy trong suốt khóa học này. Trước khi trở về lại trú xứ của mình chúng con thành tâm cầu nguyện mười phương Phật bảo hộ cho quý Ngài, sức khỏe dồi dào để luôn là bóng cả cây già cho hàng Phật tử chúng con nương theo tu học”. Sau khi chương trình Tu Học chấm dứt, có một buổi văn nghệ thật vui tươi, do các phật tử và các em trong Gia Đình Phật tử đóng góp.
Tại đây, Hoà Thượng Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác ở Hannover, Đức Quốc, là Tổng Giám Luật trong GHPGVNTNAC đã dành cho Tuyết Mai một cuộc phỏng vấn ngắn. Thầy nói, mặc dầu việc tổ chức khóa tu học mười ngày năm nay cần một ngân khoản trên 135 ngàn Euro (khoản 200 ngàn mỹ kim) là một số tiền lớn, nhưng nó đem lại một lợi ích vô cùng quý giá. Mục đích chính là kết hợp các Gia Đình Phật Tử ở Âu Châu. Giáo Hội luôn nâng đỡ các em sinh hoạt chung, đào tạo thế hệ thanh thiếu niên đừng quên đạo pháp và nguồn gốc dân tộc mình. Riêng đối với Phật tử thì tu và học là hai điều cần thiết. Song song với việc tu học. quý Chư Tăng Ni cũng họp về Giáo Hội, nói về sinh hoạt của Giáo Hội trong năm qua, và sẽ làm gì trong năm tới. Giáo Hội PGTNAC đã được thành lập mấy chục năm nay và hoạt động trong tinh thần tương kính rất hòa hợp.
Nói về thành quả của những Khóa Tu Học, HT Như Điển nhận định , ý niệm tập hợp quý thầy cô và phật tử từ mười tám nước ở Âu Châu không ngoài mục đích để hợp quần, bởi vì sức mạnh của Tăng già là sự hòa hợp, bản thể của Tăng già là sự thanh tịnh. Về số lượng thì mỗi năm một đông thêm người tham dự, về chất lượng thì có thêm nhiều người thọ “Bồ Tát Giới”, tức là những người quên mình vào đời để phụng sự, giúp đời, cứu người và từ những khóa tu học này, phật tử mến đạo Phật nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội phật tử gặp gỡ bạn bè để trao đổi, hay tìm hiểu nhiều hơn những gì liên quan đến Đạo, đến Giáo Hội PGVNTNAC…
HT Như Điển nhấn mạnh quan điểm hợp quần gây sức mạnh, chung lưng đấu cật để xây dựng đạo pháp trong giai đoạn hiện tại rất cần thiết. Đầu tư trong lãnh vực nào cũng tốn kém, nhất là giáo dục tư tưởng Phật học, càng tốn kém nhiều hơn . Số tiền 135 ngàn Euro (Khoản 200 ngàn mỹ kim) là một số tiền lớn, dĩ nhiên làm việc gì cũng đòi hỏi sự hy sinh. Phật tử ý thức điều đó nên đã tự nguyện đóng góp có được số tiền trên.
HT Như Điển ước mong quý Thầy ở Mỹ, ở Canada và nhiều nơi khác thấy được điểm ích lợi chung của khóa tu học dài hạn mà ngồi lại với nhau tổ chức, để làm điểm tựa cho Tăng Ni cũng như Phật tử có nơi dựa vào sinh hoạt cho thêm vui, đạo pháp thêm phát triển. Nhân đây HT Như Điển cũng có lời nhắn gởi tới phật tử khắp nơi trên thế giới cố về tham dự Khóa tu Học Phật Pháp Âu Châu lần thứ 24, sẽ được tổ chức ở Luân Đôn, Anh Quốc từ 26/7 đến 5/8, 2012. Phật tử ở Mỹ, ở Canada hay ở Úc muốn du lịch nước Anh, thì đến du lịch và tu học. Ban Tổ Chức sẽ rất hân hoan đón mời quý phật tử đến tu học để cùng trao đổi, học hỏi thì lợi lạc vô cùng.
Trên một “banner” ở cổng vào nơi tu học có đề “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất”, HT Thích Như Điển xác nhận quý Thầy trong GHPGVNTN Âu Châu luôn trung thành với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở quê hương Việt Nam từ mấy chục năm nay. HT Như Điển giải thích rõ, có một số quý Thầy từ Giáo Hội VN Thống Nhất ra ngoại quốc trước 1975. Ở ngoại quốc quý thầy vẫn giữ tinh thần GHVNTN, đã thành lập Chi Bộ GHVNTN tại Nhật, Chi Bộ VNTN/ Pháp, tại Ấn Độ, tại Đức, dưới sự lãnh đạo của Đại Lão Hoà Thượng Thích Huyền Quang và Hoà Thượng Thích Quảng Độ. Quý thầy ở Âu Châu luôn trung thành và tranh đấu cho quý Hòa Thượng ở trong nước bị tù đày.
Sau đó, Giáo Chỉ số 9 đăng tải ra nước ngoài, thì có những sự ngộ nhận. HT Như Điển nói: “đường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới biết lòng ai chánh tà”. Dù ai có “chụp mũ” quý Thầy đi nữa thì quý thầy trong GHVNTNAC ở hải ngoại vẫn là những người trung thành với Giáo Hội Mẹ trong nước, quê hương Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hoà Thượng Thích Quảng Độ. Mặc dầu cha mẹ có thể nghi kỵ những người con, đứa thì được khen, đứa thì bị chê, nhưng GHPGVNTNAC không liên hệ gì với những Giáo Hội của Cộng Sản cả.
Trở lại Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu, đối với những phật tử đã về đây tu học, nhìn thấy tận mắt sự dấn thân, hy sinh cao độ của quý Thầy trong việc tận tình tổ chức các khóa tu học, quý Thầy là những minh sư, là niềm tin, là hy vọng, là bóng mát che chỡ cho hàng phật tử. Quý Thầy là những vị Thầy khả kính đã tận tình chăm sóc, để vén lên bức màn “vô minh”, sân si trong tâm hằng ngàn phật tử, đưa họ vào hành tinh của ánh sáng trí tuệ, một thứ ánh sáng vượt lên trên mọi giới hạn của trần thế. Nhờ đó mà một linh hồn “khổ đau” được “cứu rỗi”, một đời sống hạnh phúc thực thụ, một tâm thức giác ngộ và hy vọng được bừng nở ở ngay trên thế giới đầy ô nhiễm tham sân si này. Qua những lời giảng đầy hấp lực chuyển hóa, quý Thầy đã cởi mở được những gúc mắc sâu thẩm, quý Thầy đã đưa đường dẫn lối cho hằng ngàn Phật tử thấy được con đường hạnh phúc thật sự, Bồ tát đạo, cảnh giới Niết bàn ở thế gian…
Trong hoàn cảnh lịch sử Phật giáo VN hiện tại, Việt Cộng đã đem Tôn giáo vào Chính trị. Nhiều Sư quốc doanh được đưa ra ngoại quốc để tuyên truyền, chiêu dụ, gây chia rẽ trầm trọng trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và hải ngoại. Hình ảnh quý Chư Tăng Ni trong GHPGVNTNAC trong chiếc áo vàng ngồi ở giữa, các phật tử trong áo nâu, ao lam đứng chung quanh; hình ảnh quý Chư Tăng Ni đi trước, hằng ngàn phật tử theo sau, đi trong chánh niệm, thanh tịnh an lạc trong từng bước chân… quý Thầy Cô đã vượt qua bao khó khăn để tiếp tục con đường hoằng pháp độ sanh, quý Thầy Cô đã thể hiện tinh thần “Thống Nhất”, thật đúng với danh xưng “Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất Âu Châu”. Nhìn những hình ảnh vui đẹp này, nhiều Phật tử cảm động ứa nước mắt.
Đây là những hình ảnh đẹp tuyệt vời mà có lẽ tất cả phật tử về đây tu học đang cố khắc ghi và cưu mang nó mãi mãi trong tâm tưởng …để khi rời nơi đây, trở về lại với đời sống bình thường, hình ảnh trang nghiêm, từ ái, thanh tịnh của quý Thầy, những lời giảng dạy siêu việt của quý Thầy sẽ là nguồn năng lực lớn lao giúp cho hằng ngàn phật tử dũng mãnh vượt qua bao phiền lụy, khổ đau của cuộc sống, của thế gian… để đến bên kia bờ giải thoát…
Muốn biết thêm chi tiết về Khóa tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 24 xin liên lạc: www.khanhanh.fr ; email: khanhanh@free.fr ; Tel 01 46 55 84 44
(Hình ảnh lưu ở: http://www.youtube.com/watch"v=X4plTklvJZQ)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.