Hôm nay,  

Sách Biếu: “Những Liên Hệ Ðến Cái Chết Cần Biết Rõ”

13/08/201100:00:00(Xem: 4216)
Sách Biếu: “Những Liên Hệ Ðến Cái Chết Cần Biết Rõ”
Toàn Diệu
Chết là một vấn đề quan trọng mà không một ai chưa từng đối diện với nó. Chắc hẳn trong đời, chúng ta đã hơn một lần chứng kiến những cái chết của người thân, của bạn bè, và ngay cả những người chưa từng quen biết mà chỉ gặp mặt trước phút lâm chung… Cái chết đến với tất cả mọi người chứ không chừa một ai. Sớm hay muộn. Nhanh hay chậm. Bình thản hay vật vã. An lạc hay sợ hãi… Cái chết rồi sẽ đến. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại có sinh ra, tại sao lại có chết đi" Sau khi chết thì người chết đó sẽ về đâu" Và người chết đó thật sự là còn hay đã mất"
Có câu hỏi thì chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời. Tùy theo trình độ và sự suy tư của từng người mà có những câu trả lời khác nhau. Ðôi khi câu trả lời này lại dẫn đến sự thắc mắc khác … và cứ thế mà đi loanh quanh, luẩn quẩn không thỏa mãn được câu hỏi ban đầu. Do đó, cũng không bao giờ thoát được cái vòng luân hồi, sinh tử.
Có lẽ nhận ra điều đó, Sư Thanh Tịnh Liên đã viết một quyển sách có tựa là “Những liên hệ đến cái chết cần biết rõ”, gồm 37 bài viết, nhằm khai thị và dẫn dắt người đọc từng bước đến sự thấu hiểu rốt ráo, để tự mình trả lời thỏa đáng những câu hỏi trên.
Bài đầu tiên, “Chết Ði Về Ðâu”, Sư Thanh Tịnh Liên viết về sự sống và cái chết luôn luôn tiếp nhau không ngừng nghỉ. Cái đang sống là thể hiện cái đang chết, và cái đang chết là thể hiện cái đang sống. Sống chết đồng thời, đồng lúc, như thí dụ cuộc đời của một cây nến.
Trong bài kế, “Khai Thị Trước Ðám Tang”, để phá sự chấp một chiều của nhiều người, là chỉ chấp Thân hoặc chỉ chấp Tâm, tác giả đã dẫn chứng bằng Kinh Bát Nhã, Kinh Lăng Nghiêm cũng như Kinh Pháp Hoa để chứng minh sự hóa hiện và biến hiện của vũ trụ vạn vật là Pháp Giới Tính trùng trùng duyên khởi! Vì vậy chúng ta phải có cả Thân lẫn Trí. Muốn được như thế, phải làm thân con người. Ngoài ra bất cứ làm Thân gì cũng đều vô dụng vì không có khả năng hiểu được Chân Lý giải thoát sinh tử.
Tiếp theo đó, qua bài “Phát Tang, Ðể Tang, Xả Tang”, bằng cái nhìn tinh tế của một người đã thông suốt Ðạo lý, Sư Thanh Tịnh Liên cho rằng chúng ta nên để tang nhau khi còn đang hiện sống để tránh những ân hận, dày vò, hối tiếc, cũng như những gì cao đẹp muốn cho nhau trước khi quá trễ!
Ðến các bài “Mê Tín Dị Ðoan, Tỉnh Mộng Ði Thôi, Ngộ Nhận, Cúng Sao Giải Hạn, Khai Quang Ðiểm Nhãn, Phóng Sinh”, tác giả đã khéo léo dùng những phương tiện của Ðức Phật mà giải thích, giúp người đọc thức tỉnh, để ra khỏi cơn trường mộng mở mắt chiêm bao mà quay trở về với chính mình, tự tin vào chính mình và tin vào luật nhân quả, vì Sư Thanh Tịnh Liên cho rằng tất cả đều do Vọng Tưởng Vô Minh mà ra.

Nói đến Ðạo Phật là nói đến trí tuệ, giải thoát. Là nói đến cái không chấp thật cũng không chấp không thật. Qua các bài “Vũ Trụ, Loài Người Ðến Từ Ðâu, Vô Minh Trí Tuệ Giải Thoát, Ðâu Là Tịnh Ðộ Niết Bàn, Hàng Phục Tâm”, Sư Thanh Tịnh Liên, bằng cái trí tuệ Bát Nhã rốt ráo; đã minh chứng cái “Tính” của Pháp Giới là Bản Thể Vô Tướng, cái mà từ đó hóa hiện ra toàn thể vũ trụ vạn vật, để đưa người đọc đi lần đến cái nhìn “Như Thị”, tức lìa được khái niệm phân biệt của nhị biên tương đối mà đi vào tuyệt đối của Bát Nhã Tâm Kinh. Sư viết: “Chúng ta thường chấp thật rằng: Khi Hóa Hiện thì gọi là Sinh. Khi Biến đi thì gọi là Tử. Thật ra Cha Mẹ của chúng là Vô Tướng, thì toàn thể chúng cũng phải là Vô Tướng! Mà đã Vô Tướng thì làm sao mà Chết được" Cho nên khi chúng Biến Ði là để hiện hóa ngay một hình tướng khác, chứ không phải Biến Ði là hết, là Chết. Cái Bản Thể của chúng là Chân Không vẫn thường hằng có mặt, không hề Biến mất, cũng không hề Chết bao giờ! Chỉ vì trong cái Chân Không ấy, có cái Tính Vi Diệu, nên nó thường thiên biến vạn hóa không ngừng nghỉ... Vì vậy mới gọi nó là “Chân Không Diệu Hữu” không rời Thế Gian Pháp! Nếu nó rời hẳn Thế Gian, thì không thể gọi là “Chân Không Diệu Hữu”.
Bằng cách trình bầy khoa học và văn phong dễ đọc, toàn thể quyển sách, 37 bài viết cho tất cả mọi trình độ, cho tất cả mọi căn cơ. Bài nào cũng cần thiết, không thiếu cũng không dư. Nếu quan niệm sống là sửa soạn cho cái chết, thì “ Những liên hệ đến cái chết cần biết rõ” là quyển sách mà mọi người cần đọc. Ðọc để biết rõ Thân Tâm mình, đọc để quay về với tự tâm chính mình; vì mục đích của tác giả, xuyên suốt những bài viết, có lẽ cũng không ngoài việc giúp người đọc đi lần đến sự phá ngã chấp, lìa được cái nhìn của sự chấp thật, là cái chấp đưa chúng ta vào sinh tử luân hồi.
Những ai chưa biết gì về Ðạo Phật sẽ tìm thấy trong quyển sách nhiều sự lợi lạc căn bản cho đời sống tâm linh. Những học giả nghiên cứu Phật học thâm sâu cũng sẽ “Ồ” lên một tiếng khi nhận ra nhiều điều rốt ráo trong các bài viết. Tất cả, đều là phương tiện gượng nói để khai ngộ và giải thoát chúng sinh, như Ðức Phật đã từng nói: “Pháp của ta chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”.
Sách dầy gần 300 trang do Thiền Viện Sùng Nghiêm ấn hành. Ðược biết quyển sách là một món quà Vu Lan, sẽ được Thiền Viện Sùng Nghiêm biếu không cho toàn thể quí đồng hương Phật Tử. Ðịa chỉ Thiền Viện Sùng Nghiêm: 11561 Magnolia Street, Garden Grove, CA 92841. Ðiện thoại: (714) 636-0118.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.