Hôm nay,  

Vài cảm nghĩ sau khi xem Asia 68 “Sài Gòn, Nỗi Nhớ”

02/07/201100:00:00(Xem: 11036)

Vài cảm nghĩ sau khi xem Asia 68 “Sài Gòn, Nỗi Nhớ”

Bài của Duy Khiêm

picasia683-large-contentHình ảnh trong Asia 68 “Sài Gòn Nỗi Nhớ.”- Hình của Trung Tâm Asia

"Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời

Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời

Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi

Những nụ cười nát trên môi

Những giọt lệ ôi sầu đắng.”

Những lời hát quen thuộc này đã từng được hát đi hát lại và nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần suốt 36 năm qua ở khắp mọi nơi kể từ ngày “đổi đời, mất nước”, mất thủ đô yêu dấu Sài Gòn của VNCH khiến cho hàng triệu người Việt Nam phải tha phương, sống kiếp đời viễn xứ.

Niềm thương, nỗi nhớ về từng con đường, từng góc phố của Sài Gòn ngày cũ vẫn còn in đậm nét trong tâm khảm mỗi người chúng ta theo từng giờ từng phút trôi qua, nhứt là ở những ngày cuối “tháng Tư đen” hàng năm. Cách đây khá lâu, trung tâm Asia đã phát hành một cuốn video Asia 18 với chủ đề “Nhớ Sài Gòn” và được quay trong phim trường của đài truyền hình. Năm nay, trung tâm Asia lại vừa thực hiện một chương trình đại nhạc hội trực tiếp thu hình về “Nỗi Nhớ Sài Gòn” thật quy mô và hoàn toàn mới lạ. Với nhiều khuôn mặt mới của các ca sĩ trẻ hợp cùng những danh ca “tiền bối” từng gắn bó với sinh hoạt nghệ thuật của “Sài Gòn năm xưa”, Asia 68 đã đưa khán giả trở về vùng trời hoa mộng, xinh tươi của thủ đô Sài Gòn ngày cũ.

Nội dung của chương trình Asia 68 này rất đa dạng và phong phú. Chủ đề “Nỗi Nhớ Sài Gòn” như là những hoài niệm thiết tha về một nền văn hóa mang đầy tính nhân bản, trong đó có những công dân luôn luôn có lòng tự trọng và yêu mến tự do, dân chủ của 20 năm sinh sống dưới chính thể VNCH. Ngoài ra còn có những chủ đề phụ gắn liền với địa danh Sài Gòn như mùa mưa, mùa hè phượng nở, những con hẻm nhỏ, các đường phố thân quen và nhứt là những tình khúc của một thời chinh chiến xa xăm. Tất cả những bài hát quen thuộc đều được chọn lọc kỹ càng và dàn dựng công phu với những hoạt cảnh và hòa âm mới lạ. Xen kẽ với từng bài hát là những mẫu đối thoại có lúc vui nhộn, dí dỏm giữa MC Việt Dzũng và Thùy Dương, hoặc có lúc trang nghiêm giữa MC Nam Lộc và chị Ngọc Đan Thanh với những kỷ niệm về Sài Gòn yêu dấu. Cảm động nhất là những câu chuyện nho nhỏ của chị Ngọc Đan Thanh thời còn đi học, thời chiến tranh và hoàn cảnh ngặt ngèo trên bước đường tỵ nạn.

Những đoạn phim tài liệu ngắn, những hình ảnh lịch sử về Sài Gòn vô cùng giá trị và hiếm quý với giọng đọc rất truyền cảm của MC Nam Lộc và Ngọc Đan Thanh càng tạo thêm phần giá trị cho Asia 68 này. Phần kỹ thuật ánh sáng và trang trí sân khấu thay đổi theo từng bài hát trông rất hấp dẫn. Chiếc xích lô đạp, cổng trường trung học, những cái cột đèn, quán cóc lề đường hay căn gác nghèo nàn bên ánh đèn đêm héo hắt là những hình ảnh gợi nhớ thật nhiều về Sài Gòn ngày cũ. Những chiếc áo dài đủ màu, đủ kiểu của các nghệ sĩ và đồng phục nữ sinh, nam sinh ở bài hát “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để kết thúc chương trình là những ấn tượng sâu đậm nhất khiến cho DVD “Sài Gòn, Nỗi Nhớ” sẽ trở thành một trong những tuyệt phẩm giá trị nhất của trung tâm Asia.

*Niềm Thương, Nỗi Nhớ Sài Gòn trong lòng kẻ ở, người đi:

picasia682-1-large-contentKhông giống như những chương trình trước kia của Asia với phần mở màn gồm nhiều ca sĩ, vũ công xuất hiện qua các liên khúc nối tiếp nhau trong hoạt cảnh tưng bừng, rộn rã, ngập tràn âm thanh, ánh sáng; kỳ này nữ ca sĩ trẻ Hồ Hoàng Yến đã một mình trở về thăm lại Sài Gòn qua bài hát “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt” bằng một giọng hát nức nở, thương đau và tiếc nuối của cô. Những giọt nước mưa còn đọng lại trên hè phố xung quanh, khiến cho khung cảnh thành phố Sài Gòn ban đêm như chìm trong vắng lặng của màu xanh thẳm với ánh đèn đường hắt hiu dẫn lối cho chiếc xích lô đạp từ từ lăn bánh. Hồ Hoàng Yến đã diễn tả tâm trạng của cô qua ánh mắt u buồn nhìn lên những hàng cây bên đường hay ở từng khu phố vừa đi qua trong nỗi lạc lõng, cô đơn. Đó cũng là tâm trạng của “người di tản buồn” Nam Lộc vào năm 1975, khi anh viết ca khúc này trong nỗi đau tận cùng của một người vừa bị mất quê hương, lìa xa gia đình và thành phố Sài Gòn thân yêu, bỏ lại sau lưng tất cả những kỷ niệm của quãng đời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành của anh.Chiếc xích lô đạp đã rời xa tự bao giờ, nhưng Hồ Hoàng Yến vẫn một mình đứng đó cất cao tiếng hát theo từng giai điệu trầm buồn như than thở cho thân phận lưu vong nhớ thương thành phố cũ:

Tôi … giờ như con thú hoang lạc đàn…

Từng ngày qua, từng kiếp sống quên thời gian…

Kiếp tha hương, nếm thương đau, nếm chua cay…

Tôi gọi tên ai mãi thôi…Ở bài hát mở màn này, Hồ Hoàng Yến đã chứng tỏ cho khán giả thấy tài năng diễn xuất của cô qua từng ánh mắt, nét mặt và cử động của những ngón tay chạm nhẹ vào song sắt, khi chậm rãi bước dọc theo bên hông trường Trung Học hoặc bằng động tác vươn hai cánh tay lên trên khi cất cao giọng hát:

Dù thời gian, có là một thoáng đam mê …

Phố phường … vạn ánh sao đêm…

Nhưng tôi vẫn … không bao giờ …. quên….Ngạc nhiên nhất là sự xuất hiện đồng loạt của tất cả nam nữ nghệ sĩ ở những giây phút sau chót của tiết mục mở màn để cùng nhau hát vang lên câu hát cho chủ đề của Asia 68:

Sài Gòn …Nỗi Nhớ Khôn Nguôi …

Sài Gòn …Nỗi Nhớ Khôn Nguôi … Trong 36 năm qua ở hải ngoại đã có hàng ngàn bài hát của các nhạc sĩ người Việt lưu vong viết về “thành phố mất tên” của chúng ta, nhưng chỉ có khoảng chừng 5 hoặc 6 bài là được nhiều người cùng nhau đồng ý là hay nhất, xuất sắc nhất. Đó là những bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” của Nguyễn Đình Toàn, “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng, “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt” của Nam Lộc, “Mời Em Về” của Việt Dzũng và “Một Lần Đi”, “Mưa Sài Gòn Còn Buồn Không Em” của Nguyệt Ánh.v.v. Tất cả những bài hát này đều được chọn lựa, hòa âm, dàn dựng để trình diễn ở chương trình Asia 68 này. Ngoài ra còn có những ca khúc quen thuộc khác đã được rất nhiều khán giả yêu cầu thực hiện cũng được đáp ứng trong DVD “Sài Gòn, Nỗi Nhớ”.Còn nhớ vào đầu thập niên 1980, bỗng dưng có một bài hát xuất hiện một cách rất lạ lùng, bí ẩn… không ai biết tác giả là ai và nghe nói là được chép tay rồi bí mật chuyển ra ngoài từ một trại tù trong nước. Bài hát đó đã theo chân những người vượt biển qua tới Pháp và được ca sĩ Jeanni Mai trình diễn lần đầu tiên nơi hải ngoại. Sau này người ta mới biết đó là “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” của nhà văn, thi sĩ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Lời của bài hát này đã bị “tam sao thất bổn” vì được chuyền qua tay nhiều người. Sau này, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã ghi lại nguyên văn bài hát ấy với tựa đề là “Nước Mắt Sài Gòn” theo đúng ý của ông. Tuy nhiên, ở chương trình Asia 68 này, ca sĩ Thanh Thúy đã giữ y lời bài hát nguyên thủy của 30 năm về trước.

Giọng hát “liêu trai” và điệu bộ diễn tả của ca sĩ Thanh Thúy đang bước từng bước cô đơn giữa đường phố Sài Gòn ngập lá vàng rơi, ở lúc “đổi đời”, đã làm cho khán giả vô cùng xúc động với những lời ca nức nở, u buồn như xoáy vào tận đáy con tim của người nghe:

Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên

như dòng sông nước cuộn quanh buồn

như người đi cách mặt xa lòng

ta nhủ thầm “em có nhớ không"”

Sài Gòn ơi! Đâu những ngày khi thành phố xôn xao

trong niềm vui tiếng hỏi câu chào

sáng đời tươi thắm vạn sắc màu…

nay … còn... gì… đâu... Những chữ “còn… gì… đâu…” nghe sao thật thê lương, ảo não khiến cho niềm thương, nỗi nhớ trong lòng chúng ta lại có dịp dâng cao. Thê thảm hơn nữa là cảnh lá vàng đổ xuống công viên, cây cột đèn mang bảng tên “Bùi Chu” ngả nằm trơ trọi ở ven đường bên lớp bụi thời gian. Cây cột đen như vết tích của tang thương, hoang phế khiến ca sĩ Thanh Thúy phải dừng lại, ngồi xuống và lật xem bảng tên đường để tìm lại dấu tích thời xưa. Tiếng nhạc réo rắt nghe sao quá thê lương, buồn bã. Đây là một trong những bài hát hay nhất của chương trình Asia 68 mà ai cũng muốn nghe đi, nghe lại nhiều lần.Nhớ lại những ngày vượt biển, vượt biên rời xa quê hương tưởng chừng như không bao giờ còn đặt chân trở lại Sài Gòn, như Lâm Thúy Vân đã diễn tả ca khúc “Một Lần Đi” của Nguyệt Ánh như sau:

Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng,

-Một lần đi là một lần vĩnh biệt,

-Một lần đi là mất lối quay về,

-Một lần đi là vĩnh viễn chia xa…

Lâm Thúy Vân đã hòa mình vào bài hát này qua từng ánh mắt, nét mặt, bàn tay cử động theo từng âm điệu trầm buồn, ray rức, than van cho thân phận lưu đày biệt xứ của mình nơi đất khách, quê người. Có thể nhận thấy cô đã diễn xuất thật sống động, thật thành công. Riêng phần hoạt cảnh và hòa âm của Trúc Hồ trong bài hát này phải nói là vô cùng độc đáo. Với âm thanh dồn dập theo từng bước chân chạy nhanh qua sân khấu, khán giả như đang xem lại một đoạn phim thời sự nóng bỏng về những giây phút cuối cùng của một “Sài Gòn hấp hối”. Thấp thoáng hình dáng của chị Diệu Quyên trong chiếc áo dài trắng đang dìu dắt người cha già chạy qua một khu phố nhỏ, bên cạnh những người dân hoảng hốt chạy loạn với quang gánh, vật dụng mưu sinh, gia tài góp nhặt đang rơi rớt, vương vãi chung quanh. Hợp cùng với kỹ xảo của điện ảnh, tất cả những âm thanh, hình ảnh, ánh sáng của tiết mục ‘Một Lần Đi” đã gây nên ấn tượng khó quên trong lòng khán giả.

Hoài niệm về một Sài Gòn ngày cũ qua hình dáng của “Người Đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng là tiếng hát Y Phương khi mơ tưởng chuyện “Mời Em Về”, một trong những ca khúc đầu tay của Việt Dzũng đã được anh sáng tác vào năm 1978. Những giai điệu buồn thương rời rợi qua từng ánh mắt của Y Phương như tâm sự riêng tư và hoàn cảnh của nhiều người đã không thể về thăm lại quê hương một lần nào nữa.

Tôi muốn mời em về

Nhưng chim đã gãy cánh

Nhưng mây đã ngừng bay

Cho tôi còn lại nơi này.

Có những bài hát tưởng chừng như chỉ dành riêng cho người Việt tha hương bày tỏ tâm sự của mình khi lưu lạc ở xứ người, nhưng không ngờ khi được phát thanh trở về quê nhà qua làn sóng điện của đài BBC, VOA …đã khiến cho bà con trong nước lại chảy nước mắt xúc động và thương cảm cho kẻ ra đi. MC Ngọc Đan Thanh đã nhắc lại kỷ niệm này khi giới thiệu “Mưa Sài Gòn Còn Buồn Không Em” qua tiếng hát Thiên Kim kết hợp với “Chiều Một Mình Qua Phố” do Đoàn Phi trình bày để nói lên tâm sự của những người còn ở lại Sài Gòn. Một bất ngờ rất lớn cho khán giả lần này là bài hát quen thuộc “Chiều Một Mình Qua Phố” đã được nhạc sĩ Trúc Hồ soạn hòa âm lại hoàn toàn mới lạ với những âm điệu vui tươi, nhẹ nhàng rất thích hợp cho tiếng hát và những bước nhảy của Đoàn Phi. Những lời hát thì thầm, đều đều như đang nói chuyện, nhưng hòa cùng tiếng nhạc, điệu bộ diễn tả rất linh động của Đoàn Phi đã khiến cho tiết mục này rất thành công và khá nổi bật bên cạnh những bài hát khác.Ngay từ lúc rời xa quê hương, nhiều người đã cùng chung tâm trạng với Nguyễn Hồng Nhung qua ca khúc “Khóc Một Dòng Sông” hoặc Quốc Khanh với “Đêm Nhớ Về Sài Gòn”, “Bay Đi Cánh Chim Biển” với Lê Anh Quân hay Đan Nguyên với “Sài Gòn Kỷ Niệm”, một sáng tác mới của nhạc sĩ Anh Bằng. Những bài hát này đã được chọn lựa thật khéo léo và thích hợp cho những ca sĩ nêu trên vốn có nhiều sở trường về sự diễn tả nội tâm và kỹ thuật trình diễn rất điêu luyện của họ.*Những đặc điểm của Sài Gòn với phố cũ, trường xưa:

Cảnh thanh bình, vui tươi, tưng bừng, nhộn nhịp của một “Hòn Ngọc Viễn Đông” tràn đầy sức sống đã được thể hiện qua phần trình diễn của Phương Hồng Quế, Băng Châu và Sơn Ca với bài hát nổi tiếng “Sài Gòn” của Y Vân hoặc “Ghé Bến Sài Gòn” do Trish Thùy Trang trình bày gợi nhớ lại Sài Gòn của những thập niên 1950s, 1960s. Một bài hát được chọn lựa cho chương trình này cũng rất tiêu biểu cho Sài Gòn ngày cũ là “Một Thoáng Sài Gòn” của Bảo Phúc và Vũ Tuấn Bảo do Philip Huy và Diễm Liên song ca. Chỉ tiếc là lần này không có cái màn ảnh to lớn trên sân khấu để chiếu những hình ảnh về Sài Gòn ngày cũ nhằm phụ họa cho các bài hát quen thuộc với cảnh “ngựa xe như nước… bến tàu Sài Gòn, đường phố đông đúc …” trong các bài hát “Sài Gòn” hay “Ghé Bến Sài Gòn” khiến cho hoạt cảnh thêm phần sống động thay vì những vũ công lượn vòng trên sân khấu.Điểm đặc biệt khác của Sài Gòn là những cơn mưa bất chợt làm cho thành phố trở nên mát rượi ban ngày, hay tạo nên những âm thanh trên mái tôn ban đêm mà khi ra hải ngoại khó ai tìm lại được những hình ảnh và âm thanh này. Vì vậy Hà Thanh Xuân, ca sĩ trẻ có gương mặt rất giống cố nghệ sĩ Thanh Nga, đã diễn tả bài hát “Mưa” của nhạc sĩ Văn Phụng rất thành công khiến cho nhiều người càng nhớ về Sài Gòn yêu dấu ngày nào. Bài hát có những giai điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, vui tươi và ngập tràn hình ảnh quê hương trong đó với những chiếc áo dài thật đẹp, những chiếc nón lá thân quen. Giọng hát của Hà Thanh Xuân rất thích hợp với bài hát này và cho thấy đây là một ca sĩ đầy triển vọng của trung tâm Asia trong thời gian sắp tới. Hà Thanh Xuân (tên thật là Trần Thị Thanh Xuân) sanh năm 1988, từng đoạt giải thưởng trong cuộc thi Tiếng Hát Truyền Hình ở Sài Gòn năm 2005. Sau khi tốt nghiệp về môn thanh nhạc của Nhạc Viện Thành Phố Sài Gòn (khóa 2006-2010) và góp mặt trong 2 bộ phim điện ảnh, Hà Thanh Xuân đã sang Mỹ cách nay đúng một năm và đã gia nhập gia đình Asia kể từ chương trình Asia 67 “Đám Cưới Đầu Xuân” .

Có lẽ thời gian cắp sách đến trường ở bậc Trung Học là quãng đời đẹp nhất, lưu lại nhiều kỷ niệm nhất trong mỗi người chúng ta khi nhớ về trường xưa, bạn cũ ở thời hoa bướm mộng mơ của mình. Lúc đó, hầu như mọi học sinh chỉ biết ăn, học, vui chơi với bạn bè mà chưa lo lắng nhiều về tương lai xa vời phía trước. Vì vậy ở chương trình Asia 68, những bài hát tiêu biểu, đáng nhớ nhất về tuổi học trò đã được tuyển chọn và dàn dựng lại thành những hoạt cảnh khiến nhiều người trong chúng ta phải bồi hồi, xao xuyến khi thưởng thức các tiết mục này. Đó là phần song ca "Trường Cũ Tình Xưa" với Tâm Đoan và Đặng Thế Luân, "Nỗi Buồn Hoa Phượng" qua tiếng hát Băng Tâm được trang điểm cho giống một ca sĩ nữ sinh rất nổi danh thời trước và "Lưu Bút Ngày Xanh" với Tường Nguyên và Tường Khuê. Đây là ba tiết mục về “Phượng Vỹ, Trường Xưa” đã được nhiều bạn trẻ yêu cầu trên diễn đàn của Asia và hầu như ai cũng đều ưa thích sau khi xem. Các ca sĩ nêu trên đã diễn xuất qua từng điệu bộ, ánh mắt, bước đi như hòa nhập vào bài hát với những luyến láy cần thiết cho từng lời ca, tiếng nhạc qua phần hòa âm rất đặc sắc của Trúc Sinh, Trúc Hồ.

Nhưng đó là khung cảnh “phượng vỹ, trường xưa” của một thời quá khứ. Sau vài chục năm Sài Gòn “đổi chủ”, anh học trò lưu vong ở phương trời xa tìm về chốn cũ đã lạc lõng, bơ vơ như “Từ Thức Về Trần” . Đó là tâm sự của Lâm Nhật Tiến qua bài hát “Sài Gòn Về Miền Dĩ Vãng” của Trúc Hồ. Bài hát đã được sáng tác sau lần nhạc sĩ Trúc Hồ về thăm quê hương, tìm lại ngôi trường ngày xưa:

Trong những lần đi về miền dĩ vãng,

Mong tìm lại những khuôn mặt thân yêu ..

Những giọt mưa, giọt mưa kỷ niệm …

Dột vào tim, ôi dột vào tim

Thấm ướt hồn ta trên thềm quá khứ …

Phố vẫn còn, nhưng thời gian đi ngược ..

Người vẫn đó, nhưng người đã quá xa …

Chỉ gặp lại …ta với ta …

Những giọt mưa đã “dột” vào tim và “thấm” ướt tâm hồn của người nghệ sĩ …sao nghe mà cảm thấy buồn bã, cô đơn làm sao! Một bài hát thật hay và tràn đầy ý nghĩa qua tài trình diễn rất điêu luyện của Lâm Nhật Tiến.Nhắc về Sài Gòn thì không thể thiếu những “con đường tình ta đi” của một thời mới lớn hay vừa bước vào khung trời Đại Học. Đó là những Duy Tân, Tú Xương, Trần Quý Cáp, Tự Do, Công Lý. Trong cảm nhận của nhiều người thì “Sài Gòn vẫn rất dễ thương, cái tên dù lạ, con đường vẫn quen” (thơ Lý Thụy Ý). Vì vậy, bài hát “Con Đường Tình Ta Đi” do Thanh Lan và Vũ Khanh diễn tả là một bài hát thật tuyệt vời trong chương trình này. Họ không còn trẻ như hơn ba mươi năm về trước, nhưng khi thả bước nhẹ về từng con đường có lá me bay ngày cũ, bao nhiêu vui buồn của dĩ vãng lại hiện về. Thanh Lan và Vũ Khanh đã biến bài hát này thành một nhạc kịch nho nhỏ với những diễn xuất và đối thoại cùng với hòa âm mới lạ của Sỹ Đan khiến cho đây cũng là một tiết mục rất thành công của chương trình này.

*Sài Gòn, thủ đô an bình trong thời chinh chiến:

picasia68-large-contentHầu hết những bài hát trong chương trình này đều nêu bật lên những nỗi niềm nhung nhớ về thành phố Sài Gòn thân thương trong lòng người đi xa hay kẻ ở lại. Ngoài ra còn có những bài hát gợi nhớ về một thời chinh chiến cũ giữa một thủ đô an bình, tự do, no ấm. Từ giã mái trường, chàng thanh niên bước vào đời quân ngũ, rời xa thành phố. Những lần về phép ngắn ngủi để hẹn hò với người yêu ở hậu phương an bình, “bao thương nhớ từ độ anh vui bước quân hành” đã được Y Phụng và Hoàng Oanh diễn tả rất thành công qua hai bài hát của Trúc Phương. Đặc biệt nhất và được chú ý nhất là ca sĩ Giang Tử trong bộ quân phục ở bài hát “Thành Phố Sau Lưng” của Hàn Châu. Đây là hoạt cảnh duy nhất được dàn dựng trong chương trình này với hình ảnh những người lính chiến về thăm thành phố. Bài hát “Con Đường Xưa Em Đi” cũng rất thích hợp cho tiếng hát Mỹ Huyền trong hoạt cảnh này. Tiếc là trong hai bài hát này, ca sĩ đã hát sai một vài chữ hoặc sửa đổi lời ca khác với nguyên bản ngày xưa.

Nhắc lại những sinh hoạt ca nhạc của Sài Gòn ngày cũ thì không thể nào bỏ sót phong trào nhạc trẻ hay Việt hóa nhạc ngoại quốc. Đó cũng là một đặc điểm của thủ đô Sài Gòn trong thời chiến tranh với những đại nhạc hội ngoài trời mang chủ đề “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ” hàng năm. Ca sĩ duyên dáng, xinh tươi Thùy Hương đã gợi nhớ lại phong trào nhạc trẻ qua liên khúc “Thương Nhau Ngày Mưa” và “Một Giấc Mơ” bằng những bước nhảy của cô và các vũ công.

Hai tiết mục không thể nào thiếu được là vở kịch vui và màn tân cổ giao duyên. Ngọc Huyền và Phương Vũ đã trình diễn rất xuất sắc trong “Chiều Thương Đô Thị” với phần cổ nhạc do chính Ngọc Huyền sáng tác. Vở kịch vui đã nêu lên được nhiều điểm đặc biệt của một con hẻm nhỏ trong thành phố Sài Gòn với những vui buồn hàng ngày giữa những người dân tứ xứ cùng sống hòa hợp với nhau. Hai ca sĩ Diễm Liên và Mỹ Huyền đã diễn kịch không thua kém gì những diễn viên có nhiều tuổi nghề.

*Thông điệp đàng sau “Sài Gòn, Nỗi Nhớ”:

Tiết mục hợp ca cuối cùng của tất cả nghệ sĩ cùng nhau hát vang “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” đã nêu ra những thông điệp dành riêng cho đồng bào trong nước. Như lời MC Việt Dzũng đã nói, bài hát này không dừng lại ở nỗi đau của đất nước mà còn nói lên cả những bi thương, công phẫn, thách đố của tuổi trẻ Việt Nam trước những tàn phá của chiến tranh và tham vọng của con người. Bài hát đã được hát khắp mọi nơi, mọi hoàn cảnh suốt hơn 40 năm qua và bây giờ lại được đồng bào, sinh viên ở trong nước hát vang lên ở những cuộc biểu tình chống lại hiểm họa xâm lăng từ phía Trung Quốc bất chấp sự đàn áp của bạo quyền.

Cũng như nhạc sĩ Anh Bằng đã gởi đi thông điệp “Phải Lên Tiếng” và “Cả Nước Đấu Tranh” trong DVD Anh Bằng, Dòng Nhạc Lưu Vong hay ca khúc “Đáp Lời Sông Núi” của nhạc sĩ Trúc Hồ, tiết mục hợp ca kết thúc chương trình của Asia 68 chắc chắn sẽ gây được nhiều sự chú ý cho giới trẻ và đồng bào khắp nơi đang quan tâm đến hiện tình đất nước.

Có thể nhận xét rằng Asia 68 là một tác phẩm văn học nghệ thuật rất có giá trị. Nội dung của DVD này đã bao gồm hầu hết những niềm thương, nỗi nhớ, kỷ niệm của từng người trong chúng ta dù đang sinh sống ở bất cứ phương trời nào. Một tác phẩm đáng để gìn giữ trong mỗi gia đình và giúp cho thế hệ sinh sau ngày “đổi đời, mất nước” hiểu biết thêm về những tinh hoa của nền “Văn Hóa VNCH” (nói theo ý Trúc Hồ khi trả lời phỏng vấn trên Asia Channel và SBTN) . Vì vậy ngoài ấn bản DVD thường, lần đầu tiên Asia 68 đã được thực hiện thành ấn bản DVD Blu-ray với hình ảnh và âm thanh tuyệt hảo khiến cho khán thính giả có cảm tưởng như đang xem live show trực tiếp trong rạp hát ở hàng ghế đầu tiên sát bên sân khấu.

DK

Ý kiến bạn đọc
02/07/201104:26:16
Khách
Mọi tiết mục trong DVD này đều rất hay, chỉ có ở kịch còn ở dưới mức trung bình.

Chú Tư Cầu và Đoạn tuyệt trong các DVD trước mới thật là gía trị.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chủ đề của buổi họp báo là giới thiệu những khóa học cả trên mạng và tại lớp của CalGrows dành cho những người chăm sóc (caregivers) về cách chăm sóc sức khỏe cho người cao niên.
Cuộc vận động sẽ tăng cường kiến thức và thảo luận để giảm nguy cơ, phát hiện dấu hiệu và đưa ra lựa chọn...
Pechanga Resort Casino hân hạnh kính mời quý vị đến tham dự chương trình nhạc hội chủ đề “Trấn Thành – The Galaxy Show” sẽ được tổ chức vào lúc 8 giờ tối ngày Thứ Bảy 30 tháng Ba, 2024 tới đây trên sân khấu Pechanga Summit. Nhạc Rap xuất phát từ thập niên 70 tại Mỹ và khi bước sang thập niên 90 thì nở rộ. Đây là một thể loại nhạc “khác với những dòng nhạc khác” nhưng có lẽ nhờ vậy, nó lại chiếm một chỗ riêng trong thế giới âm nhạc. Đối với khán thính giả người Việt, nó rất lạ và thời gian đầu không được chào đón nồng nhiệt lắm, phần vì còn quá mới mẻ và phần vì giới nghệ sĩ Việt còn bỡ ngỡ chưa quen với thể loại nhạc không phải nhạc này. Có thể nói đó là một hình thức hát nói. Nhưng theo thời gian, giới trẻ lớn lên đã quen thuộc với nó và biết sử dụng những âm hưởng nhạc tiềm ẩn của ngôn ngữ Việt để đặt ra những ca khúc Rap rất riêng cho khán thính giả Việt
Forbes Travel Guide đã thông báo Yaamava’ Resort & Casino được đánh giá sao cao quý ở ba hạng mục trong hai năm liên tiếp. Serrano Spa đã giành được 5-Sao, Pines Modern Steakhouse và Yaamava’ Resort mỗi nơi được bình chọn 4-Sao từ Forbes Travel Guide. “Chúng tôi rất vinh dự vì dịch vụ chăm sóc khách hàng mà chúng tôi luôn ưu tiên hàng đầu đã được công nhận,” Kenji Hall, Giám Đốc Điều Hành của Yaamava’ Resort & Casino cho hay. “Serrano Spa, Pines Modern Steakhouse và Yaamava’ Resort đại diện cho những trải nghiệm tuyệt vời và cao cấp mà khách hàng của chúng tôi mong đợi. Chúng tôi xin tri ân San Manuel Band of Mission Indians đã tin tưởng và trao trách nhiệm để chúng tôi vận hành khu nghỉ dưỡng và giải trí của bộ lạc.”
Vào trưa ngày Thứ Năm 29 tháng 2 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với hai tổ chức Asian Americans Advancing Justice (AAAJ), Asian Americans Advancing Justice Southern California (AJSOCAL) có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là giới thiệu trang mạng cung cấp công cụ chống lại tệ nạn thù hận người Gốc Á https://asianresourcehub.org/vi/. Điểm đáng chú ý là trang mạng này sử dụng nhiều ngôn ngữ của cộng đồng gốc Á, trong đó có tiếng Việt.
Trưa thứ bảy ngày 2/3/2024 trước Quốc Hội tiểu bang Victoria, Úc, hàng ngàn người thuộc Cộng đồng người Việt Tự do cùng Cộng đồng người Cam Bốt hải ngoại, Cộng đồng người Miến Điện tự do và Cộng đồng người Lào tự do đã tổ chức biểu tình phản đối các nhà cầm quyền độc tài cộng sản, đàn áp người dân tại các quốc gia quê nhà...
Chiều Chủ nhật 3-3-2024, tại nhà sách Tự Lực trên đường Brookhurst của thủ đô tị nạn Little Saigon, nhiều đồng hương đến dự buổi ra mắt cuốn sách thứ nhì của ca sĩ kiêm nhà văn Thanh Lan có tên là Trắng Đêm...
Chủ đề của buổi họp báo là giới thiệu trang mạng cung cấp công cụ chống lại tệ nạn thù hận người Gốc Á https://asianresourcehub.org/vi/. Điểm đáng chú ý là trang mạng này sử dụng nhiều ngôn ngữ của cộng đồng gốc Á, trong đó có tiếng Việt.
Tháng 3 năm 2024, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã thành lập được 14 năm. Trong gần 8 năm qua với mục đích đào tạo và khuyến khích tài năng trẻ, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã thực hiện chương trình "Đào Tạo và Phát Triển Tài Năng Trẻ" với các lớp dạy tiếng Việt, dạy múa và hát hoàn toàn miễn phí cho các em...
Theo thông lệ hằng năm vào dịp đầu Xuân các Liên Đoàn Hướng Đạo Miền Tây Nam Hoa Kỳ, thuộc Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam đều tổ chức lễ chào cờ đầu năm để giúp các em gìn giữ và bảo tồn truyền thống văn hóa cũng như tập tục Việt Nam.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.