Hôm nay,  

Bên Nhau Ngày Mưa

19/05/201100:00:00(Xem: 6390)
Bên Nhau Ngày Mưa

Diệu Trang
khoa_tu_phap_van_canada-large-content(Ghi lại sinh hoạt Trại Phật Pháp Mùa Xuân do chùa Pháp Vân tổ chức vào các ngày 13-15.05.2011 tại rừng Blue Springs)
Thứ Sáu, 13.05.2011
Niệm Phật trên suốt lộ trình gần một giờ đồng hồ, nên trận mưa chiều mờ mịt không làm cản trở lối về đất trại. Đến nơi, đoán biết ngay Blue Springs cũng đã chào đón phái đoàn thầy trò chùa Pháp Vân bằng một cơn mưa rừng. Xuống xe với chiếc dù mở rộng, bước vào khu trai đường rộn rã tiếng nói cười, trò chuyện hỏi thăm một nguời bạn đạo mới hay tất cả đã hoàn tất các sinh hoạt nội quy, nhận tài liệu, chia chúng và sắp xếp phòng ốc. Các trại sinh đang dùng dược thực, tay bắt mặt mừng bày tỏ niềm vui tái ngộ, mặc dù họ đã được gặp nhau thường xuyên qua các khóa tụng niệm hàng tuần hoặc hàng tháng khi Thọ Bát Quan Trai tại chùa. Nỗi hân hoan được gặp lại nhau của những người bạn đã thân quen nhưng sau một khoảng thời gian không gặp vì những bận rộn riêng, cũng như niềm vui cởi mở khi được sơ ngộ với gia đình người bạn đạo đến từ phương xa, Michigan.
Đoàn người rời bước sang chánh điện. Ánh sáng cuối ngày càng âm u hơn dưới làn mưa nặng hạt. Buổi lễ Khai Mạc Khóa Tu bắt đầu. Ban giáo thọ năm nay vẫn là các tăng chúng Pháp Vân, như TT Trí Thành, TT Tâm Hòa, TT Nguyên Lạc, TT Nhật Quán, ĐĐ Tâm Minh, thêm vào đó là sư cô Thích Nữ Thiện Bích (khách tăng), cùng một thân hữu quen thuộc bấy lâu nay của quý Thầy và Phật tử Pháp Vân, Cư Sĩ Tâm Huy, đến từ Hoa Kỳ.
Chánh điện được thiết lập đơn giản với một chiếc bàn trải lụa vàng, trên bày một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở giữa, đông bình tây quả, chuông phải mỏ trái, phía trước là lư hương cùng hai chân đèn tả hữu. Bức bình phông là một tấm bảng vàng ghi những hàng chữ “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tạiCanada. Trại Phật Pháp Mùa Xuân tổ chức tại Blue Springs. Ngày 13, 14, 15. 05. 2011”. Không gian chánh điện rộng rãi đủ dung chứa trên một trăm người. Đạo tràng an vị cung đón chư tăng ni. Lời niêm hương của TT Trí Thành làm đạo tràng trở nên ấm cúng. Trầm hương xông ngát làm tỉnh táo hẳn lên sau một ngày mệt mỏi vì mưu sinh. Tâm cũng dần an tịnh khi tụng đọc từng lời Bát Nhã Tâm Kinh thâm huyền. Cùng đạo tràng quỳ trước đấng tôn sư, thành tâm cất lên bài văn sám nguyện. Cũng như cỏ cây bên ngoài được mưa tuôn rửa sạch đi những bụi bặm, đạo tràng bên trong cũng gắng để rơi rụng hết những muộn phiền thường nhật, như rũ bỏ những hạt mưa trước khi bước vào trong, để dọn tâm chuẩn bị cho những ngày tu học bổ ích sắp tới. Làn sóng tụng chú tiêu tai vừa dứt, đạo tràng nhiếp tâm lắng nghe TT Tâm Hòa thành kính đọc lên bốn lời nguyện trước bốn vị đại Bồ tát. Mỗi một vị Bồ Tát có một hạnh nguyện riêng. Hạnh lắng nghe cho đời bớt khổ của Bồ Tát Quán Thế Âm, hạnh biết nhìn để hiểu nguồn gốc của mọi khổ đau của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, hạnh yêu thương cứu khổ ban vui của Bồ tát Phổ Hiền, và hạnh dấn thân đi vào cuộc đời tăm tối của Bồ Tát Địa Tạng. Tất cả vì chúng sinh khổ lụy mà các ngài lập lên những hạnh nguyện cao đẹp như thế.
Tiếp theo là đôi lời khuyến tấn của TT Trí Thành gửi đến các học viên. Từ hoàn cảnh thực tế mưa rơi bên ngoài, Ôn nhắc nhở mọi người gắng đừng để ngoại cảnh lôi cuốn tâm đi, vì mục đích chính của chúng ta đến đây là để tu học, hãy vui trong tình đồng đạo, lấy giáo pháp làm nơi an trú. Hãy cùng hoan hỷ, hòa thuận với nhau để cùng được an lạc trong suốt 3 ngày tu học, từ sự an lạc vững tâm đó, mỗi học viên sẽ là nơi nương tựa cho các thành viên trong gia đình và những người xung quanh.
Mới lúc chiều nay thôi, thân tâm còn chộn rộn theo duyên của đời thường dẫn dắt, thì giờ đây, bao phiền não cũng theo thời pháp ngắn của Ôn mà tan biến. Thời kinh ngắn trong đêm khai mạc như thế đã quá đủ để nhắc bao tạp niệm tạm dừng chân. Đạo tràng lui về tịnh xá, trao và nhận những tiếng cười vô tư. Thế nhưng, đêm đầu tiên, giấc ngủ giữa rừng mưa không dễ đến với một người nhạy cảm... Lật trang tài liệu đọc lại 3 lần bốn hạnh nguyện của các vị Bồ Tát lúc chiều, chợt xúc động vô cùng khi nhận ra rằng mình cũng là một trong những chúng sinh đáng thương ấy, đang được các ngài hộ niệm trong từng sát na. Lòng cảm nhận một niềm an ủi vô biên. Cần chi phải nhớ nghĩ về những buồn vui không thật, còn gì phải suy tư về hạnh phúc hay khổ đau vô hình vô tướng. Buông. Khép mắt nương vào câu niệm Phật, giấc ngủ nhẹ đến tự bao giờ...
Thứ Bảy, 14.05.2011.
Không cần tiếng chuông thức chúng mà ai nấy đã choàng tỉnh sau giấc ngủ ngắn. Không còn nghe tiếng mưa rơi nhưng hơi lạnh từ đêm qua vẫn chưa tan trong tịnh xá. Hãy còn sớm cho giờ công phu sáng lúc 6 giờ, một mình bước lên chánh điện tối mờ, phát hiện ra một bác đồng tu đang an nhiên thiền tọa. Để tránh làm kinh động người bạn đạo đáng kính ấy, nên ý thức từng bước chân đến gần bàn thờ Phật, thành tâm cúi lạy Bổn sư. Khẽ tịnh tọa trong tư thế bán già. Trong bóng tối của một ngày chưa sáng, có một nỗi gì khởi lên từ chính tự tâm, như sương, như khói... Lặng lẽ tự giới hạn mình trong mười lăm phút riêng tư, theo dõi nhịp thở để ý nghiệp lắng sâu, bởi không ai hiểu rõ tâm thức mình hơn chính bản thân khi mỗi sớm mai thức giấc.
Vẫn chưa đến giờ công phu, rảo bước ra ngoài ít phút để xem chừng thời tiết, dừng chân nơi cửa hít thở khí trời còn mờ sương, ẩm ướt. Tiếng chuông rung, hòa cùng đại chúng tựu về nơi chánh điện cung đón quý thầy. Tiếng hô canh của Thầy Tâm Minh mở đầu cho nghi lễ công phu sáng. Nhiếp tâm lắm mà vẫn nghe tiếng chim réo rắt gọi nhau bên ngoài, có lẽ trời đã sáng hẳn. Đạo tràng xả thiền để tiếng chuông mõ hòa nhịp ngân lên, lồng vào những lời kinh Lăng Nghiêm và sám quy mạng được cả đạo tràng đồng thanh vang vọng. Thân an trụ trong sự tĩnh mặc đầu ngày, tâm cũng theo đó mà được an lành.
khoa_tu_phap_van_canada__1_-large-contentSau buổi điểm tâm, mưa bắt đầu rơi nhẹ lẫn trong màn sương dày đặc. Lạnh. Vài thầy trò đứng trò chuyện dưới khung trời không thấy ánh triêu dương. Một nhóm bạn đạo tranh thủ chụp hình với nhau làm kỷ niệm, rồi rủ nhau tản bộ quanh thảm cỏ xanh rờn ướt đẫm sương đêm, cho đến 8:30 là giờ thuyết giảng của TT Nhật Quán mới quay vào.
Từ khi sinh hoạt ở chùa đến nay, đây có lẽ là lần đầu tiên người viết nghe thầy giảng pháp trước đại chúng. Niềm hân hoan thay cho sự ngạc nhiên, đại chúng mong chờ lắng nghe bài pháp của Thầy. Lúc mở đầu Thầy giải thích một cách dễ hiểu về công việc của Bồ tát, tức là việc làm vì mọi người, vì chúng sinh. Qua đó, Thầy chỉ cho chúng ta thấy hằng ngày mình đã từng làm những việc của một vị bồ tát, mà mình không biết vì vô minh (tức hiểu sai, hoặc không hiểu). Đây là vấn đề về tâm linh bản thể, mà nếu với cái tâm chúng sinh mãi nhìn vào tướng của sự việc thì sẽ khó có thể nhìn ra hoặc không chấp nhận. Từ đó Thầy nói đến tầm quan trọng của việc phát nguyện và hồi hướng. Vì phát nguyện thúc đẩy lòng ham muốn và quyết chí đạt cho được mục đích, phát nguyện để khẳng định con đường mà mỗi chúng ta phải đi, và nếu đi sẽ không bị lạc hướng. Dĩ nhiên, trong khóa tu này chủ đề là Bồ tát đạo, phát nguyện ở đây là phát nguyện trở thành Phật thông qua con đường Bồ tát. Cho nên hồi hướng để quy tụ những công đức đã tạo ra về một mối để có một quả vô lậu, nếu không sẽ rất lãng phí công đức ấy (mặc dù theo nhân quả, khi thuận duyên đến quả tốt cũng sẽ trổ, nhưng chỉ là quả hữu lậu mà thôi, nếu chúng ta không biết hồi hướng). Để rõ ràng hơn, Thầy nhắc cho chúng ta nhớ rằng sau mỗi thời kinh chúng ta thường hay tụng đọc bài kệ hồi hướng là vì vậy. Những gì Thầy giảng cao sâu cuối cùng cũng quy về một lời dạy hết sức gần gũi, rằng chúng ta phải biết trách nhiệm trong mỗi việc mình làm, làm với tất cả tâm Bồ đề, áp dụng tâm ấy vào cuộc sống thực tế hàng ngày sẽ mang đến nhiều lợi lạc cho chính mình và cho tha nhân. Những gì Bồ tát làm được, mình cũng có thể làm được, chỉ duy nhất là dụng đúng tâm Bồ đề mà thôi. Trong khi giảng, sư cô và vài học viên không ngần ngại nêu lên sự thông suốt của mình qua những lời thầy giảng. Với thời pháp cởi mở gần như một buổi pháp đàm như thế, đạo tràng vô cùng hoan hỷ chấp tay hồi hướng.
Khói sương vẫn còn dày đặc ôm trọn hàng thông xanh. Thấp thoáng dáng Thầy Nhật Quán cũng ẩn hiện, thả từng bước thong dong giữa khoảng mênh mông mờ đục ấy. Dù rất muốn ngâm mình cho sương thấm ướt tóc vai, để thấm thía cái lạnh buốt da mà thái tử Tất Đạt Đa từng trải trong suốt 6 năm dài ẩn tu trong rừng vắng, nhưng đành tiếc nuối bước vào bên trong để tránh tiết xuân khá lạnh có thể ảnh hưởng đến tấm thân tứ đại vốn dĩ đang yếu mềm.
Chừng một giờ đồng hồ sau, ban ẩm thực đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi thọ trai lúc 11:30. Trai đường lặng tiếng khi quý Thầy bước vào trong. Quý Thầy an tọa, sau tiếng khánh, đại chúng nâng chén cơm lên chú nguyện. Mỗi muỗng cơm trắng đưa lên miệng là mỗi lời nguyện vọng lên từ tận đáy lòng. Nguyện tránh điều ác, nguyện làm việc lành, nguyện hóa độ tất cả chúng sinh. Đây cũng chính là lời nguyện của một vị Bồ Tát. Ăn cơm trong chánh niệm để quán chiếu tất cả những duyên sinh đã mang đến cho mình thực phẩm, để tri ân công đức của những người tạo ra những món ăn thanh khiết nuôi dưỡng thân tâm, tạo phương tiện cho sự tu học được liên tục vững bền.

khoa_tu_phap_van_canada__4_-large-contentĐến giờ chỉ tịnh thì cơn mưa phùn chuyển sang nặng hạt hơn, nhưng không đủ trở lực mà còn làm hứng thú hơn cho đoàn người gồm mười mấy học viên muốn khám phá cánh rừng xuân bao quanh khu đất trại. Thấy Ôn Trí Thành cũng đang một mình đếm bước chân chánh niệm dưới mái hiên đầu ngõ vào rừng. Cánh rừng mang màu xanh non run rẫy trong mưa, say sưa uống hết những hạt nước rơi xuống từ trời. Gió nhẹ rung hay bị bước chân đoàn người khuấy động mà vô vàn những giọt long lanh đang bám vào cành lá bỗng rạt rào rơi trên mái dù, vỡ tan. Ước gì mộng sầu nhân thế cũng vỡ tan như hạt mưa này, như bong bóng nước. Đi dưới rừng mưa thơ mộng, giẫm lên thảm lá mục nát của mùa trước, có lúc nhớ, có lúc quên quán tưởng đến những sinh linh bé xíu dưới chân mình. Cũng cơn mưa này, cũng những giọt nước này, cũng rơi xuống từ một bầu trời chung, nhưng có nơi lại bị lũ lụt dâng tràn, có nơi lại khát khao một giọt nước vì hạn hán. Riêng nơi đây, cơn mưa lại trở nên đẹp lạ lùng. Nhưng cái đẹp hôm nay sẽ ra sao nếu một trận động đất xảy ra nơi này, hay một cơn cháy rừng bốc lên thiêu rụi tất cả chỉ từ một đốm lửa nhỏ vì vô tình hay vô ý thức. Về tướng, không có gì là trường tồn vĩnh cửu giữa trần gian này, ngay cả những hạnh phúc hay khổ đau mà con người thường hay ôm ấp. Chỉ có bản thể chân như là bất sinh bất diệt. Thêm một lần được dịp ôn lại lời Phật dạy.
Trở về từ rừng mưa, nghỉ ngơi trong mươi phút là đến giờ pháp thoại của TT Nguyên Lạc lúc 2:30 tại chánh điện. TT nhắc học viên trước hết phải đoạn trừ phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng bằng cách sám hối. Đồng thời nhắc học viên phải phát khởi Bồ đề tâm trước khi hành Bồ Tát đạo. TT giảng cặn kẽ về Lục độ Ba-la-mật, là con đường duy nhất mà một vị Bồ tát nhất định phải đi qua. Lục độ Ba-la-mật gồm 6 phương tiện có khả năng đưa một vị Bồ tát tiến lên quả vị Phật, đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Là những người phàm phu sơ cơ, học viên nên phát nguyện và tu trì lục độ.
Sau đó là giờ giải lao rồi tiểu thực. Một số học viên cùng thầy Tâm Minh, thầy Nhật Quán nhuốm lửa dưới đôi ba tàn cây vươn rộng làm lộng che ngăn những giọt mưa rơi. Mùi ngô nướng theo khói tỏa thơm một góc rừng. Trong khi đó bên trong khu trai đường, hầu hết số đông khác đang tập trung chuẩn bị cho chương trình thiền trà tối nay. Bàn ghế đã được dời đi tạm thời thay vào đó là những tấm thảm sạch được trải ra trên nền gạch. Quý Thầy và tất cả học viên sẽ quây quần bên nhau trên những tấm thảm ấy. Âm thanh, bánh trái, và trà đã sẵn sàng. Điều khiển chương trình rất uyển chuyển là một người quen thuộc của cộng đồng người Việt tại Toronto, anh Duy Minh (Luyện). Anh hát rất hay. Ai cũng có thể góp vui cho đêm thiền trà này bằng nhiều cách tùy theo năng khiếu của mỗi người. Những người được yêu cầu đều nhiệt tình bộc lộ hết khả năng của mình. Người ngâm thơ, người kể chuyện, và rất nhiều người hát. Bài hát nào cũng hay, bài thơ nào cũng đậm đà ý đạo. Có câu chuyện vui làm mọi người cười rộn rã, cũng có câu chuyện đạo khiến lòng phải lắng chút suy tư. Có khi đạo tràng hát chung một bài ca tập thể để cúng dường Phật đản sinh, với mấy câu kệ để nhớ lời Phật dạy. Tất cả ý thức rằng, dù được thoải mái trong tiếng cười vui nhưng vẫn giữ trong tâm mỗi người một niềm vui đạo pháp.
Tan buổi thiền trà, mọi người đội dù đi trong mưa đêm để trở về khu tịnh xá. Tiếng mưa rơi lộp độp trên đầu, tiếng bước chân bì bõm vì vũng nước đọng, tiếng nói cười râm ran cũng không phá được cái thâm u cô tịch của rừng đêm. Hôm nay đã là 12 tháng tư âm lịch, nếu không có mưa thì có lẽ trăng xuân đã hiện sáng trên trời đầy sao. Mùa Phật Đản lại về, nghe tiếng gió lướt mưa rung trên cành lá mà tưởng như hơi thở của đấng Cha lành vương quyện đâu đây. Thấy cảnh tức sinh tình, chợt nhớ đến trận mưa to của tuần lễ thứ sáu sau khi Phật thành đạo. Lúc đó dưới gốc cây Mucalinda, rắn thần Mucalinda chun ra phùng mang lớn che mưa trên đầu Phật.
Mang máng nhớ lại câu chuyện lịch sử ấy trên con đường mưa. Về đến phòng, vùi mình trong chăn ấm. Dư âm tiếng cười của buổi thiền trà còn đọng lại đâu đây. Vài thành viên cùng phòng tâm sự, thảo luận với nhau về những trải nghiệm trong quá trình tu tập giữa đời thường. Đêm càng sâu, cơn mưa rừng tiếp tục nhẹ ru giấc ngủ bình yên không mộng mị...
Chủ nhật, 15.05.2011
Buổi sáng thức dậy trong cái lạnh buốt da vì nhiệt độ bên ngoài xuống thấp. Âm thầm lạy Phật và tĩnh tâm trong chánh điện. Bóng đêm mênh mông thăm thẳm quá. Mười lăm phút cũng trôi qua. Lác đác vài người khác cũng đã vào yên vị niệm Phật hoặc tĩnh tọa trước khi quý Thầy đến. Trời đã sáng nên thấy rõ vài sợi mưa rơi xiên xuống bên ngoài ô cửa nhỏ. Thầy trò bước vào nghi thức công phu sáng dưới tiết trời như thế giữa rừng cây.
khoa_tu_phap_van_canada__2_-large-contentSau giờ điểm tâm, cùng một người bạn đạo đội chung một chiếc dù tản bộ quanh lối mòn ngắn để kịp giờ quay về với thời pháp của Thầy Tâm Minh.
Thầy giảng về Tứ Vô Lượng Tâm. Từ, Bi, Hỷ, Xả là những tâm lượng không thể thiếu trong quá trình tu tập của một người con Phật, dù người đó là một Phật tử sơ cơ, hay người đó là một vị tăng xuất gia đã lâu năm. Thầy giảng giải cặn kẽ từng tâm lượng bằng cách nêu ra nhiều mẫu chuyện có thật xảy ra ngay trong đời sống của chúng ta. Có nhiều câu chuyện gây xúc động vô cùng cho mọi người, và cho cả chính thầy. Cũng có những mẫu chuyện làm phát ra những tràng cười thân mật. Tâm Từ để đối trị với lòng sân hận. Tâm Bi có khả năng tiêu trừ tính hung bạo. Tâm Hỷ trị liệu cho lòng ganh tỵ. Tâm Xả giúp lòng thanh thản khi buông bỏ những gì như ý và bất như ý. Tứ Vô Lượng Tâm có khả năng chuyển hóa người phàm thành thánh nhân. Nhưng lời nhắn nhủ gần gũi hơn hết vẫn là sự hòa thuận an vui trong mối quan hệ của gia đình và tình đồng đạo, muốn được vậy thì phải nhìn sự việc bằng con mắt trong sáng và thảo luận một cách vô tư.
Chỉ có mười lăm phút nghỉ giải lao, vì liền sau đó là giờ Pháp Đàm do TT Tâm Hòa và Cư Sĩ Tâm Huy đảm trách. Nhiều câu hỏi rất hay, đi sâu vào chủ đề Bồ tát đạo, được đặt ra dưới hình thức viết ra trên giấy gửi tới ban giáo thọ. Từ những học viên tinh tấn lâu năm, đến những em sinh trưởng nơi hải ngoại cũng theo ba mẹ tham dự khóa tu năm nay đều không ngần ngại viết ra những gì chưa hiểu. Điều này là một dấu hiệu vui bởi vì cho thấy các học viên có lòng ham học hỏi. Đã hai tiếng đồng hồ trôi qua mà vẫn chưa giải đáp hết những câu hỏi, những thắc mắc tồn đọng ấy quý thầy hứa khả sẽ có dịp trả lời trong các khóa Bát Quan Trai tại chùa.
Sau giờ ăn trưa, 2 giờ đạo tràng tập trung nơi chánh điện để làm lễ bế mạc và hồi hướng. Thời kinh ngắn quen thuộc kết thúc, thầy Tâm Hòa có đôi lời cảm tạ quý thầy cô và tất cả học viên, các thiện nguyện viên trong các ban ngành đã cùng về đây tham dự góp phần cho khóa tu ấm cúng và viên mãn. Đại diện học viên cũng cung kính tỏ lòng tri ân đối với quý thầy cô. Trong khả năng của mình, nguyện cố gắng mang những gì học tập được áp dụng vào thường nhật để thăng hoa cuộc đời đầy khổ lụy.
Mưa vẫn không ngừng rơi. Mặc dù thời tiết không thuận lợi cho việc đi thiền hành chung như mọi năm để tâm thức hòa cùng thiên nhiên vạn hữu. Nhưng tâm thức đâu chỉ giới hạn trong cái nắng chói chang khi thời tiết đẹp, hay bám víu vào một cơn mưa rào, mà tâm thức còn phóng lộng hóa thân bàng bạc khắp không gian và thời gian. Không đi thiền hành cũng là cách quý Thầy thể hiện lòng từ bi đối với những sinh linh nhỏ bé đang sinh sôi trong mùa mưa này. Đó cũng là cách quý Thầy thực hiện lời Phật dạy trong mỗi mùa an cư năm xưa. Dù ở bất cứ nơi đâu ta cũng có nhiều cách để thực hành lời Phật dạy.
khoa_tu_phap_van_canada__3_-large-contentNăm nay, thầy trò cũng không được chụp chung một tấm hình nào làm kỷ niệm, nhưng mưa rơi suốt trong 3 ngày tu học giữa rừng như thế này đã là một dấu ấn khó quên đối với những ai tham dự.
Mấy ngày qua, khi đi lại trên con đường ướt sũng nước, tay ai lúc nào cũng có sẵn chiếc chù che mưa gió, hay đi tới đâu cũng thấy vạn vật thấm ướt vì mưa. Không một chút bụi bặm nào bay thốc lên được. Cầu mong cho những cơn mưa pháp của quý thầy cũng thấm đượm vào tâm mỗi học viên, ngăn không cho những hạt bụi trần của tham sân si dấy lên, dù chỉ trong một sát na biến dịch, để những vọng tưởng đảo điên ngừng bặt. Chợt mang máng nhớ lại bài kệ mà Đức Phật khen tặng và khuyện dạy Mucalinda, một thanh niên hóa thân từ rắn thần sau một tuần lễ bão giông, trời quang mây tạnh.
Hạnh phúc thay sống đời ẩn dật
Có bao nhiêu cũng đủ ấm no
Hạnh phúc thay sống trong thiền định
Được thấy, nghe chân lý nhiệm màu
Hạnh phúc thay kẻ có tâm lành
Sống đơn sơ hạnh phúc chúng sanh
Hạnh phúc thay sống không ràng buộc
Vượt lên trên dục vọng sáu căn
Nhưng hạnh phúc cao hơn tất cả
Là xa lìa chấp ngã, chấp ta.
Tháng 5 đến mang theo những cơn mưa xuân. Cái lạnh cũng theo mưa mà tìm về trong rừng vắng. Nhưng những người con Phật luôn được sưởi ấm bởi tình thân thầy trò và bạn hữu. Bồ đề tâm là ngọn lửa được thắp lên bởi dầu của khổ đau mà người con Phật đã tự trải nghiệm hoặc ý thức từ chúng sinh đau khổ, mang ngọn lửa của tâm Bồ đề ấy để nuôi dưỡng lòng từ bi, mang yêu thương đến khắp cho muôn loài, trải rộng như mưa rơi.
Tạm biệt nhau, rời trại, mà biết rằng sẽ khó quên biết bao kỷ niệm khi bên nhau những ngày mưa...
Mùa Phật Đản 2011, PL. 2555
Diệu Trang

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào lúc 11 giờ 30 trưa chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024 trước khu Thương Xá Phước Lộc Thọ, Thành phố Westminster, kể từ nay hằng ngày lá Cờ Việt Nam Cộng Hòa sẽ tung bay cùng lá cờ Hoa Kỳ, trong một buổi lễ khánh thành trụ cờ và Thượng Kỳ được long trọng tổ chức trước sự vui mừng trong niềm xúc động của hàng trăm đồng hương và các cựu quân nhân QL/VNCH.
Tại nhà hàng Paracel Seafood Restaurant, Nam California vào tối Chủ Nhật ngày 24 tháng 3 năm 2024, Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới (THPTVTTG) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 32 năm thành lập và kết thúc đại hội Quốc Tế Võ Thuật 2024. Khoảng 400 quý vị Chưởng Môn, Võ Sư, Võ sinh thuộc các môn phái từ khắp nơi trên thế giới về tham dự
Hôm nay, Dân Biểu Liên Bang Michelle Steel (Đảng Cộng Hòa-CA) trong tuần qua đã thúc giục Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đưa Việt Nam vào danh sách các “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn
Dữ liệu nghiên cứu mới cho thấy những người thợ móng tay—chủ yếu là phụ nữ Việt Nam, dân nhập cư và tị nạn—đang bị trả lương quá thấp dưới mức tối thiểu và bị xếp loại nghề nghiệp sai chỗ tràn lan, điều này làm suy yếu khả năng bảo vệ quyền lợi lao động của họ tại nơi làm việc. Ngoài ra, chủ tiệm—phần lớn điều hành các tiệm nail gia đình nhỏ lẻ—không nhận được giải trình về luật lao động hợp với ngôn ngữ và văn hóa của họ. Những kết quả báo cáo đã ghi trong dự luật AB 2444, một dự luật mới được Dân biểu Tiểu bang California Alex Lee (AD 24) đệ trình vào ngày 13 tháng 2 năm 2024 để thực thi các yêu cầu về giáo dục trong ngôn ngữ và tinh tế trong văn hóa cho thợ và chủ tiệm nail.
Vừa đúng thời điểm mọi người nghỉ kỳ Spring Break vào Tháng Ba này, một trong những quần thể hồ tắm phong thái resort rộng nhất tại một trong những cơ sở resort/casino lớn nhất trong nước sẽ mở cửa đón tiếp mùa vui đùa trong nước vào Thứ Hai, 11 Tháng Ba. Năm nay, khách vui chơi hồ tắm mọi nơi đều sẽ có thể tới tận hưởng môi trường như-một-ốc-đảo của The Cove, với diện tích rộng bằng năm sân football. Ban Quản Lý khu The Cove của Pechanga Resort Casino thực hiện thẻ dùng trong ngày cho những vị khách không-thuê-phòng-khách sạn và để những vị này được thuê 'lều - cabana' cùng 'giường nằm - daybed'.
Đã quá lâu, việc dạy kèm và trợ giúp làm bài tập về nhà đã nằm ngoài tầm với của nhiều học sinh và gia đình ở California. Sự phân chia giữa những người có thể tiến lên trong xã hội và những người chỉ có thể mơ ước về điều đó thường dẫn đến một nền tảng giáo dục không bình đẳng cho học sinh. Nhằm đem quyền lợi và cơ hội bình đẳng cho học sinh, thư viện địa phương của quý vị hiện đang cung cấp miễn phí dịch vụ dạy kèm và hỗ trợ làm bài tập về nhà trực tuyến HelpNow cho học sinh California!
Khoảng đầu tháng 04 năm 2024, Hoà thượng GIỚI ĐỨC-MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH Sư Trưởng HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG HUẾ VIETNAM sẽ vân du hoằng hoá ở Hoa Kỳ và Thầy sẽ lưu trú tại miền nam California từ ngày 05 đến 12 tháng 04 nam 2024 Nhân dịp này, Thầy muốn gặp gỡ những vị thiện hữu tri thức, quý phật tử hữu duyên
Một ngày mới bắt đầu với nhiều hoài ước thật đơn sơ mong sao mình và tất cả mọi người có những giây phút thật thảnh thơi an lành trong từng tâm niệm, lời nói và hành động thật nhẹ nhàng bình an, để cho một ngày sống có tràn đầy ý nghĩa, tuy đơn sơ và dễ dàng nhưng cũng không phải dễ như mình nói hay suy nghĩ đâu bạn nhé!
Vào sáng ngày Thứ Năm 14 tháng 3 2024, chùa Hương Sen (thành phố Perris, Quận Hạt Riverside) đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm ngày Thánh Tổ Ni Giới, Đức Phật Mẫu Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di.
Điểm nổi bật nhất của chương trình là cho mượn lên tới 20% cho khoản trả trước khi mua nhà, nhưng không vượt quá 150,000 USD
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.