Hôm nay,  

Đại Hội VI TNSV ở Manila, Phi Luật Tân:'Cú bắt tay lịch sử' giữa SV trong và ngoài VN Vì Dân Chủ

18/05/201100:00:00(Xem: 6002)

Đại Hội VI TNSV ở Manila, Phi Luật Tân:'Cú bắt tay lịch sử' giữa SV trong và ngoài VN Vì Dân Chủ

TNS Lou Correa: Ba Lan là tấm gương tranh đấu dân chủ cho VN

thanh_nien_hoi_ngo_phan_dinh_quoc-large-content: Phan Đình Quốc.

thanh_nien_hoi_ngo__nguyen_trong_phu-large-content: Nguyễn Trọng Phú.

Caption: Từ phải: nhà báo Lý Kiến Trúc, LS Nguyễn Xuân Nghĩa, TNS Lou Correa.

Lý Kiến Trúc

(Câu Lạc Bộ Văn Hóa & Báo Chí Quận Cam)

Trong một bữa cơm gây quĩ của tổ chức Mạng Lưới Tuổi Trẻ Lên Đường diễn ra tại một nhà hàng ở Quận Cam nhằm tìm thêm ngân khoản cho Đại hội kỳ VI sắp tổ chức tại thủ đô Manila Phi Luật Tân vào các ngày 4 đến 7 tháng Tám, 2011, sinh viên Phan Đình Quốc lên sân khấu trình bầy chủ đề và nội dung của đạïi hội nói rõ rằng đây là cuộc "hội ngộ" giữa đoàn thanh niên sinh viên trong nuớc và đoàn thanh niên sinh viên MLTTLĐ ở hải ngoại.

Thật ra địa điểm tổ chức đại hội không diễn ra ở trung tâm Manila mà ở ngoại ô cách đó chừng 40 cây số. Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc tổ chức một đại hội ngoài nước Mỹ là một kỳ công. Vé máy bay khứ hồi từ Mỹ đi Phi Luật Tân hiện nay trên dưới một ngàn đô la.

Đại hội VI kỳ này tiếp nối 5 kỳ đại hội trước được tổ chức ở các vùng địa lý khác nhau. Hai đại hội gây ấn tượng một là Đại hội III năm 2003 diễn ra tại thủ đô tị nạn Little Sàigon và hai là Đại hội V năm 2009 diễn ra tại Malaysia. Chủ đề và nội dung các đại hội vừa qua nặng về phần quy tụ và thảo luận đề tài, do đó nó có tính chất thăm dò dư luận.

Thanh niên Sinh viên Việt hải ngoại dần dần được đoàn thể hóa trang bị tư tưởng đấu tranh cho một VN tự do và dân chủ nửa bí mật nửa công khai. Luồng gió đấu tranh trẻ hóa và tìm cách nhập dần vào dòng sinh hoạt cộng đồng như một sức sống mới, tuy chưa lộ ra khuynh hướng đặc thù có khả năng thay đổi căn cước tị nạn vốn đã ăn sâu trong tâm thức tị nạn Việt Nam.

Dường như có sự thay đổi chiến lược về địa bàn đấu tranh của một số đoàn thể hải ngoại. Sinh viên Quốc nhận xét thêm rằng với kỹ thuật truyền thông internet hiện đại, ở VN có chừng 25 triệu thanh niên vào mạng hàng ngày, và đó chính là nguyên tố thúc đẩy thanh niên hải ngoại tìm cách chuyển tải tư tưởng tự do - dân chủ vào trong nước.

Tổng thư ký Đại hội kỳ VI Phan Đình Quốc cũng không nói rõ Thanh niên Sinh viên trong nước xuất ngoại dự đại hội thuộc tổ chức nào hay xuất thân từ đâu. Thật ra, dù họ có là đoàn viên đoàn Thanh niên CSVN hay là các nhà tranh đấu dân chủ độc lập, hoặc giả là đoàn viên, tình cảm viên của các tổ chức chính trị hải ngoại lại là vấn đề khác, cú bắt tay lịch sử giữa TNSV trong ngoài đối thoại công khai với nhau mới là sự kiện "nóng" của giới trẻ ngày nay.

Xem chừng như cuộc cách mạng quần chúng nổ ra ở Bắc Phi đang làm "nóng ruột" TNSV Việt Nam. Ảnh hưởng của các cuộc nổi dậy ở Tunisie, Ai Cập, khởi điểm từ mạng lưới internet, các blogger, facebook giờ đây như một phương tiện liên lạc tối ưu, nhanh chóng và dễ dàng. Nhiều người tự hỏi: tại sao ta không làm một cuộc cách mạng tại VN bằng phương tiện này" 

Đi xa hơn, cụ thể hơn một bước, Mạng Lưới Tuổi Trẻû Lên Đường nhắm về VN qua các ngả đường địa lý gần VN. Các nước trong vùng Đông Nam Á trở thành địa bàn thuận lợi để tổ chức các đại hội. 

Nguyễn Trọng Phú, phó Chủ tịch công ty chuyển tiền tư nhân Hoa Phát mạnh nhất tại hải ngoại, làm MC cho buổi gây quĩ cho biết sở dĩ ban tổ chức lần trước chọn Malaysia và năm nay Phi Luật Tân đó là vì các nước này gần Việt Nam. Cựu CT Tổng hội SV Phú không nói lý do ban tổ chức chọn Việt Nam có phải là để cho thanh niên sinh viên Việt Nam qua lại dễ dàng. Trước mắt vé máy bay từ VN qua Phi rẻ hơn, ít thời gian hơn từ VN qua Mỹ.

Mấy năm gần đây trong nước liên tiếp tung ra các "dịch vụ giao lưu" với hải ngoại, đặc biệt địa bàn Hoa Kỳ, nơi tập trung một triệu rưỡi người Việt dồi dào nhân tài lực, các chương trình "giao lưu văn hóa văn nghệ" đổ xô qua không gặt hái được thành công cho lắm mà còn phải bỏ ra rất nhiều tiền chi phí.

Một vài cá nhân nghệ sĩ được mời qua tổ chức các "sô" diễn khá thành công, phần lớn là nhờ lòng cảm mến riêng tư của quần chúng, còn hầu hết hệ thống văn hóa văn nghệ chính quy đều không tránh được các cuộc biểu tình tẩy chay, kể cả các ca nhạc sĩ cũ của Sàigon bản địa Mỹ về nước chạy "sô" cũng bị lên án nặng nề. 

Những kế hoặch giao lưu tiếp cận cộng đồng Việt xem ra có vẻ đồng bộ từ văn hóa văn nghệ đến chính trị tiếp tục lấn tới ở vào thời điểm mà nhiều nhà phân tích cho rằng đã đến lúc thích hợp để mở ra cái nhìn khác về VN trên tinh thần "Hòa hợp Hòa giải Dân tộc".

Đại hội VI TNSV kỳ VI nếu ví von như một biện pháp "giao lưu chính trị" dưới lăng kính đối thoại, qua cuộc thảo luận chính trị chưa biết nó có tạo ra sức hấp dẫn mới nào không trong lúc hai chiến tuyến vẫn ở trạng thái rình rập và đề phòng.

Dư luận chưa quên mới cách đây ba tháng tòa án VN đã xử một bản án chính trị từ 5 tới 16 năm tù lên 4 nhân vật đấu tranh cho dân chủ với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền", trong đó có Ls Lê Công Định bị quy tội là "đã có những hành vi cấu kết với các thế lực thù địch nước ngoài".

Một vị khách Mỹ duy nhất xuất hiện trong bữa cơm gây quĩ, ông Thượng nghị sĩ Lou Correa phát biểu rằng từ một nhóm nhỏ công nhân thuộc công đoàn độc lập Đoàn kết Ba Lan dưới sự lãnh đạo của Lech Walesa, đã chuyển đổi Ba Lan từ một chế độ độc tài chuyên chế sang thể chế dân chủ, đó là tấm gương cho các nhà tranh đấu.

Bốn trăm năm trước, Nguyễn Hoàng một hoàng thân triều đình nhà Lê chạy trốn cường lực vương phiệt từ trong nội bộ, đã dẫn dắt đoàn quân và dân chúng di cư về phương Nam, lấy giòng sông Gianh ở tỉnh Quảng Bình làm giới tuyến phân chia Nam Bắc tạo ra một vương quốc đặc thù thịnh trị.

Năm 1954, giòng sông Bến Hải vắt ngang cái eo nhỏ nhất Việt Nam ở vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến phân chia quốc cộng.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975, tuy không còn bóng dáng giòng sông chia cắt nào nhưng lại xuất hiện "giòng sông chủ nghĩa", một lần nữa khiến người Việt khó khăn mỗi khi gần lại nói chuyện phải trái với nhau.

Lập luận rằng niềm tin của giới trẻ hiện nay cho rằng con đường đối thoại trực tiếp từng bước là con đường ngắn nhất, ôn hòa nhất, có khả năng thực hiện giấc mơ của những người chủ trương "Hòa hợp Hoà giải Dân tộc" sẽ còn nhiều tranh luận từ tập thể cộng đồng Việt tị nạn.

Lý Kiến Trúc

Quận Cam 15-5-2011

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.