Hôm nay,  

Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF): Thực Hiện Phỏng Vấn Tại Houston

17/02/201100:00:00(Xem: 6630)
Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF): Thực Hiện Phỏng Vấn Tại Houston

houston_h_1-vahf500-sinhhoat-large-contentSinh hoạt của hội Bảo tồn Lịch sử và Văn hoá Ngườùi Mỹ gốc Việt trong chương trình 500 Phỏng vấn Lịch sử. Hình 1-5: Tại vùng Washington, D.C., tháng 7, 2010. Hình 6-11: Tại vùng Orange County, Nam California, tháng 11, 2010. (Ảnh Trùng Dương, 2010)















houston_h_2-bosuutaptnctvn-large-contentBộ sưu tập Tù nhân Chính trị Việt Nam gồm khoảng 200,000 trang tài liệu do hội Gia Đình và Thân Hữu của Tù nhân Chính trị Việt Nam tặng lại hội Bảo tồn Lịch Sử và Văn Hoá người Mỹ gốc Việt. Tồn trữ tại Vietnam Center và truy cập tại http://www.vietnam.ttu.edu/vahp/fvppa.htm. (Ảnh VAHF, 2008)











houston_h_3_bosuutapguam-large-contentHình trái, nữ tài tử Kiều Chinh nhận hộp tài liệu tượng trưng về đợt tị nạn 1975 do cựu Thống đốc Guam Felix P. Camacho, trái, trao tặng trước sự hiện diện của đương kim Dân biểu Madeleine Bordallo. Hình phải, trao lại cho hội Vietnamese American Heritage Foundation(Ảnh VAHF, 2006)

Bản tin VAHF
-- Dự trù phỏng vấn khoảng 80 nhân vật thuộc nhiều thành phần trong cộng đồng để vẽ lại chân dung người Mỹ gốc Việt " Các bài phỏng vấn có thu hình sẽ được đưa vào văn khố online Đại học Texas tại Austin như một đóng góp vào lịch sử di dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Trong những ngày cuối đông lạnh cóng của cơn bão tuyết bao phủ ba phần tư lãnh thổ và làm tê liệt trên 10,000 thành phố, trong đó có thành phố Houston, nơi người Viêt quy tụ đông đảo đứng hàng thứ ba tại Hoa kỳ, hội Bảo Tồn Lịch Sử Và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt (The Vietnamese American Heritage Foundation, viết tắt VAHF) đang chuẩn bị ráo riết để thực hiện chương trình phỏng vấn khoàng 80 đồng hương cho Dự án 500 Lịch sử Phỏng vấn với mục đích xây dựng một bộ sưu tập lịch sử truyền khẩu về kinh nghiệm di dân của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, vào các ngày từ 27 tháng 2 tới ngày 7 tháng 3, 2011 sắp tới.
Houston, nơi VAHF ra mắt công chúng lần đầu tiên
Bộ sưu tập truyền khẩu này đã được hội VAHF bắt đầu thực hiện từ năm 2008 với sự hợp tác của Đại học Texas tại Austin, sự bảo trợ bởi Liên Hội sinh viên vùng Bắc Mỹ, viết tắt là uNAVSA, bên cạnh sự hỗ trợ của nhiều đại học khác như Đại học California tại Irvine, Đại Học California tại San Fransisco, và Đại học California tại San Jose, cùng sự đóng góp của nhiều đoàn thể, thân hào nhân sĩ Mỹ Việt.
“Tuy là thành phố thứ tư hội VAHF đến để thực hiện chương trình 500 phỏng vấn truyền khẩu, nhưng Houston chính là nơi hội VAHF ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 2006 và đã được quý thân hữu, hội đoàn và đồng hương, đặc biệt là giới truyền thông Houston đón nhận và hỗ trợ một cách nhiệt tình từ những ngày đầu,” Bà Triều Giang Nancy Bùi, hội trưởng hội VAHF cho biết. “Houston cũng là nơi có rất nhiều thân hào nhân sĩ và đồng hương với những kinh nghiệm quý giá và kiến thức sâu rộng về lịch sử và văn hoá của người Việt để có thể đóng góp vào bộ sưu tập lịch sử truyền khẩu mà các giáo sư, sinh viên sử học, các nhà nghiên cứu cũng như cộng đồng người Việt tại hải ngoại đang mong đợi.”
Được biết lần này đến Houston, hội được sự hỗ trợ đặc biệt về địa điểm, phòng ốc cũng như phương tiện quảng bá của Đài Sài Gòn Houston, báo Ngày Nay, Việt Báo, Báo Sàigòn Houston Cuối Tuần, Báo Trẻ, Đài SBTN-Houston, và các cơ quan truyền thông khác. Đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình của một số các vị lãnh đạo tôn giáo, một số các anh chị trong Gia đình Trưng Vưong-Houston, nhóm Cựu Sinh viên Đại học Kiến trúc, trung tâm sinh hoạt Nhà Việt, cùng một số hội đoàn và thân hào nhân sĩ đã khiến công việc chuẩn bị rất thuận lợi.
Lịch sử sẽ qua đi trong im lìm
“Chúng ta đã và đang sống trong một giai đoạn lịch sử đen tối nhưng cũng đã mở ra cho dân tộc một chân trời mới để cho những giới trẻ có cơ hội thăng tiến và đóng góp cho đất nước cũng như tại xã hội đã cưu mang chúng ta. Lịch sử đã và sẽ qua đi trong im lìm và không ai biết tới nếu chúng ta không có người ghi chép và lưu giữ lại,” Hoà Thượng Thích Huyền Việt, trụ trì chùa Liên Hoa, Houston phát biểu khi được hỏi lý do tham gia. “Việc làm của Hội Bảo tồn Lịch sử và Văn hoá thật đáng ca ngợi. Nhất là sự ghi chép không chỉ trên những trang giấy im lìm khô cứng mà bằng hình ảnh và âm thanh sống động về một thời đại lịch sử bi hùng của dân tộc. Sử này phải được coi là chính sử vì được ghi chép lại những lời nói từ chính những con ngươì đã sống và kinh qua để làm những bài học cho con cháu chúng ta mãi mãi sau này. Chúng tôi sẽ đóng góp và sẽ kêu gọi sự tham gia và tiếp tay với hội để hội có thể làm công việc này cho thật tốt. Đây là công việc chung mà mỗi người chúng ta cần đóng góp vào bằng cách này hay cách khác.”
Đóng góp vào lịch sử Hoa kỳ
Linh mục Phạm Hữu Tâm thuộc Tu hội Tận Hiến gốc từ Đà Lạt và có nhà dòng tại ba thành phố, Houston, Dallas và New Orleans, đã cho biết lý do linh mục tham gia như sau:
“Chương trình này rất quý. Chương trình sẽ đóng góp vào lịch sử của Hoa kỳ nói chung và lịch sử của người Mỹ gốc Việt nói riêng. Tôi muốn tiếp tay vì tôi nghĩ rằng thế hệ chúng ta rồi sẽ qua đi. Con em chúng ta ở lại để sống cuộc đời của họ, những bài học lịch sử này sẽ giúp các em hiểu đưọc cha ông của các em đã phải trải qua những gì, từ đó các em sẽ hiểu được các em sẽ phải làm gì cho cuộc đời của các em và cho xã hội mà các em phải sống trong đó.” 
‘Không có vấn đề xâm phạm chuyện riêng tư’
Triển lãm Bộ Sưu tập thứ ba của hội VAHF
Ông Nguyễn Anh Dũng, Hội trưởng Giáo Hội Phật giáo Hoà Hảo Houston, người đã được sinh viên Đại Học Texas tại Austin phỏng vấn cho chương trình vào mùa xuân năm ngoái, khi được tin hội VAHF sẽ về Houston để thực hiện chưong trình, ông đã nhiệt tình hỗ trợ. Ông cho biết:
“Viết một cuốn sách sử đã khó với biết bao thời gian để nghiên cứu tài liệu, rồi tốn phí in ấn, nhưng việc đưa sách vào Đại học để được giảng dạy còn khó hơn thật nhiều. Ở đây thành quả đáng kể của hội VAHF là đã vận động đuợc sự cộng tác của các đại học để đưa trực tiếp những bài học về kinh nghiệm sống của thế hệ đi trước cho sinh viên, học sinh học. Tôi nghĩ đây là cơ hội thật tốt để mọi người Việt chúng ta cùng tiếp tay với hội VAHF cho công việc sớm hoàn thành. Kinh nghiệm của tôi qua cuộc phỏng vấn năm ngoái tại Đại học Texas thì những câu hỏi tuy rất chi tiết về cuộc đời của tôi từ lúc thơ ấu tới khi trưởng thành, tham gia cuộc chiến, rồi hành trình tìm tự do, và đặc biệt là những khổ cực bước đầu để hội nhập vào xã hội mới, nhưng đây là một cuộc phỏng vấn tự nguyện, nên những điều gì đã xảy ra cho mình mà mình muốn chia sẻ, thì mình cứ trung thực mà kể lại. Tôi không nghĩ cuộc phỏng vấn sẽ xâm phạm những riêng tư của mình mà ngược lại chính mình là người chủ động để đóng góp những điều mình muốn nói.”
Hình ảnh và nội dung cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Anh Dũng và 25 nhân vật khác trong bộ sưu tập “Những Cựu Chiến Binh Khác: Phụ Nữ và Trẻ Em Của Chiến Tranh Việt Nam” sẽ được trưng bày tại phòng tiếp khách của Đài Sài gòn Houston 900 AM tại số 10613 Bellaire, #900, Houston, TX 77072, điện thoại: (713) 917-0050, trong suốt thời gian hội thực hiện phỏng vấn tại đây để đồng hương có thể đến thưởng ngoạn.
‘Không phải là một chương trình vui chơi nhất thời’
Bà Phạm Tuyết Mai thuộc Gia Đình Trưng Vương-Houston, người nhận trách nhiệm làm phối trí viên để liên lạc và sắp lịch phỏng vấn, cho biết:
“Tôi tình nguyện giúp hội vì nhận thấy đây không phải là một chương trình vui chơi nhất thời, mà là một công trình văn hoá quan trọng mà khi hoàn thành sẽ để lại cho con cháu chúng ta và những người muốn tìm hiểu về chúng ta được biết chúng ta là ai. Các sắc dân khác đều đã có chính sử của họ được giảng dạy tại các đại học với đầy đủ tài liệu. Riêng chúng ta thì chưa. Mải tới những năm gần đây mới có một ít sách vở nói về chúng ta nhưng chưa có một công trình nghiên cứu quy mô nào đủ để nói lên một cách đầy đủ và trung thực. Tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta đều có một câu chuyện để đóng góp. Chúng ta cũng cần phải làm cho nhanh vì hầu như mỗi ngày đều có những người thuộc thế hệ thứ nhất lià bỏ chúng ta vĩnh viễn, nếu chúng ta không ghi chép lại thì những câu truyện của họ sẽ vĩnh viễn ra đi cùng với họ.”
‘Nếu chúng ta không làm, CSVN sẽ làm’
Ngoài bà Tuyết Mai, Gia đình Trưng Vương Houston còn có bà Quỳnh Hoan và nhiều thành viên khác giúp đỡ hội VAHF trong việc liên lạc để mời những người đuợc phỏng vấn cũng như tìm kiếm thiện nguyện viên. Bà Quỳnh Hoan phát biểu:

“Đau thương nào cũng sẽ qua đi, và nó sẽ bị vùi lấp bởi thời gian. Nhìn vào cộng đồng mỗi ngày mỗi lớn mạnh của con cháu của chúng ta và các sắc dân khác mấy ai đã biết được đầy đủ và trung thực về cuộc di cư đầy máu và nước mắt của chúng ta nếu không có người ghi chép lại" Con cháu của chúng ta và mọi sắc dân khác sẽ phải đọc những trang sử sai sót đầy tính cách tuyên truyền về chúng ta được đưa từ trong nước ra. Hiểu được tầm quan trọng này nên chúng tôi đã tiếp tay với hội ngay từ những ngày đầu khi hội ra mắt tại Houston vào năm 2006. Theo tôi, chúng ta cần đóng góp những câu chuyện di dân của chúng ta cho kho tàng lịch sử này và đặc biệt là đóng góp tài chánh để hội có đủ phương tiện hoàn thành pho sử này một cách tốt đẹp.”
Gia đình Trưng Vương Houston đã tặng hội VAHF 1,000 đô la vào cuối năm 2010 và một số thành viên đang tiếp tục quyên góp để giúp hội có phương tiện tiếp tục công việc.
Tạo được sự hiểu biết và cảm thông giữa người Việt với người bản xứ
Nhóm cựu sinh viên Đại học Kiến Trúc tại Houston cũng nhiệt tinh không kém, ngoài nhà văn Trùng Dương cũng là một cựu sinh viên Kiến Trúc đến từ Oregon sẽ có mặt với chương trình phỏng vấn suốt chín ngày sinh hoạt, một số các anh chị khác như anh Nguyễn Bá Quyền, Dương Phước Luyến, Võ Phượng Đằng, cũng tiếp tay với hội. Riêng Kiến trúc sư Nguyễn Thu Tiên, người vẫn được giới kiến trúc Việt Nam tại Houston coi như người anh cả, đã nhận lời tham gia. Ông phát biểu: “Những năm ngưòi Việt mới đền Hoa kỳ lập nghiệp, có thể nói ngưuời Mỹ không hề biết gì về văn hoá và con người Việt Nam. Họ còn có ác cảm với chúng ta nữa là khác. Họ chỉ biết chúng ta đến từ một đất nước thiếu văn minh mà con em họ đã đến chiến đấu và chết tại đó. Họ không nghĩ rằng chúng ta hiểu và biết làm nhiều điều không kém gì họ. Tôi còn nhờ những ngày mới qua khi nhà thờ bảo trợ cho gia đình tôi có cuộc tranh tài bóng bàn. Họ hỏi tôi có biết đánh hay không" Khi tôi đánh thắng tay vợt của nhà thờ, họ ngạc nhiên thiếu điều không tin đây là sự thật. Dần dà sau khi sinh sống và làm việc với chúng ta, vấn đề được cải thiện hơn nhưng tôi nghĩ sự hiểu biết về chúng ta để có thể cảm thông vẫn cần phải được cải thiện nhiều hơn, tôi hy vọng chương trình 500 Lịch sử Phỏng vấn sẽ giúp vào công việc tạo sự cảm thông giữa người bản sứ và các dân tộc khác với ngưòi Mỹ gốc Việt của chúng ta.”
Ngoài ra, một số nhân sĩ khác như Tiến sĩ Đặng Thiệu, nhà báo kỳ cựu Lê Phú Nhuận, và ký giả Dương Phục, cũng hỗ trợ bằng cách giới thiệu nhiều nhân vật trong cộng đồng tham gia chương trình. Bên cạnh đó là các bạn trẻ và thân hữu từ các nơi trên đất Mỹ đã dùng những ngày phép của mình để về tíếp tay, như Roger Lee và Jason Wang từ Dallas, Luật sư Steven Dieu và Loan Nguyển, Houston, Linda Ho Peché, Giáo sư Đại hoc Texas tại Austin và Houston, chị Phạm Diễm Hương từ San José, Bắc Cali. Chương trình phỏng vấn sẽ dùng tiếng Anh hoặc Việt, tùy theo sự thoải mái của người được phỏng vấn, do ký giả Triều Giang Nancy Bùi điều động với tư cách hội trưởng VAHF.
Cũng nên nhắc lại, đây là đợt phỏng vấn qui mô lần thứ tư của hội. Ba lần phỏng vấn trước đã diễn ra tại San Jose, Bắc Cali, Washington, D.C., và Westminster, Nam Cali vào năm ngoái với sự hỗ trợ của các thân hào nhân sĩ, các hội đoàn và các cơ quan truyền thông tại các địa phương.
119 Hội Sinh Viên VN tài trợ ngân quỹ phỏng vấn
Hội VAHF đang cần tài chánh cho phim ‘Viet’s Story’
Song song với chương trình phỏng vấn, hội VAHF cũng đồng thời xúc tiến thực hiện một phim tài liệu. Trong 500 nhân vật được phỏng vấn hội sẽ lựa một số những nhân vật tiêu biểu để đưa vào một cuốn phim tài liệu dài khoảng 2 tiếng để nói lên câu truyện di cư của người Mỹ gốc Việt. Tựa đề của phim tạm gọi là “Viet’s Story”, do Eric và Kris Pham thuộc công ty Phame Factory phối hợp với VAHF thực hiện. Độc giả có thể vào Web link này để xem đọan phim 11 phút giới thiệu chương trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn, tại http://www.viddler.com/explore/VAHF/videos/1/.
Trong cuộc hội thoại của Hội VAHF trên đài Sàigòn Houston vào ngày 10 tháng 2 vừa qua, Luật sư Đoàn Thanh Liêm, một tù nhân chính trị đã bị CSVN bắt đưa ra toà và lên án 12 năm tù vì những hoạt động tranh đấu cho nhân quyền của ông sau năm 1975, cũng góp mặt. Nhờ được sự can thiệp của chính phủ Hoa kỳ và Tổ chức Ân xá Quốc tế và nhiều tổ chức nhân quyền khác, ông Liêm được thả năm 1996 và đi thẳng từ nhà tù ra sân bay để cùng với gia đình sang định cư tại Mỹ. Luật sư Liêm hiện đang sinh hoạt trên Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam. Ông cho biết ông rất vui mừng khi thấy hội VAHF đã đứng lên để làm công việc cấp thiết này.
Ông tỏ vẻ hài lòng với cuộc phỏng vấn của hội dành cho ông vào tháng 11 vừa qua khi hội đến sinh hoạt tại Nam California. Khi được biết hội vẫn cần thêm tài chánh để thực hiện phim “Viet’s Story”, ông đã tình nguyện đứng ra quyên góp.
“Tôi sẽ đi gõ cửa từng nhà, những con cháu của tôi nay đã thành danh. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, những chủ nhân của những cơ sở kinh doanh,” ông Liêm cho biết. “Dù kinh tế đang gặp khó khăn, nhưng sau khi được giải thích về sự hữu ích của dự án sẽ đem lại cho chính con cháu họ mãi sau này, tôi tin chắc rằng họ sẽ ủng hộ như họ đã ủng hộ tôi trong những lần tôi đã đến gõ cửa nhà họ trước đây [cho những hoạt động gây quỹ cho Mạng lưới Nhân Quyền và các sinh hoạt cộng đồng khác].”
‘Tuổi trẻ đã làm, người lớn không làm, thì thật đáng trách.’
Nhà báo lão thành Lê Việt, từng cộng tác với các báo và cơ quan truyền thông Hoa kỳ trước 1975 ở Sàigòn nay đã về hưu, vẽ tranh triển lãm và viết cho các báo Việt ngữ ở hải ngoại, nhận định:
"Mở lại trang sử người Việt bỏ nước ra đi để tránh họa Cộng sản từ tháng 4 năm 1975 khiến tôi liên tưởng tới cuộc di tản của người Do Thái bị đế quốc Babilon chiếm vương quốc Judae của họ vào cuối thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Không gian và thời gian tuy khác nhau, nhưng ý nghĩa và bản chất chỉ là một. Nguời Do Thái cũng như người Việt đã có mặt khắp bốn phương trời. Đến nay người Do Thái đã trở về quê cũ. Còn người Việt chúng ta thì sao"”
“Hội VAHF có sáng kiến viết sử bằng ‘miệng’ và bằng hình ảnh hết sức đặc thù về cuộc di tản của chúng ta, đặc biệt là phim tài liệu ‘Viet’s Story’,” ông Lê Việt nói tiếp. “Đây là một cơ hội tốt, chúng ta nên đóng góp vào công cuộc này để chúng ta có hy vọng sớm có ngày về quê xưa như dân Do Thái.Tôi năm nay, mặc dù đã 80 tuổi, nhưng vô cùng hào hứng tham gia hoạt động của hội với tất cả khả năng sẵn có của mình để giúp cho hội cả hai phương diện phương tiện và tài chánh. Qua bài viết của nhà văn Trùng Dương đang trên báo Người Việt vào tháng 11 vừa qua, nhà văn Trần Phong Vũ cho biết sinh viên Việt Nam của 119 trường trên toàn nước Mỹ đã quyên góp được số tiền gần 60 ngàn đô la đủ để hội thực hiện xong 500 cuộc phỏng vấn bằng video. Hiện hội đang quyên góp để thực hiện phim tài liệu ‘Viet’s Story’. Chúng tôi hăng hái tiếp tay vì những người trẻ đã làm tốt cho phần đầu, giới già thuộc thế hệ thứ nhất của chúng ta nếu không đóng góp để hoàn tất công trình của hội thì thật là một điều đáng trách."
Được biết toàn bộ chương trình phỏng vấn, kể cả cuốn phim tài liệu, ước tính tốn kém khoảng trên 200,000 Mỹ kim. Ngoài sự tài trợ của Liên hội sinh viên uNAVSA, công ty IBM cũng tài trợ 10,000 Mỹ kim qua chương trình ‘matching fund”, bên cạnh trên 10,000 Mỹ kim của các hội đoàn và thân hữu Mỹ Việt. Hội cần một ngân khoản khoảng 170,000 Mỹ kim để hoàn tất ba công trình gồm có một văn khố online, soạn thảo và ấn hành bộ sử và hoàn tất phim tài liệu “Việt’s Story” vào năm 2012.
Cũng nên nhắc lại, Chương trình 500 Lịch sử Phỏng vấn là bộ sưu tập thứ ba mà hội VAHF thực hiện kể từ khi thành lập vào năm 2004. Bộ sưu tập đầu tiên xoay quanh cuộc di tản vào mùa xuân năm 1975, với tài liệu do chính quyền đảo Guam, trường Đại học Guam và một số căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại đảo tặng hội VAHF vào năm 2006. Bộ sưu tập thứ hai, The Families of Vietnamese Political Prisoners Association Collection (http://www.vietnam.ttu.edu/vahp/fvppa.htm), hoàn tất vào giữa năm 2008, hiện được bảo tồn và lưu giữ tại Vietnam Center thuộc trường Đại học Texas Tech tại Lubbock, Texas.
Mọi liên lạc trao đổi, góp ý, đóng góp tài chánh, xin gửi về Vietnamese American Heritage Foundation, P.O. Box 29534, Austin, TX. 78755, Telephone: (512) 844-9417, Telecopier: (512) 266-3819, E-mail: VAHF_info@yahoo.com, Web site: vietnameseamerican.org.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.