Hôm nay,  

Đại Nhạc Hội Nhật Trường: Thổn Thức Với Hồn Xưa…

20/02/200600:00:00(Xem: 6668)
'Tôi đã khóc nhiều lần trong suốt chương trình,' cựu Thiếu tá Phạm Đa, Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù, hiện đang ở Westminster, trông bề ngoài cứng rắn đã không ngại trút nỗi niềm tâm sự. Là một trong hàng ngàn khán giả theo dõi chương trình Đại Nhạc Hội 'Anh Không Chết Đâu Anh' Nhật Trường - Trần Thiện Thanh (ảnh bên) do Trung tâm ASIA thực hiện, ông đã buông lời khen không một chút do dự: 'Tôi chưa bao giờ được coi một chương trình nào hay như vậy. Những lời ca, tiếng nhạc đã đưa tôi về với dĩ vãng hào hùng. Tôi thật sự xúc động, và đã mấy lần phải chùi nước mắt.'

Chị Định Thị Thanh, ngụ tại Riverside có cái nhìn chi tiết khi khen chương trình quy tụ nhiều ca sĩ nổi tiếng mà chị thích, và kết luận: 'Đây là một chương trình hay toàn diện.' Còn chị Oanh Đoàn, ở Torrance và chị Hường Nguyễn ở Santa Ana đua nhau nhắc về thời con gái đầy mơ mộng ở VN, thuở của những năm 60, thuở còn là người yêu của lính Cộng Hòa. Chị Oanh thích cái phông trường Gia Long nổi tiếng thời Saigon cũ, trường nữ trung học của chị ngày xưa và phông Nhà thờ Đức Bà, nét cổ kính của thành phố Saigon.

Và như không ai bảo ai, các ca sĩ, cả những người khách mời đặc biệt của chương trình như nhà văn Phan Nhật Nam, ca sĩ Minh Hiếu, Mỹ Lan, Thanh Tuyền, Phương Dung, Chế Linh, Trung Chỉnh…đều nhắc lại những kỷ niệm với ca nhạc sĩ Nhật Trường, như nhắc về những kỷ niệm thời trẻ đầy hoa mộng của chính mình. Một thời sôi bỏng của đất nước chiến chinh, nhưng cuộc sống vẫn hào hùng và tâm hồn sáng trong. Có lẽ trong suốt bốn tiếng rưỡi đồng hồ nghe lại các ca khúc của Nhật Trường - Trần Thiện Thanh, nhiều người nghe sóng lòng vỡ òa. Nhớ lại miền Nam VN đã một thời chiến đấu hào hùng, anh dũng và cũng đầy những mối tình thơ mộng của người em gái hậu phương với anh trai tiền tuyến. Và tưởng nhớ Nhật Trường một nhạc sĩ tài hoa, yêu nước Việt tự do nồng nàn.

Có người khóc theo Thanh Thúy khi chị hát bài Hàn Mặc Tử và nhìn thấy chị khẽ lấy tay lau nước mắt khi quay vào hậu trường; khóc với Minh Hiếu, khóc với Mỹ Lan… Chúng tôi nhớ lại, những lần đồng ca trên xe lời tình buồn: 'Hàn Mặc Tử, xuôi về quê cũ giấu thân nơi nhà hoang…' trong những chuyến du ngoạn, ngang qua di tích lịch sử lầu ông Hoàng, thị xã Phan Thiết, vậy mà không hề biết tác giả bài hát quen thuộc đó là Nhật Trường. Chúng tôi cũng đã từng bồi hồi đứng nhìn Phá Tam Giang cuồn cuộn sóng dữ nhưng lại không hề biết ca khúc 'Chiều trên Phá Tam Giang' của Nhật Trường phổ từ thơ của Tô Thùy Yên. Các ca khúc của Nhật Trường để lại đã làm dâng lên niềm cảm xúc trong lòng mọi người hôm nay. Ca khúc của anh là những câu chuyện tình, chuyện đời thường mà bây giờ nhiều dân Việt ở Nam Cali mới được biết. Anh quá giỏi khi đưa chuyện đời vào nhạc để những dòng nhạc Bolero trữ tình của anh ngày xưa hòa vào cuộc sống hôm nay.

Lâu Đài Tình Ái, Tình Thiên Thu, Biển Mặn, Bảy Ngày Đợi Mong, Tình Đầu Tình Cuối, Hoa Trinh Nữ, Nửa Đêm Về Sáng, Không Bao Giờ Ngăn Cách, Tạ Từ Trong Đêm, Từ Đó Em Buồn, Góa Phụ Ngây Thơ, Chiếc Áo Bà Ba, Cho Anh Xin Số Nhà… Dù Bolero cung Trưởng hay Bolero cung Thứ cũng réo rắt chuyện tình vui, chuyện tình buồn’ khiến người nghe thổn thức. 'Em ơi em đâu rồi, khi cuộc đời đầy những thương đau. Làm sao anh hôn dòng tóc rối. Làm sao, làm sao ta có đôi…'

Các ca sĩ tâm sự với khán giả những câu chuyện về Nhật Trường, như là tâm sự của riêng mình. Y Phụng không biết hết tài ba của 'chú Nhật Trường' và ngỡ ngàng khi vỡ lẽ ra, người sáng tác những ca khúc mà cô thích là 'chú Nhật Trường ca sĩ.'

Bài hát 'Anh không chết đâu anh' mở đầu, vốn đã gắn tên tuổi của Thanh Lan với Nhật Trường, cũng là bài hát kết thúc chương trình, làm mọi người xúc động tràn dâng. Tôi quay quắt nhớ lại một đêm ở nghĩa trang Quân Đội, Biên Hòa, vào mùa hè 1972. Hàng trăm chiếc quan tài phủ cờ Vàng xếp hàng song song, thẳng tắp trong ánh nến lập lòe đã làm mắt tôi mờ đi, chỉ còn thấy những dòng ánh sáng nhòe lệ. Anh Phan Nhật Nam nhắc nhẹ để 'những người ở Saigon không phải ai cũng biết đã có một thời những người trai Việt hào hùng khoác chiến bào chết vì tự do, những người chết ở Charlie, ở Darto, ở Khe Sanh, Quảng Trị, Đông Hà’…Lúc đó có thể cũng có những người còn quá nhỏ để biết. Nhưng bây giờ thì những dòng nhạc của Nhật Trường đã giúp cho họ biết và nhớ lại, những ngày xưa hào hùng, để bây giờ muốn sống thật hào hùng..

Một người Mỹ, nhân viên bảo vệ nhà hát Mirada cũng nói: "Tôi không hiểu được người ta hát cái gì, nhưng tôi biết rằng đó là những bài hát đầy lãng mạn mà tôi rất thích.'

Rời nhà hát lúc 6 giờ chiều, tôi vội vã gọi thúc bạn tôi đưa gia đình đi xem xuất tối. Bạn tôi đến nhà hát một tiếng đồng hồ sau, nhưng đành phải quay về, tiếc rẻ vì không mua được vé.

Thuần Thành

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.