Hôm nay,  

Đại Sứ Marine Tới Quận Cam: Mỹ Cần Đưa Vn Gia Nhập Wto

28/10/200500:00:00(Xem: 5358)
COSTA MESA, Calif. (VB) -- Trong khi chính phủ CSVN và toàn thành phố Hà Nội chuẩn bị tưng bừng đón Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vài ngày nữa tới, thì ông Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Marine lặng lẽ rời Việt Nam và tới Nam California -- nơi ông đại sứ với ít nhất 6 buổi nói chuyện và gặp gỡ nhiều giới khác nhau, và du thuyết người Mỹ gốc Việt rằng tình thân Việt-Mỹ đang ngày càng kết chặt, “và cùng với tình thân hai nước Việt-Mỹ thân hơn, thì theo kèm là các thách thức lớn.”

Đó là những lời ông Đại Sứ Marine tuyên bố trong buổi họp báo chiều Thứ Năm 27-10-2005 tại Khách Sạn Fairmont Hotel, Newport Beach, Calif.

Buổi nói chuyện không chứa đựng nhiều thông tin mới lạ nào, vì ông Đại Sứ đã đóng vai một công chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cực kỳ xuất sắc, hoàn toàn không có lời nào có thể làm sứt mẻ tình thân “đang ngày càng thân” giữa Hà Nội và Washington DC.

Hơn nửa bài nói chuyện được ông giành cho các bản thống kê và biên niên sử về tình thân Việt-Mỹ, với những con số ai cũng tìm được dễ dàng ở các trang web kinh tế nhà nước CSVN -- thí dụ, trong 3 năm qua, xuất cảng Việt Nam vào Mỹ tăng 250%.

Đặc biệt, Đại Sứ Marine nêu lên khía cạnh “tình người trong cách Hà Nội giúp cứu trợ nạn nhân bão Katrina tại Mỹ.”

Ông nói rằng ông và nhân viên tòa đại sứ Mỹ xúc động khi thấy tỉnh nào tại VN cũng tổ chức quyên tiền để chuyển sang cứu trợ nạn nhân bão lụt Katrina ở 3 tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ mấy tháng trứớc.
Trong khi đó, mới mấy năm trước, khi Hòa Thượng Quảng Độ dẫn phái đoàn tăng ni về Miền Tây VN cứu trợ bão lụt, thì lập tức bị bắt giam toàn bộ liền.

Ông nói rằng Việt Nam hiện là điểm đầu tư đáng chú ý, vì trong nhiều lĩnh vực thì chi phí rẻ hơn 30% so với tại Trung Quốc.

Đặc biệt, những lời đại sứ Marine nói về kinh tế và nhấn mạnh nhiều lần (ít nhất 3 lần) về “Mỹ mong muốn VN sớm gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, vì việc VN vào WTO rất là quan trọng đối với Hoa Kỳ” đã cho thấy có vẻ như Đại Sứ Marine muốn thanh minh thanh nga đối với lời một Thứ Trưởng CSVN trong tuần này lên án Mỹ thọc gậy bánh xe, cản trở, không cho VN vào WTO sớm.


Cần nhắc rằng, bản tin AFP mới hai hôm trước đã ghi rằng ông Ngô Quang Xuân, sứ giả của VN tại WTO, nói với báo Tuổi Trẻ rằng, “Sự kiện Hoa Kỳ đang gây khó khăn trên bàn thương thuyết chính là thái độ thiếu thiện chí. Không phải vì VN không đủ nỗ lực. Chúng tôi đã làm mọi chuyện có thể làm và chúng tôi đã vượt qua nhiều trở ngại (ở VN) và ngoài nước.”

Trong tình hình Hà Nội tưng bừng trải thảm đỏ đón Hồ Cẩm Đào, và cay đắng đổ tội cho Mỹ cản trở CSVN gia nhập WTO, thì việc du thuyết của ông Marine có thể mang màu sắc khác.

Ông cũng nhắc về nhân quyền, và ông nói rằng ông liên tục nhắc nhở Hà Nội cởi mở thêm cho dân các quyền tự do đã ghi trong Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền LHQ.

Ông nói cụ thể rằng ông đã đòi hỏi CSVN thả được nhiều tù nhân lương tâm trong năm ngoái và năm nay, nhưng ông thất vọng vì Hà nội chưa chịu trả tự do cho Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình.

Luật sư Nguyễn Quốc Lân đã hỏi rằng làm sao đầu tư ở VN được, vì tình hình tham nhũng, hồ sơ kém minh bạch, quan hệ phải dựa thế thần.... Ông Marine nói chính phủ Hà Nội ý thức như vậy, và họ vẫn đang tìm cách tạo cơ hội thuận lợi hơn cho đầu tư.

Trước khi vào buổi họp, ông Robert Le, đaị diện Mạng Lưới Nhân Quyền VN, đã trao tận tay ông Marine một lá thư, trong đó nêu các hồ sơ nhân quyền cần giúp giải quyết.

Và cuối buổi họp, ông Robert Le hỏi riêng ông Marine rằng vì sao chưa phổ biến bản hiệp ước mật giữa Mỹ và CSVN ký kết trước khi Thủ Tướng Phan Văn Khải gặp TT Bush hồi tháng 6-2005 về lời VN hứa cho tự do tôn giáo, thì ông Marine trả lời rằng, “Chưa phổ biến, chỉ vì đó là hiệp ước mật.”

Đặc biệt, chiều Thứ Năm, ông và nhiều viên chức Vietnam Education Foundation (VEF) đã viếng thăm thương xá Phước Lộc Thọ để trực tiếp thăm người Mỹ gốc Việt ngoài phố. Đón tiếp ông nơi đây, có lẽ không tưng bừng như Hà Nội đón Hồ Cẩm Đào.

Buổi họp báo chiều Thứ Năm tổ chức bởi VEF -- một cơ chế của Mỹ giúp thúc đẩy giáo dục tại VN bằng cách bảo trợ và cấp học bổng cho các sinh viên hậu cử nhân.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.