Hôm nay,  

Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển Mời Tham Dự Văn Nghệ Gây Quỹ Cho Chương Trình Định Cư Di Dân

15/05/200800:00:00(Xem: 4698)

(Falls Church, VA)  Nhằm mục gây quỹ cho chương trình Định Cư Di Dân (Humanitarian Resettlement program, được gọi tắt là “Chương Trình HR”), Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), phối hợp cùng Sáng Hội Văn Học Nghệ Thuật của Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương (APACAF), sẽ tổ chức một buổi trình diễn văn nghệ mang truyền thống quê hương với chủ đề “Bốn Mùa” tại đại hí viện Center for the Arts-Concert Hall của trường Đại Học George Mason, Fairfax, vào lúc 3 giờ chiều, ngày Chủ Nhật, mùng 8 tháng 6, 2008.

Được biết, Chương Trình HR sẽ ngừng nhận đơn vào ngày 25 tháng 6, 2008.  Tuy nhiên, những đơn đã nộp trước kỳ hạn vẫn sẽ được cứu xét cho đến 2009.  Hiện đang có hàng chục ngàn người đã nộp đơn và đang chờ được cứu xét.  Phần lớn đều là những ngườii dân có mối dây liên quan đến Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 đang bị kỳ thị, ngược đãi và hành hạ tại Việt Nam.  Có khá nhiều trường hợp đơn bị bác một cách vô lý.  BPSOS rất cần sự hỗ trợ của đồng hương để có phương tiện tài chánh hầu có thể tiếp tục trợ giúp những công dân này có cơ hội định cư nơi vùng tự do.

Điển hình là gia đình cựu Trung Tá Thái Quốc Thanh.  Vì một lý do nào đó, đơn xin định cư của họ đã bị bác bỏ một cách oan uổng.  Trong 32 năm qua, họ sống vất vưởng trong một xã hội không tự do, không xin được công ăn việc làm rõ ràng, không nơi trú ngụ vững vàng, không được giấy tờ chứng minh là công dân nên không được xin hộ khẩu hay hộ chiếu.  Cuộc đời của họ như những du thử du thực, bị phế thải như những cặn bã của xã hội.  Với sự tận tâm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, BPSOS đã tốn hơn 8 tháng trời vất vả để đưa được ông và vợ sang đến bờ tự do.  Hiện nay, BPSOS đang tiếp tục giúp 5 người con của ông bà được đòan tựu.  Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trớ trêu của người dân trong nước đang cần sự giúp đỡ của đồng bào hải ngoại chúng ta.    
 
Số tiền vé thâu được, sau khi trừ chi phí, sẽ được dùng vào các công tác giúp đỡ đồng bào còn lại ở quê nhà thâu thập đầy đủ tại liệu để được tái xét hoặc chấp thuận cho định cư.

Với một tầm vóc diễn đạt chú trọng đến nghệ thuật văn hóa Việt Nam nhiều hơn tính cách sân khấu giải trí, hầu giúp người bản xứ cũng như thế hệ trẻ hiểu biết thêm về lịch sử dân tộc Việt Nam, “Bốn Mùa” phản ảnh những nét tinh hoa của văn hóa và nghệ thuật Việt Nam và sẽ được diễn đạt qua những nốt nhạc, những lời ca, và những vũ điệu luân chuyển theo dòng thời gian lịch sử. 

Người nghệ sĩ sẽ đóng vai trò của người dẫn đường đưa chúng ta vào một cuộc hành trình văn hóa.  Những họat cảnh và vũ điệu, những câu ca, điệu nhạc sẽ lần lượt dẫn dắt chúng ta qua những chặng đường lịch sử của người dân Việt gói ghém trong đó một chút tình người ly hương.
 
Trong “Bốn Mùa” ta sẽ không tìm thấy nét lòe lọet, rực rỡ của sân khấu buổi trình diễn đông đảo ca sĩ và vũ công.  Trong “Bốn Mùa”, ta sẽ tìm thấy giá trị văn hóa và trang huyền sử qua những đường nét diễn đạt rất tự nhiên của các nghệ sĩ và vũ công của Academy of Asian American Performing Arts, Gia Đình Quốc Gia Nghĩa Tử, ban nhạc thính phòng Prelude Chamber Music với Phạm Dương Hiển và các nhạc sĩ người Mỹ lần đầu tiên sẽ trình tấu những nhạc phẩm bất hủ của Việt Nam như “Hội Trùng Dương”, “Hương Xưa” và “Tình Ca”.  Những dòng nhạc do Nhạc Sĩ Vũ Trụ biên soạn sẽ được ban nhạc này hòa đệm cho hai danh ca ưu ái Diễm Liên và Nguyên Khang sẽ đem đến bầu không khí nhạc thính phòng của thưở xa xưa.  Đặc biệt có sự đóng góp của danh cầm Lê Huyền Khanh đến từ Montreal, Canada.

“Bốn Mùa” là tượng trưng của con người Việt Nam theo dòng thời gian.  Ta sẽ cùng nhau làm một cuộc hành trình từ Bắc vào Nam và xuyên đại dương để trở thành người Mỹ gốc Việt như hôm nay.  Chúng ta sẽ trở lại thời vàng son của lịch sử Rồng Tiên qua những sự tích dân gian từ đời Hùng Vương với câu chuyện hào hùng cứu dân độ thế của Phù Đổng Thiên Vương qua phần diễn xuất siêu thần của Hùng Nguyễn cùng những nhịp trống xuất thần của Tay Trống David Grimm.  Ông David sẽ dùng chiêng và trống Việt Nam cùng một số các loại trống của Ba Tây và Phi Châu để sáng tác lên tác phẩm “Thánh Gióng”.  Trong sự tích trầu cau, chúng ta sẽ cùng cảm nhận tình nghĩa huynh đệ sâu đậm và tình phu thê thắm thiết đã trở thành những lễ vật ngày cưới tượng trưng cho sự bền bĩ trong đạo đức “chia sẻ ngọt bùi” của người Việt.  Những biến chuyển xã hội qua “Ả Đào Say”, những ước mơ bình an, những gian nan, khổ ải của người dân Việt trong thời chiến sẽ lần lượt được chia sẻ cùng khán giả qua “Tình Quê” nói lên nét mộc mạc, chân thật của người ngư dân vỏn vẹn chỉ có “râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon,” và nét hồn nhiên, nhí nhảnh của tuổi mông mơ trên vùng sơn cước vì ta không thể quên những sắc tộc thiểu số trên vùng cao nguyên nơi Âu Cơ đã đem 50 con lên núi để sanh sống.  Cố nhiên, ta không thể quên thời chinh chiến qua nét đau khổ của người góa phụ khóc chồng và tấm thân tàn của người tù cô đơn trong trại cải tạo.

Cuối cùng, trên một xứ sở mới, người tị nạn Việt Nam đã vươn lên tạo cho mình một tương lai sáng lạng hơn.  “Bốn Mùa” không chỉ nói lên tứ thời mà con bao bọc cả những ý nghĩa của văn hóa và phong tục Việt Nam trong đó bao hàm cả tứ quí trong các loại hoa—mai lan cúc trúc; tứ sắc, xanh vàng trắng đỏ, là những mầu sắc chính; tứ đức của người con gái Việt Nam trong công dung ngôn hạnh, trong cầm kỳ thi họa.  Tất cả những tinh hoa này đã kết tụ trong tâm hồn người Việt chúng ta.

Đây là năm thứ 2, Academy of Asian American Performing Arts (AAAPA) đóng góp trong chương trình gây quỹ của BPSOS.  AAAPA dự tính sẽ khai mạc các lớp dạy múa vào mùa Hè 2008 dưới sự huấn luyện và hướng dẫn của Vũ Sư Asa Trịnh.   Mục đích của AAAPA là thành lập một đòan vũ để tham dự các cuộc trình diễn nghệ thuật khắp nơi trên thế giới. 

Hí viện Center for the Arts có khả năng chứa gần 2000 khán giả.  Là một trung tâm nghệ thuật có tầm vóc chuyên nghiệp nên trung tâm có phong cách và tiêu chuẩn rất cao.  Nhân viên hí viện sẽ cung cấp việc kiểm sóat vé và giữ trật tự.  Ghế ngồi đều có xếp hạng số.  Chương trình sẽ bắt đầu đúng giờ.  Khách đến trễ sẽ phải chờ tới giờ giải lao mới được vào.  Chỗ đậu xe rất tiện.  Quan khách có thể đậu trong garage chỉ tốn $5.00 hoặc đậu miễn phí tại bãi đậu xe số K.

Giá vé bao gồm $100.00 thượng hạng, và $50.00 và $30.00.  Giá đặc biệt, $25, cho học sinh, sinh viên và cao niên. 

Vé có bán tại văn phòng BPSOS, 6066 Leesburg Pike, Ste 100, Falls Church, VA  22041
Lê Kim Cúc, 703-538-2190 hoặc liên lạc ông Nguyễn Quốc Khải, 301-922-3372; Washington Video Productions, 703-538-4979 và Oanh Phương Video, 703-241-8638 nằm trong khu thị tứ Eden Center; George Mason University-Ticket Office, 4400 University Drive, MS 3F5, Fairfax, VA  22030, 703-993-2787.

(VANN-Lê Thùy Lan)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.