Hôm nay,  

229 Tị Nạn Vn Từ Phi Vào Mỹ: Chuyến Bay Chờ Từ 16 Năm

27/09/200500:00:00(Xem: 5680)
LOS ANGELES -- Chuyến bay chở 229 thuyền nhân Việt Nam từ Phi Luật Tân sang Mỹ định cư đã đáp xuống phi trường Los Angeles chiều Thứ Hai 26-9-2005.
Nhóm 229 thuyền nhân này đã ở trên đất Phi hơn 16 năm, nhiều lần bị các nước từ chối nhận định cư, và mới đây thì được chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho vào Hoa Kỳ với tư cách tị nạn.
Họ là đợt đầu của nhóm 1,600 thuyền nhân Việt ở Phi được sang Mỹ định cư.
Chuyến bay chở 229 thuyền nhân là của hãng hàng không American Trans Air (ATA), chuyến bay số TZ 6088, vào cổng Thomas Bradley của Phi Trường Quốc Tế Los Angeles.
Sau khi xuống phi trường, một số thuyền nhân làm tiếp thủ tục để sang các nơi khác trên Hoa Kỳ. Chỉ có khoảng 50 thuyền nhân định cư tại Nam California.
Cơ quan di trú quốc tế gọi tắt là IOM cho biết số còn lại sẽ lần lượt đi tiếp trong 6 tháng sắp tới.
Các giới chức di trú nói rằng đa số những người tỵ nạn đã bỏ trốn khỏi Việt Nam vào giữa thập niên 1980, vì sợ bị ngược đãi sau khi cộng sản chiếm miền nam Việt Nam năm 1975. Các trại tỵ nạn tại Philippin đóng cửa vào năm 1996 và những người Việt Nam đã tản mác ra khắp Philippin mà không được nhập tịch.
Lúc đó, họ cũng không được hưởng quy chế tỵ nạn vì họ bị coi là các trường hợp kinh tế chứ không phải chính trị.
Năm 2004, Hoa Kỳ và Philippin đồng ý về một chương trình tái định cư cho những người tỵ nạn còn lại, mở đường cho chặng chót trong cuộc du hành kéo dài 16 năm của họ.
Tuy nhiên IOM cho biết những ai đã lập gia đình và có con cái với người Philippines sẽ không được cứu xét.
Những người bị từ chối hiện nay có thể lên đến 300 người -- trong đó gồm khoảng 70 hồ sơ những thuyền nhân đã lập gia đình với người Phi và 50 hồ sơ thuộc hồ sơ con lai.
BBC sơ lược vài dòng biên niên như sau:
1975: Thuyền nhân đầu tiên đến Philippines
1979: Trại tị nạn Palawan mở cửa
1989: Bắt đầu thanh lọc thuyền nhân
1996: Manila ngừng việc cưỡng bách hồi hương
1997: Trại Palawan đóng cửa.
Đa số họ kẹt lại tại các trại chính phủ Philippines mở ở Bataan và Palawan của Phi Luật Tân và ở trong tình trạng khó khăn vì không có tư cách pháp nhân, do vậy cũng không có việc làm.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, một thuyền nhân hiện đang ở trại Palawan, Trần Thị Đỗ Trâm, nói suốt hơn chục năm nay bà đi bán dạo rồi đi dạy học, "làm bất cứ việc gì có thể kiếm được tiền để nuôi con".
Hai đứa con của bà đều sinh ra tại Philippines, đứa đầu đã 13 tuổi.
"16 năm sống tại đây, điều mong mỏi nhất là được đi định cư. Cuộc sống rất là khắc khoải, không có ổn định, khó khăn và bấp bênh".
"Khi hay tin được đi Hoa Kỳ, chúng tôi có cảm xúc không thể nói nên lời. Giống như một giấc mơ đã trở thành sự thật".
"Rất mừng rỡ, nhưng cũng bỡ ngỡ và lo lắng. Thế nhưng chúng tôi an tâm vì cảm tưởng rằng từ đây sẽ có một cuộc đời ổn định".
Bản tin từ hai tuần trứơc của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển ghi các chi tiết khác như sau.
Một phái đoàn gồm các cơ quan truyền thông, nghệ sĩ, ân nhân và thiện nguyện viên đã từng tham gia vận động cho thuyền nhân tại PLT sẽ có mặt tại phi trường để tiếp đón nhóm thuyền nhân đầu tiên này.
Tính đến ngày 20 tháng 9, phái đoàn phỏng vấn Hoa Kỳ đã chấp nhận cho khoảng 1,281 thuyền nhân Việt Nam được định cư tại Hoa Kỳ trong chương trình tỵ nạn và chỉ từ chối khỏang 10 người trong tổng số những người được phỏng vấn. Tiến trình phỏng vấn sẽ được kết thúc vào cuối tháng 9 này. Tất cả những người được chấp thuận sẽ được rời PLT trước cuối tháng 11 để đi định cư tại Hoa Kỳ theo các chuyến bay thương mại.

Tổng số người bị từ chối này là chưa kể đến con số khỏang 120 hồ sơ đã bị từ chối đồng lọat và không được phỏng vấn. Số hồ sơ này bao gồm khoảng 70 hồ sơ những thuyền nhân đã lập gia đình với người Phi và 50 hồ sơ thuộc hồ sơ con lai. Tổng số những người bị từ chối hiện nay có thể lên đến 300 người.
Kết quả từ chối những hồ sơ có lập gia đình với người Phi được dựa trên lập luận sai lầm của chính phủ Hoa Kỳ rằng những người này sẽ được cấp qui chế thường trú nhân tại PLT và do đó sẽ được định cư vĩnh viễn tại quốc gia này. Trên thực tế, những người đã lập gia đình với người Phi vẫn không được cấp qui chế thường trú nhân và cuộc sống của họ vẫn không được ổn định như bất cứ người Việt Nam nào khác.
Đối với những gia đình thuộc diện con lai và ra đi thẳng từ Việt Nam từ những năm 1980s theo Chương Trình Con Lai nhưng còn kẹt lại tại PLT vì những gian dối trong việc ghép hộ hay giả mạo hồ sơ trước đây, họ cũng bị từ chối và không được phỏng vấn dựa trên tiêu chuẩn tỵ nạn như những người khác. Tuy nhiên, con cái của những gia đình này mà trước đây vẫn còn nhỏ nên không thể tham dự vào việc gian lận vẫn được cứu xét cho định cư tại Hoa Kỳ như tất cả các thuyền nhân khác.
Trong số các hồ sơ người Việt Nam tại PLT, hiện có khoảng 2,000 người, trong số đó có khoảng 1,750 là người Việt Nam, 120 là vợ hay chồng người Phi và số còn lại là con cái của những cặp vợ chồng này.
Phái đoàn Na-Uy cũng sẽ đến PLT để bắt đầu phỏng vấn các thuyền nhân có liên hệ gia đình gần với các cư dân tại Na-Uy bắt đầu vào ngày 3 tháng 10 sắp tới. Có khoảng 200 thuyền nhân có thể hội đủ điều kiện được cứu xét cho đi định cư tại Na-Uy, nhưng đa số đã hoặc sẽ được nhận đi Hoa Kỳ theo diện tỵ nạn.
Chính phủ Canda hiện cũng đang cứu xét một chương trình tương tự để tiếp nhận một số các thuyền nhân Việt Nam từ PLT mà có thân nhân trực hệ với cư dân tại Canada. Tuy nhiên, con số này chỉ có khoảng không đến 100 người hội đủ điều kiện. Thêm vào đó, chính phủ Canada sẽ đòi hỏi nhiều điều kiện khó khăn về bảo đảm tài chánh mà nhiều thân nhân có thể không hội đủ điều kiện. Nhiều người trong số hồ sơ Canada đã được hay sẽ được nhận đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện tỵ nạn.
Có một số lớn các thuyền nhân bị Hoa Kỳ từ chối sẽ không có cơ hội được đi định cư tại một quốc gia nào khác vì họ không có thân nhân hay quan hệ với các quốc gia khác. Thêm vào đó, chính sách tiếp nhận người tỵ nạn hay di dân tại hầu hết các quốc gia trên thế giới càng ngày càng trở nên khó khăn hơn, tiêu biểu nhất là chính sách di trú tại Hoa Kỳ. Trường hợp tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam theo chương trình tỵ nạn như hiện nay là một trường hợp ngoại lệ, hy hữu và vì được vận động và hỗ trợ của cộng đồng Việt Nam tại khắp nơi cũng như các giới chức Hoa Kỳ hỗ trợ cho cộng đồng cử tri người Mỹ gốc Việt.
Quyết định từ chối những hồ sơ có vợ chồng người Phi hay hồ sơ con lai giả mạo là một quyết định sai trái trên nguyên tắc luật di trú của Hoa Kỳ và vi phạm hiệp ước giữa Hoa Kỳ và PLT vào tháng 4 năm 2004 qua đó đôi bên đã hứa sẽ tìm một giải pháp nhân đạo và toàn diện cho tất cả mọi người.
Cộng đồng Việt Nam tại khắp nơi vẫn tiếp tục vận động với các cấp chính phủ liên hệ để mong tìm một giải pháp tốt đẹp cho tất cả mọi người Việt Nam còn lưu lại tại PLT và đây là trọng tâm của công tác vận động cho người tỵ nạn Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.