Hôm nay,  

Nhiếp Ảnh Gia N.N.Hạnh & Những H.Ảnh Bi Hùng Của Cuộc Chiến Giữ Nước

01/06/200700:00:00(Xem: 3854)

Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Ngọc Hạnh Và Những Hình Ảnh Bi Hùng Của Cuộc Chiến Giữ Nước

Tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Hạnh

Nói tới các văn nghệ sĩ quân đội VNCH, trong bộ môn điêu khắc người ta không thể không nghĩ tới tượng đài Tiếc Thương của Nguyễn Thanh Thu đặt ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, thì với bộ môn nhiếp ảnh, Nguyễn Ngọc Hạnh đã là một tên tuổi sáng giá không những ở miền Nam Việt Nam mà còn ở trong cả giới nhiếp ảnh nghệ thuật của thế giới. Trước năm 1975, Nguyễn Ngọc Hạnh đã để lại cho đời những tác phẩm với hào khí ngất trời như “Dựng Cờ”, “Tấn Công” và bi thương trong cuộc chiến như “Thương Tiếc”, “Mẹ Việt Nam” và sau khi tới định cư tại Hoa Kỳ , Nguyễn Ngọc Hạnh đã không rời chiếc máy ảnh và đã cho ra đời những tác phẩm như “Vá Cờ” hay “Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây!”

Sinh năm 1927 tại tỉnh Hà Đông Bắc Việt, Nguyễn Ngọc Hạnh vào miền Nam rất sớm và theo học Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, ông được gởi sang Toulouse Pháp để theo học khóa Quân Nhu sửa chữa dù, tốt nghiệp cấp bậc chuẩn úy vào năm 1947. Ông đã theo học nhiếp ảnh trong thời gian ở Pháp và trở thành một nhiếp ảnh gia nhà nghề vào năm 1957 và trong năm này ông đã lập Hội Ảnh KBC, qui tụ nhiều nhà nhiếp ảnh của miền Nam Việt Nam. Khi Quân Đội VNCH được thành lập, ông phục vụ trong ngành Quân Nhu, và sau đó là Tiểu Đoàn 1 cũng như Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù. Năm 1961, Nguyễn Ngọc Hạnh được thuyên chuyển về Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, được gởi đi khắp bốn vùng chiến thuật và các quân, binh chủng để thực hiện những tài liệu nhiếp ảnh cho cuốn “Việt Nam Khói Lửa” của Phạm Văn Sơn. Chính nhờ giai đoạn này, Nguyễn Ngọc Hạnh được dịp sống sát với chiến trường, ghi nhận những hình ảnh trung thực của người lính VNCH và tạo nên những tác phẩm giá trị đoạt nhiều huy chương quốc tế. Ông đã sống với những mặt trận lớn như Huế Mậu Thân, Khe Sanh, Tam Quan- Bồng Sơn.... Tác phẩm “Tiếc Thương” được giải thưởng ở Đức, “Cắn Lựu Đạn” đoạt giải ở Pháp. Hai lần ông đoạt giải  Danh Dự của Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Quốc Tế (Hon EFIAP) ba lần đoạt giải của Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Hoàng Gia Anh Quốc (FRPS) và vô số các giải nhiếp ảnh cấp quốc gia ở Ba Lan, Ấn Độ, Pháp, Đức, Mã Lai, Singapore, Hồng Kông.(1) Năm 1970, Nguyễn Ngọc Hạnh đã cho ấn hành cuốn “Việt Nam Khói Lửa” bằng những hình ảnh về cuộc chiến giữ nước và những lời chú thích viết bằng tiếng Anh của các nhà văn trong quân đội, gần 200 trang, ấn loát ở Hông Kông. Tác phẩm này hiện còn rải rác nằm trong các thư viện lớn trên thế giới.   

Ông mang cấp bậc Trung Tá vào những ngày cuối cùng trong quân đội, và là Ủy Viên Nhiếp Ảnh của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội do Đại Tá Trần Văn Trọng làm Chủ Tịch.

Tháng 5- 1975, cũng như số phận các sĩ quan miền Nam, Nguyễn Ngọc Hạnh bị tập trung đưa ra các trại tù ở Bắc Việt trong tám năm. Những ngày tháng bị kiên giam trong conex, đã cho Nguyễn Ngọc Hạnh thấy rằng người Cộng Sản cũng sợ cái máy ảnh, ngòi bút hơn là súng đạn. Nếu không được cơ quan Amnesty Đức Quốc can thiệp  cho ra tù năm 1983, có lẽ người cầm máy chiến đấu như ông sẽ còn ở trong trại tập trung lâu hơn nữa. Nguyễn Ngọc Hạnh đã thất bại nhiều lần trong cố gắng vượt biên ra nước ngoài, cho mãi đến lần thứ tư, mới đến được Thái Lan và năm 1989, ông mới đến định cư tại San José, Bắc California.

Tháng 4 năm 2000, Mặt Trận QGTNGPVN tại Hoa Kỳ đã trao giải thưởng Văn Học & Nghệ Thuật cho tác phẩm nhiếp ảnh “Vá Cờ” của ông, tuy vậy trước đó khi Măt Trận tiếp xúc với ông, Nguyễn Ngọc Hạnh đã đòi hỏi được ra mặt trận để làm phóng sự cũng như để tìm chất liệu cho tác phẩm, nhưng các giới chức cao cấp trong Mặt Trận đã từ chối lời yêu cầu, với lý do là đường sá xa xôi, không bảo đảm an ninh và sức khỏe cho ông.

Năm nay, Nguyễn Ngọc Hạnh đã 81 tuổi, nhưng sức khỏe vẫn còn tốt, có thể vượt suối, băng rừng suối để đi săn ảnh và vẫn tiếp tục tạo nên những tác phẩm bất ngờ có giá trị mặc dầu đề tài và khung cảnh ở Hoa Kỳ rất hạn chế, những người đi trước đã chụp qua rồi.  Qua chiến tranh thất lạc, kiểm điểm lại với một cuộc đi tìm lại tác phẩm rất cam go, hiện nay Nguyễn Ngọc Hạnh đã chọn lọc lại hơn 150 tác phẩm nhiếp ảnh (khổ khổ từ 16X20 cho đến 40X60 inches), vừa trong chiến tranh, vừa trong hòa bình, xây dựng mà ông dự định sẽ làm một cuộc triển lãm lưu động đến nơi có cộng đồng nguời Việt đông đảo. Bản thân ông vốn là một người lính và một cựu tù nhân chính trị, điều mà Nguyễn Ngọc Hạnh muốn chia sẻ đến những người bạn chiến đấu và những người đồng cảnh ngộ, là ngọn lửa đấu tranh cho tự do sẽ là một ngọn lửa không bao giờ tắt, và đối với người nghệ sĩ, tác phẩm không thể chết theo tác giả.

Mới đây vào ngày 21 tháng 10 năm 2004, Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Ngọc Hạnh đã được Phân Khoa Lịch Sử của De Anza College (Bắc California) mời cùng với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ông Vũ Văn Lộc và Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đến để thuyết trình cho các sinh viên nhà trường về cuộc chiến Việt Nam. Ông phấn khởi đã được trưng bày và giải thích với tuổi trẻ ở Hoa Kỳ những hình ảnh và nói tới ý nghĩa trung thực về cuộc chiến Việt Nam. Chúng ta hy vọng mỗi người lính sẽ có riêng một tác phẩm “Dựng Cờ” của Nguyễn Ngọc Hạnh, như là biểu tượng của niềm hãnh diện của những ngày đấu tranh giữ nước anh hùng của dân quân miền Nam Việt Nam.

Tháng 11-2004

HUY PHƯƠNG

Những giải thưởng và tước hiệu của Nguyễn Ngọc Hạnh:

Hon.FPCKBC;

Hon. FVNPS, Hon.Exibitor VNPS;

Hon.EFIAP, FRPS, ****PSA;

FIAP Gold Medal of Exceptional Photographic Achievement, 2003;

One of the Top Ten, Who ‘S Who, PSA, 1968;

FPCKBC, FPSEA, SPSHK, FAPA, SE 35mmm PS;

Hon. FAPA; Hon.FTVPA, Hon. FBSC, Hon.FHKPC, Hon. FHCPS;

Hon. FNPAS, Hon.FPST, Hon.FPSC, Hon.FPSNY, Hon.FPSLA;

Hon. FTVPA, Hon. EYMCAPC, Hon. PSMP, Hon. Border

Hon.NPAS, Hon.35mm PS; Hon.PPGL, Hon. OGPh

Hon.FEP, Hon.PSEA, Hon.IKFP, Hon. Omni- Candid

Hon KKL,Membre d’ honneur du Salon de Bordeaux.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.