Hôm nay,  

Denver 2007: Khóa Huấn Luyện Sư Phạm Ban Việt Ngữ

14/05/200700:00:00(Xem: 5700)

Hình chụp với các khóa sinh Khóa Huấn Luyện Sư Phạm 2007, Denver - Colorado

  Cuối tuần vừa qua, ngày 4- 6 tháng  Năm, chúng tôi được mời phụ trách chương trình Huấn Luyện Sư Phạm cho ban Việt Ngữ, ban Giáo Lý và ban Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo Xứ  Nữ Vương Tử Đạo Việt Nam tại thành phố Wheat Ridge, cách Denver khoảng 15 dặm, thuộc tiểu bang Colorado.  Giáo xứ phục vụ một cộng đồng người Việt trên 5,000 cư dân tại Denver và các thành phố quanh đó như Arvada, Aurora, Fort Collins, Lakewood, và cả thành phố trùng một tên rất quen thuộc với Quận Cam của California là Westminster!  Khác với California, tại một số tiểu bang, cộng đồng người Việt được phép Địa Phận Công Giáo để thành lập nhà thờ và giáo xứ riêng. 

Người Việt Công giáo vùng Denver đã đóng góp và xây được một cơ sở rất bề thế với một kiến trúc vừa mỹ thuật vừa tân tiến và tiện lợi để đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của giáo xứ.  Theo lời anh Trần Hữu Phụng, trưởng ban Việt ngữ của giáo xứ, cơ sở chỉ mới được hoàn tất cách đây chừng bốn năm; và vì được xây dựng trên một mãnh đất hơn 3 mẫu tây của một rạp hát cũ, nên may mắn có bãi đậu xe lớn cho gần 500 xe.  

Từ cổng chính đi vào, phía bên trái là một ngôi thánh đường khang trang có cửa sổ bằng kính màu hình Đức Mẹ rất đẹp, rộng đủ cho trên 1000 người dự lễ.  Bên phải là một hội trường đồ sộ, có chổ cho 1500 - 1800 người ngồi xem văn nghệ cũng như các sinh hoạt văn hóa, giáo dục, xã hội do giáo xứ hoặc các hội đoàn tổ chức. Được biết trong cuối tuần này giáo xứ sẽ có một buổi đại nhạc hội chủ đề Tình Mẹ để mừng Ngày Hiền Mẫu với một số ca sĩ tên tuổi từ các tiểu bang khác đến.  Phía sau hội trường có khu nhà bếp khá lớn có thể lo vấn đề ẩm thực cho khán thính giả trong hội trường.  Bên cạnh hội trường còn có một nguyện đường nhỏ, rất đẹp và ấm cúng đủ chổ cho chừng 100 người dự lễ. Tầng lầu bên trên hội trường là 34 phòng nhỏ để làm lớp học - mỗi phòng có bảng trắng, bàn ghế tươm tất cho 30 học sinh.  

Trong tất cả những cơ sở và trường lớp của cộng đồng Việt Nam mà tôi đã có dịp đến thăm hay làm việc trong Hoa Kỳ, có lẽ đây là một nơi có phòng, lớp và hội trường bề thế và tân tiến nhất.  Các bức tường trong hội trường và giữa các lớp học là loại có thể xếp lại được để gia giảm kích thước tùy theo nhu cầu.  Cơ sở này tạo điều kiện lí tưởng cho các gia đình trong giáo xứ tụ tập mỗi cuối tuần.  Trong khi các anh chị lớn học Việt ngữ trên lầu, các em nhỏ sinh hoạt trong hội trường lầu dưới. Các huynh trưởng dạy các em hát, vũ, tập kịch, v.v.. Các bà mẹ giúp nấu nướng trong bếp.  Các gia đình đi lễ ra có phở, mì, cháo để ăn ngay.  Vừa được ăn ngon, vừa có dịp gặp gỡ chuyện trò với bằng hữu, vừa giúp giáo xứ gây quỹ.  Các ông bà cụ cao niên có nơi lui tới thờ phụng bằng ngôn ngữ thân thương và cơ hội thăm hỏi nhau thường xuyên.  Chúng tôi rất khâm phục cơ cấu tổ chức và điều hành giáo xứ này. 

Ban điều hành Giáo Xứ Nữ Vương Tử Vì Đạo của vùng Denver mời giáo sư Quyên Di và chúng tôi về để phụ vào Khóa Huấn Luyện Sư Phạm 2007 cho hơn 60 thầy cô giáo thuộc ban Việt ngữ, ban Giáo Lý và Chương Trình Thiếu Nhi Thánh Thể của giáo xứ.  Linh mục Nguyễn Hải Khánh là chánh xứ và Lm Vũ Đình Huyến là phó xứ và là cha tuyên úy của ban Việt ngữ. 

Chiều thứ sáu ngày 4 tháng 5, Khóa Huấn Luyện Sư Phạm bắt đầu với thánh lễ trong nhà nguyện do ba linh mục đồng tế và tiếp theo với buổi lễ khai mạc do cha tuyên úy chủ tọa.  Linh mục Vũ Đình Huyến nói về sự quan trọng của việc duy trì truyền thống văn hóa, mà ngôn ngữ là một yếu tố căn bản để thực hiện được.   Cha Huyến cũng nói lên mối ưu tư, trăn trở của ban lãnh đạo giáo xứ, "Nếu thế hệ sau mất đi tiếng Việt thì e chúng ta cũng không duy trì nỗi cơ sở này vì lúc đó các em và gia đình không còn lí do gì để lui tới nơi đây!" 

Giáo sư Quyên Di qua nghi thức khai mạc đã chia sẻ cùng các khóa sinh ý nghĩa của từng lễ vật được chọn để bốn khóa sinh mang lên:  một chậu có đất, bình nước, cành hoa, và cây nến  - Người Việt Nam gọi quốc gia của mình là "đất" (Đất Việt) và "nước"  (Nước Việt Nam) - đất nuôi dưỡng và bồi bổ - nước duy trì và tăng trưởng sự sống.  Người Việt Nam hải ngoại như cây hoa bị bứng ra khỏi đất, nước và cội nguồn.  Để tiếp tục được bồi dưỡng chúng ta cần có cộng đồng và những truyền thống cũ. 

Để tiếp tục tăng trưởng và duy trì cội nguồn chúng ta cần trau dồi văn hóa và phát triển Việt ngữ cho các thế hệ nối tiếp.  Và để làm được những điều này, chúng ta cần đốt ngọn lửa yêu thương, hy sinh và phục vụ trong lòng nhau.  Nghi thức khai mạc đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa và cảm động.

Trong suốt trọn ngày thứ bảy, từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, các khóa sinh và giảng viên chúng tôi hăng say làm việc, học hỏi, chia sẻ và trao đổi với nhau qua nhiều đề tài:  từ tâm lý giáo dục học sinh Việt Nam hải ngoại, cách điều hành một lớp Việt ngữ linh động và hấp dẫn đến ngữ học Việt Nam, phương pháp dạy ráp vần, tập đọc, và tập viết cho học sinh Việt Nam hải ngoại.  Dựa trên các kiến thức và kinh nghiệm sư phạm song ngữ tại các trường công lập và kinh nghiệm huấn luyện các thầy cô giáo dạy Việt ngữ, ban giảng huấn chúng tôi đã hình thành một bộ sách dạy Việt ngữ "Con Tim Việt Nam"  - theo phương pháp "VSL" - Vietnamese as a Second Language - dạy tiếng Việt như là một ngôn ngữ thứ hai cho học sinh.  

Phương pháp này thích hợp với các em người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ hai, ba, sinh ra và lớn lên ở hải ngoại.  Bộ sách có sự cộng tác của hai họa sĩ Nguyễn Đồng-Nguyễn thị Hợp với những hình ảnh và màu sắc bắt mắt và đượm tình dân tộc.  Một số những bài thơ và bài tập đọc để dạy ráp vần đã được nhạc sĩ Hồng Trang sáng tác nhạc và soạn thành bài hát.   Âm nhạc là phương tiện giúp học sinh thêm hứng thú và phát âm tiếng Việt chỉnh hơn.  Bộ sách tạo điều kiện và phương tiện cho các thầy cô dạy Việt ngữ hữu hiệu nên đã được đón nhận một cách nồng nhiệt. 

Một trong những đề tài tạo tranh luận sôi nỗi trong các khóa huấn luyện Việt ngữ là vấn đề ráp vần xuôi, ráp vần ngược và ráp vần theo lối ghép chữ. Các thầy cô giáo dạy Việt ngữ thường dạy theo phương thức chính bản thân họ đã từng được dạy. Ban giảng huấn chúng tôi chủ trương dạy theo phương pháp nào thích hợp và dễ dàng nhất cho học sinh hải ngoại. Một vấn đề tranh luận hào hứng khác là "i" và "y". 

Tuy nhiên sau khi nghe Gs Quyên Di dẫn giải với đầy đủ dữ kiện thì mọi người hết thắc mắc.  Đây là những đề tài Gs Quyên Di của UCLA đã từng diễn thuyết với các giáo sư ban Việt ngữ tại nhiều đại học khác nhau rồi nên những lập luận ông nêu ra đều rất rõ ràng và có nền tảng vững chắc. Đề tài tâm lí học sinh Việt Nam hải ngoại nói về sự phát triển về mặt tâm li, luân lí, suy luận, giao tế và ngôn ngữ do Gs Kim Oanh phụ trách được nhiều thầy cô chú ý vì mới lạ.  Trong ngành sư phạm, đây là một môn học thiết yếu. 

Để việc dạy có kết quả, thầy cô giáo phải hiểu những nguyên tắc căn bản: 

(1) Mỗi lứa tuổi có một khả năng học hỏi, thâu đạt khác biệt dựa trên tiến trình phát triển của lứa tuổi ấy.

(2) Sự giáo dục sẽ có hiệu quả hơn nếu cách thức dạy và chương trình học phù hợp với tiến trình trưởng thành của học sinh.

(3) Sự liên hệ giữa thầy cô và học sinh sẽ tốt đẹp hơn nếu thầy cô ý thức được sự thay đổi của học sinh theo tâm lý và tâm tình của từng lứa tuổi.  Để có những giây phút thư giãn giữa những giờ học tập miệt mài, ban tổ chức cho các thầy cô sinh hoạt, hát, múa, làm thơ và kể chuyện vui.  Ngoài ra Ông Nguyễn-Viết Kim, một khoa học gia của NASA cũng giúp thầy cô học hỏi thêm một số danh từ khoa học không gian Việt ngữ để có thể đưa nhiều đề tài khác nhau vào lớp học, tạo sự hứng thú cho học sinh khi dạy Việt ngữ.

Khóa Huấn Luyện Việt Ngữ Denver 2007 kết thúc vào trưa Chúa Nhật ngày 6 tháng 5 với phần lượng giá, phê bình khóa học, chia sẻ cảm nhận của khóa sinh và chụp hình lưu niệm.  Mặc dầu chương trình cô đọng với quá nhiều đề tài trong một khoảng thời gian học liên tục, các khóa sinh phản ảnh rất tích cực cho khóa học.  Đa số bày tỏ lòng cảm kích đến cha tuyên úy, ban tổ chức và ban giảng huấn và mong có những khóa học như vậy hằng năm.  

Riêng cá nhân tôi cảm thấy rất xúc động vì tinh thần phục vụ vị tha của các thầy cô giáo tham dự khóa học vừa qua. Đa số các thầy cô giáo là những bậc phụ huynh, có con tuổi đang đi học và là những người có công ăn việc làm. Cuối tuần thay vì nghỉ ngơi ở nhà, họ đã hi sinh thời gian học tập để công việc dạy Việt ngữ được kết quả cao hơn.  Điểm đặc biệt tôi nhận thấy trong thành phần giáo viên là có những cặp vợ chồng son cùng chia sẻ lý tưởng phục vụ và cùng sinh hoạt cộng đồng với nhau. 

Một số các thầy cô giáo trẻ, nhất là các huynh trưởng trong sinh hoạt thiếu nhi Thánh Thể là các sinh viên tại các trường đại học trong vùng. Các cô cậu này, mặc dầu đang bận rộn ôn bài cho mùa thi cuối khóa, cũng chịu khó hi sinh thời gian đến tham dự khóa huấn luyện.  Sự hăng say học hỏi và nhiệt tình trao đổi của các khóa sinh đã làm cho thời gian học tập trôi qua quá nhanh.  Giờ tạm biệt, mặc dầu bên ngoài trời mưa tầm tả và gió lạnh buốt, trong lòng chúng tôi cảm thấy nồng ấm vì ngọn lửa yêu thương và phục vụ đã được hun đốt trở lại trong nhau.

(Denver, tháng năm 2007)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.