Hôm nay,  

Thuyền Nhân Việt Nam Từ Phi Bắt Đầu Được Định Cư Tại Mỹ

10/09/200500:00:00(Xem: 5793)

(Westminster, CA) – Thuyền nhân Việt Nam tại Phi Luật Tân đã thực sự chuẩn bị lên đường đi định cư tại Hoa Kỳ sau khi được phái đòan Hoa Kỳ phỏng vấn và chấp thuận trong suốt hơn 3 tuần qua. Cuộc phỏng vấn đã bắt đầu từ ngày 16 tháng 8 và tính đến ngày 8 tháng 9, phái đòan Hoa Kỳ đã phỏng vấn và chấp thuận 857 thuyền nhân và chỉ từ chối 6 thuyền nhân bao gồm 5 gia đình. Mặc dầu đây chỉ là giai đọan đầu và các hồ sơ phỏng vấn được phân lọai là đơn giản và không phức tạp, tỉ lệ được chấp thuận cao như vậy là ngòai sức tưởng tượng của tất cả mọi người tham dự trong chiến dịch vận động cho thuyền nhân từ Phi Luật Tân trong suốt nhiều năm qua. Cho tới ngày hôm nay, Chính Phủ Hoa Kỳ đã giữ đúng lời hứa là sẽ xử dụng “tiêu chuẩn rộng lượng nhất để chấp thuận bất cứ ai có thể được theo luật lệ Hoa Kỳ.”
Trước đây, đa số mọi người chỉ có thể dự đóan một tỉ lệ được chấp thuận chỉ vào khỏang 50%. Trong thời gian sắp tới, khó có ai có thể biết được tỉ lệ được chấp thuận sẽ ra sao đối với những hồ sơ được coi là phức tạp hơn.
Trung bình, mỗi ngày phái đòan Hoa Kỳ phỏng vấn khỏang từ 40 đến 70 thuyền nhân hay khỏang 20 đến 25 gia đình. Ngay sau khi phỏng vấn, đa số các thuyền nhận đã được chấp thuận ngay tại chỗ và cấp giấy mời đi khám sức khỏe ngay ngày hôm sau. Trừ khi có trở ngại về vấn đề y khoa, tất cả các thuyền nhân được chấp thuận phải chuẩn bị lên được đến Hoa Kỳ khi được thông báo.
Một chuyến bay thuê bao với khỏang 250 thuyền nhân sẽ bay thẳng từ Manila đến Phi Trường Los Angeles để bắt đầu một cuộc sống định cư vào sáng ngày thứ hai, 26 tháng 9. Nghệ sĩ Nam Lộc từ tổ chức USCC cùng với các cơ quan tiếp nhận người tỵ nạn khác đang sắp xếp một chương trình và địa điểm tiếp đón tại phi trường khi số thuyền nhân đầu tiên này đặt chân đến Hoa Kỳ. Nhiều đòan thể và cơ quan truyền thông từ cộng đồng Việt Nam đã tỏ ý muốn tham dự cuộc tiếp đón lịch sử này. Một số lớn các thuyền nhân này sẽ được thân nhân hay bạn bè tiếp đón tại phi trường LAX hay tại các phi trường khác nơi đến định cư đầu tiên tại Hoa Kỳ. Sau chuyến bay này, các thuyền nhân khác sẽ được đưa đến Hoa Kỳ trong các chuyến bay thương mại cho chính phủ Hoa Ky tài trợ.
Sau một chuỗi ngày dồn dập những tin vui, hôm 9 tháng 9, phái đòan cũng đã chính thức từ chối đơn xin định cư của khỏang 60 thuyền nhân Việt Nam đã lập gia đình với người Phi và trong nhiều trường hợp đã có con cái với nhau. Luật sư Trịnh Hội đã đang cùng với nhiều tổ chức trong cộng đồng Việt Nam và quốc tế đã liên tục vận động cho số thuyền nhân này trong suốt thời gian qua để chuẩn bị cho kế họach phỏng vấn. Luật sư Hội hiện đang có mặt tại Phi Luật Tân để theo dõi tiến trình phỏng vấn và chia sẻ tin buồn này với các thuyền nhân liên hệ. Kế họach vận động cho số thuyền nhân này đang được tiếp tục với các viên chức quốc hội và chính quyền khác của Hoa Kỳ để tiếp nhận số thuyền nhân đã lập gia đình với người Phi. Theo thỏa thuận của hai chính phủ Phi và Hoa Kỳ, các thuyền nhân đã lập gia đình với người Phi sẽ không được chấp thuận cho định cư với tư cách là tỵ nạn tại Hoa Kỳ vì lý do những người này coi như đã ổn định cuộc sống tại Phi Luật Tân. Đây là một quyết định sai lầm và đó là lý do chính cho chiến dịch vận động hiện nay.

Song song với tiến trình định cư tại Hoa Kỳ, Chính phủ Na Uy cũng đã chính thức ban hành sắc lệnh tiếp nhận gần 200 thuyền nhân có quan hệ thân nhân với các cư dân hiện nay tại Na Uy. Trước đây, chính phủ Na Uy chỉ tuyên bố chấp thuận 98 thuyền nhân trong danh sách do các thuyện nguyện viên từ Phi và Na Uy đệ trình. Khi điều luật được ban hành, các điều lệ này có thể cho phép hơn con số 98 người đã định trước và có thể lên đến gần 200 người. Phái đòan phỏng vấn từ Na Uy sẽ đến Phi Luật Tân để bắt đầu chương trình phỏng vấn kể từ ngày 3 tháng 10 sắp tới.
Song song với các nỗ lực vận động này, cộng đồng Việt Nam tại Canada qua tổ chức VietPhi SOS đã vận động chính phủ Canada để tiếp nhận một số thuyền nhân từ Phi Luật Tân theo sau nỗ lực hiện nay của Hoa Kỳ. Chính phủ Canada đã chấp thuận một danh sách khỏang gần 200 thuyền nhân. Tuy nhiên, cộng đồng Việt Nam tại Canada đã tiếp tục vận động để tiêu chuẩn được nới rộng hơn và do đó có thể tiếp nhận được nhiều thuyền nhân hơn.
Cộng Đồng Việt Nam tại Úc Châu cũng đang đẩy mạnh một nỗ lực tương tự nhằm tiếp nhận một số các thuyền nhân theo diện có thân nhân xa hay lý do nhân đạo. Chính Phủ Úc trước đây đã tiếp nhận gần 150 thuyền nhân trước khi chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố chương trình tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam theo diện tỵ nạn như hiện nay.
Hy vọng rằng các nỗ lực của cộng đồng Việt Nam tại Na Uy, Canada và Úc cũng như chính phủ của các quốc gia này sẽ giúp tiếp nhận tất cả các thuyền nhân Việt Nam tại Phi, hay càng nhiều càng tốt, ngõ hầu đưa đến một giải pháp tòan diện cho tất cả số thuyền nhân Việt Nam còn kẹt lại tại Phi Luật Tân. Đây là nhóm thuyền nhân Việt Nam sau cùng trong thảm họa vượt biển tìm tự do đã kéo dài hơn 30 năm kể từ khi Chiến Tranh Việt Nam chấp dứt năm 1975.
Các nỗ lực cứu trợ đối với thuyền nhân Việt Nam tại Phi Luật Tân hiện nay đang tập trung vào việc giúp đỡ các thuyền nhân đang gặp khó khăn về tài chánh để về Manila từ các nơi xa xôi trên tòan Phi Luật Tân để tham dự phỏng vấn với phái đòan Hoa Kỳ hay các quốc gia khác. Với sự hỗ trợ của cộng đồng Việt Nam tại khắp nơi như Úc Châu, Canada, Houston, San Jose hay Orange County, cộng đồng Việt Nam tại Phi Luật Tân cũng đã chắt chiu nhau để giúp đỡ mọi người được tham khảo với luật sư, chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn và có phương tiện di chuyển hoặc có nơi ăn ở tạm thời trong thời gian chờ đợi phỏng vấn. Sự giúp đỡ của những người “lá rách đùm lá rách tả tơi” nhưng cùng cảnh ngộ tại Phi Luật Tân đã gây nhiều cảm kích đối với cộng đồng Việt Nam tại khắp nơi trong thời gian qua.
Chiến dịch gây quỹ cũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian sắp tới cùng với vận động với các cấp chính phủ liên hệ để đưa được càng nhiều thuyền nhân được đi định cư càng tốt ngõ hầu giải quyết được trọn vẹn vấn đề thuyền nhân tại Phi Luật Tân một cách nhân đạo và công bình. Đa số các thuyền nhân này đã bị kẹt lại tại Phi Luật Tân từ những năm cuối 1980s, tức hơn 16 năm qua.
Các thuyền nhân Việt Nam tại Phi Luật Tân vẫn còn cần nhiều sự cầu nguyện và hỗ trợ của cộng đồng Việt Nam tại khắp nơi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.