Hôm nay,  

Kỳ Tích: Cầu Thủ Mỹ Gốc Việt Vô Địch Vũ Cầu Thế Giới 2005

07/09/200500:00:00(Xem: 7079)
Ngày 21 tháng 8 năm 2005 vừa qua, kể từ thời điểm Howard Bach cùng đồng đội bước lên bục nhận huy chương vàng đôi nam giải vô địch vũ cầu thế giới, lịch sử thể thao nước Mỹ ghi tên anh, một thanh niên Việt Nam, đem về cho đất nước Hoa Kỳ một huy chương vàng đầu tiên từ trước đến nay về bộ môn vũ cầu.
Giấc mơ hơn 100 năm của bộ môn vũ cầu Hoa Kỳ đã trở thành sự thật
Nước Mỹ đứng đầu thế giới trong nhiều môn thể thao nhưng một chiếc huy chương của bộ môn vũ cầu lại chưa bao giờ có. Trong các giải vũ cầu quốc tế quan trọng và cả tại các cuộc tranh tài Olympic, các tay vợt Mỹ vào đến vòng 1/16 là hết mức.
Việc Hoa Kỳ đứng ra tổ chức giải vô địch vũ cầu thế giới 2005 vừa qua làm nhiều người ngạc nhiên, tựa như lần Mỹ được tổ chức giải Túc cầu World Cup năm 1994. Càng bất ngờ hơn khi hai tay vợt Mỹ, một gốc Việt, một gốc Indonesia, chỉ được đánh giá vào hạng thứ 13 của giải đôi, nhưng họ đã lần lượt đánh bại các đôi nam có tài nghệ được xếp hạng cao từ thứ tám, thứ nhất, thứ bốn đến từ các "cường quốc" về bộ môn vũ cầu như Indonesia, Malaysia, Đan Mạch, v.v...
Dũng mãnh với sức trẻ, cùng với những cú tấn công kinh người của Howard Bach, tỉnh táo và phán xét chính xác từng đường banh, thêm vào đó là những đường chặn đẩy trên lưới hiểm hóc của Tony Gunawan đã giúp họ đi đến chiến thắng cuối cùng 2-1 (15-11, 10-15, 15-11) trước đôi nam Candra Wijaya - Sigit Budiar, người Indonesia trong một trận chung kết căng thẳng kéo dài 74 phút.
Tất cả báo chí, radio, truyền hình cũng ký giả thể thao của Hoa Kỳ gọi chiến thắng đó là một sự kiện lịch sử của thể thao nước Mỹ khi các tay vợt của họ bắt đầu có thể sánh vai ngang tài cùng làng vũ cầu thế giới và mơ tới việc giành huy chương môn này tại Olympic 2008.
Báo Los Angeles Times gọi thành tích ấy là "giấc mơ thành sự thật sau hơn 100 năm". Tờ USA Today nhấn mạnh: "Từng không thành công trong môn vũ cầu trong nhiều thập niên qua, đến nay chúng ta có trong tay điều mà mình không thể tưởng tượng nổi".
Tờ Chicago Tribune có bài nhận định ý nghĩa của huy chương vàng mà thể thao Mỹ vừa có được khi đưa ra thống kê: từ năm 1992 đến giờ, các tay vợt của Trung Quốc, Nam Hàn và Indonesia chiếm giữ tới 51 trên tổng số 61 huy chương các loại của môn vũ cầu tại các kỳ Olympic. Tờ báo này cũng trích dẫn lời phát biểu của Howard Bach: "Trở thành vô địch thế giới dù trên sân nhà vẫn là một điều kỳ diệu".
Riêng những người hâm mộ bộ môn vũ cầu khắp thế giới không ngớt bàn tán xôn xao và reo hò trên diễn đàn badmintoncentral.com, chúc tụng tốt đẹp được gởi đến Howard Bach và Tony Gunawan đủ cỡ, đủ kiểu. Tạp chí Sports Illustrated trích dẫn lời Dan Cloppas, Giám đốc Điều hành Liên đoàn Vũ cầu Hoa Kỳ rằng:".. tới đây, thanh thiếu niên Mỹ sẽ hào hứng luyện tập cầu lông nhiều hơn thay vì cứ bám vào những môn thể thao truyền thống như bóng rổ, bóng chày hay dã cầu đã nhuốm màu cũ kỹ.
Tiếp nối giấc mơ cháy bỏng của cha
Howard Bach sinh ngày 22 tháng 9 năm 1979 tại Sài Gòn. Anh cùng gia đình sang Mỹ khi mới lên ba tuổi và định cư ở California. Với chiều cao không phải là lý tưởng, chỉ 1m67, nhưngvới sự cố gắng không ngừng nghĩ, anh không ngừng rèn luyện hơn hai mươi năm qua để xứng danh là một trong những tay vợt hàng đầu của Hoa Kỳ và cả châu Mỹ.

Anh đã từng đoạt huy chương vàng môn vũ cầu tại đại hội thể thao Pan Am, chức vô địch tại các giải Brazil 2003 mở rộng, Guetemala 2003 mở rộng, Giải Peru 2004 mở rộng, v.v...
Là tay vợt chủ lực trong thành phần đội tuyển vũ cầu Hoa Kỳ, Howard Bach từng được tham dự Olympic 2004 và tại một số giải quốc tế quan trọng khác cả châu Âu lẫn châu Á.
Khi được hỏi về sở thích khác ngoài môn vũ cầu, Howard Bach cho biết là thích câu cá, chơi bowling và bộ môn trượt tuyết đã tập được từ những ngày còn học ở đại học Colorado.
Sau trận chung kết, trong lúc Tony Gunawan xiết chặt vai những đồng đội cũ trong đội tuyển Indonesia vừa là đối thủ của mình thì Howard Bach chạy nhanh về phía khán đài và ôm ghì lấy mẹ anh thật lâu. Anh đã biến ước mơ của cha anh là ông Sen Cam, còn gọi tên Việt Nam là Bạch Cam, một trong những tay vũ cầu hàng đầu của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, thành sự thật.
Trả lời phỏng vấn website của ủy ban Olympic Hoa Kỳ, Bach nói: "Cha tôi yêu thích và luyện tập vũ cầu thường xuyên từ hồi còn ở quê nhà và từng ấp ủ giấc mơ được là một tay vợt vũ cầu của Việt Nam tham dự Olympic. Nhưng ông không có thời gian lẫn cơ hội để đạt được ước vọng ấy. Tâm niệm của ông cháy bỏng trong tôi và tôi luôn hy vọng mình có thể giành được thành tích cao nhất để tặng ông".
Đêm 21 tháng 8 năm 2005, mơ ước đó, hy vọng đó trở thành sự thật trong tiếng hoan hô cuồng nhiệt của gần tám ngàn khán giả tại sân vận động Anaheim Arrowhead Pond, California.
Sự phối hợp "ăn ý tuyệt vời".
Howard Bach từng về Việt Nam thi đấu giao hữu tại Sài Gòn trong các trận giữa đội trẻ Mỹ với đội trẻ của Đài Loan và đội trẻ Việt Nam vào năm 1999. Ưu thế của Bach là thể lực sung mãn, di chuyển nhanh, sức bật tốt cùng với những cú smash cực mạnh từ cuối sân và cú tạt cầu nhanh trong phòng thủ.
Tất cả điểm mạnh đó cùng với sự khôn khéo về chiến thuật và trình độ kỹ thuật trên lưới điêu luyện của Tony Gunawan tạo thành cuộc phối hợp "ăn ý tuyệt vời", theo lời Kwun Han, người quản trị trang web badminton.central.com, với sự phối hợp nầy, đủ tạo ra áp lực rất mạnh và liên tục lên mọi đối thủ trong sân.
Cũng cần nói thêm về Tony Gunawan, 30 tuổi, một tay vợt "cáo già" của làng vũ cầu thế giới, anh đã từng khoác áo đội tuyển quốc gia Indonesia, vô địch thế giới năm 1997, huy chương vàng đôi nam tại Olympic Sydney 2000.
Sang Mỹ theo học ngành kỹ sư computer từ hơn bốn năm qua, Tony xin nhập tịch, được cấp thẻ xanh di trú và hằng ngày làm huấn luyện viên chính tại Trung Tâm Vũ Cầu YMCA, quận Cam, California. Ngoài chuyện cùng là người gốc Á, cả Tony Gunawan lẫn Howard Bach còn có một điểm chung nữa là luyện tập vũ cầu từ rất sớm, lúc năm tuổi.
Niềm tự hào Việt Nam
Rất nhiều khán giả Việt Nam đã đến để ủng hộ, hỗ trợ tinh thần cho Bach suốt những ngày diễn ra tranh giải, trong đó có nhiều cựu tuyển thủ Việt Nam qua các thế hệ đang sinh sống tại Hoa Kỳ.
Có người phải di chuyển từ những tiểu bang, thành phố rất xa để đến California. Sự ủng hộ ấy theo tâm tình của Bach là "đã vực dậy chúng tôi mỗi lúc khó khăn tưởng chừng như sụp đổ trước đối phương và đã dìu chúng tôi lên chiếc bục cao nhất".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.