Hôm nay,  

Hy Vọng Và Thất Vọng

23/10/201000:00:00(Xem: 3192)

Hy Vọng Và Thất Vọng

Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: HT.Thích Trí Chơn
Trích từ cuốn sách: “Worlds In Harmony”
(tiếp theo và hết) 
Sự Đau Khổ Của Người Khác
Để làm giảm bớt sự đau khổ của người khác, đôi lúc chính bạn phải chia sẻ nỗi khổ đau ấy. Khi nghe ai than thở họ gặp điều bất hạnh, tôi liền đến gặp và nói: “Không phải một mình bạn đâu, nhiều người khác, trong đó có tôi cũng đều như vậy”. Đó là cách thức để thực hành.
Trong Phật giáo, có nhiều tấm gương được tán dương như hạnh nguyện của chư vị Bồ Tát (Bodhisattvas), lúc nào các ngài cũng muốn cứu khổ cho tất cả chúng sinh. Chẳng hạn, Lạt Ma Geshe Langri Thangpa, đã thấu triệt bản chất của sự khổ và từng nói rằng trong suốt cả cuộc đời, ngài chỉ cười có ba lần.
Nếu bạn thực tập sâu xa đời sống tâm linh đặc biệt về trí tuệ và lòng từ bi, quý vị sẽ thường xuyên gặp sự khổ của nhiều người khác. Bạn sẽ có khả năng nhận diện sự khổ, đáp trả lại nó và phát tâm từ bi chứ không lãnh đạm với mọi người.  Khi bạn thiền quán sự khổ, không nên sanh tâm chán nản. Khi quán chiếu hạnh phúc, quý vị đừng nghĩ mình là quan trọng hay phát khởi tánh ngã mạn, kiêu căng.
Lòng Từ Bi Đối Với Các Loài Vật Khác
Có một số người phát khởi tâm từ bi xót thương các loài vật dễ dàng hơn đối với con người. Nhưng thực sự cả hai không thể tách rời nhau. Hằng ngày, có hàng triệu thú vật bị giết chết để làm thức ăn. Đó là điều rất đáng buồn. Loài người chúng ta có thể sống không cần thịt, đặc biệt trong thế giới tân tiến ngày nay. Các bạn có rất nhiều loại ngũ cốc và rau cải dùng làm thực phẩm thay thế cho thịt được, cho nên quý vị có khả năng và trách nhiệm cứu sống hàng tỷ loài vật.
Một vài hành động sát sinh hoàn toàn chỉ là “sự xa xỉ”. Ví dụ đi săn bắn và câu cá được xem như là các môn thể thao chẳng có ý nghĩa gì cả. Trường hợp chẳng hạn dân bản xứ tiểu bang Alaska bắt buộc phải làm nghề biển đánh cá để sinh sống, vì đó là thức ăn chính của người dân vùng Bắc Mỹ Châu, nên chúng ta có thể hiểu và thông cảm được.
Nhưng điều buồn nhất là ở các trại chăn nuôi. Những con vật đáng thương tại đó thực vô cùng khốn khổ. Có lần tôi viếng thăm một trại nuôi gia cầm ở Nhật Bản, tại đó có 200.000 (hai trăm ngàn) con gà mái đang được nuôi hai năm để lấy trứng. Trong thời gian đó, chúng chẳng khác gì các tù nhân. Sau hai năm khi không còn sản xuất được nữa, người ta mang chúng đi bán. Thực là khủng khiếp và rất thương tâm! Các bạn nên ủng hộ những ai đang cố gắng muốn chấm dứt lối đối xử với loài gà vịt bất nhân và tàn ác như vậy.


Một người bạn Ấn Độ nói với tôi rằng cô con gái của ông ta đồng ý việc thà giết một con bò cho mười người ăn tốt hơn là phải sát hại nhiều con gà hay loài vật nhỏ khác vì có vô số chúng sanh bị giết. Theo truyền thống của Ấn Độ, dân chúng luôn luôn tránh không dùng thịt bò, và tôi nhận thấy ý kiến của cô gái trên có lý.
Chẳng hạn loài tôm rất nhỏ, cho nên nhiều con hy sinh mới nấu được một dĩa. Theo tôi, món ăn này chẳng ngon lành gì. Tôi nghĩ thực là khủng khiếp và tốt hơn nên tránh đừng dùng tới. Tôi nhận thấy bản chất của con người là ăn chay và quý vị cố gắng đừng sát hại các sinh vật khác. Nếu khôn ngoan, chúng ta có thể nên tổ chức các chương trình dinh dưỡng lành mạnh, dùng các thức ăn chay.
Thực là điều rất nguy hiểm khi các bạn không biết đến sự khổ của mọi chúng sinh. Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh, tốt hơn quý vị nên nhận thức nỗi bất hạnh của nhiều kẻ khác và sự bất an của chính mình khi gây ra khổ đau cho các nạn nhân chiến cuộc. Chiến tranh là giết chóc. Một trăm phần trăm là tàn ác. Ngày nay, nó được cơ giới hóa khiến cho tình trạng càng thêm tồi tệ và bi đát.
Thực là điều rất nguy hiểm cho người chiến sĩ quên không biết đến sự khổ của kẻ khác để mong thành đạt một vài lợi ích nho nhỏ. Tôi đang nghĩ đến các người hàng thịt Tây Tạng. Mặc dù sống bằng nghề đồ tể nhưng cùng lúc họ bày tỏ lòng từ bi, biết yêu thương loài vật. Trước khi giết thịt, họ thường cho chúng dùng thuốc an thần, và sau khi hoàn tất, người Tây Tạng cầu nguyện cho những con vật xấu số đó. Cho dù vẫn phải sát sinh, tôi nghĩ tốt hơn chúng ta nên hành động theo phương cách như vậy.
Chấp Nhận Sự Đau Khổ
Ở Tây Tạng, nhân danh giải phóng đất nước dân chúng đã chịu rất nhiều nỗi khổ. Nhưng nếu tôi xem các nhà lãnh đạo Trung Quốc như những người láng giềng tốt, với một lịch sử lâu dài và nền văn minh tiến bộ, thay vì có ác tâm, tôi lại kính trọng họ. Hành động như thế đã giúp tôi giảm thiểu các ý nghĩ tiêu cực và tăng trưởng đức tính nhẫn nhục cũng như lòng bao dung. Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là tôi chấp nhận sự xâm lăng, đàn áp của Trung Cộng. Tôi có thể cương quyết chống sự tàn bạo áp bức của Trung Hoa Cộng Sản nhưng không với ác tâm thù hận.
Qua sự hiểu biết Phật Pháp, chúng ta cũng chấp nhận thuyết nghiệp báo hay hành động với nguyên nhân cùng kết quả của nó và nhờ vậy đã giúp quý vị giảm bớt khổ đau tinh thần. Khi mọi việc đã xảy ra, các bạn chẳng cần phải lo âu. Sau khi làm hết sức mình với lòng nhiệt thành, chúng ta cảm thấy vui vẻ nếu thành công, nhưng cũng không buồn phiền vì thất bại. Bằng thái độ an nhiên tự tại như vậy sẽ giúp cho các bạn rất nhiều.
Sự đau khổ là điều bất hạnh, nhưng đôi khi nó có thể là yếu tố quan trọng giúp bạn tĩnh thức để nhận biết những việc sai quấy mình làm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.