Hôm nay,  

Đinh Cường, Nguyễn Đình Thuần: Nét Thơ Mộng Cõi Nhân Gian

23/10/201000:00:00(Xem: 7391)

Đinh Cường, Nguyễn Đình Thuần: Nét Thơ Mộng Cõi Nhân Gian

Hình 1:

Hai họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, Đinh Cường.

 


 

 

 

 

Hình 2:

Tranh sẽ triển lãm.

Trần Khải
Họ đã từng triển lãm chung với nhau tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ trong các năm qua. Như ở California, như ở Houston và một vài nơi khác. Mỗi nơi đều xuất hiện với những bức tranh mới, những khám phá mới về màu sắc, về đường nét, về các hình thể và trong đó là nhưng cảm xúc thâm trầm mới khi tuổi ngày càng lớn. Đặc biệt, họ đi song song nhau, sánh vai nhau, nhưng mỗi người là một họa pháp dị biệt. Lần này, hai họa sĩ Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần sẽ triển lãm tại Paris với những nét vẽ dị biệt, độc đáo của họ.
Theo chương trình, hai họa sĩ sẽ triển lãm tại phòng triển lãm Annam Heritage từ ngày 28-10-2010 cho tới ngày 6-11-2010. Tất cả gồm vài chục tấm tranh sơn dầu. Lần mới nhất họ triển lãm chung với nhau là ở Houston, Texas, theo tôi còn nhớ được. Lúc đó là tháng 1-2008, gọi là nhân dịp xuân về, tại phòng triển lãm Viet Art Gallery.
Cả Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần đều là các họa sĩ nổi tiếng từ trước 1975 của Miền Nam. Cả hai đều có những nét vẽ độc đáo riêng. Trong khi tranh Nguyễn Đình Thuần thường mang gam  màu nguội, với màu xanh da trời chiếm hầu hết không gian, thì tranh Đinh Cường thường mang gam màu ấm, với màu nâu bao phủ hầu hết khung vải bố. Trong khi tranh Nguyễn Đình Thuần thường nhiều nét cong, lượn hơn, thì tranh Đinh Cường thường nhiều đường thẳng. Và điểm chung là hai người vẽ hầu hết là trừu tượng, với cách riêng của mỗi người. Thực sự, ngay cả khi tranh của Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần vẽ những hình tượng chúng ta thường thấy, như thiếu nữ, hoa sen, tháp chuông nhà thờ, đỉnh núi tuyết… chính cách bố cục màu lại đẩy người xem vào một thế giới trừu tượng riêng của mỗi họa sĩ. 
Nếu nhìn về hình thể, tranh Nguyễn Đình Thuần tập trung thường vào trừu tượng, và cũng khi có khi bên cạnh các tảng màu trừu tượng  là một nét chân dung thiếu nữ. Đặc biệt, tranh Nguyễn Đình Thuần khi vẽ thiếu nữ, luôn luôn là thiếu nữ nhìn nghiêng, có khi với mái tóc bay dài ra sau và phả vào những khối trừù tượng. Thấy rõ, Nguyễn Đình Thuần dị ứng với đàn ông, hay ít nhất, có vẻ như ông không muốn vẽ đàn ông, và phần nào cũng không muốn vẽ thiếu nữ nhìn thẳng.
Ngược lại, Đinh Cường tuy vẽ trừu tượng nhưng trên tranh vẫn có những hình thể khả nhận, như những góc phố, như các mảng tường nhà thờ và cây  thánh giá vươn cao, và khi vẽ thiếu nữ lại thường vẽ ở tư thế thẳng. Một tấm nổi bật của Đinh Cường lần naỳ là tấm tranh thiếu nữ ngồi, tay cầm đàn với phía sau là một dãy phố; thiếu nữ quá mảnh mai và cây đàn lại lớn gấp đôi hay gấp ba lần thiếu nữ, tạo một không khí như mơ, như chỉ hiện hữu qua trí nhớ sương khói.
Theo ghi nhận của nhà phê bình Đặng Phú Phong trong bài "Thế Giới Của Những Hang Động Thạch Nhũ" đăng trên Việt Báo ngày Thứ Bảy 17-3-2007, trích:
"…Phải đến gần cuối thập niên 80 các họa sĩ Việt Nam, trong cũng như ngoài nước mới thật sự  mặn mà với hội họa trừu tượng. Nguyễn Đình Thuần là một trong những họa sĩ ở  trường họp này.  Anh sinh năm 1948 tốt nghiệp Viện Mỹ Thuật Huế năm 1973 và triển lãm tranh cũng trong năm này tại Hội Việt Mỹ Đà Nẵng.
Sau khoảng 10 năm vẽ theo trường phái siêu thực (surrealism) anh đã chuyển hướng qua trừu tượng vào khoảng gần cuối thập niên 80 rồi sáng tác theo trường phái này cho đến nay và đã tạo dựng cho mình một bút pháp riêng biệt.


Có lần khi xem tranh của Nguyễn Đình Thuần sau khi uống vài ly rượu, tôi chợt nhận ra rằng sự thống khoái của mấy ly rượu cọng với không khí của những bức tranh làm cho tôi thích tranh của anh lạ lùng. Không gian trong tranh bây giờ là không gian của kính vạn hoa luôn luôn biến đổi. Sự sống của những bức tranh như đâm chồi, trổi dậy theo chiều cao, trườn chảy ra theo chiều sâu bằng những vết, mảng màu phi hình dạng sáng, tối, đậm đặc và sung mãn.
Cách xử lý màu của Nguyễn Đình Thuần rất mạnh mẽ, nhưng sự  phát tiết ấy được kềm hãm lại để giữ thăng bằng cho không khí bức tranh bằng cái nền thường là màu xanh khi  nhạt khi đậm. Những họa sĩ  xử dụng màu xanh rất tài tình như  Nghiêu Đề với màu xanh ngọc tỏa sáng, Đinh Cường với màu xanh thăm thẳm, miên viễn, Cao Bá Minh với màu xanh mơ mộng của ký ức và Nguyễn Đình Thuần  với màu xanh đậm pha sắc xám ửng tím. Ở các họa sĩ non tay thì màu xanh này dễ dàng trở thành màu dơ, nhưng với Nguyễn Đình Thuần nó đã trở thành một màu đặc biệt của riêng anh. Biên độ tương phản giữa nóng là tím và lạnh là xanh được anh làm dịu đi bằng màu xám, đồng thời với sắc độ sáng láng của những màu sắc tình cờ bật lên vừa như riêng rẽ vừa như hòa nhập làm cho người  ngắm tranh có cái cảm giác lạc vào khu hang động thạch nhủ có những tia nắng xuyên qua lung linh muôn sắc…"
Trong khi đó, chính họa sĩ Nguyễn Đình Thuần trong một bài viết vào tháng 4-2007 trên Việt Báo đã giới thiệu về họa sĩ Đinh Cường như sau:
"Họa sĩ Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một, VN, sống ở Huế, Đà Lạt và Sài Gòn cho tới năm 1989. Hiện ông cư ngụ tại Burke, Virginia, Hoa Kỳ.
Ông là học sinh trường Pétrus Ký Sài Gòn, tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Huế năm 1963 và tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Quốc Gia, Sài Gòn năm 1964, từng giảng dạy tại trường Đồng Khánh, và sau đó là Trường Mỹ Thuật Huế. Ông đã 25 lần tổ chức triển lãm độc lập và 21 lần tham dự các cuộc triển lãm tập thể trong suốt thời gian từ năm 1965 tới 2006, từng đoạt huy chương bạc liên tiếp hai năm 1962, 1963 tại Triển Lãm Xuân, Sài Gòn và đoạt giải danh dự của Tòa Đại Sứ Trung Hoa tại Sài Gòn, VN.
Một nhà văn đã nhận định về họa phẩm của họa sĩ Đinh Cường như sau: "Đường bay nghệ thuật của Đinh Cường là đường bay của những cánh chim thơ mộng, và lãng mạn xóc, dằn nắng, gió, hương xa.
Bằng cả tâm cảm, người ta sẽ nhận ra, trong mỗi tác phẩm của Đinh Cường, đều thấp thoáng những cánh chim Hồng, chim Lạc.  Cánh chim tha những hạt kinh Việt Nam, thả xuống cánh đồng nghệ thuật; để từ đấy, thắp lên những thân lúa biếc, xanh, lắng, nghiêm hồn dân tộc.
Trên nửa thế kỷ ăn ở toàn thời gian với hội họa, từ trong nước, tới hải ngoại, với những bức tranh từng được trưng bày giữa quảng trường tại hình thế giới, tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta nên nhìn Đinh Cường cùng sáng tác của ông, như một niềm hãnh diện chung - (Và,) do đó, như một thứ tài sản Việt Nam, vậy."
Dự đoán, cuộc triển lãm sắp tới ở Paris của hai họa sĩ cũng sẽ thành công lớn, như những lần trước.
Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần là những người không chỉ mang hồn của màu sắc, đường nét, nhưng ẩn tàng sau các nét đường, các sắc màu... vẫn là những mảnh hồn rất Việt Nam. Họ không chỉ vẽ lên những tấm tranh phả lên sương khói thơ mộng cho cuộc đời, mà bản thân họ ngaỳ đêm vẫn hít thở, vẫn bước đi trong không gian khung vải riêng của họ. Không như thế, họ sẽ không vẽ nổi.
Thực thế, Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần tự thân đã là những khối màu sắc độc đáo. Xin chúc lành cho cuộc triển lãm ở Paris của hai họa sĩ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.