Hôm nay,  

Hội Trái Tim Bái Ái Mở Hội Thảo Về Chứng Trẻ Em Tự Kỷ Kỳ 3: Giúp Cha Mẹ Hiểu, Sửa Đổi Hành Vi Tự Kỷ Nơi Trẻ Em

18/10/201000:00:00(Xem: 4267)

Hội Trái Tim Bái Ái Mở Hội Thảo Về Chứng Trẻ Em Tự Kỷ Kỳ 3: Giúp Cha Mẹ Hiểu, Sửa Đổi Hành Vi Tự Kỷ Nơi Trẻ Em

Trong buổi hội thảo về chứng tự kỷ nơi trẻ em tại hội trường Việt Báo. (Photo VB)


WESTMINSTER (VB) - Hàng chục gia đình phụ huynh có con em bị chứng tự kỷ (autism), các bác sĩ, chuyên gia, thành viên Hội Trái Tim Bác Ái, cơ quan truyền thông báo chí đã tham dự ngày hội thảo lần thứ 3 về chứng tự kỷ nơi trẻ em do Hội  Trái Tim Bác Ái tổ chức tại hội trường Việt Báo, trên đường Moran, thành phố Westminster, ngày  Chủ Nhật, 17 tháng 10 năm 2010.
Theo anh Quý Trần là người điều hợp buổi hội thảo cho phóng viên Việt Báo biết rằng, cuộc hội thảo kỳ 3 này nhắm mục đích giúp các bậc phu huynh có con em tự kỷ làm sao biết được con em của mình đang có chứng tự kỷ, làm sao chấp nhận, làm thế nào hiểu biết và cách nào để sửa đổi hành vi hàng ngày của các con em mắc chứng tự kỷ.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Anh, người sáng lập ra chương trình giúp các em tự kỷ, nhấn mạnh rằng thời gian phát hiện bệnh nơi trẻ em càng sớm thì hiệu quả giúp hồi phục càng gia tăng. Do đó, theo bác sĩ Thùy Anh, trong thời gian qua Hội Trái Tim Bác Ái đã nỗ lực thực hiện nhiều buổi hội thảo nhằm mục đích đánh lên tiếng vang, gây ý thức nơi các bậc cha mẹ có con em bị chứng tự kỷ trong cộng đồng người Việt. Và thành quả của việc làm này đã rất khả quan. Bằng chứng cụ thể là trong lần hội thảo kỳ 3 này, đã có nhiều hơn các lần trước những bậc phụ huynh đưa con em đến để tham dự.
Buổi hội thảo kỳ 3, đặc biệt được sự trợ lực rất quý giá của các bác sĩ và chuyên gia về chứng tự kỷ nơi trẻ em như cô Bree Tippets là điều hợp viên của chương trình giáo dục đặc biệt tại 21 trường tiểu học; bác sĩ Suzanne Robinson, Ph.D., BCBA; cô Kim Chi là chuyên gia phân tích hành vi của các em có chứng tự kỷ; Joseph Khang Nguyễn, MFT tại ACES Autism; bác sĩ Kỳ Tâm Nguyễn, v.v…
Bác sĩ Kỳ Tâm cho biết rằng vấn đề chính của chứng tự kỷ nơi trẻ em là các hành vi. Bác sĩ Kỳ Tâm giải thích thêm rằng trẻ em mắc chứng tự kỷ vì não bộ bị rối loạn hay tổn thương nên có sự khó khăn trong việc tiếp nhận và hiểu biết nhanh nhẹn các tin tức, các sự kiện xảy đến cho các em. Vì vậy, theo bác sĩ Kỳ Tâm cần có những cách đặc biệt để đối xử với các em. Ông nhấn mạnh rằng thực ra trẻ em có chứng tự kỷ rất thông minh, cho nên các bậc phụ huynh cần khai thác hết tài năng của các em bằng phương cách hiểu biết đầy đủ về các em để giúp các em phát huy trọn vẹn khả năng của chúng.


Các bác sĩ và chuyên gia lần lược đi sâu vào phần giới thiệu chủ đề chính của hội thảo kỳ 3 là giúp các bậc phụ huynh biết cách làm việc với con em có chứng tự kỷ đặc biệt quan tâm đến hành vi của các em. Để thực hiện được điều này, các phụ huynh, trước hết, cần quan sát và đánh giá đúng hành vi của các em. Trẻ em có chứng tự kỷ thường biểu hiện các hành vi không bình thường như:
- Đôi mắt không tinh anh, 
- Không thích được ôm ấp như các trẻ em bình thường,
- Ăn uống thật khó, không biết nhai hoặc nuốt,
- Không biết bắt chước,
- Chỉ thích chơi một mình,
- Hay la hét nếu không bằng lòng, dễ bực tức vì không diễn tả được,
- Không nói bập bẹ được dù hơn một tuổi, hoặc nói lung tung,
- Hay thích nhìn chăm chú vào một vật gì,
- Thích chơi một mình và chỉ chơi một thứ đồ chơi ưa thích nhất,
- Chạy nhiều hơn đi,
- Không phân biệt người thân hay người lạ,
- Hung bạo, thích tự hành hạ thể xác hay đánh đập người khác, v.v…
Khi phát hiện những hành vi bất thường này, phụ huynh cần điều chỉnh bằng cách dạy cho các em những hành vi bình thường khác để thay thế.
Để trở thành người phụ huynh có khả năng giúp các em tự kỷ sớm hồi phục, các bậc phụ huynh cần phải:
- Học hỏi để biết cách trở thành người dạy cho các em bằng cách tham dự các khóa học tại các trung tâm, các trường học.
- Chia xẻ với thầy cô giáo, những chuyên gia về tự kỷ nơi trẻ em về những gì có thể giúp ích cho các em.
- Chia xẻ hiểu biết và kinh nghiệm bản thân trong việc giúp con em tự kỷ với những bậc phụ huynh khác mà mình quen biết.
Các bác sĩ, chuyên gia cũng đã lần lượt trả lời những thắc mắc của các phụ huynh có con em mắc chứng tự kỷ.
Tại hội trường Việt Báo nơi diễn ra hội thảo, ban tổ chức cũng cung cấp thức ăn nhẹ và nước uống, đồng thời có các thiện nguyện viên giúp phụ huynh bằng cách trong coi các em với những trò chơi tập vẽ, tô hình, v.v… để cha mẹ có thể chú tâm theo dõi hội thảo.
Để biết thêm chi tiết về Hội Trái Tim Bác Ái và chứng tự kỷ nơi trẻ em, độc giả có thể vào thăm trang mạng: www.heartsofcharityfoundation.org

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.