Hôm nay,  

Doãn Quốc Vinh Triển Lãm, Khai Mạc Thành Công Lớn

19/11/200700:00:00(Xem: 4019)

Tuyệt diệu. Đó là nhận xét chung của những người tới tham dự buổi khai mạc phòng triển lãm mỹ thuật của nghệ sĩ Doãn Quốc Vinh hôm Thứ Bảy 17/11/2007 tại hội trường báo Người Việt.

Gọi chung là triển lãm mỹ thuật là vì các tác phẩm của nghệ sĩ họ Doãn trưng bày rất đa dạng: tranh, tượng, khắc gỗ, nhiếp ảnh cổ thời, thư pháp và vật dụng trang trí nội thất. Nói chung là những gì mang tính nghệ thuật trong đời thường chung quanh chúng ta. Các nghệ phẩm này của Doãn Quốc Vinh đã làm cho những người đi giữa phòng tranh biết trân trọng với cuộc đời hơn, một cách cụ thể, là với những vật dụng vây quanh chúng ta. Và hiện qua các hình ảnh dân tộc như trống đồng, nón lá, áo dài, guốc gỗ, chiếc diều, em bé chăn trâu… Nhưng tất cả đều hiện lên vẻ độc đáo riêng, không sáo mòn. Thí dụ như chân đèn mang hình tượng gỗ thiếu nữ áo dài. Hay như pho tượng đầu Đức Phật đặt giữa các bản gỗ khắc trống đồng. Hay như gương, lược và guốc gỗ được dán vào tranh theo phong cách mixed-media.

Hay như chính hiện thân của anh: Mặc bộ áo dài đen kiểu các cụ hương lý thời xưa, nghệ sĩ Doãn Quốc Vinh đã xuất hiện như một hồn xưa dân tộc, không phải là những gì đã biến mất mà là một thứ gì bảng lảng vây quanh như khói như sương, hệt như lời đồng dao ẩn hiện giữa ngôn ngữ thi ca và cả đời thường.

Từ trái: Doãn Quốc Vinh, chị Minh Yên trao tặng Người Việt tác phẩm Trống Đồng, đứng nhận là Đỗ Quý Toàn. Nguyễn Trọng Hoàng (phía sau). Dịch giả Chân Huyền (phải).

Chủ đề phòng triển lãm có thể tóm gọn là để giới thiệu đến cộng đồng người Việt tại vùng Nam California chặng đường 10 năm sáng tác của tác giả trong lãnh vực Thi Họa và Trang trí nội thất. Và anh đã thành công, khi xuất hiện một cách độc đáo với những hình ảnh đúng với tên buổi triển lãm là "Ao Nhà Lung Linh."

Doãn Quốc Vinh là con trai nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Vinh cho biết chỉ vừa mới sang Mỹ định cư có 11 tháng và 2 ngày. Nghĩa là chưa đủ một năm. Lúc đầu sang ở Texas, và mới dọn về Quận Cam thôi.

Trong khi Giáo Sư Lê Đăng Khoa nói với phóng viên Việt Báo rằng Doãn Quốc Vinh đã mang được lối vẽ độc đáo rất dân tộc kiểu Việt Nam thể hiện với phong cách hiện đại, thì nhà văn Doãn Quốc Sỹ nói rằng ông hạnh phúc và mãn nguyện về phòng tranh của con mình. Doãn Quốc Vinh, đang sống với vợ là chị Minh Yên, và hai con, tại thành phố Huntington Beach, Quận Cam. Doãn Quốc Vinh sinh năm 1961 tại Sài Gòn, vào nghề điêu khắc với ông thầy là điêu khắc gia Trương Đình Quế vào đầu thập niên 1980. Hai mươi tuổi bước vào ngành điêu khắc, đã được gặp gỡ, tiếp xúc với các bậc thầy trong  ngành. Năm 1990, anh khởi nghiệp và mưu sinh từ ngành trang trí nội thất. Năm 1995, anh bước vào lĩnh vực sáng tác hội họa vốn say mê từ nhỏ. Anh cho biết, ngoài việc anh chịu ơn và được ảnh hưởng bởi thầy Trương Đình Quế, còn được ảnh hưởng từ nhiều người khác, không kể xiết, thí dụ như ảnh hưởng từ họa sĩ Võ Đình, và nhiều người khác, kể cả bạn hữu đồng vai...

Sản phẩm trang trí nội thất chính của anh là bình phong, phù điêu chạm và khung gương. Ở Việt Nam, anh có một showroom tại số 410A Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Sài Gòn.

Người MC là ca sĩ Thiên Hương đã kể lại kỷ niệm về "một anh Vinh" thời anh mới 15 tuổi, với hình ảnh Vinh mặc quần đùi chạy đá banh trong xóm, kể cả những khi trời mưa, "Thời đó cả nước đói thê thảm, mà sao anh Vinh cao lớn nhanh lắm…" Thấy rõ, những người bạn của Doãn Quốc Vinh đã rất trân trọng với anh, không chỉ là ca sĩ Thiên Hương mà còn từ các bạn khác như Nguyễn Trọng Hoàng và Nguyễn Chánh Trung đã góp vui bằng buổi văn nghệ ngắn gọn, với lời ca và tiếng đàn dịu dàng.

Bước vào phòng tranh, nơi lối vào là nhiều bức thư pháp với thơ của anh và được một người bạn thân là nhà sư Giang Phong phóng bút diễn qua thư pháp.

Hình ảnh hai thế hệ nhà văn: Doãn Quốc Sỹ (phải), Vĩnh Hảo (trái).

Như bài "Ao Nhà Lung Linh":

"Một mai lặng lẽ qua đời

Hóa thân nhấp nhánh giữa trời đồng dao.

Thuận duyên hóa kiếp mưa rào

Long lanh rơi xuống ruộng ao quê nhà."

Doãn Quốc Vinh trong buổi khai mạc đã cảm ơn Người Việt, cơ quan bảo trợ, và những hình ảnh mà anh không quên như Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu và Trần Đại Lộc. Đặc biệt, Vinh gọi Trần Đại Lộc là "anh Hai," người đã gom góp các em nhỏ để làm Hội Cầm Ca giữa một thời hậu 1975 khốc liệt ở Sài Gòn, để dùng nghệ thuật gìn giữ niềm tin vào cuộc đời.

Vinh đã trao tặng một phù điêu trống đồng cho Người Việt, qua nhà thơ Đỗ Quý Toàn.

Tháng trước, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Phụng Linh trên Việt Báo, Doãn Quốc Vinh nói:

"Trước khi sang Mỹ định cư, tôi đã có nhiều chuyến đi tham khảo thị trường. Cách nay mười năm, tôi thấy có tới 90% người dân Việt ở đây không chăm chút trang trí ngôi nhà của mình. Có lẽ vì người ta mãi lo vật lộn với cuộc sống, không có thời giờ và tâm trí nghĩ tới chuyện làm đẹp cho căn nhà, nên bên trong chỉ thấy lác đác vài bức sơn mài treo tường.  Nhưng 5 năm trở lại đây, tôi thấy nhiều nhà bắt đầu treo ảnh, chưng tượng, bình hoa, chú ý sắp xếp, trang trí trong nhà nhiều hơn. Tuy hãy còn ít nhưng đó là tín hiệu đáng mừng, đặc biệt đối với chúng tôi, cho thấy cộng đồng mình đã bắt đầu chú tâm chăm lo cái đẹp của ngôi nhà, tổ ấm."

Trả lời phỏng vấn riêng của Việt Báo, Luật sư Đoàn Thanh Liêm nói rằng ông ngã mũ chào tuổi trẻ, và "Doãn Quốc Vinh xứng đáng với gia đình Doãn Quốc Sỹ…"; và nhà văn Vĩnh Hảo, chủ bút tập san Phương Trời Cao Rộng, nói trang trọng, "Nói 'Ao Nhà Lung Linh' là nói bằng ngôn ngữ khiêm nhường, mang đầy tình tự quê hương. Nhưng đối với riêng tôi, đó là cả một thế giới lung linh với thiên hình vạn trạng của những cuộc đời, từ con người thôn quê đến thành thị, từ ruộng vườn đến núi cao, con ốc và bãi biển, chim muông với trời cao... từ động vật đến tĩnh vật đều tự hiện bày đời sống sâu kín của mình qua nghệ thuật tạo hình đa dạng mà chỉ có một nghệ sĩ tài hoa dị thường mới có thể thực hiện được." Vĩnh Hảo, trong dịp gặp nhà văn Doãn Quốc Sỹ nơi đây, đã gửi lời cảm ơn nhà văn họ Doãn đã giúp đỡ cho Vĩnh Hảo và báo Phương Trời Cao Rộng.

Từ trái: Nguyễn Chánh Trung ngồi hát, Nguyễn Trọng Hoàng, Doãn Quốc Vinh.

Độc giả có thể tới xem phòng triển lãm đang trưng bày ở nhật báo Người Việt, 14771-14772 Moran Street, Westminster, CA 92683.

- Từ ngày 17/11/2007 đến 23/11/2007. Thời gian mở cửa: từ 10 giờ sáng đến 17 giờ chiều mỗi ngày.

Sau thời gian này, có thể xem ở showroom mang tên D.V Gallery ở số 19462 Mauna Ln, Huntington Beach, CA 92646. Phone: (714) 465-9169. Email: dv.gallery@yahoo.com

Tham dự buổi khai mạc có nhiều giới truyền thông và văn nghệ sĩ, như Nguyên Huy, Cổ Ngưu, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Ngô Nhân Dụng, Đinh Quang Anh Thái, Trịnh Gia Mỹ, Phan Tấn Hải, Vũ Đình Trọng...

Nhưng một nhân vật đầy xúc động cũng tới góp mặt: cụ bà tên là Mô, kể rằng thời sau 1975 trong khi cả nứơc bị xiết gắt gao và cụ bà bị nhà nứớc cộng sản truy nã, thì cụ bà đã được gia đình nhà  văn Doãn Quốc Sỹ, che chở và cho ấn náu một thời gian. Cụ Mô ngồi bên cạnh cụ Thảo (vợ của nhà văn Doãn Quốc Sỹ) suốt thời gian lễ khai mạc. Cụ tới không chỉ vì nghệ thuật, nhưng còn vì thâm cảm  lòng tử tế của gia đình họ Doãn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.