Hôm nay,  

Tưởng Niệm Ngày Giỗ Đầu Của Nhà Thơ Thanh Tâm Tuyền

23/03/200700:00:00(Xem: 4271)

Hình chụp sau 1975, từ trái qua phải: Nhà văn Phạm Kiều Tùng, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, họa sĩ Thái Tuấn. (Photo: PKT)

  Hôm Thứ Năm 22-3-2007 là ngày giỗ đầu của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (1936- 2006), một trong những người đã khai sáng ra phong trào thơ tự do Việt Nam và là một biểu tượng lớn của thi ca Miền Nam sau thời đất nứơc chia đôi.

 Để tưởng niệm giỗ đầu của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, trang báo Thơ Tân Hình Thức (http://thotanhinhthuc.org/) đang thực hiện một lọat bài và tư liệu trứơc giờ chưa phổ biến về người "thi sĩ cùng đinh" này.

 Nhóm chữ "thi sĩ cùng đinh" là cách gọi của chính nhà thơ Thanh Tâm Tuyền về những người thực sự sống chết trung thực với thơ, trong một nghĩa trái nghịch với "sự sa đọa của đám thi sĩ cung đình," một trong những cụm từ mà thi sĩ sau khi rời trại tù cải tạo về nhà có lúc đã viết xuống giấy. Và hơn một thập niên sau đã được nhà thơ Phạm Kiều Tùng scan và gửi bút tích Thanh Tâm Tuyền ra nhân ngày giỗ đầu 2007: "…hãy đi tìm thi sĩ cùng đinh…

 hãy làm thi sĩ cùng đinh…" Vậy đó. Nhưng rồi thi sĩ Thanh Tâm Tuyền lúc nào cũng giữ tâm đạo an nhiên như một thiền sư, và viết cũng trầm mặc như thiền sư: "Bài học Đạo Đức Kinh: Như thể không có sự gì xảy ra, đáng kể; ngoài các câu được viết.

Lời không của ai, không nói với ai.

 Cùng một lúc mở và đóng, ở ngoài và ở trong." (bản scan)

 Trang web Thơ Tân Hình Thức hôm Thứ Tư đã đưa lên một hồ sơ để tưởng niệm, trong đó có các bài, các tư liệu và hình ảnh trứơc giờ chưa phổ biến về Thanh Tâm Tuyền:

 "HỒ SƠ THANH TÂM TUYỀN

 · Lời Dẫn Nhập

 · Gia Đình - Bè Bạn

 · Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù / Thanh Tâm Tuyền

 · "Bài Học Đạo Đức Kinh" Của Thanh Tâm Tuyền / Phạm Kiều Tùng

 · Tư Liệu / Thanh Tâm Tuyền

 · Thanh Tâm Tuyền, Nhìn Lại Một Thời / Khế Iêm" Dự kiến, trong tuần này sẽ đưa lên thêm một số bài, tư liệu và hình ảnh khác. Sau đây là Lời Dẫn Nhập trong hồ sơ tưởng niệm thi sĩ: "Trong bài viết "Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù", ông viết: "Trong tôi bấy giờ có gì" Gia đình, bè bạn, thơ đã đọc và nhập tâm." Bằng khởi đầu như thế, chúng tôi muốn dành ngày giỗ đầu, 22 tháng 3 - 2007, cho riêng gia đình và thân hữu nhà thơ để bày tỏ sự mất mát của họ. Gia đình và bè bạn là những người đồng hành với ông, khởi từ lúc bắt đầu cuộc đời gia đình và văn nghệ. Nhưng bè bạn ông, bây giờ người mất người còn. Hiện diện nơi đây chỉ là những hình ảnh mà chúng tôi đã sưu tập được. Nhưng hình ảnh có khi lại nói lên được đầy đủ sự lặng thinh hơn là chữ viết. Ký ức về người bạn năm nào, nếu ghi xuống, chưa chắc bày tỏ được hết mọi điều vì ngôn ngữ thật sự đã bất lực trong lúc này. Bên cạnh hình ảnh, chúng tôi có bài viết của anh Phạm Kiều Tùng, một người đọc lặng lẽ và lý tưởng về thơ Thanh Tâm Tuyền, và cũng là người thân cận còn lưu giữ nhiều bản thảo của nhà thơ. Chúng tôi cũng may mắn có được một bài viết của ông, "Kinh Nghiệm Sáng Tác Trong Tù" viết từ năm 1993, cho đến nay vẫn chưa phổ biến. Ngoài ra, chúng tôi có phần tư liệu, ghi lại một ít hình ảnh sinh hoạt của nhà thơ sau 1975. Như vậy cũng phù hợp với tính đơn giản và trang trọng đối với đời sống và chữ nghĩa của ông.

 Tưởng niệm, nhân ngày giỗ đầu, tuy thế lại là sự chuẩn bị rất công phu của chúng tôi, để ghi nhớ sự đóng góp rất lớn của ông đối với nền thơ Việt. Và chúng tôi mong rằng, bạn đọc và thân hữu khi bước vào phần tưởng niệm này, xin bỏ ra ngoài những quan điểm, chính kiến, dành một phút TƯỞNG NIỆM NGÀY GIỖ ĐẦU CỦA NHÀ THƠ THANH TÂM TUYỀN mặc niệm, nghiêng mình trước anh linh nhà thơ.

 Chân thành cảm tạ." Đặc biệt, trong hồ sơ có nhiều hình ảnh xúc động về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Một tấm ảnh do thi sĩ Phạm Kiều Tùng phổ biến, ghi những dòng chữ sau: "Hình chụp sau 1975, từ Trái qua Phải: Nhà văn Phạm Kiều Tùng, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, họa sĩ Thái Tuấn.

 Đây là tấm hình đặc biệt, chụp trong khoảng cuối tháng 2 sang đầu tháng 3 năm 1982, lúc nhà thơ Thanh Tâm Tuyền được thả không bao lâu (ông về tới nhà ngày 19-01-1982). Anh chị Phạm Kiều Tùng có cái xe bán xôi bắp ở góc đường Nguyễn Du, nhìn sang Nhà Thờ Đức Bà & Bưu Điện thành phố Sàigòn, và nhà thơ cũng thường ghé qua đây. Chúng tôi ghi chú chi tiết vì tấm hình chụp lại được một sinh hoạt sống động của người Sàigòn vào thời điểm đó, một quán cóc bên lề đường.

 Chị Phạm Kiều Tùng khi nhìn lại tấm hình, đã viết xuống cảm xúc như sau: "... Một thời vất vả lam lũ, xem hình cũ, chợt thấy rưng rưng." Tấm hình cũng có giá trị về phần Tư Liệu."

 Trân trọng kính mời độc giả vào Thơ Tân Hình Thức, http://thotanhinhthuc.org/, để cùng tưởng niệm một thi tài của dân tộc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.