Hôm nay,  

Tuởng Nhớ Nhạc Sĩ Anh Việt: Bến Cũ, Biết Đi Sầu Em Mong

22/03/200800:00:00(Xem: 4438)

Thung lũng hoa vàng San Jose mà tôi vừa đặt thêm cái tên Hòang Hoa Cốc nghe cũng thơ mộng, mang âm vị cổ điển, vừa tiễn biệt một nhạc sĩ nổi tiếng : Anh Việt. Ong từ giã nhân thế vào đêm thứ sáu 15-3-2008, hưởng thọ 81 tuổi, một cuộc chia tay lần cuối rất thanh thản.

 Đối với quân lực VNCH, ông là đại tá Trần Văn Trọng, từng giữ chức chủ tịch hội văn nghệ sĩ quân đội vào những năm trước 1975, nhưng khách yêu nhạc chỉ biết cái tên Anh Việt, tác giả của những ca khúc phổ biến như Bến Cũ, Thơ Ngây, Lỡ Chuyến Đò… của thập niên 50,60,70.

Khi đến San Jose năm 1985, tôi có dịp làm quen với nhạc sĩ Anh Việt và đã đem cái nhiệt tình làm văn nghệ của một người trẻ để hâm nóng lại cảm hứng sáng tác của ông.  Kết quả,một tập nhạc mới ra đời vào năm 1986 mang tên Nhớ Quê Hương Việt Nam, gồm những ca khúc viết ở San Jose mang tâm trạng lưu vong của ông. Cuối tập nhạc, ông có một dòng chữ cám ơn nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã khuyến khích ông in tập nhạc này. Tập nhạc ông ký tặng, qua nhiều lần dọn nhà, khi viết những dòng chữ tưởng nhớ nhạc sĩ Anh Việt,muốn trích ra một số chi tiết,nhưng lại không tìm thấy.

Sau đó, ông có làm một buổi ra mắt tập nhạc này tại quán Văn,một quán cà phê ca nhạc nổi tiếng San Jose thập niên 80. Lúc đó, tôi có mời Ngọc Trọng hát bản Bến Kiên Giang,một bản nhạc đầu tay viết về quê hương sinh trưởng của tác giả.

Ngòai tập nhạc vừa kể, Anh Việt còn thực hiện các cuốn CD Thiền Hoa Mặt Trời đã ra mắt tại Seattle, CD Bến Cũ và có tổ chức một buổi ca nhạc trang trọng tại hí viện Santa Clara Convention Theater với sự góp mặt nhiều tiếng hát tên tuổi. Những năm sau này,ông có phổ nhiều bài thơ mang hương vị Thiền trong tập nhạc Kinh Làng Mai.

Gần mừơi năm trở lại đây, ông ẩn dật, ít tham gia vào các sinh họat văn nghệ của cộng đồng, dành nhiều thì giờ cho kinh kệ Phật giáo.

Buổi sáng hôm nay, gọi điện thọai hỏi thăm chia buồn, bà nhạc sĩ Anh Việt đã kể lại rằng trong những ngày cuối đời, trên giường bệnh, bệnh tim, ông thường hay nghe cuốn CD nhạc của ông và điều đặc biệt là khi đang hát bản Bến Cũ thì ông ra đi.

Bản Bến Cũ viết năm 1946, lúc tác giả tuổi chớm đôi mươi đã trở thành bất tử, được xếp vào trong những ca khúc vang bóng một thời.

 Danh ca Thái Thanh khi mới ra hải ngọai thu cuốn băng đầu tiên đã hát bản Bến Cũ chung với Biệt Ly( Dõan Mẫn) thành một liên khúc. Hai bài hát cùng nổi tiếng, bản Biệt Ly chỉ nói chia tay chung chung cho đôi lứa,còn bản Bến Cũ có pha chút tình yêu nước đấu tranh : " Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương lòng ta…Biết đi sầu em mong, nhưng ngàn dân trông ngóng,dưới trời gió mưa,làn gío chiều đưa…" Bài hát đã được nhiều thanh niên lý tưởng đấu tranh thời đó thuộc lòng.

Bản Thơ Ngây viết năm 1951 cũng có nét nhạc phóng khóang và lời ca dịu dàng,đặc điểm của ca từ thời đó : " Khi ấy em còn thơ ngây, đôi mắt chưa vương lệ nhòa, cười đùa qua muôn ánh trăng…"

Ở San Jose có hai nhạc sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ đầu tiên là Hòang Trọng và Anh Việt,không hiểu sao trung tâm Thúy Nga vốn thực hiện nhiều chương trình cho các nhạc sĩ nhưng lại không thấy hai vị này.

Đất nước Việt nam đã không còn chiến tranh hơn ba mươi năm,những người trẻ thời này rất mơ hồ về những tình cảm đôi lứa trong thời chiến mà các thế hệ trước đã trải qua cho nên nghệ thuật ca nhạc đãchuyển sang một hướng khác. Có thể họ khó thưởng thức được nỗi niềm của những ca khúc nổi tiếng một thời. Riêng tôi,lâu lâu nghe lại vài bản cũ, lòng bồi hồi. Nhớ tới nhạc sĩ Anh Việt và lẩm nhẩm câu hát trong lúc lái xe trên xa lộ : " Biết đi sầu em mong, nhưng ngàn dân trông ngóng, bến ấy ngày xưa,người đi vấn vương biệt ly…".

San Jose-Hòang Hoa Cốc 21-3-2008

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.