Hôm nay,  

Không Có Dân Chủ Ở San Jose?

26/01/200800:00:00(Xem: 3558)

Ảnh trái: Pinole: Cử tri Thành Phố Pinole trong ngày 5 tháng Hai tới đây sẽ bỏ phiếu để quyết định có truất nhiệm 2 nghị viên hay không. (ảnh Bùi Văn Phú) – Anh phải: San Jose: Biểu ngữ đòi hỏi dân chủ của những người biểu tình trước Toà Thị Chính San Jose (ảnh Bùi Văn Phú)

Người Mỹ thường không chịu đựng được lâu những đại diện dân yếu kém khả năng lãnh đạo hay không phản ánh ý dân. Vì thế nên nhiệm kì dân cử thường là 2 năm như các dân biểu liên bang và tiểu bang, hay 4 năm như tổng thống, thống đốc tiểu bang, giám sát viên quận hạt hay nghị viên thành phố. Khi một dân cử tái ứng cử thì đó là lúc cử tri đánh giá lại thành quả, tư cách của người đại diện dân để quyết định có tiếp tục tín nhiệm hay không.

Trong trường hợp nếu có một vị dân cử nào làm cho cử tri quá bất mãn, người dân có quyền đề xướng truất nhiệm chứ không cần chờ đến ngày bầu chọn lại.

Chuyện này đã xảy ra với lãnh đạo cao nhất của bang California vào năm 2003 qua một kì bầu cử đặc biệt để người dân quyết định có hay không nên truất nhiệm Thống Đốc Gray Davis, dù ông mới tái đắc cử nhiệm kì hai chưa đầy một năm trước đó. Thống Đốc Gray Davis bị truất nhiệm vì ông đã đưa ngân sách tiểu bang từ thặng dư đến thiếu hụt. Rồi ông quyết định tăng thuế, lệ phí nhiều mặt để giảm mức thâm thủng ngân sách. Điển hình là việc tăng lệ phí đăng kí lưu hành xe lên gấp đôi đã có ảnh hưởng tài chánh đối với cư dân. Nhiều người dân California không muốn ông tiếp tục lãnh đạo nữa, nhưng không có phong trào đòi ông từ chức, không có biểu tình rầm rộ mà chỉ có những người âm thầm làm việc ngoài đường, đứng trước những siêu thị để xin chữ kí cử tri. Mấy tháng sau dân California có cơ hội quyết định. Kết quả là Gray Davis bị truất nhiệm và Arnold Schwarzenegger được bầu chọn làm thống đốc thay thế.

Việc truất nhiệm một dân cử không nhất thiết chỉ vì những thiệt hại kinh tế, tài chánh của người dân. Nghị Viên Kathy Cole của Thành Phố San Jose bị truất nhiệm năm 1994 không phải vì lí do tài chánh, nhưng vì bà đã có những phát biểu và cử chỉ xúc phạm đến nhân phẩm của cư dân.

Ngay lúc này, tại thành phố Pinole của vùng Vịnh San Francisco cũng đang có tiến trình truất nhiệm, không chỉ một mà đến ba vị dân cử cùng một lúc.

Pinole có dân số chưa đến 20 nghìn dân và một hội đồng thành phố gồm 5 nghị viên. Cốt lõi của vấn đề là việc hội đồng thành phố cho thôi việc người quản lí (City Manager) vì vấn đề tài chính và ngân sách không minh bạch và vì quan hệ thân tình giữa vài nghị viên với một số con nợ của thành phố. Ba trong số 5 nghị viên biểu quyết đồng ý cho thôi việc người quản lí vì thế đã trở thành chủ điểm của một cuộc vận động bãi nhiệm từ muà hè năm ngoái. Trước áp lực bị truất nhiệm đè nặng, một trong ba nghị viên, dù mới đắc cử, đã từ chức vào cuối năm 2007 với lí do vì thuộc lực lượng trừ bị được trưng dụng phục vụ quốc gia. Còn lại là tương lai của hai nghị viên đương nhiệm sẽ được cử tri thành phố Pinole quyết định vào ngày 5.2 tới đây.

Trong suốt tiến trình dẫn tới việc đưa ba nghị viên ra để cử tri quyết định có truất nhiệm hay không thì đã không có những cuộc biểu tình mà chỉ có những vận động qua điện thoại, gõ cửa từng nhà xin chữ kí ủng hộ và phát biểu trong những phiên họp hội đồng thành phố được phát hình đến từng gia đình.

Lúc này, gần đến ngày bầu cử thì tờ bướm đủ loại của hai phe bênh và chống truất nhiệm được tung ra, đủ thứ chiêu để thuyết phục cử tri đứng về phiá mình, tố cáo lẫn nhau đủ trò, từ cắt xén hình ảnh để bêu xấu đối phương đến những cáo buộc có người nhận được điện thoại với lời lẽ hăm doạ khiến cảnh sát phải điều tra.

Hiện thời người Mỹ gốc Việt ở San Jose cũng đang đi đến một cuộc vận động truất nhiệm một nghị viên. Trong tiến trình đó đã có những cuộc biểu tình ồn ào, hội họp công khai. Điều này không có gì sai mà chính nhờ những hoạt động đó nên mục đích của đoàn người biểu tình đã được chú ý.

Nhưng trong đoàn biểu tình có hình ảnh những người bịt miệng, như dấu chỉ họ không được quyền phát biểu ý kiến, và có những khẩu hiệu: “There is no democracy in San Jose” (Không có dân chủ ở San Jose), “Democracy for San Joses future” (Dân chủ cho tương lai San Jose) hay “Restore democracy for San Jose NOW” (Tái lập dân chủ cho San Jose NGAY). Có người tham gia biểu tình còn phát biểu rằng ở San Jose cũng như dưới chế độ cộng sản Việt Nam đều không có dân chủ. Những hình ảnh và khẩu hiệu đó đã phản ánh sai lạc về sinh hoạt dân chủ ở San Jose nói riêng và ở Hoa Kỳ nói chung.

Với quyết định 8-3, Hội Đồng Thành Phố San Jose đã chọn tên “Saigon Business District” theo đề nghị của Nghị Viên Madison Nguyễn mà bất kể đại đa số ý kiến đóng góp trong phiên họp ngày 20.11.2007 cũng như những tham khảo, thăm dò trước đó đều cho thấy tên “Little Saigon” được đa số ủng hộ. Vấn đề chính ở đây là sự chọn lựa của thành phố không phù hợp với nguyện vọng của một số đông dân. Nghị Viên Madison Nguyễn đã làm thất vọng nhiều nghìn cử tri gốc Việt là những người đã ủng hộ cô trong quá khứ.

Nền dân chủ Hoa Kỳ đảm bảo cho người bất đồng chính kiến được quyền phản đối các vị dân cử, nếu cần có thể tiến hành thủ tục truất nhiệm để xem đa số cử tri có còn tín nhiệm họ hay không, như đã xảy ra ở các cấp chính quyền.

Nền dân chủ ở San Jose không ngừng lại với một quyết định của hội đồng thành phố mà còn đang tiến hành với biểu tình trước toà thị chính để phản đối, với những phát biểu ủng hộ Nghị Viên Madison Nguyễn và quyết định của hội đồng thành phố đang có trên các diễn đàn, trên những cơ sở truyền thông. Đó chính là dân chủ thực hành. Không có việc mất dân chủ để phải phục hồi.

Không nên so sánh sinh hoạt dân chủ ở Hoa Kỳ với nền độc tài đảng trị ở Việt Nam, vì như thế cho thấy những người biểu tình đang thực hành dân chủ nhưng không hiểu dân chủ là gì để mà đòi hỏi dân chủ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.