Đức: Ra Mắt ‘Thơ Tù’ của ĐL Hòa Thượng Thích Quảng Độ Tại Frankfurt, 07-11-2009
Hình ảnh buổi ra mắt tập thơ.
Ngọc Châu tóm lược
Để nói lên lòng ngưỡng mộ vị tu hành đức độ đã từng bị cộng sản Việt Nam (CSVN) bắt tù và giam hãm hơn ba mươi năm qua, nhưng không chịu khuất phục trước bạo lực và là tác giả tập Thơ Tù - Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) - một buổi Văn Hoá ra mắt tập "Thơ Tù" đã được tổ chức tại Hội Trường: Saalbau NIDDA Frankfurt/Main (Bonames), vào ngày thứ bảy, 07-11-2009 từ 14 giờ 30 đến 21 giờ 30 với thành phần diễn giả đến từ Pháp và Hoa Kỳ, gồm có:
1) Giáo sư Vỏ văn Ái, Phát ngôn nhân Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Ủy Viên Ngoại Vụ Văn Phòng II Viện Hóa Đạo và chị Ỷ Lan: Phó Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, đến từ Pháp đảm trách phần ra mắt "Thơ Tù" cuả Hòa Thượng Thích Quảng Độ.
2) Thượng Tọa Thích Viên Lý (Hoa Kỳ)
3) Linh Mục Đinh Xuân Minh (Đức)
4) Luật sư Nguyễn Thành (Hoa Kỳ)
Những bài tham luận của Thượng Tọa Thích Viên Lý, Linh Mục Đinh Xuân Minh và của Luật sư Nguyễn Thành không ngoài mục đích thể hiện sự quan tâm của người Việt tỵ nạn ở hải ngoại đến tình hình vô cùng cấp bách tại Quê Nhà, cũng như chia sẻ những trăn trở, khổ đau của Dân Tộc trước sự đàn áp ngày càng hung bạo của csVN đối với các tôn giáo, các đoàn thể và đồng bào cũng như trước vấn nạn bán nước, nhượng biển cho Trung Cộng, trước việc cho Trung Cộng khai thác Bauxit tại Tây Nguyên.
Ông Lưu Văn Nghĩa, đại diện ban tổ chức đã ngõ lời chào mừng các diễn giả, đại diện các hội đoàn, tổ chức, quan khách và đồng hương tham dự, tuyên bố chính thức khai mạc buổi ra mắt thơ và hội luận sau khi nghi thức dâng hương bàn thờ tổ quốc do ba vị trưởng thượng với quốc phục VN và bốn cô thiếu nữ phụ tá trong chiếc áo dài trắng với khăn quàng cỗ có thêu hình cờ vàng ba sọc đỏ hoàn tất, lễ chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và phút mặc niệm chấm đứt.
Buổi hội luận, ra mắt Thơ Tù thành công mỹ mãn. Theo sự ghi nhận của người viết thì có hơn 200 đồng hương hiện diện tại hội trường và có thể nói ngoài sự dự tính của tôi. Nhiều đồng hương, có người đến từ các nơi rất xa như Pháp, Bỉ, Ý, Thụy Điển, Muenchen (Munich), Bonn, Fuerstenfeldbrueck Koeln, Mannheim, Krefeld, Goettingen, Wiesbaden, Ravensburg, Stuttgart, Baden-Wuerttemberg, Oldenburg, Việt Nam Quốc Dân Đảng Đức…, hưởng ứng lời mời đã vượt hàng trăm cây số lái xe về tham dự buổi hội luận, ra mắt "Thơ Tù" nói trên do Liên Hội NVTNCS tại CHLBĐ, Hội Người Việt TNCS Frankfurt và VPC, Hội Chuyên Gia VN tại Đức, Hội Cao Niên Frankfurt và VPC, Hội Phụ Nữ VN Tự Do Đức Quốc, Đoàn Thanh Niên VN Tự Do, Đảng Dân Tộc, Chi Hội PT Frankfurt và VPC với sự hỗ trợ của Vovinam, Tập Thể Cựu Chiến Sĩ VNCH tại Đức, Đảng Thăng Tiến tại Đức, Công Đoàn Công Giáo và các thân hào nhân sĩ tổ chức.
MC là chị Lê Nhất Hiền và anh Nguyễn văn Phẩy. Đặc biệt, buổi Ra Mắt "Thơ Tù" hôm nay được Qúy Thân Hữu Lạc Hồng 6 và Ngô Gia trực tiếp truyền thanh và truyền hình trên Diễn Đàn Paltalk Tiếng Nói Tự Do của Người Dân Việt Nam với sự hổ trợ của OP Áo Trắng Ơi đã chuyển qua hệ thống Yahoo để đồng bào trong và ngoài nước được theo dõi liên tục qua 6 giờ đồng hồ.
Diễn giả mở đầu buổi sinh hoạt hôm nay là thi sĩ Thi Vũ (Gs Võ Văn Ái). Như thi sĩ Thi Vũ cho biết thì hai tập "Thơ Trong Tù" và "Thơ Lưu Đày" được in chung thành một quyển có tựa đề 'Thơ Tù' là một tuyển tập gồm 138 bài thơ còn sót lại nơi trí nhớ trong số 400 bài thơ mà Hòa Thượng Quảng Độ đã sáng tác trong thời kỳ bị nhà cầm quyền Hà Nội giam giữ ở Sài gòn và giai đoạn lưu đày tại xã Vũ Đoài, tỉnh Thái Bình từ năm 1977 đến năm 1992, được ra mắt cùng quý bạn đọc ngày 07 tháng 11 năm 2009 tại thành phố Frankfurt, Đức Quốc.
Ngược giòng thời gian, lịch sử Việt Nam từ mấy nghìn năm qua chưa thời đại nào tăng sĩ bị tù nhiều như dưới triều đại xã hội chủ nghĩa hiện nay. Thời xưa, thường thì các nhà Nho làm thơ tù. Còn bây giờ, không phải chỉ người dân thường hay quân cán chính thời Việt Nam Cộng Hòa bị lùa vào các trại tập trung cải tạo mà ngay cả những linh mục, nhà sư hay bậc cao tăng cũng bị áp chế, quản chế hoặc bị bắt bỏ tù. Trong bối cảnh này, thơ tù thuộc giới Tăng sĩ, phật tử nói riêng nhiều vô kể. Tập "Thơ Tù" của Hoà Thượng Thích Quảng Độ chính là một trong những biểu hiện kỷ nguyên tù đày dân tộc. Ngoài những bài thơ Đạo lung linh huyền diễm, thơ tù của Hoà Thượng Quảng Độ còn mang tính cách trào phúng. Nét châm biếm bén nhọn nhưng không hiểm độc; tuy đùa bỡn mà không ác ý, đả kích nhưng phóng khoáng ...Thơ châm biếm của HT Thích Quảng Độ ẩn chứa màu sắc chính trị, đối diện với chế độ bạo tàn, hiện thân của chủ nghĩa cộng sản, Mác Lenin.
Chúng ta hãy nghe HT Thích Quảng Độ ví von so sánh "nhà tù" dưới chế độ cộng sản VN:
Đây là miền Nam trong căn phòng giam chật hẹp âm u
Ngoài kia là miền Nam trong một nhà tù rộng lớn
...
Toàn khu nhà tù chìm vào yên lặng
Yên lặng như nấm mồ hoang vắng
giữa miền cát trắng bao la
và nằm trong căn nhà mồ
tôi không thấy gì nữa cả
trừ những bóng ma mang khẩu súng AK
thỉnh thoảng chập chờn qua gang cửa gió
(Trời Đã Sáng)
Vốn chẳng biết làm thơ nên người viết trân trọng đón nhận thơ văn, nhất là những loại văn thơ hàm chứa đấu tranh tính, chống bạo quyền. Tuy nhiên dù đã làm rất nhiều bài thơ đủ loại: thơ tù, thơ lưu đày và trào phúng nhưng HT Thích Quảng Độ lại khiêm tốn bảo rằng:
"Võ vẽ làm thơ cho nhớ chữ"
Còn khá nhiều bài thơ trong tuyển tập "Thơ Tù" nhưng tôi không thể trích dẫn hết được...
Tiếp theo phần giới thiệu của nhà thơ Thi Vũ thì chị Ỷ Lan lên sân khấu trong chiếc aó daì Việt Nam để tâm sự cùng quý thính giả hiện diện. Lần đầu tiên nghe giáo sư Võ Văn Ái và chị Ỷ Lan nói chuyện nên tôi rất ngạc nhiên khi nghe chị Ỷ Lan nói tiếng Việt trôi chảy với giọng Huế. Chị Ỷ Lan càng làm mọi người cảm động hơn khi chị giới thiệu chị gốc người Anh nhưng hôm nay đến với chúng ta "là người phụ nữ Việt Nam" như quý vị đang thấy tôi trong chiếc áo dài VN!
Một điểm bất ngờ khác mà tôi nghĩ người Việt tỵ nạn chúng ta nên suy nghĩ. Chị nói, đại ý: "Tôi yêu mến Việt Nam, tôi rất ngưỡng mộ HT Thích Quảng Độ qua sự tranh đấu cho tự do tôn giaó tại VN của Ngài nhưng kể từ hơn 30 năm nay tôi chưa đi VN nên chẳng thấy VN tận mắt. Tôi chỉ được dịp phỏng vấn HT Thích Quảng Độ mà thôi ...và qua cuộc phỏng vấn tôi càng kính trọng Ngài hơn!"
Chị Ỷ Lan tâm sự rằng: "chị yêu ngôn ngữ Việt Nam vì tiếng Việt rất phong phú và thâm thúy như chữ đồng bào để diễn tả những người cùng trong một bào thai mẹ Âu Cơ sinh ra"!
Chị ỷ Lan còn nói nhiều lắm nhưng tôi không làm sao nhớ rõ hết được. Chỉ ghi nhận điều là chắc chị thương yêu đất nước VN chúng ta thật sự vì thế mới dấn thân tranh đấu cho một VN dân chủ mà theo sự nhận xét của nhiều người, chưa hiểu đâu là nguyên nhân và động cơ chính đã ảnh hưởng đến con người chị để chị học và nói tiếng Việt rất rành và không những thế, còn am hiểu lịch sử VN hơn tôi nói riêng, khi giải thích lý do tại sao chị chọn tên Ỷ Lan!
Sau phần giới thiệu của nhà thơ Thi Vũ, chị Ỷ Lan thì chị Nguyên Ngọc đã làm thính giả mũi lòng với giọng Huế khi ngâm rất ray rứt, truyền cảm hai bài thơ trích từ tuyển tập "Thơ Tù":
Tự Thuật
Thân ta trong chốn lao tù
Tâm ta vằng vặc trăng thu mặt hồ
Bao trùm khắp cõi hư vô
Lao tù đâu thể nhiễm ô tâm này
Mặc cho thế sự vần xoay
Tâm ta vẫn chẳng chuyển lay được nào
Ngọc thiêu mầu thắm biết bao (1)
Sương càng phủ trắng tùng cao ngất trời
Trăng tròn khuyết biển đầy vơi
Mây bay gió thoảng cuộc đời sợ chi!
(1) Lấy ý trong câu: “Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận” của thiền sư Ngộ Ấn, đời Lý. Đại ý: Viên ngọc ở trên núi bị đốt mầu sắc vẫn tươi thắm.
và Mất Cả Cuộc Đời
Xuân này tôi mất mẹ rồi
Cũng là mất cả cuộc đời còn chi