Cao Bá Minh Mời Dự Triển Lãm 'The Painter of Dreams': Những Họa Phẩm Của ‘Đêm Xanh Mênh Mông’Tại Việt Báo Gallery, Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật, Ngày 27, 28, 29/11
Tranh của Cao Bá Minh
WESMINSTER (VB) - Vào Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật, ngày 27, 28, và 29 tháng 11 năm 2009, tại Việt Báo Gallery, trên đường Moran, thành phố Westminster, Cao Bá Minh sẽ triển lãm tranh với chủ đề "The Painter of Dreams" (Người Vẽ Những Giấc Mơ).
Phóng viên Việt Báo đã có dịp chuyện trò cùng Cao Bá Minh và được anh tâm sự một đôi điều về thế giới hội họa độc sáng của anh. Điều đặc biệt, Cao Bá Minh còn trao cho phóng viên VB mấy bài thơ anh đã sáng tác.
Trong bài thơ "Âm thanh và màu sắc," Cao Bá Minh viết:
"Màu sắc là nguyên bản đường về nguyên tính."
Người ta lấy màu sắc để phô diễn nghệ thuật bút pháp, lột trần vẻ đẹp tuyệt vời nguyên sơ của thế giới biểu tượng, nhưng Cao Bá Minh xem màu sắc là "đường về nguyên tính," hoặc có lần, đâu đó, anh nói là "tấm gương phản chiếu tính không."
Đối với Cao Bá Minh, "hội họa là tôn giáo của tôi," vì người vẽ tranh chính là kẻ thực nghiệm, thể nghiệm, thể nhập vào cảnh giới thiêng liêng, mầu nhiệm, vi diệu, xuất trần của thực tại, của thực tính, của nguyên tính của vũ trụ qua sắc hình hữu tướng mà vô tướng, qua thinh âm mà trầm mặc vô thanh. Sở dĩ có thể biểu đạt tới cảnh giới hữu tướng mà vô tướng, thinh âm mà trầm mặc vô thanh là vì nhờ thể nghiệm "tính không." "Tính không" là chữ các nhà Phật học Trung Hoa dịch nghĩa từ Phạn ngữ (Sanskrit) "Sunyata." Tính không là thể tính vốn "Không" của mọi sự vật bao hàm thế giới vật thể và tâm thức. "Không" ở đây tức là rỗng suốt trống vắng, là không có tự thể, mặc dù trên bề mặt hiện tượng vẫn có sự hiện hữu. Sự hiện hữu đó, vì vậy, là do các duyên, các điều kiện giả hợp mà thành. Trong các duyên đó có cả tâm thức khởi động của con người. Sự khởi động này cũng nằm trong tương quan duyên sinh. Vì là duyên sinh cho nên, các hiện tượng không có bất cứ một tự thể, tự ngã tồn tại độc lập nào cả. Chúng chỉ nương nhau mà có, chỉ tồn tại trong mối quan hệ tương đãi, tương sinh, tương tức. Có đó mà không phải thật có. Hữu mà vốn là Không. Các nhà Phật học Trung Hoa thường lý giải rằng đó là "đương thể tức không," không trong chính tự thể, ngay trong lúc hiện hữu.
Một họa phẩm có mặt là do mối tương quan, tương duyên của nhà vẽ tranh, cây cọ, màu sắc, tấm vải, mảnh giấy, sự sáng tạo, phòng nghệ thuật, cơ sở sản xuất cây cọ, mực, giấy, nhà vẽ tranh lại có mối tương quan tương duyên với gia đình, xã hội, học đường, trường phái, v.v… và cứ thế lan ra, chuyền ra, liên hệ đến vô lượng vô số sự vật trong một quốc độ, trong toàn thể vũ trụ pháp giới, điều mà trong Phật Giáo gọi là "trùng trùng duyên khởi." Thiếu một trong vô số những yếu tố, điều kiện, nhân duyên đó thì không thể có họa phẩm. Như vậy, họa phẩm chỉ là một tên gọi, giả danh, của một tập hợp nhiều điều kiện, nhiều duyên. Họa phẩm, tận cùng bản thể, không là gì cả, là "tính không."
Trong ý nghĩa này, người vẽ tranh thực hiện một họa phẩm há không phải là trải nghiệm "tính không,' đó sao"