Hôm nay,  

Mời Xem Triển Lãm Bút Họa Của Họa Sĩ Châu Thuỵ Tại Đại Học Soka

02/07/200900:00:00(Xem: 3964)

Mời xem triển lãm bút họa của họa sĩ châu thuỵ Tại Đại Học Soka, TP Aliso Veijo, Từ 11-6-2009 Đến 20-8-2009
Vài tác phẩm của họa sĩ Châu Thụy.


Họa sĩ Châu Thụy đã hiển lộ được các nét đẹp họa pháp Việt qua cuộc triển lãm khai mạc hôm Thứ Năm ngày 25 tháng 6 năm 2009 tại Đại Học Soka ở Quận Cam.
Trong không khí của buổi cuối Xuân, những cơn gió nhẹ thổi những áng sương mờ buổi sáng, để lộ ra khuôn viên trường Đại Học Soka (SUA) nằm trên ngọn đồi thơ mộng.
Đi từ đại lộ 22 ngang qua thành phố Little Saigon về phía nam, đổi qua đại lộ 5, và tách vào con đường Oso parkway dẫn vào thành phố Aliso Veijo, con đường quanh co dẫn lên dốc với những cây thông liễu rũ làm con đường mang một sắc thái huyền aỏ đưa người thưởng ngoạn bước vào khung cảnh của mùa đông quanh đây nhưng thiếu vắng những hạt tuyến trắng trên những cành lá cây xanh thẵm. Qua những trồi lõm của đoạn đường ngắn, khuôn viên trường từ từ hiên ra trứơc mắt, đây là một trường Đại Học tư, bất vụ lợi, có tỷ số 9 sinh viên 1 giáo sư và mỗi lớp học không quá 13 sinh viên, ngoài ra còn có thể giúp các sinh viên có cơ hội du học. Chương trình học tại SUA không chịu ảnh hưởng của bất cứ một tôn giáo nào và nhà trường đón nhận mọi sinh viên ưu tú không phân biệt sắc tộc. Khoảng phân nửa số sinh viên là người Mỹ, số còn lại đến từ 30 quốc gia khác. SUA tự hào được sáng lập trên căn bản các nguyên tắc Phật giáo là Hòa Bình, Nhân Quyền, và Tính Thánh Thiện của Sự Sống.
Trong toà nhà Fouders Hall Art Gallery, nơi trưng bày trên 50 tác phẩm của 25 hoạ sỹ gồm có Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn và Trung Hoa trong một cuộc triển lãm về đề tài “Biển Mực - Bút Họa và thư pháp Quốc tế.
Mô Tả Về Cuộc Triển Lãm:
Nghệ thuật viết chữ đẹp (calligraphy) cũng như ý nghĩa của nó vừa thâm thúy, vừa bao la như đại dương. Đây là một nghệ thuật đã có một  lịch sử chuyển hóa và mỹ hóa liên tục suốt 4 ngàn năm qua, vượt qua các biên giới không gian và thời gian, và phát triển mạnh mẽ khắp các trung tâm văn hóa Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, và Nhật Bản. Tính cách vĩ đại và trường tồn của nghệ thuật này bắt nguồn từ tính dễ thích ứng với thời gian và với những nền văn hóa khác nhau ở từng địa phương. Với một ý thức sắc bén mới và với tiềm lực lớn lao của nó, nghệ thuật này đã vượt đại dương để đến với những người thưởng ngoạn nghệ thuật trong thế giới thân thuộc của chúng ta.   
Hội Nghệ Thuật Bút Họa Quốc Tế (Association of International Calligraphy Arts viết tắt là AICA)
Trụ sở ở Miền Nam Cali, thành lập cách đây 3 năm để phổ biến và phát triển nghệ thuật viết chữ đẹp ở Hoa Kỳ. Tổng cộng 25 họa sĩ có tác phẩm triển lãm trong cuộc triển lãm thuộc nhiều sắc tộc và nguồn gốc khác nhau, nhưng cả thẩy đều đã dầy công trong ngành nghệ thuật viết chữ đẹp và đã nhiều năm giảng dạy về ngành này. Trên 50 tác phẩm bút pháp họa, từ cổ điển đến đương đại, là những cống hiến tại Hoa Kỳ để đóng góp thêm vào truyền thống cao đẹp và lâu đời này
Bên cạnh phần đông các tác phẩm thư pháp viết bằng chữ Hán, trong đó có ba tác phẩm của Họa ngữ Châu Thụy, nổi bật với màu sắc và đầy ý nghiã qua nét Bút Họa bằng chữ Quốc Ngữ Việt Nam.
Họa Ngữ Châu Thụy 
Có lẽ chúng ta thường nghe danh xưng cho những người làm nghệ thuật là hoạ sỹ, nhưng ở đây, cho một trường hợp đặc biệt, Hòa Thượng Thích Thiện Dũng đã gọi Châu Thụy là Hoạ ngữ.  Trong đam mê về nghệ, Châu Thụy đã từng bỏ ngành Kỹ sư Điện một thời gian mấy năm đễ chú tâm nghiên cứu và giảng dậy về môn nghệ thuật này, sau những lần triển lãm Cal State Fullerton, trong làng Việt Nam trong các hội chợ tết sinh viên ở thành phố Westminster, San Diego, Chùa Bảo Quang, đến Thủ đô Sacramento. Anh đã từng có bức tranh chữ “Việt” trưng bày tại Quốc hội California, thành phố Sacramento một năm rưỡi và bức tranh chữ “Tâm” tại bảo tang viện Asian Pacific thuộc thành phố Pasedena sáu tháng vừa qua. Ngoài ra anh đã từng có những buổi nói chuyện về nghệ thuật Bút Họa với các em trung học trong khoá cắm trại hè, các thầy cô giáo ở khoá huấn luyện Sư Phạm, các buổi họp mặt về Thi Ca, nhất là ở các hội chợ Tết, anh có dịp gặp rất nhiều người để nói về cái nét đẹp chân qúy và sắc ý cao cả trong chữ Quốc Ngữ Việt Nam được thể hiện qua nghệ thuật Bút Hoạ.   
Ý Nghiã Diễn Giải
Đây là ý nghiã ba tác phẩm qua lời diễn giải của Vô Âm:
1. “Việt”
Để tìm đến bờ tự do, chúng ta đã phải hy sinh thật nhiều. Mặc dù chúng ta đã mất mát hầu hết mọi thứ: như nhà cửa, đất nước thân yêu, người thân cùng bạn bè, nhưng chúng ta vẫn giữ nền tản văn hóa và nguồn gốc dân tộc “Việt”
Tất cả đã được khéo léo diễn tả qua tác phẩm trường phái ấn tượng của hoạ sĩ Châu Thuỵ, qua bức tranh “Việt” bằng những mầu sắc đã làm sáng ngời trên dân tộc Việt. Tác phẩm đã khơi dậy một niềm tự hào đầy giá trị cũng như truyền thống đã được trân quý trong sự tự do dù đã trải qua nhiều nghìn năm đấu tranh hào hùng để giữ vững dân tộc “Việt”
Nền văn hóa của dân tộc Việt cũng như giá trị và ý tưởng đã được thể hiện qua bút họa đầy tỉ mỉ bởi hoạ sĩ Châu thuỵ đã được khai phá thật điêu luyện bằng Bút Pháp theo trường phái thật ấn tượng.
Yếu tố nghệ thuật:
Màu vàng: tượng trưng cho màu da của dân tộc Việt Nam
Màu đỏ: tượng trưng cho sự đau đớn cùng những dòng máu đã đổ cho cuộc đấu tranh kiên trì


Ánh trăng: Trong phong tục của người Việt, trăng đã gợi cho ta niềm vui mừng trong một mùa gắt hái tốt đẹp vào dịp tết trung thu.
Nam giới: Giơ cao tay đón mừng sự tự do
Phụ nữ: Đội nón lá khi đang làm công việc đồng án
Thanh Kiếm: Chiến tranh và cuộc tranh đấu
Ánh đuốc: chiếu sáng cho sự tự do
Hình dạng S: biểu tượng cho bản đồ nước Việt Nam
2. “Thuyền Nhân”
Trong cuộc vượt biên đầy gian nan, những thuyền nhân đã hy sinh hầu như tất cả. Nhưng họ vẫn không đánh mất nhân phẩm của mình. Điều đó đã được thực hiện qua nét bút thật độc đáo đã diễn tả từng người đứng hiên ngang chờ đợi giây phút được cứu vớt.
Niềm tin đã giúp họ trải qua được mọi thử thách khi đang đối diện với sự chết. Chỉ có một vị cứu tinh đó là Thượng Đế, người là niềm hy vọng duy nhất cho sự sống còn của họ. Người thì cầu nguyện với Thượng Đế, người thì thinh lặng cầu nguyện cho một phép lạ. Tất cả lòng dũng cảm đã được thể hiện sâu sắc trong tác phẩm này đó là những thuyền nhân thà chết hiên ngang cho lý tưởng chứ không sống quỵ luỵ.
Nỗi đau của họ đã chảy dài qua những giọt lệ, cùng sự than khóc đang lắng chìm trong biển cả. Chúng ta, những người may mắn còn xót lại, xin nguyện khơi dậy những âm thanh lăng thinh ấy.
Yếu tố nghệ thuật:
Hai đường bắt chéo: Đó là sự chuyển tiếp giữa ngục tù và tự do, bến bờ và biển, đau khổ và hạnh phúc, sự sống và sự chết.
Đắm Thuyền: Thuyền nhân từ già đến trẻ, đàn ông hay phụ nữ, tất cả đều mong chờ sự cứu giúp.
Nước mắt: tượng trưng cho ngàn giọt lệ.
3. “Nô Lê”
Ở thế kỷ 21, tệ nạn buôn người vẫn đang tiếp diễn, đàn bà và trẻ em nữ vẫn bị bán vào các nhà buôn. Bóc lột có thể tránh được, thế giới có thể sống trong an bình, và trần gian có thể là một nơi tốt đẹp để sống. Đó là những gì khắc khoải gióng lên trong tác phẩm Bút Họa.
Yếu tố nghệ thuật:
Trắng và đen: biểu tượng cho sự tự do và ngục tù
Chữ n biểu tượng cho con chim lạc đàn
Chữ ô và l biểu tượng cho hình ảnh một em bé bị áp bức
Giọt máu: tượng trưng cho tuổi thơ bị chà đạp mất mát
Nhận Xét
Tiến sỹ Trần Văn Lương thổ lộ sau những dịp xem những tác phẩm của Châu Thuy:
“Mỗi tác phẩm của Châu Thụy đều có một cái gì bắt chúng ta phải suy nghĩ, phải lắng đọng tâm tư để hòa nhập hồn mình vào trong nét bút và cảm nhận được cái ý nghĩa thâm sâu mà Châu Thụy đã gói ghém trong tác phẩm của mình. Châu Thụy viết chữ không phải là chỉ để viết chữ cho đẹp, cho dễ nhìn mà thôi. Châu Thụy vẽ, không phải là chỉ để phô bày một bức tranh nghệ thuật mà thôi (ars gratia artis). Nhưng Châu Thụy đã dùng nét bút để trải ra những băn khoăn khắc khoải của chính mình. Do đó, trong mỗi tác phẩm của Châu Thụy, chúng ta thấy được -- bằng con mắt của tấm lòng -- một mảnh hồn của tác giả cùng những suy tư siêu hình (bức họa chữ GOD, Phật...) hoặc tình cảm của tác giả khi nghĩ về một quê hương khốn khổ (bản đồ VN...) hoặc cái nhìn về tình yêu giữa người với người (chữ Yêu, Mẹ ...). Chúng ta không có nói quá khi bảo rằng Châu Thụy đã suy tư bằng nét bút. Tác phẩm của Châu Thụy đòi hỏi người xem phải thể hiện một chút cố gắng nào đó, phải bước ra khỏi cái tâm  chật hẹp của mình để hòa mình vào cái dòng suy tư của tác giả để rong chơi trong một khung trời  chan hòa tình tự quê hương và tình yêu giữa người với người.
Như vậy Châu Thụy đã tự tạo cho mình một lối đi riêng, tự mình vạch lấy một con đường nghệ thuật cao ngất vời vợi, một khung trời mà nơi đó Châu Thụy đứng sừng sững như một ngọn cô phong. Châu Thụy đã vượt lên trên ranh giới của thư pháp, ranh giới của thư họa để bước vào khu vườn của ý thức, của suy tư và cảm xúc nghệ thuật, nơi tài năng đã phối hợp nhịp nhàng với sự sáng tạo và tiếng nói của một con tim chân chính Việt nam.”
Giáo Sư Lưu Trung Khảo nhân xét về Bút Họa Châu Thụy như sau: 
“Châu Thụy, một nghệ sĩ trẻ đưa ra trình làng một sáng tạo mới, một lối thư pháp đầy ấn tượng mà Châu Thụy mệnh danh là Bút Hoạ Ấn Tượng (Impressionistic Calligraphy). Với lối Bút Hoạ Ấn Tượng này, Châu Thụy đã thổi hồn vào mỗi con chữ. Một nhà thơ Pháp đã có lần thảng thốt kêu lên : "Objets inanime's, avez-vous donc une âme"" Những vật bất động kia, phải chăng các ngươi cũng có một linh hồn" Châu Thụy đã cụ thể hoá câu thơ trên, đã làm cho mỗi con chữ có một tâm hồn, biết cười, biết khóc, biết vui, biết buồn, biết yêu, biết ghé, biết nhỏ lệ đau thương, biết hiên ngang hãnh diện, biết hướng về nội tâm để cảm thấy cái hư vô của kiếp người, biết hướng ra ngoại cảnh để cảm nhận cái bao la vô cùng của vũ trụ. Mỗi bức tranh chữ này mang lại cho người thưởng ngoạn những ấn tượng khác nhau. Nó tạo ra ngay một cảm quan và càng nhìn ngắm càng khám phá ra nhiều ý nghĩa sâu sắc thâm trầm. Ngòi viết đã giải thích rất rõ nét cho từng bức tranh giầu tính cách sáng tạo này.”
Đây là niềm hãnh diện của văn hoá Việt Nam, tham dự cuộc triển lãm Bút Hoạ Quốc tế (AICA) với chủ đề: “Biển Mực: Bút Họa và Thư Pháp tại Hoa Kỳ” tại trường Đại Học SOKA tại Phòng Triển Lãm Founders Hall trên lầu 2 trường Đại Học Soka. Cuộc triển lãm sẽ tiếp tục mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều,  từ Thứ Hai đến Thứ Sáu mỗi tuần, và sẽ kéo dài từ ngày 11 tháng 6 đến ngày 20 tháng 8, 2009.
Kính mong Qúy vị đồng hương có dịp ghé qua phòng triển lãm để thưởng lãm các tác phẩm của Họa Ngữ Châu Thụy, chung niềm hãnh diện về nền Văn hoá Việt Nam của chúng ta bên cạnh các quốc gia Nhật Bản, Đại Hàn và Trung Quốc.

Ý kiến bạn đọc
23/02/201501:04:52
Khách
Được người bạn nhân đến hội chợ sinh viên South Orange county có được bút ký tập thư pháp. Thư pháp Châu Thụy thanh thoát mà đơn giản như tâm trong thân như thọ trong pháp thật tuyệt vời. Có thể nào xin địa chỉ để mình xin gửi chút phí tổn và cước phí xin Châu Thụy gửi cho tập thư pháp vô cùng giá trị
. Xin chân thành đa tạ
CKHai
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.