Hôm nay,  

Ngày Tôn Sư Trọng Đạo: Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô

24/12/200800:00:00(Xem: 3699)

NGÀY TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO: NGÀY NHỚ ƠN THẦY CÔ
Hình ảnh trong buổi Tôn Sư Trọng Đạo.


Ngày Chủ Nhựt 21 tháng 12, 2008 vừa qua hội Lăng Ông - Lê Văn Duyệt Foundation cùng sự hợp tác của hội Petrus Ký, nhóm Sương Nguyệt Anh, nhóm Les Lauriers/Tân Thịnh, nhóm Regina Pacis, . . . đã tổ chức Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô, hay Ngày Tôn Sư Trọng Đạo tại nhà hàng Emerald Bay thành phố Santa Ana một cách rất tốt đẹp. Có hơn 250 quan khách tham dự trong đó phần đông là các giáo chức và cựu học sinh các trường ở Miền Nam tự do trước 1975.
Trong phần mở đầu, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, cựu hiệu trưởng Petrus Ký và cựu Thứ Trưởng Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, thay mặt ban tổ chức, chào mừng quan khách và trân trọng cám ơn nhiều vị giáo sư thanh tra, hiệu trưởng, các vị hội trưởng hội đồng hương, các anh em cựu học sinh các trường cùng các cơ quan truyền thông báo chí tham dự buổi lễ. Người ta thấy có sự hiện diện của giáo sư tiến sĩ Trần Huy Bích, giáo sư Lưu Trung Khảo, giáo sư King và một số các giáo sư nha khoa của đại học Mỹ ở Nam Cali, giáo sư Thái Doãn Ngà cựu Chánh Sở Học Chánh Quảng Nam-Đà Nẵng, giáo sư Huỳnh Trung Nghĩa cựu Chánh sở Học chánh Bạc Liêu, các cựu hiệu trưởng các trường Trung Học lớn như Petrus Ký(giáo sư Liêm), Chu Văn An (giáo sư Dương Minh Kính), Thủ Khoa Nghĩa (giáo sư Nguyễn Văn Ngàn),  Phan Châu Trinh (giáo sư Thái Doãn Ngà), Mạc Đỉnh Chi (giáo sư Lý Di), Phan Thanh Giản (giáo sư Nguyễn Trung Quân), trung học Bạc Liêu (giáo sư Huỳnh Trung Nghĩa), trường nữ tiểu học Mỹ Tho (bà Trương Thị Mai), kỹ sư Nguyễn Mai, Tổng Thơ Ký hội Liên Trường, dược sĩ Vũ Văn Tùng, chủ tịch hội Dược Sĩ Việt Mỹ và chủ tịch Văn Bút Nam California cùng phu nhân là dược sĩ Tuyết Yên, bác sĩ Tôn Thất Cần và phu nhân là giáo sư Phạm Bội Hoàn, nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh và phu quân Nguyễn Quang Huy, các vị hội trưởng các hội đồng hương Gia Định, Bình Dương, thẩm phán Đặng Đình Long, chủ tịch hội Ái Hữu Luật Khoa Việt Nam, luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa, hội trường hội Đền Hùng và hiện là người điều hợp Uỷ Ban Vận Động & Xây Dựng Sức Mạnh Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali, nhà văn Trần Việt Hải Tổng Thơ Ký Văn Đàn Đồng Tâm cùng với thi sĩ Quỳnh Giao, nhà văn Bích Huyền, và nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi, ông Nguyễn Minh Chiêu chủ tịch công ty Tây Hồ và Saigon City Market, bác sĩ Peter Morita của cọng ty Princess Lifestyle, một số đông các giáo chức tốt nghiệp trường Sư Phạm Sài Gòn, các cựu học sinh các trường Les Lauriers, Tân Thịnh, Lê Bá Cang, Gia Long, Trưng Vương, Petrus Ký, Chu Văn An, v v . . . Phía các cơ quan truyền thông, có sự hiện diện của đốc sự Đỗ Tiến Đức, chủ nhiệm tờ Thời Luận, ký giả Anh Thành của Viễn Đông và Huy Nguyễn của Việt Báo, Bích Phượng của đài truyền thanh, Thảo Huỳnh và Mỹ Lan của đài VHN-TV.
Trong bài diễn văn khai mạc, giáo sư Liêm nói: "Xã hội nào muốn tiến bộ cũng phải nhờ đến giáo dục. Quan trọng nhất trong giáo dục là nhà giáo, là thầy cô. Người Việt Nam có truyền thống lâu dài hiếu học và tôn sư trọng đạo. Trong xã hội xưa địa vị của ông thầy được đặt trên cả cha mẹ, chỉ ở dưới nhà vua. Quan niệm "quân, sư, phụ" tuy ngày nay không còn nói đến nhưng địa vị của nhà giáo vẫn được đề cao.
Quốc tế có Ngày Nhà Giáo để vinh danh những người dạy học. Unesco ấn định ngày Nhà Giáo là ngày 5 tháng 10. Trên thế giới có khoảng 100 quốc gia có tổ chức Ngày Nhà Giáo, mỗi nước tự chọn lấy ngày thích hợp cho xứ mình. Ấn Độ chọn ngày 5 tháng 9, ngày sinh nhựt của giáo sư Tiến sĩ Sarvepalli Radhakrishnan, vị Tổng Thống thứ nhì của Ấn Đô làm ngày Teachers' Day. Trung Quốc lấy ngày Đản sinh của Đức Khổng Tử (ngày 27 tháng 8) làm ngày Nhà Giáo. Hoa Kỳ lấy ngày Thứ Ba của tuần lễ đầu của tháng 5 làm ngày Teachers' Day. Thật ra thì họ lấy cả tuần lễ này nhưng không xem Teachers' Day là ngày lễ nghỉ chính thức của quốc gia. Ở Việt Nam thì chính quyền cộng sản chọn ngày 20 tháng 11 làm Ngày Nhà Giáo. Trong ngày này thường có huấn từ có diễn văn từ phía chính quyền. Phía phụ huynh học sinh và học sinh thì có thiệp chúc mừng hay cám ơn, có những bó hoa, có những bửa tiệc hay những món quà gởi tặng thầy cô. Trong tình trạng văn hóa/giáo dục suy đồi/tụt hậu ngày nay ở Việt Nam, ngày Nhà Giáo đưa đến tệ trạng phong bì, đồ tặng quí giá làm thành của hối lộ cho thầy cô để con mình được hạng cao, được săn sóc kỹ hơn những bạn khác cùng lớp.


Ở Miền Nam trước 1975, không chánh thức có Ngày Giáo Chức. Nhưng tình thầy trò còn rất tốt đẹp. Học trò kính trọng thầy, thương mến thầy và thầy cô thương mến học trò, dạy dỗ với lương tâm chức nghiệp. Không phải chỉ dạy dỗ, giúp mở mang kiến thức mà còn phải làm tấm gương tốt cho học sinh. Với đồng lương khiêm nhượng, nhà giáo vẫn phải ăn mặc đứng đắn, ăn nói, đi đứng đạo mạo, đạo đức. Giữ đúng vai trò của nhà mô phạm, tức cái khuôn mẫu cho học sinh noi theo.
Trường sư phạm nào cũng có treo khẩu hiệu "Lương Sư Hưng Quốc", tức ông thầy tốt, có kiến thức sâu rộng, có khả năng dạy dỗ, có đạo đức, làm hết lương tâm chức nghiệp, là người làm cho quốc gia hưng thịnh, vì đào tạo được những người giỏi và đức hạnh cho quốc gia.
Tổ chức Ngày Nhớ Ơn Thầy (Ngày Tôn Sư Trọng Đạo, Ngày Giáo Chức, Ngày Sư Phạm), Lê Văn Duyệt Foundation muốn duy trì truyền thống tốt đẹp của ông thầy của nhà giáo, đúng nghĩa nhà giáo, của tình thầy trò với lòng tôn trọng, kính nể và lòng thương mến  đối với Thầy Cô.       
 Tiếp theo phần mở đầu của giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là phần nói chuyện của giáo sư Phạm Quân Hồng, giáo sư Mạc Đỉnh Chi, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, ban Việt Hán trước 1975, về tư cách của ông thầy, về lối dạy đời, đạo đức của người xưa, nhất là tình thầy trò sâu đậm trong truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam trước 1975. Bằng giọng hùng hồn, hấp dẫn giáo sư Hồng đã thu hút khán giả trong suốt 15 phút thuyết trình của ông. Sau phần nói chuyện của giáo sư Hồng là phần phát biểu cảm tưởng của cựu hội trưởng hội đồng hương Tây Ninh, Nguyễn Lý Sáng. Ông kể lại cung cách kính nể thầy cũ của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc khiến mọi người đều hết lòng kính phục. Tiếp theo là một giáo chức, cô Trương Nguyệt Ánh, hiện là một nghị viên trong hội đồng thành phố Miền Tây nước Úc, sang tham dự Ngày Tôn Sư Trọng Đạo, bày tõ cảm tưởng đặc biệt của cô về ngày lễ nhiều ý nghĩa tốt đẹp này. Bé Đan Vi lên diễn đàn đọc một bài thơ đề cao giá trị của ông Thầy thật là dễ thương.
Tất cả các nhà giáo, bất kể là giáo sư đại học, hay giáo viên Tiểu học, dù là giáo sư Việt hay giáo sư Mỹ (có dạy học viên Việt Nam) đều được mời lên sân khấu. Các giáo chức được nhiều học sinh lên gắn một phù hiệu nhỏ trên bâu áo để tõ lòng kính trọng, biết ơn và tôn vinh vai trò quan trọng của bậc làm thầy. Đây là phù hiệu có hàng chữ Tôn Sư Trọng Đạo, và do hội Lăng Ông - Lê Văn Duyệt Foundation kính tặng. Hơn năm mươi nhà giáo, trẻ có, già có, Mỹ có, Việt có, cả nam lẫn nữ đã vui vẻ bước lên sân khấu. Và hơn mấy chục học sinh cùng bước lên khán đài, gắn phù hiệu cho thầy cô, trong khi hàng chục máy ảnh thi nhau bắm nút, tạo nên khung cảnh thật vui nhộn nhưng cũng thật là cảm động.
Tiếp theo là phần văn nghệ rất đặc sắc và phong phú do nhà giáo Thuỳ Liêm phụ trách. Chen vào phần văn nghệ có phần phát biểu của linh mục Tâm Duy nói lên lòng thương mến của mình đối với ông thầy cũ là giáo sư Trần Quang Minh, giáo sư Triết của trường trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Cuộc đối thoại của thầy trò thật thích thú. Buổi ăn trưa thanh đạm được nhà hàng Emerald Bay cung ứng. Phần văn nghệ còn nhiều màn đặc sắc nhưng chưa kịp trình diễn hết các tiết mục thì đã đến giờ. Ban tổ chức đành xin lỗi để hẹn ngày tái ngộ. Buổi lễ chấm dứt lúc 3:00 chiều.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.