Hôm nay,  

Người Đi Dấu Vết Chưa Nhòa, Tường Thuật Lễ Thọ Tang Đức Tăng Thống Tại Chùa Quang Thiện, Cali

17/07/200800:00:00(Xem: 4513)

Hình ảnh trong Lễ Cảm Niệm.

Chùa Quang Thiện những ngày qua chìm đắm trong tiếng kinh cầu nguyện hòa với tiếng chuông ngân vang cùng nhịp mõ cốc cốc… từ tờ mờ sáng đến tận tối khuya. Cả thầy lẫn trò khẩn thiết miệt mài chuyên tu biến những dòng lệ thương đau thành công phu tu tập an lành kính dâng lên đức Tăng Thống để tiễn biệt Ngài vĩnh viễn đi xa.

 Sanh già bệnh chết là quy luật muôn thuở của kiếp người. Có ai sanh ra mà sống hoài không chết" có ai mà không buồn trước cảnh sanh tử biệt ly" Ngày xưa khi Đức Thế Tôn thị tịch giữa Tala song thọ, các vị Thánh đệ tử còn than khóc bi thương.Theo truyền thống văn hoá Phật giáo Niệt Nam, thầy chúng tôi đã quyết định tổ chức lễ cảm niệm và thọ  tang  của môn đồ pháp quyến để cho các vị  bày tỏ trọn lòng hiếu đạo của mình

Buỗi lễ bắt đầu vào lúc 3:30 pm, chủ nhật, 13 tháng7 dưới sự điều hợp cúa MC Quang Tuệ Huỳnh Phước, một Phật tử thuần thành của  chùa. Chánh điện nhỏ bé như quá tải với dung lượng người nhưng đầy trang nghiêm. Linh đài của Đức Tăng thống được tôn trí thật khéo léo giản dị với hoa,đèn,trầm hương. Trên cao, tôn tượng đức Bổn sư Thích Ca vi tiếu an tọa liên tòa.  Hai giò hoa lan thật trang nhã hai bên làm sống lại những trang kinh trong  đại tạng Nikàya  kể lại thuở Phật còn tại thế, mỗi ngày người và trời thường đem hoa thơm đẹp nhất tới dâng cúng ngài, đã có nhiều người tái sanh lên cõi trời với nhiều phước báo đặc biệt nhờ vào tâm lành dâng hoa cúng Phật mà các vị thiên tử khác

 Quả thật là một đại phước duyên khi  ngôi chùa Quang Thiện nhỏ nhoi , ở nơi xa xôi hẻo lánh, tựa mình nơi góc đường E và Campus được chư vị Hòa Thượng Trưởng Lão quang lâm: HT. Huyền Dung, HT. Minh Thông, HT. Hạnh Đạo,HT Thiện Hương HT. Phước Thuận, HT. Nguyên Trí, HT Từ Diệu, HT. Minh Tuyên, HT Minh Hồi, HT Giác Sĩ và Hòa Thượng Trí Lãng. Có phải chăng, đó chính là lòng kính ngưỡng của các Ngài đối với Cố Hòa Thượng Tăng Thống, cũng như sự quý mến thương yêu Thượng Tọa trụ trì Minh Dung  và hàng môn đồ hiếu quyến đang buồn thảm cảnh biệt ly" Bên cạnh các bậc tôn túc trưởng lão, còn có các vị Thượng toạ ở xa như TT Tuệ Uy chùa Hộ Pháp,TT Thông Niệm chùa Viên Thông, TT Từ Hạnh, TT Phổ Hoà, TT Minh Chí…chư vị đại đức Tăng chùa Bát Nhã , Phật học viện Quốc tế, chùa Việt Nam LA, Ni chúng chùa: Quan Âm , Bát Nhã, Vĩnh Nghiêm, Tổng hội cư sĩ… các giáo sư học giả đã từng sống và làm việc cùng với HT Tăng Thống, hay  từng thọ giáo với Ngài, như: giáo sư Bùi Ngọc Đường, GS. Trần Quang Thuận, nhà văn Vĩnh Hảo, Như Hùng… Thân Hữu Già Lam, các đoàn Phật tử ở các chùa cũng tháp tùng đông đảo. Ước tính, có khoảng 60 Tăng Ni và trên 200 Phật tử đến tham dự.

Lễ rước linh ảnh đức Tăng Thống đi nhiễu một vòng quanh vườn chùa  thật ấm cúng và đượm tình đạo. TT. Minh Dung đảnh lễ di ảnh Sư Phụ mà nước mắt trào dâng, sau đó Thầy nâng di ảnh ngang ngực, hai chiếc lọng vàng do hai vị đại đức trong môn đồ hiếu quyến che hai bên linh ảnh Ngài. trong tiếng chuông trống Bát nhã vang rền và âm điệu Nam…Mô…A…Di…Đà….Phật bi hùng của hơn năm mươi bóng y vàng thanh thoát và hơn hai trăm năm mươi bóng áo nâu , áo lam theo sau di ảnh nhịp nhàng  với tiếng khánh thỉnh đưa cùng trầm hương dâng cúng.

 Sau khi di ảnh Hoà Thượng trở về chánh điện đảnh lễ Tam Bảo và được tôn trí trên cao, quý chư tôn đức và Phật tử đều an vị nơi ghế ngồi đã sắp sẵn, HT. Nguyên Trí tuyên đọc tiểu sử của đức Tăng Thống. Bao nhiêu dư ảnh cuộc đời của đức Tăng Thống lại hiện về trong lòng của tứ chúng. Cuộc đời Ngài như là hành trạng của bậc hóa thân đại sĩ. "Thân tại ngục trung, ý tại ngục ngoại". Khi ngài bị quản chế, tù đày, Ngài không trách móc, mà trái lại Ngài nghiên tầm tam tạng, trước tác Pháp Sự Khoa Nghi, và nhiều tác phẩm khác. Khi không bị quản chế, Ngài đi các nơi gây dựng học đường, đạo tạo tăng tài, và nối kết các tín đồ Phật giáo lại với nhau trong tinh thần lục hòa.

Cuộc đời của đức Tăng Thống lại được tái hiện một cách cụ thể và rõ nét hơn trong sự chia sẻ của HT. Huyền Dung - pháp huynh của Ngài,  HT. Hạnh Đạo, GS. Bùi Ngọc Đường, Đại đức Đồng Tiến và nhà văn Vĩnh Hảo.

 Lời GS. Bùi Ngọc Đường, người phụ tá của Hòa Thượng trước 1975 tha thiết: "… như bóng cây cổ thụ phủ dài suốt nửa thế kỷ qua, đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ tăng ni. Ngài đã nằm xuống, những đệ tử muốn trả ơn không gì giá trị hơn, hãy làm những việc gì để tăng ni Việt Nam đoàn kết, không chia rẽ - đóng góp cho Phật giáo Việt Nam. Quần chúng nương vào đó để đi tiếp con đường giải thoát..."

  Đại đức Thích Đồng Tiến, đại diện môn đồ pháp quyến dâng lời cảm niệm, trong đó có câu: "Thầy từng dạy chúng con: 'Suốt mấy mươi năm quản chế tù đày, Thầy đã đọc xong bộ đại tạng kinh, trích lục, chú thích, mong mỏi Phật giáo Việt Nam có bộ đại tạng như các quốc gia trên thế giới. Thầy mong các con học xong rồi về lại Nguyên Thiều, theo chỗ trích lục của Thầy mà dịch ra, đừng lo chuyện ăn ở, chi tiêu, Thầy sẽ lo cho'."  Lời cảm niệm mộc mạc của Thầy đã làm cho đạo tràng không khỏi ngấn lệ tiếc thương bậc đạo sư, bậc thầy giản dị nhưng chứa đựng cả đại nguyện vì sự hưng vong của PGVN.

 Nhà văn Vĩnh Hảo trong tâm trạng của một người học trò  nghẹn ngào khi nhớ đến thầy mình qua bài thơ Phất Trần Một Phẩy:

 "Ai có thể giam nhốt, trói buộc hay lạm dụng một cõi lòng tịch tịnh hư không,                 

Lão tăng bần hàn, một bát ba y, ở đâu cũng là tịnh độ niết bàn."

Trong buổi lễ truy niệm, còn tái hiện được nghi lễ của miền trung do TT. Chí Năng làm chủ sám. Âm điệu miền trung "xứ nẫu" qua chất giọng vang rền đầy uy lực từ mẫn của Thượng Toạ đã đưa hồn người về lại nơi đất tổ Nguyên Thiều Bình Định nơi mà nhục thân của HT còn lưu dấu khiến cho môn đồ không kìm được xúc cảm trào dâng.

Cuối buổi lễ là lời cảm tạ của TT. Minh Dung chứa đựng cả niềm vui và sự trân quý. Vui vì được quý Ngài, chư tôn đức tăng ni và Phật tử quang lâm và chia sẻ nỗi buồn khi mất đi một bậc Thầy khả kính; trân quý vì các Ngài vẫn luôn là những tàng cây che chở, bảo bọc cho chùa và tăng chúng trong những lúc gian khổ khó khăn.

 Và mục cuối trong buổi lễ đó là bữa cơm chiều thân mật với môn đồ pháp quyến. Bữa cơm đạm bạc nhưng cũng đầy đủ các món ngọt, mặn, bùi, cay, chua, nóng, lạnh do tất cả đầu bếp tài hoa - Phật tử của chùa Quang Thiện đảm trách. Đây là bữa cơm thân tình cảm động nhất từ trước đến nay.

 Buổi lễ đã hoàn mãn trong ý đạo tình đời. Dẫu biết rằng, hoá thân Ngài như cánh nhạn chiều hôm: "Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thuỷ, nhạn vô lưu tích chi ý, thuỷ vô lưu ảnh chi tâm" nhưng những gì Ngài để lại cho môn đồ hiếu quyến nói riêng và cho Phật giáo Việt Nam nói chung sẽ mãi mãi lưu hương.

Người đi dấu vết chưa nhoà

Bát y truyền lại sương pha lạnh lùng.

Tam sanh hẹn kiếp tao phùng,

Tôn phong Tổ ấn gởi cùng non sông .

 (Pháp sự khoa nghi_Huyền Quang)

QB LÊ THỊ THANH UYÊN

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.