Hôm nay,  

Ba Thế Hệ, 50 Năm Cay Đắng. Chớp Mắt 2 Tuần Lễ, Đoàn Tụ

03/09/200700:00:00(Xem: 3606)

ƯỚC MƠ  ĐÃ TỚI…

Nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa, trưởng ban tuyển chọn Viết Về Nước Mỹ, giới thiệu giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2007, Anne Khánh Vân với bài viết “Duyên Nợ với Nước Mỹ”: Trong câu chuyện này có thêm câu chuyện khác và trong  giải thưởng này có thêm giải thưởng khác.” Giấc mơ nước Mỹ lỡ dở hơn  50 năm của 3 thế hệ được hoàn tất chỉ trong 2 tuần lễ. Hình: Đoàn tụ trên đất Mỹ, Khánh Vân và ba má là ông bà Đỗ Huy Liệu thăm trụ sở Việt Báo đúng lúc khai mạc phòng triển lãm hội họa Thiếu Nhi và cùng dự họp mặt  Viết Về Nước Mỹ 26-8-2007.

*

Một ước mơ thôi đã nung nấu cả ba thế hệ. Bà nội mất đột ngột tại phòng cấp hộ chiếu ở Sài Gòn năm 1989, họ nghẹn ngào nuối tiếc nhìn ước mơ trôi tuột đi. Thế hệ thứ ba - Anne Khánh Vân trầy trật lắm mới rời được Việt Nam sang Pháp du học. Sau khi tốt nghiệp, thành côn dân rồi thành công chức Pháp, cuối cùng Khánh Vân cũng  đã với được ước mơ, tới đất Mỹ năm 2002.

Vào những ngày cuối tháng Tám 2007, thế hệ thứ hai - ông Đỗ Huy Liệu và bà Nguyễn Thị Huỳnh, ba mẹ của Khánh Vân cũng đã đạt được ước mơ, giấc mộng mà họ từng khao khát.

* Những Đoạn Đường Gian Nan

Ba của Khánh Vân kể lại, Mỹ quốc là mỹ từ mà ông mơ tưởng từ lúc mới lên 6 tuổi, sẽ được đặt chân tới. Những năm đầu thập niên 1960, gia đình ông ở Cống Bà Xếp, quận 3, Sài Gòn. Nhà nghèo, không nuôi nổi 5 con nhỏ khi chồng bạo bệnh mất sớm, bà mẹ thân sinh ông nghe người hàng xóm hướng dẫn, gửi tấm ảnh chụp đàn con nhỏ dại gồm 2 trai, 3 gái cho Hội Cha Mẹ Nuôi Quốc Tế để xin được giúp đỡ. Không ngờ, chỉ có cậu bé 6 tuổi Đỗ Huy Liệu lọt vào mắt xanh của hai ông bà người    Mỹ.

Ông Liệu vẫn còn nhớ hình ảnh của bà mẹ nuôi từ Virginia bay sang Sài Gòn gặp ông lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất. Người phụ nữ có vóc dáng mập mạp và khuôn mặt phúc hậu, vuốt tóc ông, dặn ông rán học giỏi. Mỗi lần nhận được giấy khen, ông gửi cho Hội Cha Mẹ Nuôi để nhờ chuyển tới cha mẹ nuôi. Bà liền gửi tiền, quà…về cho chú bé Liệu. Ông Liệu nhớ như in, đó là những thùng quà đựng đầy sách, tập vở, bút viết…ddắt tiền mà những cậu bé nghèo như ông không bao giờ mơ tới nổi. Ông vẫn còn xúc động khi nói về người mẹ nuôi ở Mỹ: "Nếu không nhờ sự giúp đỡ của ông bà ấy, chắc tôi đã thất học rồi… Lúc đó trong đầu tôi luôn nghĩ, tại sao người Mỹ ấy tốt với mình quá. Tôi nuôi hy vọng sẽ được tới Mỹ để thăm và đền ơn ông bà, bất chấp nước Mỹ xa xôi tới đâu…"

Thế nhưng hơn 50 năm trôi qua, giờ đây ông Liệu ngậm ngùi nhìn lại, con đường tới nước Mỹ quả là gian nan. Ông cũng hiểu rằng, có không ít người đánh đổi cả sinh mạng cũng không đạt được ước mơ. Còn ông, ít nhất 5 lần, ước mơ ấy trôi tuột khỏi tầm tay. Có lúc ông cầm chắc tới 99,99%, vậy mà rồi giấc mơ cũng hóa thành tro bụi.

Ông kể: "Lần đầu tiên vào năm 1975, khi ấy tôi là lính Không Quân, không nỡ ra đi một mình mà bỏ lại gia đình…. Và lần cuối cùng vào năm 1989, đó là cơ hội lớn được tới Mỹ nhờ chị tôi bảo lãnh mẹ và gia đình tôi. Chúng tôi làm thủ tục, chỉ còn chờ lấy hộ chiếu để lên máy bay. Nhưng má tôi chết đột ngột tại phòng chờ đợi nhận hộ chiếu, có lẽ vì quá xúc động. Bà mất đi trong nỗi tiếc nuối: không được tới nước Mỹ dù chỉ một ngày. Còn chúng tôi thì cảm thấy mất mát quá lớn lao: vừa mất mẹ, vừa hụt hẫng vì ước mơ xa dần. Tôi ngậm ngùi khi nghĩ tới đời người: tuổi đời càng cao, mơ ước tuổi xuân cũng xa dần, đôi chân mình ngày thêm nặng nề, sẽ không đi tới đâu được nữa."

  Cả ông lẫn bà đều không ngờ, thật bất ngờ khi Khánh Vân đoạt được giải thưởng lớn cuộc thi Viết Về Nước Mỹ 2007 của Việt Báo. Ông bà nhận được thư mời sang Mỹ tham dự buổi phát giải ngày 26-8-2007, cùng với tất cả những giấy tờ bảo lãnh, can thiệp của thượng nghị sĩ Jim Webb, của dân biểu liên bang Loretta Sanchez, cấp tập thực hiện trong vòng 12 ngày. Tưởng rằng thêm một lần nữa ước mơ lại không thành, nhưng kết quả nhanh hơn sức tưởng tượng: ông  bà cùng được cấp visa một lượt, rộn rã niềm vui trong khi hàng trăm người rời khỏi lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn với vẻ thất vọng. Hầu như cứ 10 người thì có tới 9 người bị bác.

* Nước Mỹ: Như Mơ!

Khi đặt chân tới phi trường Los Angeles, nhìn hàng vạn ánh đèn lấp lánh, ông bà cứ tưởng mình đang ở chốn thiên đường nào. Họ không tin vào mắt mình. Họ ngẩn ngơ trôi theo dòng người, bị lớp đàng sau đẩy đi về phía trước. Bối rối khi người thân chưa tới đón kịp, bà viết hàng chữ xin nhờ điện thoại để gọi phone. Một người Mỹ lập tức chìa điện thoại di động ra. Gọi xong, bà đưa tiền trả thì người ấy lắc đầu. Bà ngẩn ngơ:… thì ra người Mỹ là vậy.

Tới thương xá Phước Lộc Thọ, nhận ra một cộng đồng người Việt đông đúc, đọc báo Việt, nói tiếng Việt, bà thở phào nhẹ nhõm: thì ra họ chưa mất gốc, cũng không bị đồng hóa.

Đi thăm Hollywood, chụp ảnh với người giả dạng tài tử Charlot, đặt chân lên ngôi sao trên lề đường mang tên Michael Jackson, nhìn đường sá Mỹ thẳng tắp, người đi bộ tuân thủ luật lệ giao thông nghiêm ngặt, cả ông lẫn bà đều cảm nhận được rằng Việt Nam còn quá kém cỏi, nhỏ bé, còn quá nhiều điều để học. Trong bài thơ đầy xúc động bà Đỗ đã làm khi mới tới Mỹ có câu “Thực rồi mà vẫn tưởng như mơ.”

  Trưa Thứ Bẩy 26-8, ông bà Đỗ đã cùng trưởng nữ  Khánh Vân tới thăm Việt Báo, tham dự phòng tranh thiếu nhi.

  Chúng tôi còn gặp lại nhau ở nhà hàng Seafood World, nơi tưng bừng diễn ra buổi phát giải cuộc thi Viết Về Nước Mỹ tối 26-8. Tôi chụp ảnh và bắt gặp những ánh mắt mừng mừng, tủi tủi của ông bà Đỗ Huy Liệu - Nguyễn Thị Huỳnh và cô con gái yêu, Anne Khánh Vân. Khó mà diễn tả nỗi niềm hạnh phúc của họ, nhưng nhìn những nụ cười, nhìn ánh mắt của ông bà, ai cũng có thể hiểu được họ đang vui, nỗi vui mà hơn 50 năm, bây giờ mới có được.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.