Hôm nay,  

Người Gián Điệp Vốn Yêu Chúng Ta

28/12/200600:00:00(Xem: 8879)

Người gián điệp vốn yêu chúng ta

("The spy who loved us" của ký giả Thomas A. Bass đăng trong tạp chí The Neworker số tháng 5 năm 2005)

Cuộc đời hai mặt của phóng viên tờ báo Time ở Sài gòn trong cuộc chiến tranh Việt Nam

Người phóng viên cuối cùng của báo Time đánh điện về trụ sở chính của báo ở New York vào ngày 29 tháng 4 năm 1975 một thông tin có nội dung như sau, "Đây là Phạm xuân Ẩn. Tất cả những phóng viên Mỹ đều được di tản bởi tình trạng khẩn cấp. Văn phòng báo Time hiện nay được điều hành bởi Phạm xuân Ẩn." Ẩn tường trình thêm 3 bản tin từ Sài Gòn trong khi quân đội Bắc Việt khép chặt vòng vây Sài Gòn. Rồi tin tức điện về bị cắt đứt. Trong suốt năm sau, Ẩn hành xử như là phóng viên duy nhất của báo Time trong giai đoạn hậu chiến tranh Việt Nam, báo đăng những bài của Ẩn như " Cuộc chia tay tàn nhẫn cuối cùng" (The Last Grim Goodbye), "Những người chiến thắng: Là những người làm nên lịch sử" (Winner: The Men who made the history) và "Sài gòn: Một tuần yên tĩnh dưới chế độ Cộng sản" (Saigon: A calm week under communism). Ẩn là một trong số 39 phóng viên ngoại quốc làm việc cho báo Time khi văn phòng ở Sài Gòn bị đóng cửa và tên của ông ta bị xóa bỏ trên danh sách ban biên tập của báo vào ngày 10 tháng 5 năm 1976.

Được công nhận là một chuyên viên phân tích chính trị tài giỏi lỗi lạc, Ẩn bắt đầu làm việc trong thập niên 1960 cho hãng thông tấn Reuters và rồi cho báo Herald Tribune ở New York cùng báo The Christine Science Monitor, và cuối cùng làm phóng viên cho báo Time trong vòng 11 năm. Phạm xuân Ẩn dường như làm tốt công việc của mình trong việc trao đổi tin tức với những đồng nghiệp ở tiệm café Givral nằm trên đường Catinat cũ. Ở đây ông ta điều động chuyện cung cấp tin tức vào mỗi buổi trưa và được coi như nguồn tin chính xác nhất ở Sài Gòn. Ông ta được phong là "Thủ lãnh của đội quân báo chí Việt Nam" và "Tiếng nói của đài phát thanh Catinat" - tin đồn cứ thế mà lan xa ra. Với bản tính khôi hài hóm hỉnh cố hữu, ông thích những cái tên khác dành cho ông như "Bác sĩ về sinh lý", "Giáo sư đảo chánh", "Tư lệnh huấn luyện chó quân sự" (một ám chỉ đến con chó bẹc-giê thường đi theo ông), "Tiến sĩ về cách mạng" hay đơn giản, Tướng Givral.

Giờ đây chúng ta biết đó chỉ là một nửa công việc mà Ẩn đã làm với chức vụ phóng viên, chứ không phải là nửa phần kia. Ẩn đã gửi cho Bắc Việt Nam đều đặn những tài liệu quân sự bí mật và những thông điệp được viết bằng một thứ mực không nhìn thấy, nhưng tài liệu ông đánh máy gửi đi, hiện giờ nằm trong văn khố tình báo của Việt Nam và chỉ được chúng ta biết đến nhờ những bảo sao tường trình, sẽ được đánh giá một cách không nghi ngờ gì nữa là kiệt tác của ông ta. Ông dùng một máy đánh chữ hiệu Hermes do cơ quan tình báo Bắc Việt cung cấp để đánh những bản tường trình, có khi dài cả trăm trang vào ban đêm. Được chụp lại và chuyên chở dưới dạng những phim ảnh chưa rửa, những bản tường trình của Ẩn được giao liên đưa đến vùng địa đạo Củ chi, nơi được dùng làm Tổng hành dinh dưới đất của Cộng sản. Mỗi vài tuần, từ năm 1952, đích thân Ẩn rời văn phòng ở Sài Gòn,lái chừng 20 dặm về phía Tây Bắc về phía rừng Hố Bò, rồi lẩn vào những đường hầm để nghiên cứu về chiến thuật cho phe Cộng sản. Từ Củ chi, tài liệu của Ẩn được quân hộ tống đưa đến núi Bà Đen ở biên giới Campuchea, rồi tới Nam Vang, từ đây được đưa bằng máy bay đến Guangzhou (Quảng Đông) ở phía Nam Trung Hoa, và rồi được chuyển nhanh về cho bộ chính trị ở Bắc Việt Nam. Bản tường trình sống động và chi tiết cho đến nỗi nghe nói Tướng Giáp và Hồ chí Minh xoa tay và hân hoan đón nhận từ Trần văn Trung - Ẩn là tên bí danh. Giáp và Hồ sung sướng kêu lên" Chúng ta đang ở trong phòng chiến tranh của Mỹ!". Một số người trong chính trị bộ sau này cho biết như thế.

Khi Sài Gòn rơi vào tay Cộng sản, Ẩn cũng như những phóng viên đồng nghiệp của ông, hy vọng là sẽ được di tản đi Mỹ. Cơ quan tình báo Việt Nam có chương trình tiếp tục công việc ở Mỹ. Bộ chính trị biết rằng có một cuộc chiến-theo-sau-một- cuộc-chiến, một giai đoạn cay đắng của sự vận động chính trị trong đó Mỹ tiến hành những chiến dịch quân sự bí mật và cấm vận đối với Việt Nam. Còn ai báo cáo tốt hơn Phạm xuân Ẩn về những dự tính của Mỹ" Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, vợ của Ẩn và bốn đứa con được máy bay bốc đi ra khỏi Việt Nam và tái định cư ở Washington, D.C. Ẩn nóng lòng chờ đợi chỉ thị để thi hành, rồi lời truyền đến từ Bộ chính trị miền Bắc cho biết là ông không được rời khỏi nước.

Ẩn được phong làm Anh Hùng của quân đội võ trang nhân dân, được tặng thưởng 4 huy chương quân đội,và được thăng chức lên cấp bậc thiếu tướng. Ông bị gửi đi trại cải tạo (1) và cấm gặp khách phương Tây. Gia đình ông được đem trở lại Việt Nam sau một năm ra đi. Vấn đề của Phạm xuân Ẩn, dưới cái nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ông yêu nước Mỹ và người Mỹ, những giá trị dân chủ, và tính khách quan trong báo chí. Ông xem Mỹ như là một kẻ thù ngẫu nhiên vốn sẽ trở lại để thành một người bạn khi nhân dân ông giành được độc lập. Ẩn là loại người Việt Nam im lặng, một nhân vật đại diện có thời là một người làm cách mạng cả cuộc đời và là một người ngưỡng mộ nồng nhiệt nước Mỹ. Ông nói ông không bao giờ nói dối với ai, ông đưa những phân tích chính trị giống nhau cho báo Time cũng như đưa cho Hồ chí Minh. Ông là một con người bị giằng xé bởi sự chính trực tuyệt đối, một người sống như một người dối trá nhưng luôn luôn nói sự thật.

David Halberstam nói, "Câu chuyện của Ẩn làm tôi sực nhớ ngay đến Graham Greene". Davis Halberstam vốn là bạn của Ẩn khi ông làm phóng viên báo Time ở Việt Nam. "Nó đề cập đến tất cả những câu hỏi căn bản: Trung thành là gì" Yêu nước là gì" sự thật là gì" Anh là ai khi anh nói ra những sự thật đó"" Ông nói tiếp, "Có một sự mâu thuẫn trong con người Ẩn mà chúng ta hầu như khó tưởng tượng được. Nhìn lại, tôi thấy ông là người bị chặt đứt ngay ở giữa."

Trong cuốn sách xuất bản năm 1965 nói về Việt Nam, "Sự làm nên vũng lầy" (The making of a quagmire), Halberstam diễn tả Ẩn như là một người chủ chốt của "một mạng lưới tình báo tuy nhỏ nhưng rất hữu hiệu" trong giới ký giả và nhà văn. Ông nói Ẩn có những đường dây tiếp xúc về quân sự rất tốt trong nước." Giờ đây Halberstam biết câu chuyện của Ẩn, liệu ông có thái độ hằn học với Ẩn không" Ông trả lời, "Ồ, không" Ông nói lên ý kiến của hầu hết những đồng nghiệp cũ của Ẩn, "Đó là một câu chuyện đầy những kích thích tò mò, khói và gương, nhưng tôi vẫn nghĩ tốt về Ẩn. Tôi không bao giờ có cảm giác bị phản bội bởi Ẩn. Ông ta phải đối diện với chuyện là người Việt Nam trong một giai đoạn nguy kịch trong lịch sử, đó là thời kỳ không có gì ngoài sự phản bội đầy tràn trong không gian.

Thành phố Hồ chí Minh - hay vẫn thường được gọi là Sài Gòn - là một nơi thuần túy thương mại. Những xe đẩy và những xe bán hàng rong nối đuôi nhau để bán tất cả mọi thứ, từ cháo đến CD, những đường phố vang lên inh ỏi tiếng xe máy Trung quốc. Khói bay mù mịt đến nỗi những người đàn bà xinh đẹp của Sài Gòn bắt đầu dùng khẩu trang để che mặt. Cậu thanh niên tên Việt, ngồi phía sau chiếc xe máy Honda chở tôi quanh thành phố này, nói, "Chúng tôi tất cả đã trở thành người Hồi giáo rồi!"

Để đến nhà của Ẩn - một cái villa ở quận 3, một vùng đông đúc dân cư gần ga xe lửa - chúng tôi băng ngang một đoạn đường cắt đầy những tiệm sửa xe và đến một con đường chuyên bán cá nhiệt đới, trong đó bao gồm thứ cá đá Thái Lan mà Ẩn ưa thích. Tôi ấn tay vào cái chuông treo trên cánh cửa sắt màu xanh của nhà ông. Những con chó bắt đầu sủa, và tôi nhìn hé qua tấm lưới sắt để thấy Ẩn lê bước xuống tầng cấp. Đầu tóc rối, ông mặc một cái áo sọc ngắn tay với cây bút máy trong bọc, quần xám lòng thòng,và đôi giày sandal bằng cao su. Ông hụt hơi khi đến nhưng mỉm cười, và chào đón tôi rồi bắt tay bằng đầu những ngón tay. Ông mới bị nhập viện vì lá phổi hư, đó có lẽ là kết quả của một đời hút thuốc Lucky Strikes, nhưng ông tướng Givral, dù ở tuổi 78, khi ông cười nhăn răng toe toét thì ông vẫn có nét tinh quái như thuở nào.

Lần cuối tôi thăm Ẩn vào đầu thập niên 90 trong lúc viết một cuốn sách về trẻ Mỹ lai - là những trẻ con của lính Mỹ và những người yêu Việt Nam. Khi sách được xuất bản, tôi gửi tặng ông một bản, và tôi còn gửi cho ông nhiều sách khác khi có bạn bè chung của ông và tôi thăm viếng Việt Nam. Ẩn biết tôi thích thú muốn nghe câu chuyện của ông. Ông tiếp đãi khách thăm nồng hậu, đó là những người khách được phép thăm ông sau khi Việt Nam thi hành chính sách Đổi Mới, đó là một dạng của chính sách đổi mới Perestroika của Liên xô vào những năm cuối của thập niên 1980. Ông bỏ ra hàng giờ để giải thích lịch sử và văn hóa Việt Nam. Nhưng có một đề tài ông im lặng: cuộc đời ông là một viên gián điệp. Dường như ông là loại người bí hiểm cho đến cuối, có thể là do tính trung thành với bạn bè hay sợ chính phủ trả thù. Dù sao vào tháng giêng năm 2004, tôi nhận được một thông điệp cho biết cuối cùng ông có thể nói chuyện với tôi, không dưới hình thức phỏng vấn nghiêm túc mà là những cuộc đối thoại thân mật giữa bạn bè. Chuyện này bắt đầu vào Tết ta và tiếp tục sau đó vài tuần lễ vào đầu mùa mưa khoảng tháng 5 (Tôi gặp Ẩn lại thêm vài ngày vào tháng 3 năm 2005).

Ẩn dẫn tôi đi ra vườn, đó là một khoảng đất tươi tốt sum sê đầy những cây khế và dâu. Nó tỏa đầy hương thơm từ cây hoa đại điểm với màu của cây mơ và hoa lan đang trổ bông. Có con chim ưng và 3 con gà đá của Ẩn nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Chúng tôi dừng ở giữa vườn để ngắm nghía với vẻ thích thú cái tượng chó làm bằng sành. Đó là một trong những con chó bẹc-giê yêu quí của Ẩn. Ẩn nói ông học cách dùng chó trong nghề gián điệp từ một viên chức CIA là Đại tá Edward Lansdale - là nhân vật tưởng tượng của nhà văn Graham Greene trong tiểu thuyết "Người Mỹ trầm lặng" (The quiet American). Ẩn nói thêm, "Tôi huấn luyện con chó để nó có thể báo cho tôi biết là cảnh sát đang lùng sục nhà ai đó, dù cách xa cả dặm. Nó là một điệp viên giỏi."

Bà Thu Nhàn vợ Ẩn đang làm việc trước nhà, bà dùng một cây chổi ngắn để quét cổng. Bà là một phụ nữ dễ thương và mái tóc búi sau lưng. Bà nhỏ thua Ẩn mười tuổi, bà đang bận lau chùi quét dọn nhà để đón khách thăm viếng rộn rịp nhân dịp Tết, trong đó có cô con gái hiện đang sống ở California. Treo trên cổng và từ những cọc dọc theo đường đi là những chuồng nuôi chim của Ẩn trong đó có những loại chim như chim hét, vàng anh, ác là, bạch yến, và nhiều loại chim hót khác. Một con chim Aán độ màu xanh có cái mỏ vàng cất tiếng nói, "Ông ơi, có điện thoại gọi ông!" Con chim bắt chước tiếng nói của cháu ông Ẩn, đứa cháu này hiện đang sống chung với 3 người con trai lớn của ông.

Chúng tôi tháo giày và bước vào một căn phòng lớn vẫn được thường dùng làm nơi làm việc và thư viện của Ẩn, cũng như phòng tiếp khách và phòng ăn. Những ngăn bằng kiếng được sắp thành hàng ở phía tường xa để chứa những sách của ông. Một tranh thủy mạc Trung Hoa treo trên cái trường kỷ màu xanh và những ghế. Phía dưới những cửa sổ mở là một cái thùng nước chứa cá được dùng như một thành phần vật liệu thứ ba tạo nên chuồng thú của Ẩn. Ẩn nói, "Chó thì trung thành. Chim luôn nhảy nhót loanh quanh trong chuồng, giữ vẻ bận rộn. Cá dạy cho ta biết câm miệng. Không may thay trong khi tôi nằm bệnh viện thì đa số cá của tôi chết."

Căn phòng có phần thay đổi kể từ cuộc viếng thăm lần trước của tôi. Trên một hốc tường gần cửa chính, có đặt một cái bàn giấy của Ẩn, tủ đựng giấy tờ cùng đống sách báo cao đến trần nhà, có thêm một cái đàn Dương cầm của con trai Ẩn đặt ở đó. Một lát sau, tôi khám phá ra những gì xảy đến cho phòng của Ẩn khi ông và tôi đi ngang qua bàn thờ gia đình và ra ngoài băng ngang qua nhà bếp đến phía đường xe đi ở phía sau căn nhà. Ẩn nói, " Đây là chỗ vợ tôi quăng tất cả những giấy tờ của tôi." Ông chỉ vào hai cái hộc tủ màu xám đựng hồ sơ và một cái bàn giấy chứa đầy những tài liệu vàng ố. Tất cả được che chở bảo vệ từ môi trường bên ngoài bởi một cái mái bằng plastic bé nhỏ.

Khi chúng tôi nhìn chằm chằm vào đống giấy chất chồng nằm trên lối đi, Ẩn nói pha trò, "Vợ tôi nói với tôi là đã đến lúc dọn phòng cho thế hệ trẻ hơn, nhưng tôi chưa chết mà. Không có chỗ nào cho tôi đi cả. Địa ngục được dành cho những tên điếm đàng, lừa đảo, bọn này ở Việt Nam bây giờ nhiều lắm, đầy rẫy khắp mọi nơi."

Ẩn có đôi tai dài lòng thòng, cái trán cao vuông vắn, mái tóc ngắn đen dày, và cặp mắt nâu sống động. Mắt trái của ông hơi lớn hơn mắt phải, giống như ông đang đồng thời cùng một lúc dùng nhãn quang dài và ngắn để quan sát những vấn đề của thế giới. Những bức ảnh chụp ông hồi thập niên 1950 cho thấy ông bận comlê sát người, áo trắng và quần đen, Ẩn giống như một trong những thanh niên dễ thương, gọn ghẽ tham gia vào Hội sinh viên đại học và sành điệu về chè chén. Ông ấy cao hơn một người Việt Nam trung bình, là một võ sĩ thích đánh lộn và bơi lội, sau khi thi rớt hai năm liền, ông có thể trở thành một thứ du đãng anh chị. Ông không muốn nói nhiều về bản thân, ông nói: "Có quá nhiều thứ để nhớ. Thật là khó. Và dài dòng quá. Tôi lại già rồi." Rồi ngả người về phía trước, ông bắt đầu nói về bản thân ông, nhắc lại từng chi tiết và thời gian những chuyện xảy ra cách đây 50 năm. Ông khoa những ngón tay dài nhợt nhạt vì tuổi tác già nua. Ông tạo dựng khoảng không trước mặt ông như là một trái cầu mềm nhão, thỉnh thoảng lại đấm vào nó. Ông chia những nhận định của mình về giềng mối tam cương ngũ thường của Khổng giáo hay vẽ một đường vòng lượn thể hiện một trong những nữ thần, mà ông ta cho rằng sự thành công trong đời ông là do sự ban phước che chở của những nữ thần đó.

Ẩn có thể nói hàng giờ về những biến cố thế giới, chỉ ra những sự tương đồng song song, như trường hợp Việt Nam và Iraq (ông nói có những kỹ thuật được phát triển đầu tiên ở Á châu và sau đó đem tới sa mạc)hay đánh giá ngành điệp báo của thế giới ("Người Mỹ là bậc thầy trong việc thâu lượm tin tức tình báo, nhưng họ không biết làm gì với nó").

Phạm xuân Ẩn tuổi con mèo, sinh giờ sửu, vào ngày 12 tháng 9 năm 1927 ở Bệnh viện tâm trí Biên Hòa, 20 dặm về phía Đông Bắc Sài Gòn. Vào lúc đó, bệnh viện này là cơ sở y khoa duy nhất ở Nam kỳ mở ra phục vụ cho người Việt Nam. Là con trai đầu của một viên chức hành chánh cao cấp, một thành phần có giáo dục trong nền hành chánh thuộc địa, Ẩn có cái vinh dự nhận được giấy khai sinh của nhà bảo hộ thuộc địa Pháp.

Dòng họ ông vốn bắt nguồn từ Hải Dương, được coi là trái tim của Bắc Việt Nam, là một vùng đông đúc dân cư ở vùng châu thổ sông Hồng, nằm giữa Hà Nội và bờ biển, ông cố của Ẩn là một người thợ bạc, được triều đình nhà Nguyễn gọi vào Huế, Trung phần, làm những huy chương. Ông nội Ẩn được thăng chức trong giới quan lại để trở thành thầy giáo và giám đốc một trường sơ cấp dành cho nữ sinh, mang một trong những mề đay vàng đó trên ngực. Có tấm ảnh chụp lại hình đó được để ở vị trí trung tâm trên bàn thờ gia đình. Ông được nhà vua trao một mề đay bằng kim loại to bằng cánh hoa Tulip gọi là Kim Khánh, đã nói lên ông giữ một chức vụ tương đương với một bộ trưởng trong chính phủ. Sau đó Ẩn chỉ cho tôi coi một tấm ảnh của ông hồi còn bé đeo cái huy chương kim loại này trước ngực. Tôi hỏi ông còn giữ cái huy chương này không" Ông trả lời, "Nó đã được gửi cho Hồ chí Minh nhân tuần lễ vàng". Ý ông muốn nói đến chuyện ông Hồ dùng vàng hối lộ cho đám quân Tàu chiếm đóng năm 1945 để thuyết phục chúng rút ra khỏi Bắc Việt Nam sau Thế chiến hai.

Cha của Ẩn được huấn luyện thành một kỹ sư tại Đại học Hà Nội, làm việc thăm dò địa dư, thiết lập những đường ranh đất đai và hồ sơ thuế ở biên giới phía Nam Việt Nam. Ông xây dựng đường ở Sài Gòn và kênh rạch chạy xuyên qua rừng U minh, dọc theo vịnh Thái Lan. Trong lúc đi đo đạc ở Cambốt,ông gặp mẹ Ẩn, là một người nữa di cư từ miền Bắc. Bà là một người cần cù, siêng năng, trình độ học vấn lớp 2 giúp bà đọc và viết. Công việc của một người thăm dò địa chất thời thuộc địa làm việc ở vùng hoang dã miền Nam bao gồm cả chuyện điều động những nông dân bị bắt lính mang những dây xích băng ngang qua những vùng đầm lầy sông Cửu Long và xây dựng những tháp canh trong rừng để thiết lập những đường ranh nhìn thấy được. Ẩn nói, "Khi anh đi thăm dò địa chất và xây dựng đường phố, kênh rạch, anh thấy những người dân nghèo Việt Nam rán làm thêm để sống. Anh thấy hệ thống bóc lột lao động, đánh đập và nhiều điều hành hạ khác của người Pháp. Cách duy nhất chống lại những sự ngược đãi hành hạ đó là phải chiến đấu giành độc lập. Người Mỹ đã làm tương tự như thế vào năm 1776. Gia đình tôi luôn có tấm lòng yêu nước mong muốn đánh đuổi quân Pháp ra khỏi Việt Nam."

Trong thời thơ ấu, Ẩn sống trên một chiếc thuyền tam bản ở trong rừng tràm ở phía Nam Việt, rồi Ẩn bị thổi bay ra khỏi thuyền và gần chết đuối. Ông được gửi về ông bà nội ở Huế, rồi lại bị gửi về Nam khi bà nội qua đời, và gửi ra Bắc lại khi ông thi rớt lớp 3. Cha ông tách ông ra khỏi anh em và đày ông về ở dưới làng Truồi quê mùa, với mục đích cho ông thấy sự khổ cực của nông dân sẽ làm cho ông sợ mà cố gắng học nhiều hơn. Thay vào đó, Ẩn chỉ thích trốn học đi chơi quanh vùng quê này. Khi ông thi rớt lần nữa, ông bị cha ông dùng roi đánh và tống cổ về Sài gòn để có chương trình giáo dục nghiêm khắc hơn dành cho ông.

Ẩn yêu mến ngay Sài Gòn, lúc ấy là một tiền đồn thuộc địa chậm chạp bao quanh bởi những đồn điền cao su. Ông bỏ ra hàng giờ để đi dọc theo sông Sài Gòn, đu đưa trên những cây đa rồi nhảy ùm xuống nước. Ông làm bạn với những công nhân ở xưởng đóng tàu Ba Son, họ cho ông những đồng tiền đẹp để chơi. Ông đi xe điện đến Chợ Lớn là quận của người Hoa, rồi đi về rạp chiếu bóng nằm gần cầu ở Dakao. Ở đây ông xem tất cả những phim Johnny Weissmuler đóng vai Tarzan đu dây trong rừng. Ẩn nói về những phim này như sau, "Đó là một giấc mơ đẹp về tự do trong rừng. Tôi nghĩ dưới chế độ Cộng sản tôi sẽ sống như Tarzan. Tôi hướng giấc mơ này vào cuộc cách mạng."

Ẩn kêu lên, "Hãy nhìn Tarzan! Anh ta có gì" Chỉ có cái khố quấn ngang lưng. Đó là chủ nghĩa Cộng sản ở trạng thái nguyên thủy, một cảnh điền viên thôn dã của Rousseau. Đó là thứ triết học Cộng sản thời trung học mà Ẩn thâu lượm được từ những sách gửi đến cho học sinh thuộc địa bởi Đảng Lao Động Pháp. Ông nói, "Vâng, tôi là người Cộng sản. Chủ nghĩa Cộng sản là một lý thuyết rất đẹp và nhân bản. Sự dạy dỗ về Thượng đế, Đấng sáng tạo cũng như thế. Cộng sản dạy người ta thương yêu nhau, chứ không giết nhau. Cách duy nhất để có thể làm được điều này là mọi người trở thành anh em, vốn mất cả triệu năm. Đó là một chuyện không tưởng, nhưng nó đẹp."

Là một người phân tích chính trị Ẩn biết chủ nghĩa Cộng sản có trách nhiệm đến cái chết của hàng triệu người trong thế kỷ 20, và ông biết tường tận sâu sắc về những giới hạn của chế độ Cộng sản ông đang sống. Nhưng lòng ái quốc đã làm cho Ẩn quyết định khi ông còn trẻ là chiến đấu giành độc lập cho một nước Việt Nam độc lập, và lực lượng hữu hiệu nhất trong cuộc đấu tranh chống lại Nhật, Pháp, Mỹ, Trung Hoa và những kẻ xâm lược khác là những người Cộng sản. Ông hỏi, "Ở Việt Nam, tổ chức nào để anh tham gia đây để chiến đấu cho đất nước anh" Anh không còn lựa chọn nào khác hơn là gia nhập Đảng Cộng sản."

Ẩn đương là một học sinh trường Collège Cần Thơ nằm ở vùng châu thổ sông Mekông thì ông bỏ học năm 1945 để gia nhập vào một chương trình huấn luyện của Việt Minh. Có hơn trên 100 người mới tuyển mộ mà chỉ có 50 khí giới, một số do cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất để lại. Những người tập sự phải kiếm vỏ đạn để làm đạn mới. Dù ông có tham gia vào cuộc chiến đấu chống Nhật trước rồi sau mới chống Pháp, Ẩn coi kinh nghiệm này nhỏ nhoi như chuyện chạy việc vặt. Nhưng có một trang mạng của nhà nước, coi những hoạt động của ông như là anh hùng của lực lượng nhân dân võ trang, nói đến Ẩn như là "một chiến sĩ tham dự vào tất cả những trận đánh ở vùng miền Tây của Nam Việt Nam."

Vào năm 1947, Ẩn rời chức vụ trung đội trưởng, vốn hoạt động chủ yếu trên mặt trận tuyên truyền, và đi về lại Sài Gòn trông nom cha già của ông, là người bị cắt một lá phổi và nằm 2 năm trong bệnh viện để chữa trị bệnh lao phổi. Ẩn tổ chức những cuộc học sinh xuống đường, đầu tiên chống lại người Pháp và sau này chống người Mỹ. Ông làm chức vụ thư ký cho hãng dầu Caltex cho đến năm 1950 thì ông thi đậu bằng giám sát quan thuế của Pháp.

Trong dịp xuân 1952, Ẩn được gọi vô rừng phía Bắc Sài Gòn để gặp những cán bộ Cộng sản là những người đang thành lập Trung ương đảng miền Nam vốn tổ chức lãnh đạo cuộc chiến tranh chống Mỹ, là phe ngay trước giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất vào năm 1954, đã bắt đầu thay thế người Pháp như là kẻ thù chính. Ẩn thích thú về chuyện được gọi về vùng chiến, nơi mà ông hy vọng gặp lại người em (chị") (2), vốn đã vào bưng ba năm trước đây để trở thành "Tiếng nói Nam bộ", tức là xướng ngôn viên truyền thanh của truyền thông Cộng sản. Ẩn thỉnh thoảng thăm viếng cô ta để lấy thực phẩm, thuốc men và ngủ qua đêm trong những mạng lưới địa đạo của Việt Minh, nơi mà hơi khói nấu bếp được truyền thoát qua những mô đất do mối đùn lên nhằm tránh sự phát hiện của máy bay dò tìm của Pháp bay trên đầu. (Năm 1955, người em (chị") của Ẩn được đưa ra miền Bắc làm việc cho những mỏ than của nhà nước.)

Ẩn thất vọng khi thấy ông không thể tham gia chung với em (chị") ông trong bưng nhưng thay vào đó, ông được tuyển dụng làm gián điệp trong cơ quan tình báo quân sự của Việt Nam mới thành lập. Ông nói, "Tôi là người được tuyển mộ đầu tiên." Ẩn nhận ra công việc mới của mình khá hèn mọn. Gián điệp là công việc của chó săn và chim mồi. Ông nói thêm, "Tôi bị cảnh sát dẹp biểu tình đánh trong những cuộc xuống đường của học sinh, và tôi không có ước muốn trở thành người điềm chỉ hay mật báo viên."

Vấn đề đầu tiên mà Ẩn phải đối phó là chuyện lẻn trở lại Sài Gòn như là một gián điệp mới tuyển mộ là làm thế nào để tránh bị Lực lượng thuộc địa Pháp bắt đi quân dịch. Để thực hành tiếng Anh mà ông học được ở sở dịch vụ thông tin Hoa Kỳ, ông tình nguyện làm việc như một chuyên viên kiểm duyệt tại văn phòng bưu điện trung ương. Tại đây ông được bảo là kiểm duyệt những bản báo cáo của Graham Greene cho báo chí Anh và Pháp, một loại người "phá rối" mà Pháp nghi là làm việc cho tình báo Anh trong những chuyến thăm viếng Việt Nam thường xuyên của ông.

Ẩn được chính thức giới thiệu gia nhập vào Đảng Cộng sản năm 1953, tại một buổi lễ ở rừng U minh do Lê đức Thọ chủ trì. Thọ là người có trách nhiệm lãnh đạo kháng chiến miền Nam chống lại Pháp, sau này trải qua 4 năm thương thảo với Henry Kissinger tai những cuộc đàm phán ở Paris. Người em của Thọ là Mai chí Thọ, người đứng đầu ngành an ninh của những lực lượng Cộng sản ở miền Nam, là người chỉ huy của Ẩn.

Mặc dù làm việc khá tự do cho Phòng nhì tình báo Pháp, Ẩn vẫn bị bắt quân dịch vào năm 1954. Để tránh ăn đạn vào những ngày tàn của cuộc chiến tranh thuộc địa Pháp ở Đông dương, Ẩn lợi dụng những liên hệ gia đình có công việc làm ăn ở Việt Nam. Ông nhờ một người bà con là Đại úy Phạm xuân Giai giúp đỡ. Giai đang chỉ huy cơ quan G5, là cơ quan tâm lý chiến của bộ tham mưu quân đội, dùng Ẩn như là một phụ tá,và cho ông làm việc ở tổng hành dinh ở đường Gallieni gần Chợ Lớn.

Đó là nơi mà Đại tá Edward Lansdale tìm thấy Ẩn khi Lansdale tới cung cấp dịch vụ và tiền cho Đại úy Giai. Lansdale là một cựu nhân viên làm quảng cáo và là một chuyên viên trong lãnh vực chiến tranh tâm lý, ông được gửi đến Việt Nam để điều hành những chiến dịch bí mật của CIA tại Việt Nam. Đến Việt Nam ngay sau khi Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ, Lansdale tìm thấy cơ quan tình báo G5 và phần còn lại của thiết bị quân sự thuộc địa đang trong tình trạng hỗn độn. Họ đều mất tinh thần, không biết phải làm gì với chính họ, cho đến khi Lansdale và công tác vô hại mang tên quân sự Sàigòn của ông bắt đầu biến Nam Việt Nam thành một quốc gia trọn vẹn với một quân đội, một tổng thống, và một lá cờ.

Nhận thấy người thanh niên Phạm xuân Ẩn là một thanh niên đầy hứa hẹn nên Lansdale và những đồng nghiệp của ông bắt đầu dạy Ẩn những kỹ năng nghề nghiệp mà Ẩn sẽ dùng đến trong 20 năm trong nhiệm vụ điệp báo cho Cộng sản. Ẩn nói, "Tôi là một học sinh của Sherman Kent", ý Ẩn muốn nói tới người giáo sư đại học Yale là người đã giúp thành lập ngành tình báo chiến lược của cơ quan CIA. Kent viết tài liệu kinh điển, "Tình báo chiến lược cho chính sách ngoại giao toàn cầu của Mỹ" (Strategic Intelligent for American World Policy (1949)), đó là một "công việc tường trình của ký giả" căn cứ trên sự nghiên cứu về "cá tính" của những người lãnh đạo thế giới. Có đoạn như sau, "Phải hiểu biết cá tính và tham vọng, ý kiến, điểm yếu, ảnh hưởng mà họ dùng, và những ảnh hưởng trước đó làm cho họ yếu đuối. Phải biết rõ bạn bè và họ hàng của họ, cùng môi trường chính trị, kinh tế, xã hội mà họ hoạt động trong đó."

Chuyên viên chiến tranh tâm lý Phạm xuân Ẩn đang bắt đầu thâu thập phương pháp "tường thuật" để sau này ông sử dụng một cách xuất sắc khi làm phóng viên cho báo Time. Ẩn nói với nhà văn Nguyễn thị Ngọc Hải, người vừa xuất bản một cuốn sách về Ẩn như sau, "Người ta thường thường có một nghề, trong khi tôi có hai, đó là công việc đi theo cách mạng và công việc của một nhà báo. Hai nghề này thường đối nghịch nhau, nhưng cũng rất giống nhau. Công việc tình báo bao gồm chuyện thu thập tin tức, phân tích, và bo bo giữ chặt nó, giống như mèo dấu phân vậy. Trong khi đó, người ký giả thâu lượm tin tức, phân giải, và rồi công bố nó ra với thế giới."

Là một điệp viên tay tư làm thêm cho Phòng nhì Pháp, làm việc cho tình báo nội địa Việt Nam của người họ hàng và cơ quan bảo trợ CIA, và báo cáo về những người Cộng sản điều khiển ông, Ẩn bắt đầu sống bên bờ vực thẳm của ác mộng cá nhân, ông nói " Tôi không bao giờ được nghỉ ngơi được một phút, làm gián điệp thì trước sau gì anh cũng bị bắt, giống như con cá ở trong hồ. Tôi phải chuẩn bị chuyện bị tra tấn. Đó rất có thể là số phận của tôi."

Có một sự an ủi hiếm hoi khi thấy hầu hết những đồng nghiệp của Ẩn trong sở tình báo G5 cũng ở trong tình trạng khó khăn tương tự. Ẩn nói, "Khi chúng tôi không dò xét theo dõi nhau, chúng tôi hút thuốc phiện và chơi với nhau như bạn bè." Ông thú nhận đó là một chuyện khó làm, "Nhưng anh không thể giết người trong mọi lúc. Khi chiến tranh qua rồi, có những người mà tôi sẽ phải sống với."

Chính Mai chí Thọ và Mười Hương là những cán bộ lãnh đạo Ẩn, đã quyết định gửi Ẩn sang Mỹ để được huấn luyện như một ký giả. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên, Mười Hương cho biết ông nảy ra ý tưởng muốn biến Ẩn thành một nhà báo là do nghĩ đến Hồ chí Minh, bản thân ông Hồ cũng đã làm việc như một nhà báo. Đó là một thứ vỏ bọc tuyệt hảo cho một điệp viên, cho phép anh ta quyền tới lui những nơi bí mật và những người cao cấp. Kế hoạch được những người cao cấp nhất trong chính trị bộ chấp nhận, nhưng phải bỏ ra vài năm mới thực hiện được. Cha của Ẩn đang hấp hối. Ẩn được lãnh một học bổng của chính phủ nhưng rồi bị hủy bỏ để trao cho một người khác có liên hệ tốt hơn. Rồi visa của ông bị ngăn chận bởi những viên chức hành chánh do người Pháp đào tạo, vốn không thích cái ý tưởng gửi một học sinh Việt Nam đi Mỹ. Đảng Cộng sản gặp khó khăn trong chuyện kiếm cho đủ tiền đi. Cuối cùng Mai chí Thọ cóp nhặt được 80000 đồng,và tỷ giá thời bấy giờ vào khoảng 1000 dollars. Tiền đủ mua một vé máy bay cho Ẩn và 4 bộ quần áo mới. Cha của Ẩn qua đời trên tay Ẩn vào tháng 9 năm 1957. Một tháng sau, Ẩn đến Costa Mesa, California, để ghi danh nhập học vào một trường đại học cộng đồng địa phương.

Ẩn là một gián điệp Cộng sản 31 tuổi, là một viên chức quan thuế về hưu, và là một chuyên viên chiến tranh tâm lý khi ông bắt đầu học tại Đại học Orange Coast, là một trường đại học được một cố vấn Mỹ khuyến cáo. Ông có lẽ là người Việt Nam đầu tiên sống ở quận Cam (Orange county), (Giờ nầy nó là nơi ở của 150000 người Việt Nam). Được bạn bè gọi là Khổng tử, ông ghi danh học những môn Khoa học chính trị, Chính phủ Hoa kỳ, Kinh tế, Xã hội học, Tâm lý học, tiếng Tây ban nha, và báo chí. Ông thường đi chung với một cô bạn cùng lớp 18 tuổi ra biển và bỏ ra nhiều thì giờ để làm tờ báo The Barnacle của trường, trong đó ông thỉnh thoảng viết vài bài, như bài điểm phim cuốn phim "Người Mỹ trầm lặng" (The quiet American) - là cuốn sách đầu tiên chống cộng của Graham Graham Greene. Vì cho cuốn phim có những điều có khả năng gây bối rối, ngộ nhận, Ẩn khuyến cáo là phim "không nên chiếu ở Việt Nam."

Ẩn diễn tả hai năm sống ở Mỹ, trong đó có cả thời gian làm việc nội trú ở hai tờ báo Sacramento Bee và Liên Hiệp Quốc, là "thời gian duy nhất trong đời mà ông không bị lo lắng, băn khoăn." (Sự di chuyển của ông ngang qua nước Mỹ được tài trợ bởi Tổ chức Á châu, sau này mới được tiết lộ là một chiến tuyến của CIA). Ông yêu nước Mỹ và yêu một người Mỹ tên Lee Meyer, là một cô gái tóc vàng vốn là chủ bút và là người dạy ông viết văn ở tờ báo The Barnacle. Ông nói, "Cô ta biết tôi yêu cô, nhưng tôi không bao giờ nói với cô. Người Việt Nam chúng tôi không bao giờ nói ra những điều chúng tôi cảm thấy." Những năm nắng ấm của Ẩn tại California lại là thời gian đen tối nhất của Việt Minh ở miền Nam, là những người Cộng sản ở lại dưới vĩ tuyến 17 khi Việt Nam bị chia đôi năm 1954. Vào năm 1959 có chừng 85% những người chiến đấu phe Việt Minh, khoảng chừng 60000, bị giết hay bị bắt. Ẩn nhận được một lá thư viết bằng mật mã từ em của ông cho biết người lãnh đạo của ông là Mười Hương đã bị bắt và bị tra tấn. Ông cũng biết thêm là ông bị gọi về nhà vì Việt Minh - sớm được tái sinh thành Việt Cộng - cuối cùng lao vào cuộc đấu tranh võ tranh khởi đầu cho cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ hai.

Ẩn nhớ rõ ràng lúc ông đứng dưới cầu Golden Gate vào tháng 10 năm 1959, băn khoăn không biết ông sẽ làm gì kế tiếp. Trong túi áo của ông là một vé máy bay về Sài Gòn. Phía dưới ông đứng, nơi phía bến cảng dâng lên sừng sững một cái tháp cô độc lẻ loi và những tường xi măng của nhà tù ngoài đảo nổi tiếng Alcatraz. Ông lo sợ rằng đó là dấu hiệu của số phận đang chờ ông nếu ông trở về Việt Nam- những năm tù và tra tấn trong những chuồng cọp của nhà tù Côn Đảo quỷ quái. Ẩn đã được mời dạy Việt ngữ ở một trường sinh ngữ quân đội tại Monterey. Ông có thể du lịch tới Cuba rồi tìm cách về lại Việt Nam qua ngả Nga xô. Ông có thể sống lưu vong ở Pháp. Cuối cùng, vì Ẩn là người yêu nước trung thành, người sỡ hữu 4 bộ quần áo thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam và nên về với nhân dân là chính đáng, ông lên máy bay và bay về Sài Gòn để về nhà.

Ông nói, "Tôi có hai tình yêu giống như Josephine Baker vậy. Tôi yêu đất nước tôi, và tôi yêu nước Mỹ. Khi cuộc chiến qua đi, tôi muốn họ xích lại với nhau."

Khi trở về Sài Gòn rồi, Ẩn lo sợ quá nên trốn trong nhà ông cả một tháng trời. Rồi trong một phút mạnh dạn, ông dùng những liên hệ gia đình để gọi cho Trần kim Tuyến nhờ giúp đỡ. Tuyến vốn là một y sĩ quân đội, nhân vật nhỏ bé lỗi lạc này đang nắm ngành tình báo Việt Nam cho Tổng thống Ngô đình Diệm và người em Ngô đình Nhu. Mạng lưới rộng lớn do CIA bảo trợ này gồm những gián điệp và những lực lượng quân sự bí mật hoạt động ngoài nội các của tổng thống dưới một cái tên hiền lành là Ban nghiên cứu chính trị, văn hóa và xã hội. Nếu Tuyến mướn ông, Ẩn nghĩ rằng ông sẽ an toàn, ít nhất là không bị bắt trong lúc này.

Tuyến giao cho Ẩn trách nhiệm trông coi những ký giả ngoại quốc làm việc cho Việt Tấn Xã, là cơ quan tin tức của Việt Nam. Nhiều người trong bọn họ không được huấn luyện gì trong nghề, chưa bao giờ tường thuật một câu chuyện như là một ký giả. Ẩn ra lệnh cho họ viết một tuần một câu chuyện. Họ than phiền với Tuyến, nói rằng nghề làm báo sẽ xen lấn vào công việc làm gián điệp - đó mới là công việc thật sự của họ. Để hỗ trợ Ẩn, Tuyến chỉ thị cho những nhân viên ngoại quốc phải "làm việc nghiêm chỉnh" và bắt đầu tường thuật những câu chuyện giống như "nhà báo chuyên nghiệp " Ẩn.

Tuyến mất đi quyền lực sau một cuộc đảo chánh thất bại, và Ẩn dời đi từ Việt Tấn Xã tới Reuter và từ đó đến báo Time. Được công nhận là một ký giả chịu khó làm việc nhất trong thành phố, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ những bạn đồng nghiệp với những ý kiến đầy ắp tin tức hay kể những chuyện vặt. Ẩn đưa tin tức để có thể nhận nó. Ẩn diễn tả sự tương tự giữa nhà báo và gián điệp với nhà văn Nguyễn thị Ngọc Hải như sau, "Nguồn sống của họ là tin tức, tài liệu. Giống như chim phải cho chúng ăn thì chúng mới hót."

"Tôi có tất cả những nguồn tin từ quân đội, tình báo, mật vụ. Những người chỉ huy của nhiều ngành trong quân đội, những viên chức của lực lượng đặc biệt, tất cả họ đều giúp tôi." Để có thể đổi lại nguồn tin tức liên tục, Ẩn cho những người báo tin Nam Việt Nam những tin tức giống như tin ông đưa cho phía Cộng sản của ông. Ẩn nói tiếp, "Chúng tôi thảo luận về những tài liệu đó, trong khi phía Nam Việt Nam cố gắng tìm hiểu chúng có nghĩa gì. Họ có vấn đề. Họ làm sao để đối phó với người Mỹ đây"" Rồi Ẩn quay ngược và khuyến cáo người Mỹ làm thế nào để đối phó với người Việt. Đây là một trò chơi tin cậy cao cấp, với cái chết treo lơ lững trên đầu nếu ông bị khám phá là đã chụp những kế hoạch chiến lược và những báo cáo tình báo được lén đưa cho ông bởi những nguồn từ những người miền Nam và người Mỹ.

Ẩn làm việc thâu đêm để chụp những tài liệu này. Rồi những cuộn phim của ông được ngụy trang giống như nem ninh hòa, là những miếng thịt heo nướng được bọc bởi bánh tráng, hay dấu trong bụng cá đã bắt đầu thối rữa. Nhiều cá và nem chất vào trong những rỗ giống như đồ cúng ở những đám tang Phật giáo. Vào buổi sáng, Ẩn dẫn con chó bẹc-giê Đức tới sân đua ngựa, ông sẽ đặt những gói nem vào trong những tổ chim trống trải treo cao trên cây.Nếu hàng gửi đi quá lớn,ông dấu những cuốn phim dưới tấm bia mà ông làm bộ như ngôi mộ là của người thân trong gia đình. Thỉnh thoảng vợ của Ẩn theo ông cách một khoảng xa. Nếu ông bị bắt, bà sẽ báo cho những người giao liên mang hàng biết.

Ẩn dùng hộp thư sống (người trao cho tài liệu cho người), hộp thư chết (chôn tài liệu ở một nơi bí mật chờ người đến lấy), giao liên và máy truyền tin vô tuyến để nối kết chuyển giao tài liệu của ông tới Trung ương Đảng miền Nam rồi chuyển về bộ chỉ huy ở Bắc Việt Nam, Ẩn được hàng tá nhân viên tình báo bộ đội hỗ trợ, đó là những người được cắt cử thay mặt cho ông làm việc. Trong số 47 giao liên có nhiệm vụ mang tài liệu của ông ra khỏi Sài gòn, có 27 người bị bắt và giết. Ẩn nói, "Có những lúc trước khi tôi ra đi làm công tác, vợ tôi và tôi đồng ý rằng, nếu tôi bị bắt, thật là tốt đẹp nhất nếu tôi bị giết." Ẩn nói với Ngọc Hải, "Thật là kinh khủng nếu họ tra tấn tôi để khai thác tin tức và điều ấy sẽ làm cho nhiều mạng người nguy hiểm. Thỉnh thoảng có khi nguy hiểm đến độ trong khi tay tôi sẵn sàng thì chân tôi run lên không kiểm soát được. Dù tôi cố gắng giữ bình tĩnh, sự phản xạ tự nhiên của cơ thể tôi làm tôi run lên vì sợ."

Nhân viên hỏi cung của CIA Frank Snepp, tác giả của cuốn sách "Khoảng cách thích đáng" (Decent Interval) nói về sự sụp đổ hỗn loạn của Sài Gòn năm 1975 nói, "Ẩn có một tầm quan trọng tột bậc đối với Cộng sản, vì không những cung cấp tin cho miền Bắc, mà còn chứng thực những gì họ nhận từ nhiều nguồn khác. Ẩn nắm được đường dây mối nhợ về tình báo chiến lược. Đó là điều quá rõ ràng. Nhưng không ai làm một cuộc giảo nghiệm tử thi ngược dòng về những tổn thất do ông đã làm. Cơ quan tình báo không còn tinh thần bụng dạ nào về chuyện đó." Snepp đề nghị có một nguồn tìm hiểu về hoạt động tình báo của Ẩn là ký giả báo New Yorker tên Robert Shaplen. Là bạn và là người hợp tác với nhau, Ẩn và Shaplen trải qua hàng giờ nói chuyện kín trong phòng của Shaplen ở tầng thứ 3 khách sạn Continental Palace, đôi khi họ bước ra ngoài ban công để tránh bị nghe trộm. Snepp nói tiếp, " Shaplen là một trong những ký giả được chúng tôi ưa thích. Chúng tôi được lệnh từ cấp trên cho ông được tiếp cận với tòa đại sứ và tình báo cao cấp một cách không thể tưởng tượng."

"Chúng tôi ước lượng có chừng 14000 gián điệp hoạt động ở Nam Việt Nam. Cộng sản đã thâm nhập vào được ngay chính trái tim của kẻ thù. Đây là một chính phủ có nhiều lỗ hổng như miếng phó-mát Thụy sĩ." Diễn tả những bước ngoặt trong cuộc chiến, nhưng những hội đàm bí mật của Henry Kissinger ở Paris và quyết định của chính phủ Nam Việt Nam năm 1975 bỏ những vị trí ở Cao nguyên, Snepp nói, "Phe Cộng sản biết những gì xảy ra trước Tòa đại sứ Mỹ."

Snepp tiếp tục, "Chúng ta không hiểu nổi mức độ tham nhũng trong chính phủ Nam Việt Nam. Chúng ta không muốn nhìn vấn đề tham nhũng hay đạo đức. Chúng ta không muốn biết là chúng ta đang hỗ trợ một con ngựa sai. Điều này cũng đúng ở Iran hay Iraq hay bất cứ đâu khác là nơi mà chúng ta hỗ trợ những chính phủ tham nhũng. Dĩ nhiên Ẩn muốn biết rất nhiều về những điều này. Ông ta biết dưới những điều kiện này thì chương trình Việt nam hóa chiến tranh (vietnamization) sẽ không thực hiện được."

Những cuộc đối thoại hàng ngày của tôi với Ẩn bắt đầu đi vào khuôn khổ. Tôi tới cổng nhà ông vào buổi sáng và kéo chuông. Ẩn lê chân xuống lối đi và bắt tay tôi bằng những ngón tay lòi xương của ông. Chúng tôi đi qua vườn, ngắm nghía những con gà đá và những con chim hót của ông, chào 2 con chó nhỏ ông cột gần cổng chính, và rồi ngồi hàng giờ nói chuyện trong phòng nghỉ của ông. Giọng ông thấp, còn nhỏ hơn tiếng thì thầm trong khi tiếng xe cộ ào ào phía bên ngoài cổng. Thời gian trôi qua, tôi di chuyển từ ghế dài đến ngồi ở cái ghế cạnh ông. Giả vờ điều chỉnh cái micrôphôn ở cổ họng ông, tôi cúi người để tai xuống phía môi ông. Giống như một Jean-Paul Sartre, vốn thích bàn cãi chuyện chính trị bên tách cà phê tại quán Café de Flore, Ẩn hiếm khi thú nhận là làm cái gì hơn trong chiến tranh ngoài chuyện quan sát và phân tích những biến cố. Nhưng chúng tôi biết trong vài trường hợp ông có ra phía sau màn che để điều chỉnh chuyện xảy ra. Một trong những chuyện là trận đánh Aáp Bắc năm 1963, là trận đánh dấu một bước ngoặt trong việc mở rộng chiến tranh Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, Việt Cộng dùng sức mạnh của một tiểu đoàn để tấn công và thắng một trận quyết định quân miền Nam được hỗ trợ bởi trực thăng Mỹ, xe thiết giáp và đạn dược. Có hai bộ đội Việt Cộng được tặng huy chương quân đội cao nhất của Bắc Việt. Một là người chỉ huy của lực lượng Cộng sản. Người kia là Phạm xuân Ẩn, vốn là người bày ra kế hoạch chiến thuật đưa đến chiến thắng.

Ẩn lại nổi bật lên vào dịp Tổng tiến công vào dịp tết, một cuộc tấn công đồng thời vào hơn 100 thị xã Nam Việt Nam và những mục tiêu khác trong dịp ngưng chiến vào đầu năm 1968. Chuyện chuẩn bị kế hoạch tấn công đã được chuẩn bị từ 2 năm trước, khi người cầm đầu mạng lưới tình báo của Ẩn là một đại tá có bí danh là Tư Cang, rời rừng vào Sài Gòn. Tư Cang là một thứ dân chơi nổi tiếng, táo bạo và lịch sự, hòa nhã, là người có thể sử dụng một cặp súng K-54 và có thể bắn vào một mục tiêu cách xa 50m dù với tay trái hay tay phải. Là một học sinh danh dự của trường lycée Pháp ở Sài Gòn, Tư Cang đã sống dưới đất trong những địa đạo Củ Chi quá nhiều năm đến nỗi khi ông vào lại Sài Gòn, ông quên cách mở cửa xe hơi. Ẩn thay đôi dép râu của Tư Cang bằng đôi giầy mới và mua cho ông một bộ quần áo. Rồi sau đó hai người đi xe quanh thành phố trên cái xe Renault 4Cv nhỏ của Ẩn như là những người bạn cũ.

Giả bộ như đang nói chuyện về chó và gà đá, họ ấn định mục tiêu cho cuộc tấn công Tết. Tư Cang đề nghị đánh vào Ty Ngân Khố để lấy một số tiền. Ẩn nói cho ông biết Ty Ngân Khố là một mục tiêu sai - Ẩn nói "Họ chỉ phát lương ở đó thôi." Ẩn nói một mục tiêu tốt hơn là tòa án, nơi có nhiều vàng được giữ như là bằng chứng của những bọn ăn trộm và buôn lậu. Ông khuyến cáo Tư Cang hãy mang theo một cây đuốc đốt bằng khí acetylene.

Tư Cang chọn ra 20 mục tiêu ở Sài Gòn, trong đó bao gồm Dinh Độc Lập và Tòa Đại sứ Mỹ. Ông đích thân điều động trận tấn công vào Dinh Độc Lập, nơi mà 15 trong số 17 thành viên trong đội của ông bị bắn chết tươi. Bản thân ông thoát trong đường tơ kẽ tóc vào một căn nhà an toàn kế cận, và ông trốn với 2 cây súng kê vào đầu, thề sẽ tự sát còn hơn để bị bắt. Ngày hôm sau, ông và Ẩn lại lái xe đi vòng vòng thành phố, lần này để đếm xác những lính Việt Cộng bị chết trong cuộc tấn công. (Để tưởng nhớ đến vai trò của 2 người này đã làm trong cuộc chiến đấu, những cây súng của Tư Cang và chiếc xe Renault màu xanh được trưng bày trong viện bảo tàng quân đội tại Bộ chỉ huy quân đội ở Hà Nội).

Vào cuối mùa xuân đó, trong một cuộc tấn công được gọi là tiểu tấn công Tết, phe Việt Cộng bắt đầu pháo bừa bãi vào Sài Gòn, làm nổ tung nhiều cao ốc và giết một số nhiều thường dân. Ẩn gửi một mẫu ghi chú ra ngoài bưng, "Tôi bảo họ hãy ngưng pháo kích đi. Nó không có mục đích quân sự gì cả và làm cho dân chúng giận ghét, xa lánh."

"Kế tiếp xảy ra ra sao"" Tôi hỏi.

"Chuyện pháo kích chấm dứt."

Năm 1970, một phóng viên bạn cùng làm báo Time của Ẩn là Robert Sam Anson bị quân Bắc Việt và quân Khmer đỏ bắt ở Cam bốt, nơi đó có ít nhất 25 ký giả khác đã chết hay mất tích. Sau khi vợ của Anson cầu cứu với Ẩn giúp bà, ông bí mật dàn xếp việc thả Anson ra. Cũng mất chừng 17 năm sau Anson mới biết được câu chuyện Ẩn nhúng tay vào cứu ông. Khi Anson gặp lại Ẩn năm 1987, ông hỏi Ẩn, "Tại sao anh cứu tôi, nếu anh là kẻ thù của đất nước tôi"" Ẩn đáp, "Vâng, tôi là kẻ thù của đất nước anh, nhưng anh là bạn tôi". Cho tới ngày nay, Anson làm việc trên một cái bàn có để hình Ẩn.

Ẩn lấy được một huy chương chiến công quân đội cuối cùng về vai trò ông làm trong chiến dịch Hồ chí Minh, được chấm dứt với sự kiện Cộng sản chiếm Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hành động cuối cùng của ông lại là một việc nghiã hiệp giúp bạn. Vài giờ trước khi thành phố rơi vào tay Cộng sản, Ẩn sắp xếp cho sự trốn thoát của người đỡ đầu của ông là trùm tình báo mật vụ Nam Việt Nam là Trần kim Tuyến. Trong một bức hình nổi tiếng chiếu cảnh trực thăng bay đi từ một nóc nhà mà nhiều người tưởng lầm là tòa đại sứ Mỹ (thật ra là một nhà an toàn của CIA cách đó 2 khu phố), người cuối cùng leo lên cái thang lung lay khập khiễng chính là Trần kim Tuyến. Người đứng bên ngoài vẫy tay chào giã biệt là Phạm xuân Ẩn.

Khi những đồng nghiệp cũ của Ẩn nghe chuyện của ông lần đầu tiên - từ những tin đồn bắt đầu lan ra trong thập niên 80 - họ nhớ lại như in một cảnh tượng, một sự phát giác lúc đó, đột nhiên được giải thích bằng tin tức. Người xếp của Ẩn tại Reuters là Nich Turner, xác nhận sự nghi ngờ của ông về những sự vắng mặt không báo cáo của Ẩn từ văn phòng. Ký giả H.D.S. Greenway, được bạn bè biết đến với cái tên David, đột nhiên hiểu tại sao người đồng nghiệp cũ của ông ở báo Time biết rõ hơn ông về cuộc hành quân 719, là một nỗ lực đầy tai họa của phía quân đội Nam Việt Nam tấn công vào Lào năm 1971.

Greenway nói với tôi, "Tôi đã lên vùng biên giới gần Khe Sanh, nhìn những binh sĩ bị thương nặng rút về từ Lào. Tôi diễn tả họ như là những người sống sót từ đội quân dẫn đến trận tấn công. "Không", Ẩn nói, không một chút do dự, "Đội quân đầu tiên bị xóa sổ. Những gì anh thấy là những người sống sót từ nỗ lực để cứu đội quân, vốn cũng thất bại luôn." Sau này, khi nghĩ lại, tôi thấy Ẩn có vẻ nắm vững tin tức một cách kỳ lạ. Đó là loại sáng suốt anh chỉ có được từ chuyện biết rõ cả hai bên trong trận chiến làm gì."

Ký giả Nayan Chanda lúc ấy đang làm việc cho hãng tin Reuters và báo Far Eastern Economic Review, nhớ lại hình ảnh Ẩn đứng phía trước Dinh Độc Lập vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, lúc chiếc xe tăng mang số 843 húc sập cái cổng sắt. Chanda nói, "Có nụ cười kỳ quái, khác lạ nở trên khuôn mặt ông. Tôi cảm thấy có cái gì đó quái lạ. Vợ và con ông đã được máy bay chở ra khỏi nước, và ông dường như không quan tâm gì đến thế giới." Sau này Chanda mới biết Ẩn đang ăn mừng chiến thắng của Cộng sản, đó là phe mà ông đã làm việc trong ba mươi năm.

Bỏ qua cái nhìn thoáng nhỏ nhặt của Chanda, Ẩn giữ vỏ bọc kín sau 1975. Ông nói, " Đó là một thời điểm nguy hiểm cho tôi. Thật là dễ dàng cho ai đó cho vào đầu tôi một viên đạn. Tất cả những gì tôi có thể làm là đợi người nào đó trong rừng ra và nhận diện tôi."

Ẩn và mẹ ông dọn vào khách sạn Continental. Đầu tiên họ sống trong phòng cũ của Robert Shaplen. Rồi Ẩn dọn vào trụ sở hai phòng của báo Time. Ông thường bị công an gọi lên thẩm vấn, cho đến khi những cán bộ tình báo đứng ra can thiệp. Mọi người bắt đầu nghi ông là "người của cách mạng" khi họ thấy ông lái xe đạp đến nhà kho chứa gạo quân đội và đem về những bao gạo và thịt treo trên ghi đông xe đạp của ông. Họ cho ông là thứ "cách mạng 30 tháng 4", tức là là người nhảy vào tham gia phía Cộng sản sau khi Sài Gòn sụp đổ.

Ngay cả những cán bộ quân sự cao cấp như Bùi Tín cũng không biết được câu chuyện của Ẩn. Tín là một đại tá của Bắc Việt Nam chấp nhận sự đầu hàng của chính phủ Nam Việt Nam. Ông đang làm việc với tư cách là chủ bút tờ báo Quân Đội Nhân Dân, là tờ báo của Quân Đội miền Bắc, khi ông đi trên một chiếc xe tăng vào Dinh Độc Lập vào ngày 30 tháng 4. Bất ngờ trở thành cán bộ cấp cao nhất ở đó, Tín chấp nhận sự đầu hàng của chính phủ Nam Việt Nam và ngồi ở bàn làm việc của tổng thống để viết bài về cho báo ông. Giống như nhiều ký giả mới tới Sài Gòn, chuyện kế tiếp ông làm là đi tìm Phạm xuân Ẩn. Tín nói, "Vào buổi sáng ngày 1 tháng 5, tôi đến gặp Ẩn tại văn phòng ông ở khách sạn Continental. Vào lúc đó tôi không có ý nghĩ gì về chuyện ông ta là một người điệp báo. Tất cả những gì ông ta nói với tôi ông là phóng viên làm việc cho báo Time và Life. Ông giới thiệu tôi với tất cả những ký giả trong thành phố, và tôi giúp họ gửi những bài tường thuật ra nước ngoài. Ba tháng sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, tôi vẫn không biết Ẩn là một gián điệp."

Có những dấu hiệu cho thấy có chuyện tranh cãi trong hệ thống quyền lực về Ẩn - Sự đọ sức xảy ra giữa những cán bộ tình báo quân sự muốn gửi ông sang Mỹ đối nghịch với ý kiến của những cán bộ trong bộ chính trị - những chuyện này chỉ được tiết lộ cho Bùi Tín khi chính quyền tiến hành chuyện đem vợ và những đứa con của Ẩn hồi hương về nước.Đi ngược lại với dòng người tỵ nạn đang ồ ạt ra khỏi nước, gia đình Ẩn trải qua 1 năm trong sự cố gắng tìm cách trở lại Việt Nam bằng phương tiện là đường đi vòng ngang qua Paris, Mạc tư khoa, và Hà nội. Lời công bố chính thức đầu tiên về nhiệm vụ của Ẩn trong thời chiến xảy ra vào tháng 12 năm 1976, khi ông bay ra Hà nội như là một đại biểu quân đội tại Đại hội 4 của Đảng. Bạn bè thấy ông đi dạo quanh Hà nội trong bộ quân phục,là bộ áo quần lính ông bận đầu tiên trong đời, đã sửng sốt khi thấy sự biến đổi của một ký giả thành anh hùng lẫm liệt.

"Sau 1975, Sài Gòn biến thành thành phố Hồ chí Minh," Ẩn nói, về cái năm mà ông điều hành văn phòng của báo Time, trước khi nó bị đóng cửa vào tháng 5, năm 1976. "Sự kiểm duyệt thật quá khắt khe, nó giống như những ngày xưa thời kỳ Graham Greene. Tôi không viết nhiều bài cho lắm, vì tôi không biết làm sao để tránh sự kiểm duyệt. Tôi chơi gà đá và cá đá cho qua ngày."

Có hàng trăm ngàn người Việt biến mất vào những trại tù và trại lao động, Ẩn cũng bị đưa vào "cải tạo". Vào tháng 8 năm 1978, ông bị gửi ra Hà nội trong 10 tháng để cải tạo tư tưởng tại Viện chính trị thuộc bộ quốc phòng, một trại huấn luyện tư tưởng Mác xít- Mao ít cho những cán bộ trung và cao cấp. Ẩn nói, " Tôi đã sống quá lâu với quân thù. Họ gửi tôi đi để được tái lập sự tuần hoàn."

Vốn lúc nào cũng là một học sinh dở, Ẩn tốt nghiệp vào hàng gần chót trong lớp ông." Họ không thích những chuyện cười của tôi." Ẩn nói đến những người miền Bắc khắc khổ rán sức dạy ông nói về con người "mới" Việt Nam, đầy những danh từ chính trị vay mượn của Trung quốc. Ẩn thấm mệt với cái mưa lạnh thấu xương của mùa đông Hà nội, ông ngủ trên một cái giường bằng gỗ và nệm bằng bông. " Tôi bận một cái áo lạnh bằng bông Trung quốc làm tôi giống như một xác ướp vậy. Tôi xin một cái áo ấm của Nga. Nhưng tôi vẫn lạnh, cho nên tôi quay lại và hỏi loại áo ấm "một trăm mười một độ" - là 3 cô gái, một cô nằm bên phải, một cô bên trái và một cô trên người tôi.

Ẩn nói về những người tái giáo dục chính trị cho ông như sau, "Họ không thích tôi chút nào cả. Nhưng tôi chưa làm lỗi lầm gì quá lớn để bị bắn."

Năm 1990, Đại tá Ẩn được phong lên tướng. Vào thời đó, Việt Nam bắt đầu áp dụng chính sách đổi mới, là " chính sách cải tiến " mở cửa đất nước ra với phương Tây. Cho dù những người Cộng sản có công nhận những công lao của Ẩn, xấu hổ trước cảnh thiếu thốn xác xơ mà ông sống, hay vận động giữ ông bằng một sợi dây chặt hơn được phơi bày thể hiện ra công khai. Như thường lệ Ẩn giải thích sự thăng chức của ông với sự diễu cợt. Khi những ký giả ngoại quốc bắt đầu trở lại Việt Nam, người ta sẽ tìm gặp "Tướng Givral". Để tránh sự bẽ bàng, nhà nước quyết định thăng cấp cho ông để phù hợp với danh hiệu của ông.

Vào năm 1997, chính phủ Việt Nam từ chối không cho phép Ẩn thăm viếng Hoa Kỳ để tham dự một hội nghị mà ông được mời như một khách đặc biệt, và sự từ chối tiếp tục cho đến tháng 3 năm 2002, khi ông tướng 74 tuổi mang bệnh khí thủng được cho phép nghỉ hưu. Ông nói, "Họ muốn kiểm soát tôi. Đó là lý do tại sao họ giữ tôi trong quân đội lâu đến như vậy. Tôi phát biểu lung tung. Họ muốn bịt miệng tôi." Đó có thể là một lối giải thích, nhưng đối với Ẩn thì lúc nào cũng có một hình bóng khác được đem ra thảo luận. Chúng ta đều biết rằng, ít nhất là 27 năm sau khi kết thúc cuộc chiến, Ẩn vẫn còn là một thành viên hoạt động trong mạng lưới tình báo Việt Nam.

Một vài đồng nghiệp cũ của Ẩn tố cáo ông là làm "tay sai cho thế lực" mà công việc là để chế biến tin tức và bày đặt ra những câu chuyện trên báo Time. David Greenway, người rời báo Time năm 1973 và cuối cùng trở thành chủ bút báo Boston Globe nói, "Chúng tôi nghĩ đây là chuyện nực cười. Những chủ bút ở báo Time không lắng nghe chúng tôi. Không có ký giả nào ở báo Time chế biến tin tức. Ông ta không có sự may mắn nào hơn số người còn lại của chúng tôi."

Chuyện thêu dệt những câu chuyện là chuyện xa vời, Richard Pyle vốn là giám đốc văn phòng của hãng tin A.P nói, "Ẩn cứu báo Time khỏi sự bẽ bàng bằng cách không cho in những câu chuyện không thật. Đây là sự mưu mẹo tài tình của ông. Bằng cách không tiết lộ làm thế nào ông biết những gì ông biết, ông cho bạn biết bạn có đi đúng đường hay không."

Theo cựu phóng viên báo Time Zalin Grant, Ẩn bị tố cáo là "Trường hợp đầu tiên của một điệp viên Cộng sản xuất hiện trong bản danh sách ban biên tập của một cơ sở xuất bản lớn của Hoa Kỳ như là một phóng viên." Murry Gart được ghi nhận là đã nói câu này sau khi ông biết rõ chuyện Ẩn, "Ẩn là một thằng chó đẻ. Tôi muốn giết hắn."

Một ký giả khác cũng phê phán Ẩn, tuy bởi nhiều lý do khác nhau, đó là Peter Arnett. Ẩn mướn một cái nhà từ người bà con bên vợ của Arnett, và cả hai đều gặp nhau thường xuyên ở Givral để trao đổi chuyện trò. Arnett nói, "Đó vẫn còn là một điểm mới đối với tôi. Dù tôi hiểu ông ta là một người Việt Nam yêu nước, nhưng tôi vẫn nghĩ là báo chí đã bị phản bội. Có nhiều lời tố cáo trong suốt cuộc chiến là chúng ta đã bị Cộng sản xâm nhập. Những gì ông ta làm đã cho phép phe hữu nêu lên và đập vào mắt chúng ta. Trong chừng một năm, tôi cho nó là chuyện của mình. Rồi tôi quyết định nó là chuyện của ông ta."

Với một vài ngoại lệ này - và ngay cả Arnett chấm dứt cuộc đối thoại với chúng tôi bằng cách ca ngợi Ẩn là "một người dũng cảm, táo bạo" - những bạn bè đồng nghiệp của Ẩn đoàn kết hỗ trợ ông. Frank McCulloch, người đứng đầu văn phòng Á châu của báo Time và là người mướn Ẩn làm việc ở văn phòng Sài Gòn với số lương 75 dollars một tuần, nói "Tôi có tức giận không khi tôi biết chuyện về Ẩn" Chắc chắn là không. Tôi nghĩ đó là đất nước của ông. Nếu tình trạng ngược lại, tôi chắc sẽ làm giống như vậy."

McCulloch, hiện nay đã nghỉ hưu sau khi để lại một sự nghiệp xuất sắc là chủ bút điều hành của báo Los Angeles Times, The Sacramento Bee, và nhiều tờ báo khác, nói tiếp, "Ẩn là đồng nghiệp và là một ký giả tài ba. Ẩn có một hiểu biết sâu sắc về chính trị Việt Nam, và ông chính xác một cách đặc biệt." McCulloch bật lên cười, "Dĩ nhiên là ông chính xác, hãy nhìn những nguồn lấy tin của ông!"

McCulloch nhớ về Ẩn với lòng yêu mến và kính trọng lớn lao, và ông nói thật là " một sự vui sướng lớn lao " vào năm 1990, đã tổ chức ra một quỹ quyên góp thâu được 32000 dollars để gửi cho người con trai lớn nhất của Ẩn là Phạm xuân Hoàng An, được mọi người biết đến với cái tên An trẻ, đi học ngành Báo chí tại trường Đại học North Carolina. Danh sách của những người đóng góp cho quỹ đọc giống như Tự điển danh nhân Who 's Who của những ký giả tường trình về chiến tranh Việt Nam. (Hoàng An tốt nghiệp ngành Luật từ Đại học Duke năm 2002, hiện nay làm việc cho Bộ ngoại giao Việt Nam).

Người xếp cũ của Ẩn là Mai chí Thọ sau chiến tranh đã nổi bật lên là một trong những gương mặt có quyền lực mạnh nhất của Việt Nam, phục vụ với tư cách là người cầm đầu Đảng bộ chỉ huy Nam Việt Nam và là bộ trưởng bộ nội vụ. Tại ngôi nhà villa của Thọ - là tòa Đại sứ Thụy sĩ cũ - tôi được dẫn vào một phòng lỗng lẫy ở tầng trệt, được trang hoàng đầy bàn ghế làm bằng gỗ đào hoa tâm và những tượng đẽo từ đá thâu thập từ những địa danh cách mạng nổi tiếng. Phần chiếm ưu thế ở phía xa cuối phòng là một bàn thờ được trang hoàng bởi hoa, những mâm trái cây và 4 cái ảnh to bằng bàn tay của song thân Mai chí Thọ và hai người anh nổi tiếng: Đinh đức Thiện, là tướng hai sao giúp xây dựng đường mòn Hồ chí Minh và Lê đức Thọ, là người lãnh giải Nobel hòa bình và là người đưa Henry Kissiger vào tình thế khó khăn ở Hòa đàm Paris.

Mai chí Thọ đứng trước bàn thờ, cầm một bó nhang nhẹ trong tay và vái trước hình của cha ông. Hôm nay là ngày mất của cha ông, theo tục lệ đó không phải là ngày tiếp người lạ, nhưng Thọ biết thời gian tôi ở lại trong nước ngắn ngủi. Ông cắm nhang vào trên bàn thờ và đến bắt tay tôi. Ông bận một quần xám và một áo tím, ông trông bệ vệ với mái tóc bạc trắng và có cái nhìn thẳng chăm chú. Thọ cao to hơn một người Việt Nam bình thường, có một đường hầm thật rộng dành cho ông trong suốt 10 năm ông sống dưới địa đạo ở Củ Chi.

Được rèn luyện từ những nhà tù nổi tiếng ở Việt Nam, bao gồm cả Hỏa Lò, sau được biết đến với cái tên khách sạn Hilton ở Hà Nội, nơi mà John McCain đã trải qua 5 năm và nhà tù ngoài biển Côn đảo, theo lời Thọ kể là nơi 2 phần 3 bạn tù của ông đã chết trước khi ông được thả vào năm 1945, Tướng Thọ là một người dày dạn trong chiến tranh, ngày hôm nay là một người chủ nhà nhã nhặn, niềm nở đón tiếp người bạn Mỹ với trà và trái cây. Ông nói đến nỗ lực kiếm tiền của ông để gửi Ẩn sang Mỹ năm 1957, "Đó là một việc làm khó nhọc, nhưng chúng tôi phải làm nó. Đảng có rất ít tiền, nhưng chúng tôi nghĩ đó là nỗ lực đáng giá - Ẩn là người đầu tiên chúng tôi gửi đi Mỹ - để học văn hóa của loại người thay Pháp và trở thành kẻ thù của chúng tôi."

Ông nói thêm, "Ẩn là một người tốt nhất cho công việc. Đó là một hành động táo bạo lớn cho chúng tôi."

Tôi hỏi Thọ về một cơ hội khác mà Việt Nam đã bỏ lỡ - đó là cơ hội gửi Ẩn đi Mỹ một lần nữa năm 1975. Ông nhìn chằm chằm vào tôi bằng cặp kính có gọng thép. "Tôi không biết làm sao câu chuyện lan ra ngoài," ông nói, rõ ràng tỏ ý hối tiếc về chuyện tôi biết đầy đủ để hỏi câu hỏi đó. " Anh ta sẽ tuyệt vời nếu chúng tôi gửi anh ta đến Mỹ." Đây là lời ám chỉ duy nhất trong ý kiến của Thọ về chuyện này, trước khi ông chuyển sang nói đường lối của Đảng cho rằng Ẩn đã chịu đủ những khó nhọc từ chuyện làm việc nhiều năm ở hậu trường lãnh thổ quân thù và anh ta cần được cho phép nghỉ hưu trong sự an bình."

Tôi biết trước khi tôi hỏi câu hỏi kế tiếp này, sẽ không được trả lời, "Ẩn đã thực sự làm gì cho ông""

Bộ trưởng Thọ mỉm cười và mời tôi thêm một tách trà nữa, ông nói "Ẩn có những nguồn tin tốt nhất và tiếp cận được những thông tin bí mật. Anh ta nghe ngóng mọi chuyện không giống bất cứ ai ở Sài Gòn. Nếu anh muốn biết những gì thật sự xảy ra. Ẩn là người nên hỏi. Sau chiến tranh, chúng tôi phong anh lên tướng và anh hùng lực lượng võ trang nhân dân. Không cần cho anh bất cứ chi tiết nào, điều đó thôi cũng đủ nói cho anh biết sự quan trọng mà Ẩn đã làm cho đất nước anh."

Tôi bấm chuông để gặp Ẩn lần cuối cùng. Tối hôm qua có cơn mưa phùn thổi từ hướng Đông và mưa rơi rả rích suốt sáng hôm nay. Giờ đây khi mưa rơi xuống, phòng Ẩn phủ đầy hơi của những con chó ướt và phân chim,và mắt cá của tôi trở thành một mảng đầy những chấm đỏ và bắt đầu sưng lên bởi những vết cắn của bo chét. Vào khoảng giữa buổi sáng, không khí dày đặc với mùi tiêu và rau rán rồi tan đi khi Ẩn bắt đầu nói chuyện suốt giờ ăn trưa qua tới buổi chiều. May thay tôi biết trước nên ăn một bữa ăn điểm tâm thịnh soạn trước khi đến gặp ông.

Có những dòng nước chảy lai láng làm vấy bẩn cái vườn và làm cho không khí mù sương. Tôi quan tâm lo lắng đến những cuốn sách vàng ố của Ẩn, chúng bị hoen ố bởi mốc meo và từ từ biến thành một đống giấy bầy nhầy không thể đọc nổi. Ẩn thỉnh thoảng ngưng lại để đứng lên lấy một trong những cuốn sách đó. Ông kiếm một câu trích dẫn hay dúi vào tay tôi một một bản văn để chứng thực cho sự phân tích của ông. Nhiều cuốn sách của Ẩn được ký tặng, hoặc là do tác giả cuốn sách hay là những người đến tặng sách cho ông. Về hai cuốn sách " Sự lừa dối hào nhoáng " The bright shining lie" do tác giả Neil Sheehan của Ẩn, một cuốn được chính tác giả Sheehan đề tặng, cuốn kia do phóng viên CBS Morley Safer mang biếu.

Vào buổi trưa khi mưa tạnh, Ẩn đứng dậy lê bước đi qua nhà bếp ra khỏi cửa sau tiến vào vườn. Ông mở ngăn hộc bàn chỉ cho tôi coi nhiều ảnh cũ. Ông liệng bỏ nhiều ảnh mới hơn, chụp ông trong bộ quân phục tướng lãnh đứng gần những thành viên trong chính trị bộ. Ẩn nói, "Họ muốn xem tôi giống gì. Họ trải qua cuộc chiến trong rừng và chưa bao giờ gặp tôi."

Tôi moi thấy trong hộc bàn một huy chương bọc dây ruy-băng đỏ. Tôi hỏi, "Cái gì đây"", ông nói, "Họ cứ đưa tôi những thứ này. Tôi không hiểu thứ đó có ý nghĩa gì."

"Tôi sống trong bóng tối và chết trong bóng tối," Ông nói, và đóng lại hộc bàn.

Đi trở lại nhà, chúng tôi một lần nữa dừng lại trước thư viện của Ẩn. Ông nói, "Tôi sẽ nhớ những thứ này khi tôi không còn ở quanh đây. Tôi là người duy nhất quan tâm đến những câu chuyện cũ."

Tôi ngạc nhiên khi thấy sách sưu tầm của Ẩn bao gồm những cuốn tiếng Anh và tiếng Pháp và rất ít sách tiếng Việt. Ông nói, "Người ở đây không thể viết tự do. Đó là một lý do tôi không viết về cuộc đời của tôi. Tôi sẽ gặp rắc rối nếu tôi nói về cuộc đời tôi hay những gì tôi biết."

Đôi khi tôi cảm thấy những cuốn sách Ẩn dúi vào tay tôi giống như những thông điệp mật mã, là những cách nói về những kinh nghiệm vẫn còn quá nguy hiểm để đối diện trực tiếp. Cứ mỗi ngày thăm viếng, Ẩn dường như chọn một văn bản hay một đoạn văn để đan kết vào cuộc đối thoại của chúng tôi. Có ngày dùng đến nhà văn Dickens có đoạn viết, "Đó là thời gian tốt nhất, đó là thời gian tệ hại nhất." Ngày khác, bài học lấy từ cuốn sách "Những truyện hoang đường" của Jean de La Fontaine. Ẩn thích thú với những truyện thú vật xử sự như người, và người yêu thú vật.

Vào lần gặp cuối cùng, Ẩn chỉ cho tôi một cuốn sách của Gérald Tongas, một nhà giáo dục người Pháp có đến Hà Nội để giúp Cộng sản thành lập một trường trung học sau chiến thắng của họ đối với Pháp năm 1954. Theo Ẩn, Tongas cũng giống như Edward Lansdale, có một con chó thông minh và một ngày nọ đã cứu ông khỏi bị đầu độc chết.

Tôi nhìn thấy lời đề tặng ở trên bìa ngoài cuốn sách Tongas được tặng cho Ẩn bởi người đứng đầu Tổ chức Á châu (the Asia Foundation), là tổ chức đã bảo trợ cho những chuyến du hành của ông ở Mỹ. Cái tên thôi dường như có hàm ý, "Tôi đã sống trong địa ngục của Bắc Việt Nam, và tôi chọn Tự Do" (J'ai Vésu dans l'Enfer Communiste au Nord Viet Nam et J'ai Choisi la Liberté") ("I haved lived in the Communist Hell of North Viet Nam, and I have chosen Liberty").

Ẩn nói, "Đó là một cuốn sách quan trọng, một cuốn sách thật. Anh phải đọc nó trước khi anh viết cái gì."

THOMAS A. BASS

(Trần viết Đại Hưng lược dịch từ bài "The spy who loved us" của ký giả Thomas A. Bass đăng trong tạp chí The Neworker số ngày 23 tháng 5 năm 2005).

Los Angeles, một chiều mùa đông có nắng vàng héo úa, ủ rũ cuối tháng 12 năm 2006

TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG

Email: dalatogo@yahoo.com

(Muốn đọc tất cả những bài của Trần viết Đại Hưng thì vào www.nsvietnam.com, rồi bấm vào tên Trần viết Đại Hưng nằm ở bên trái).

Phụ chú của người dịch

(1) Những đảng viên như Ẩn được đi học lớp "bồi dưỡng" do Đảng tổ chức sau chiến tranh. Nói chung chuyện đi học bồi dưỡng nhẹ nhàng, khác với những trại cải tạo khắc nghiệt, độc ác,vô nhân đạo, giết người dành cho những sĩ quan và công chức cao cấp ngã ngựa của miền Nam. Những trại cải tạo này là những địa ngục có thật.

(2) Trong bài, tác giả dùng chữ "sister" nên không đoán được là em hay chị Phạm xuân Ẩn. Chữ "sister" trong tiếng Anh chỉ em hay chị trong gia đình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
EMS cảnh báo khuynh hướng xã hội ngày nay xem người gầy như một chuẩn mực, dẫn đến tâm lý sợ hãi cơ thể mập một cách thái quá, đặc biệt đối với phụ nữ và thanh thiếu niên.
Ngày 14 tháng 4, năm 2024, văn thi sĩ Y Thy Võ Phú có buổi ra mắt tập truyện ngắn "Xóm Chài" và tập thơ "Nhật Ký 6/8 2023" của anh tại Mason District Government Center. Với hơn 150 thân hữu và bạn hữu đã đến tham dự buổi ra mắt sách của văn thi sĩ trẻ trong vùng Hoa Thịnh Đốn.
kính mời quí đồng hương tham dự buổi nói chuyện với các vị tăng ni tu viện Lộc Uyển về những phương cách kết nối truyền thông trong gia đình, cải thiện liên hệ giữa cha mẹ con cái.
Medi-Cal hiện nay đang chăm sóc y tế cho khoảng 1/3 dân số California, đang đi đầu trong cuộc cách mạng y tế toàn dân ở nước Mỹ.
Sky River Casino hào hứng giới thiệu một loạt những chương trình khuyến mãi vô cùng kích thích vào Tháng Tư này, hứa hẹn một Mùa Xuân ngập tràn cơ hội vui đùa, kích thích, và trúng lớn. Thêm vào đó, Sky River Casino thật là hãnh diễn và kích thích loan báo việc vừa mới kết hợp với Đội Bóng Đá Sacramento Republic FC. Việc kết hợp này không chỉ nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm giải trí cho quý vị khách cũng như 'fan' mà còn nhằm vinh danh và hỗ trợ di sản phong phú của Bộ tộc Wilton Rancheria và sự kết nối có từ thời tiên tổ của Bộ tộc với vùng Sacramento.
Pechanga Resort Casino hãnh diện tổ chức Cuộc Tranh Giải Golf Pro-Am Thường Niên Lần Thứ 17 của Character Media vào những ngày 9 Tháng Tư, 2024 tại sân Golf thượng hạng Journey at Pechanga của cơ sở resort-casino này. Cuộc tranh giải thể thao đặc biệt này sẽ có sự tham dự của những tay Golf nữ tên tuổi như Ashley Lau, Robyn Choi, Jennifer Chang, Soo Bin Joo và Ssu-Chia Cheng.
Quý vị không có bảo hiểm răng hoặc bảo hiểm mắt? Quý vị chưa có giấy tờ cư trú hợp pháp và cần ghi danh Medi-Cal? Gia đình quý vị có cần giúp đỡ về thực phẩm không? Kính mời quý vị đến hội chợ mang chủ đề sức khỏe của chúng tôi vào Thứ Bảy tuần này từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều tại Valley High School, 1801 S Greenville St., Santa Ana, CA 92704! Tất cả các dịch vụ đều miễn phí! Hãy mời bạn bè và hàng xóm của quý vị cùng tham gia!
Vào trưa ngày Thứ Năm 4 tháng 4 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về Listas California, một chương trình của Văn Phòng Dịch Vụ Khẩn Cấp Thống Đốc California (Cal OES), nhằm dành cho phụ nữ vai trò trung tâm của gia đình trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp, thiên tai.
Để có phương tiện cho việc tổ chức Đại Lễ Phật Đản PL. 2568-2024 do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và Cộng Đồng Phật Giáo Miền Nam California sẽ được tổ chức tại Công Viên Garden Grove Park, Thành Phố Garden Grove, Miền Nam California vào các ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, 04 và 05 tháng 5 năm 2024 với Chủ Đề “Phật Giáo và Hòa Bình”
Tại Chùa Từ Ấn, 32693 Gruwell St Wildomar, CA 92595 do Thượng Tọa Thích Pháp Tánh làm Viện Chủ, TT. Cũng là Hội Phó Hội Thân Hữu Già Lam, đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng Niệm 40 năm Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ viên tịch và họp mặt Thân Hữu Già Lam Lần Thứ 18 -2024, diễn ra trong hai ngày Thứ Sáu, ngày 05 và Thứ Bảy, ngày 06 tháng 4 năm 2024. Buổi lễ tưởng niệm Cúng kỵ Ôn Già Lam và Hiệp kỵ quý Thầy hội viên Hội THGL trong đó có Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, HT. Thích Thái Siêu, HT. Thích Hạnh Tuấn, HT. Thích Quảng Thanh… diễn ra vào lúc 11 giờ trưa Thứ Bảy ngày 6 tháng 4 năm 2024, tham dự buổi lễ ngoài quý chư tôn đức Tăng, chư tôn đức Ni trong hội Thân Hữu Già Lam đến từ các Tiểu Bang tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Canada … còn có một số đông Phật tử tham dự.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.