Hôm nay,  

Việt Báo Xuân và Tây Tạng

03/02/200700:00:00(Xem: 4013)

Việt Báo Xuân và Tây Tạng

Bìa Xuân Việt Báo Đinh Hợi 2007.
 Tây Tạng và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng.

Giai phẩm Xuân Đinh Hợi của Việt Báo vừa phát hành đã được độc giả nhiệt liệt đón nhận và nhiều người còn liên lạc để ngợi khen, hoặc nêu một số câu hỏi về chủ đề Tây Tạng và nhất là về đức Đạt Lai Lạt Ma.

Là người chủ biên số báo Xuân này, chúng tôi xin được cảm tạ toàn thể quý độc giả, và nhân đây cũng xin được tạ lỗi nếu có những sơ suất ngoài ý muốn. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn chia sẻ với quý độc giả gần xa một số khám phá khi thực hiện chủ đề này...

Mọi việc khởi đầu từ... Xuân Nhâm Tuất!

Năm ngoái, sau khi ăn Tết xong, từ đường Bolsa, Việt Báo dọn về trụ sở mới trên đường Moran. Trung tuần Tháng Ba, Hoà thượng Geshe Tsultim Gyeltsen đã từ Tu viện Phật giáo Tây Tạng tại Long Beach ghé thăm để niệm Phật và làm lễ chúc phúc cho mọi nhân viên trong trụ sở mới. Nhân dịp này, chúng tôi mới giới thiệu Giai phẩm Xuân và hỏi ý Thầy về một việc dự tính sẽ thực hiện cho Giai phẩm Xuân Đinh Hợi.

Năm Hợi trong lịch sử có nhiều biến cố đáng ghi nhớ, trong đó có việc Tây Tạng bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1959, khiến vị Quốc trưởng đồng thời là Tăng thống mà dân Tây Tạng coi là Phật sống đã phải lưu vong. Là một nhân vật lịch sử nổi tiếng trên toàn thế giới, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng lại sinh vào năm Hợi. Vì vậy, chúng tôi dự tính sẽ dành một phần nội dung của số báo năm tới để giới thiệu về Tây Tạng và đức Đạt Lai Lạt Ma. Theo ý Hoà thượng thì điều ấy có nên không, và nếu muốn làm một số Xuân như vậy, đâu là những vấn đề cần chú ý" Sở dĩ cần chú ý vì chúng tôi chỉ có sự hiểu biết trung bình về Tây Tạng, Phật giáo Tây Tạng và về đức Đạt Lai Lạt Ma.

Sau khi tham khảo một số báo Xuân của Việt Báo trong các năm trước, Hoà thượng Geshe Tsultim Gyeltsen hoan hỉ trả lời là điều ấy rất nên, không có gì đáng ngại ngần. Nếu có những thắc mắc hay do dự mà cần ý kiến thì cứ việc tham khảo ý kiến với Thầy.

Hôm sau, Hoà thượng giới thiệu cho hai vị Giáo sư Tây Tạng đang giảng dạy tại Đại học U.C. Santa Barbara là Ngawang Thondup Narkyid và Tenzin Dorjee. Đây là những thân hữu lâu năm của Việt Báo và hai vị đến thăm báo quán để hỏi thăm về những nhu cầu của Việt Báo khi thực hiện chủ đề. Dự án “Xuân Tây Tạng” khởi sự từ đó, và đối với những người thực hiện số Xuân Đinh Hợi, đây là một kinh nghiệm quý báu vô chừng.

Nói chung, sự hiểu biết của chúng ta về đức Đạt Lai Lạt Ma và Tây Tạng không phải là nhiều và còn có một sự cách ngỡ ban đầu là ngôn ngữ.

Người Việt chúng ta đã quên hẳn vì mất hết phần tiếp nhận Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ và từ miền Nam xứ sở trong cổ sử nước nhà và giờ đây ta hiểu Phật giáo qua sự phiên giải sau này của Trung Hoa. Những khái niệm phổ thông như Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tam bảo, v.v... đều là những từ Hán-Việt và nếu có tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng, chúng ta cũng chỉ có những diễn giải đã được Hán hoá, Kim cang thừa chẳng hạn.

Đọc trong sách sử, ta biết đến nước Thổ phồn hay một vị vua hùng tài đã chuyển hoá Tây Tạng theo Phật giáo là Tùng tán Can bố, người đã làm kinh đô của một vị vua cũng hùng tài của nhà Đại Đường phải rung chuyển là Trường An của Đường Thái Tông Lý Thế Dân vào thế kỷ thứ bảy.

Trong lãnh vực thuần túy truyền thông, chúng ta có vấn đề khi phiên dịch địa danh hay nhân danh của một xứ khác qua tiếng Việt.

Tên một Tổng thống Đại Hàn chẳng hạn, là Pak Chung Hee hay Phác Chính Hy, Kim Dae Jung hay Kim Đại Trung, Kim Đại Trọng" Cách hay nhất là hỏi thẳng người Đại Hàn xem họ muốn ta dùng từ nào, theo lối phiên âm của họ (thí dụ như Kim Young Sam) hay lối phiên âm Hán-Việt là Kim Vĩnh Tam"

Người Đại Hàn không thích ta gọi tên lãnh đạo của họ theo lối... Hán hóa của Việt Nam!

Huống hồ là người Tây Tạng, trong cảnh ngộ ngày nay!

Đây là một vấn đề văn hoá và... ngoại giao! Và đồng thời, một vấn đề kỹ thuật. Vì những khái niệm về Tây Tạng đã được Tây phương lưu truyền khá rộng rãi, đa số bằng Anh ngữ, với lối diễn ý và phiên âm qua Anh ngữ. Chúng ta đã quá quen với lối suy nghĩ và diễn giải uyên bác đã bị Hán hoá nên phải bước qua hai tầng phiên dịch, từ Tạng ngữ (hoặc Phạm ngữ) qua Anh ngữ qua tiếng Việt đã bị Hán hoá.

Mà hễ đã có phiên dịch là có thể sai, kể cả tên người.

Chúng tôi đã cố ráp nối được hai tầng phiên dịch ấy nhưng vẫn có thể bị lầm lẫn. Vì vậy mới có lời cáo lỗi nếu đây đó vẫn còn những sai lầm không lọc được! Với các vị cao tăng Tây Tạng, chuyện ấy không đáng quan tâm miễn là mình có lòng thành, nhưng bổn phận của người làm báo là phải tạ lỗi nếu có sai lầm!

Cách ngỡ ban đầu là ngôn ngữ, vì ta phải nói chuyện và tìm hiểu Tây Tạng qua lần phiên giải Anh ngữ. Nhưng, chính là qua sự phiên giải này, chúng tôi khám phá thêm một điều khác nữa.

Trên thế giới, có cả trăm website về Tây Tạng. Không kể những website của cộng đồng Tây Tạng lưu vong và của các tổ chức vận động dư luận cho Tây Tạng, có nhiều website là của... Bắc Kinh, để cổ võ du lịch Tây Tạng. Tìm trong đó, ta thấy một nước Tây Tạng bị... Hán hoá. Lịch sử và hiện tại của xứ sở và dân tộc Tây Tạng đã được viết lại!

Nhã Ca chờ Ngài ký lời chúc tết Đinh Hợi.  Ảnh: Lê Phúc

Điều khám phá ở đây là Việt Nam cũng đã từng gặp hiện tượng ấy, kéo dài cả ngàn năm, khiến cho đời sau, sử gia Việt Nam mẫn cán và thành thật viết về lịch sử Việt Nam nhưng với khái niệm Trung Hoa! Cũng như học giả Pháp tìm hiểu về Việt Nam qua tài liệu Trung Hoa, rồi học giả Mỹ dùng tài liệu của học giả Pháp để tìm hiểu lịch sử Việt Nam...

Trong lịch sử, ngay tự tiềm thức, dân tộc Việt Nam đã có nỗ lực bảo vệ bản sắc riêng bằng cách duy trì một số tập tục của người Việt cổ, những tập tục về sau bị giới quyền quý và trí thức đã bị Hán hóa coi là đáng bỏ... Người Tây Tạng ngày nay cũng đang gặp vấn đề ấy.

May cho họ và khác với chúng ta, dân Tây Tạng đang sống trong thế kỷ 20-21, khi thế giới đã mở rộng thông tin liên lạc. Và họ có đức Đạt Lai Lạt Ma.

Thành thử, càng tìm hiểu về Tây Tạng, chúng ta càng thấy ra vấn đề của mình! 

Chúng ta đang chứng kiến cuộc thử nghiệm sống của một vấn đề mà Việt Nam đã gặp hai ngàn năm trước. Làm sao duy trì bản sắc khi bị một cường quốc quá lớn quá mạnh về văn hoá thôn tính và đồng hóa" Chúng tôi có học được một số điều, nhưng không thể trình bày hết trong khuôn khổ một số báo Xuân.

Dù sao, đây là một tờ báo Xuân, chứ không phải một đặc san về Tây Tạng!

Hoa Kỳ có một giáo sư về Phật học và Ấn-Tạng tại Đại học Columbia, ông Robert Thurman. Độc giả thích thú biết rằng ông là thân phụ của nữ diễn viên Uma Thurman, và còn thích thú hơn khi biết rằng tên nữ diễn viên này là từ Tạng ngữ, có nghĩa là Đại thừa Trung đạo. Robert Thurman chẳng những là học giả về Phật giáo và dạy con theo giáo lý nhà Phật, ông cũng là người Mỹ đầu tiên đã trở thành một nhà sư Tây Tạng, bạn thân và thường là thông dịch viên của đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tháng 12 năm ngoái, giới học giả và chính trị Hoa Kỳ thương tiếc bà Jeanne Kirkpatrick. Bà là Giáo sư Chính trị học nổi tiếng, thiếu thời theo đảng “Xã hội Chủ nghĩa” của Mỹ và từ cánh cực tả chuyển về trung tả khi là đảng viên đảng Dân chủ, đi vận động tranh cử cho ông Hubert Humphrey. Bà thuộc xu hướng Dân chủ của Henry “Scoop” Jackson và sau này theo đảng Cộng hoà, trở thành lý thuyết gia của phe bảo thủ, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc thời Tổng thống Ronald Reagan.

Ít người biết rằng chồng bà là một học giả, từng hoạt động trong ngành tình báo Hoa Kỳ, ông Evron Maurice Kirkpatrick. Lại càng ít người - trừ dân Tây Tạng - biết rằng một trong ba người con trai của bà Kirkpatrick lại là một cao tăng Tây Tạng.

Dưới thế danh là Stuart Alan Kirkpatrick, ông đi tu theo Phật giáo Tây Tạng và đang là một Hoà thượng trụ trì một Tu viện Tây Tạng tại Ann Arbor ở miền Đông Hoa Kỳ. Ông được Phật giáo Tây tạng tôn sùng là hóa thân của một vị cao tăng thế kỷ 19, Do Khyentse Yeshe Dorje, tự thân lại là một hoá thân của Dorje Trollo. Phật tử Tây Tạng có thể không biết ông Stuart Alan Kirkpatrick nhưng rất kính trọng vị cao tăng da trắng, gốc Mỹ là Ngài Traktung Rinpoche!

Khi tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng và biết được thế nào là một vị Rinpoche, chúng tôi thú thật là có giật mình. Con trai Jeanne Kirpatrick là một cao tăng Tây Tạng và bà là người ở trong Hội đồng Quản trị của Tổ chức Campaign for Tibet!

Với các phẩn tử trí thức ưu tú của xã hội Hoa Kỳ, như Robert Thurman hoặc gia đình bà Kirkpatrick, chuyện phù phép thần bí là chuyện thường tình của khách thập phương. Họ tiến vào Phật học sâu xa hơn rất nhiều và tìm thấy trong đó những lý giải khác và xuất gia đi tu. Chuyện ấy mới là điều đáng chú ý, đáng tìm hiểu.

Quảng đại quần chúng đều biết đến Richard Gere, hay Steven Segal, hoặc Sharon Stone, những minh tinh màn bạc đã quy y Phật pháp. Truyện phim ảnh thì Seven Years in Tibet hoặc Kundun hay Red Corner là những tác phẩm điện ảnh khiến Brad Pitt hay Richard Gere không được phép vào Trung Quốc...

Truyện ngoài đời là nhiều bậc trí thức Mỹ đã tu theo Kim cang thừa của Tây Tạng và có người còn là Rinpoche...

Những điều khám phá ấy khiến chúng ta phải nhìn Phật giáo Tây Tạng dưới con mắt khác. Cũng như Phật tử Tây Tạng vẫn còn nhớ đến Thầy Thích Thiên Ân của Phật giáo Việt Nam với sự quý trọng. Khi thực hiện một phần của chủ đề Xuân Đinh Hợi dành cho Phật giáo Tây Tạng và đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng tôi học được nhiều điều trước đây mình không biết và coi việc khám phá ấy là một mối duyên....

Nếu con trai của một bậc nữ lưu Hoa Kỳ là Jeanne Kirkpatrich mà xuống tóc đi tu và qua quá trình tu tập mà nhìn ra tiền kiếp của mình là một vị Rinpoche thì chúng ta nghĩ sao về trường hợp vị tiểu sa môn của Việt Nam, Kusho Konchog Osel, hiện đang tu trong một học viện Tây Tạng bên Ấn Độ"

Chúng tôi có gặp Kusho và được nói chuyện rất lâu.

Kusho-La là người kín đáo, ít nói và tránh gặp truyền thông báo chí, vì vậy mà cuộc gặp gỡ mới đáng quý, nhất là khi mình biết là mùa Xuân này, Kusho-La sẽ thọ giới tỳ kheo với chính đức Đạt Lai Lạt Ma. Một người Việt Nam được coi là truyền thừa của Phật giáo Tây Tạng và được chính đức Đạt Lai Lạt Ma ủy thác cho các vị cao tăng hàng đầu của Tây Tạng việc giáo huấn thì phải là điều lạ! Nhà báo nào cũng muốn biết rõ hơn về chuyện ấy, nhưng chỉ được và chỉ nên trình bày một phần mà thôi.

Tuy nhiên, trong hơn hai tiếng đồng hồ nói chuyện với Kusho-La – đúng là “dưới chân Phật đài” – chúng tôi đã gặng hỏi nhiều chuyện, và như mọi kẻ phàm tục, đã muốn hiểu thêm về chuyện hoá thân. Kusho-La có là một hoá thân của một vị Lạt Ma, Rinpoche hay cao tăng Tây Tạng nào không"

Trước sau, Kusho-La trả lời: không biết được, nhưng chuyện ấy thật ra không quan trọng! Nếu muốn biết kiếp trước của mình là gì thì chỉ xét xem kiếp này mình là gì. Nếu muốn biết kiếp sau của mình là gì thì hãy xét xem mình làm gì trong kiếp này!

Suy rộng ra thì nếu kiếp trước mà không có tâm tu hành, kiếp này mình khó là một nhà sư. Còn nhìn ngược và xuôi và thấu đến đâu thì cũng tùy vào hành trình tu tập đời nay, ngay bây giờ. Chỉ có một điều mà Kusho-La thấy rất rõ vì được hướng dẫn và căn dặn thường xuyên bởi chính đức Đạt Lai Lạt Ma: con có bổn phận với quê hương Việt Nam của con!

Thành thử trong suốt một giai đoạn khá dài chuẩn bị cho số Xuân Đinh Hợi, chúng tôi đều thấy bàng bạc một tinh thần, một ý chí, là xây dựng nhịp cầu nối liền Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Tây Tạng, nối liền mối quan tâm suy nghĩ của Việt Nam và Tây Tạng.

Nếu mình không làm nổi bật được sự kiện này thì chỉ vì... lực bất tòng tâm của những người phụ trách số báo Xuân, bắt đầu từ người chủ biên!

Đấy cũng là lý do vì sao chúng tôi hay nói đến lời tạ lỗi trong số báo này.

Bây giờ đến lời tri ngộ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi thăm Nguyễn Xuân Nghĩa về Việt Báo Xuân
Hoà thượng Geshe-La - tên gọi với sự kính mến của vị Cao tăng Geshe Tsultim Gyeltsen tại Tu viện Tây Tạng ở Long Beach - là người trước tiên biết đến dự án “Xuân Tây Tạng” của Việt Báo. Thầy đã trực tiếp hướng dẫn hay giúp đỡ rất nhiều trong ngần ấy buổi diện kiến. Muốn gặp ai, yêu cầu những gì, Thầy đều lặng lẽ thu xếp và trước sau vẫn hiền hoà phẳng lặng. Nói cho nôm na với sự trìu mến, vẫn “hiền khô”! Thầy quen rộng và biết nhiều, mà nghe nhiều hơn nói và nói ra là những điều hữu ích sau đó mình mới hiểu. Muốn gõ cánh cửa nào của Tây Tạng, Thầy đều lặng lặng bố trí cho mình mà nhiều khi mình không biết nên cứ tưởng là nhờ... tài riêng!

Qua Hoà thượng Geshe-La, chúng tôi gặp Giáo sư Thundop Narkyid, mà vì chốn thân tình mình cứ gọi là Kuno-La. Sau cả chục lần gặp gỡ, phỏng vấn và mạn đàm, kể cả lần gặp lại trong một Hội nghị Quốc tế của các học giả Hoa Kỳ tại Kansas City, chúng tôi mới khám phá ra một nhân vật trong lịch sử Tây Tạng. Ông là người “tử thủ” Lhasa năm 1959, khi đó là một nhân viên Nội các trẻ nhất, mới có 28 tuổi.

Ông được mời qua Đại học U.C. Santa Barbara giảng dạy về văn hoá và lịch sử Tây Tạng và nếu không tham khảo các tài liệu Tây phương về biến cố năm Hợi 1959 tại Tây Tạng thì không ngờ rằng nhân vật trong lịch sử hiện còn sống, và đang tiếp tục những điều bị gián đoạn từ năm 1959.

Con người sắt thép năm xưa ngày nay là một học giả, một chuyên gia về lịch sử Tây Tạng, một người góp phần chấp bút soạn thảo Hiến pháp Tây Tạng và vận động đấu tranh bất bạo động. Sự hướng dẫn và giải thích của Kuno-La đã giúp ích rất nhiều cho chúng tôi và dù ông hiện không có mặt tại Hoa Kỳ để nhận lời cảm tạ chí thiết của Việt Báo, chúng tôi vẫn phải trình bày lời thâm cảm đó ở đây.

Một người thứ ba là Giáo sư Tenzin Dorjee.

Ông còn trẻ, thuộc thế hệ trưởng thành trong cõi lưu vong, và đang làm việc tại Đại học U.C. Santa Barbara. Là cuốn từ điển về Tây Tạng qua cái nhìn của Tây phương, ông giúp chúng tôi kiểm chứng được nhiều tài liệu hay lý giải Anh ngữ về Tây Tạng và còn giới thiệu cho chúng tôi nhiều nhạc sĩ, nhà thơ hay trí thức Tây Tạng của thế hệ thứ nhì tại Hoa Kỳ. Khuôn khổ một tờ báo Xuân không cho phép chúng tôi trình bày được hết cho độc giả xem người Tây Tạng lưu vong hiện đang sống, suy nghĩ, sáng tác, đấu tranh, bảo tồn và phát huy văn hoá Tây Tạng như thế nào. Bản thân chúng tôi có học được nhiều điều bổ ích từ một cộng đồng bạn, có những hoàn cảnh tương đồng với Việt Nam - kể cả cuộc tranh luận lý thú trong cộng đồng bạn, là có nên tổ chức cuộc thi Hoa hậu Tây Tạng hay không!

Tenzin Dorjee là một người bạn tận tình và chu đáo. Ông rất thông cảm với những băn khoăn của chúng tôi về chủ đề “Xuân Tây Tạng” và dung dị giúp đỡ nhưng rất tế nhị không xen vào chuyện kỹ thuật của “dân làm báo”. “Quý vị làm được chừng nào là tốt chừng đó, miễn là vì cái tâm của mình. Còn lại, xin đừng thắc mắc.”

Xin cảm tạ Tenzin về sự cảm thông sâu đậm này.

Còn riêng về đức Đạt Lai Lạt Ma" Chúng tôi rất kính trọng nhân vật từ bi, đạo đức và một bậc đại trí của thế kỷ. Những gì chúng ta muốn tìm hiểu thêm thì có thể tham khảo bài phỏng vấn Ngài do Cư sĩ Nguyên Giác phiên dịch ở trang cuối của chủ đề Tây Tạng. Chúng tôi thiển nghĩ là nên đọc và nên đọc lại. Được gặp gỡ và nói chuyện với một con người như Ngài là một mối duyên hiếm có và là một kỷ niệm không thể quên được.

Tổng kết lại thì nếu đã được chỉ dẫn và giúp đỡ mà chỉ làm được như vậy trong số báo Xuân, và lại còn phạm sai lầm, thì đấy là lỗi của chúng tôi. Độc giả có thể biết hoặc đánh chữ đại xá, chúng tôi vẫn có bổn phận xin lỗi.

Và xin trân trọng giới thiệu một chủ đề Xuân rất lạ trong tờ báo Xuân năm nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
California có thể tự hào với nền y tế hướng tới toàn dân của mình, với khoảng 15 triệu cư dân (tương đương 1/3 dân số) đang được hưởng Medi-Cal
Tại Trường Valley High School, 1801 S. Greenville St, Santa Ana, CA 92704, sáng Thứ Bảy ngày 13 tháng Tư năm 2024, Giám Sát Viên Quận Cam Vicente Sarmiento Địa hạt 2 và Phó Thị Trưởng Santa Ana cô Thái Việt Phan đã tổ chức Hội Chợ Y Tế và Thông Tin Quyền Lợi của Cộng đồng. Hội chợ diễn ra từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều, quy tụ hàng trăm cư dân, đa số là người Mễ Tây Cơ, một số ít người Việt Nam và các sắc dân khác. Đúng 9 giờ 15, Giám Sát Viên Vicente Sarmiento, Phó Thị Trưởng Thái Việt Phan và Dân Biểu Lou Correa cùng một số viên chức thành phố Santa Ana ra chào mừng mọi người. Giám Sát Viên Vicente Sarmiento nói, hôm nay tôi và Phó Thị Trưởng Thái Việt Phan tổ chức Hội Chợ Y Tế và giới thiệu với Cộng đồng các dịch vụ giúp phục vụ mọi cư dân trong thành phố hữu hiệu hơn. Chúng tôi cũng chào mừng Dân biểu Lou Correa đã đến với chúng ta, chứng tỏ ông rất quan tâm đến đời sống cư dân chúng ta.
Tại Clara Studio 15138 Goldenwest Circle Thành Phố Westminster vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, 14 tháng Tư năm 2024 Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ do Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng làm Hội trưởng đã tổ chức thành công Chương Trình Văn Nghệ Tưởng Niệm Quốc Hận 30 tháng 4 với chủ đề "QUÊ HƯƠNG và TÌNH MẸ." Điều hợp chương trình do Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng và MC Hồng Vân. Mở đầu với nghi thức chào cờ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm do ban hợp ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ thực hiện.
Hiệp Hội Pháp Huy Công lý Người Mỹ gốc Á Nam California (AJSOCAL) đã công bố gói lập pháp năm 2024, bao gồm 04 ưu tiên nâng cao cộng đồng gốc Á. Các ưu tiên này nhằm mục đích tăng cường lực lượng lao động song ngữ, giáo dục những người lao động có trình độ Anh ngữ hạn chế về quyền lao động, cung cấp nghiên cứu về nạn buôn người và chấm dứt phương thức tuyển sinh truyền thống ở các trường đại học tư ở California.
– Vào trưa ngày Thứ Năm 11 tháng 4 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là để giới thiệu về những đặc điểm ưu việt của chương trình Medi-Cal mở rộng. EMS dự định sẽ có 6 buổi họp báo về chủ đề này, nhằm nâng cao nhận thức của các cộng đồng sắc tộc về những cải tiến gần đầy của Medi-Cal.
EMS cảnh báo khuynh hướng xã hội ngày nay xem người gầy như một chuẩn mực, dẫn đến tâm lý sợ hãi cơ thể mập một cách thái quá, đặc biệt đối với phụ nữ và thanh thiếu niên.
Ngày 14 tháng 4, năm 2024, văn thi sĩ Y Thy Võ Phú có buổi ra mắt tập truyện ngắn "Xóm Chài" và tập thơ "Nhật Ký 6/8 2023" của anh tại Mason District Government Center. Với hơn 150 thân hữu và bạn hữu đã đến tham dự buổi ra mắt sách của văn thi sĩ trẻ trong vùng Hoa Thịnh Đốn.
kính mời quí đồng hương tham dự buổi nói chuyện với các vị tăng ni tu viện Lộc Uyển về những phương cách kết nối truyền thông trong gia đình, cải thiện liên hệ giữa cha mẹ con cái.
Medi-Cal hiện nay đang chăm sóc y tế cho khoảng 1/3 dân số California, đang đi đầu trong cuộc cách mạng y tế toàn dân ở nước Mỹ.
Sky River Casino hào hứng giới thiệu một loạt những chương trình khuyến mãi vô cùng kích thích vào Tháng Tư này, hứa hẹn một Mùa Xuân ngập tràn cơ hội vui đùa, kích thích, và trúng lớn. Thêm vào đó, Sky River Casino thật là hãnh diễn và kích thích loan báo việc vừa mới kết hợp với Đội Bóng Đá Sacramento Republic FC. Việc kết hợp này không chỉ nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm giải trí cho quý vị khách cũng như 'fan' mà còn nhằm vinh danh và hỗ trợ di sản phong phú của Bộ tộc Wilton Rancheria và sự kết nối có từ thời tiên tổ của Bộ tộc với vùng Sacramento.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.