Hôm nay,  

Oregon: Viện Việt-học Ra Mắt Tự-điển Chữ Nôm Trích Dẫn

05/08/200900:00:00(Xem: 4341)

Oregon: VIỆN VIỆT-HỌC RA MẮT TỰ-ĐIỂN CHỮ NÔM TRÍCH DẪN và Bộ DVD Nam Phong Tạp Chí (1917-1934)

Trong buổi giới thiệu Tự Điển Chữ Nôm do Viện Việt-Học thực hiện tại Portland, Oregon.


Nhận được thiệp-mời của Nhóm Thân hữu và Yểm trợ Viện Việt-Học tại Portland, Oregon, chúng tôi có mặt tại Hollywood Senior Center vào trưa thứ bảy ngày 01 tháng 9 năm 2009 trước giờ khai mạc khoảng 30 phút.
Bước vào cửa, nhìn vào bên trong, trước mặt là bảng “Chào Mừng Quan Khách”, một bàn dài trưng bày một số Tự-Điển, DVD và nhiều loại sách (của Cơ-sở Xuất-Bản Viện Việt-Học tại CA,USA). Trên sân khấu có một màn ảnh lớn ghi nội-dung buổi ra mắt Tự-Điển Chữ Nôm Trích Dẫn và DVD-ROM  Nam Phong Tạp Chí (1917-1934).
Đúng 3 giờ (p.m.) chúng tôi được mời vào những hàng ghế được xếp thành vòng tròn, mọi người đều có thể nhìn nhau, cảm thấy thân mật và ấm cúng mặc dầu thời tiết bên ngoài rất nóng.
 Khởi đầu chương trình là lễ chào Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Cùng tiếng đàn   của anh Từ-Hữu-Lý, bài “Quốc ca “được mọi người hát thật hào hùng vang cả hội trường
Sau phần chào cờ, Anh Thái-Kế-An thay mặt Ban Tổ Chức ngỏ lời chào mừng Qúy quan khách, thân hữu đến tham dự và giới thiệu Giáo Sư (GS) Nguyễn Minh Lân ,Tổng Thư Ký Viện Việt Học đến từ California, là người đặc trách giới thiệu cuốn Tự Điển và bộ Nam Phong Tạp Chí. GS Nguyễn Minh Lân tỏ ra rất cảm động khi nói lời cảm ơn và vui mừng gặp lại một số thân hữu sau gần 30 năm, kể từ ngày Giáo sư rời Oregon dọn về California.
Nhìn dọc theo các hàng ghế, chúng tôi thấy có sự hiện diện của GS Đinh Khang Hoạt, một học giả đã xuất bản nhiều cuốn sách rất giá-trị.  Về văn, thi, họa, nhạc, nhiếp ảnh có Quý  ông bà :Tống Phước Cường, Huỳnh Lương Vinh, Hoa Azer, Mary Nguyễn, Sương Lam, Vũ Văn Phương, Song Phương, Từ Hữu Lý…Báo chí có Bình Huỳnh, báo Việt Star, Việt Báo Miền Nam, và Nguyên Ngọc. Sinh hoạt cộng đồng có Vũ Đăng Khoa, Nguyễn Hà Tịnh, Huỳnh Công Lộc, Nguyễn Thành Út, Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Văn Hóa Văn Lang) và một số thân hữu  từng sinh hoạt , tham gia nhiều công tác cộng đồng…
Trong phần giới thiệu cuốn Tự Điển Chữ Nôm Trích dẫn, GS Nguyễn Minh Lân đã giới thiệu Ban Biên Tập và nội dung, phương pháp, kĩ thuật của cuốn Tự Điển; sau đó trình bày về chữ Nôm. Giáo Sư cho biết Chữ Nôm là một trong ba thứ chữ được sử dụng trong lịch sử của dân tộc ta, đó là Chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ.… Chữ Nôm đã có mặt với dân tộc ta trong một thời gian dài và đã làm tròn vai trò của nó là ghi lại tâm tình, tư tưởng của đông đảo người Việt. Hiện còn lưu lại một số sáng tác văn chương viết bằng chữ Nôm nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam như Quốc Âm Thi Tập, Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm Khúc … Ngay cả những câu ca dao, những thơ văn mang tính chất Tôn giáo cũng được viết bằng chữ Nôm.
Giáo Sư đã tạm ngưng phần trình bày và  đề nghị sự đóng góp của Quý thân hữu. Có nhiều ý kiến được đóng góp rất hữu ích, trong đó có đề nghị của GS Đinh Khang Hoạt là không nên nói “chữ Hán” mà chỉ nên nói “chữ Nho”. Và qua những dẫn chứng của GS Đinh Khang Hoạt, tất cả mọi người đều đồng ý. GS Nguyễn Minh Lân ghi nhận điều đó và cũng rất hoan hỷ tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp khác. Đối với những phần đề nghị, chúng tôi thấy Quý thân hữu đã trao thêm cho Viện Việt Học nhiều gánh nặng “cần thiết”, đặc biệt là kế hoạch làm thế nào truyền bá, phát huy, giữ gìn chữ Nôm để có thể thực hiện nhu cầu cấp bách, khai quật những chứng tích văn hóa Việt Nam còn nằm trong hằng ngàn văn bản chữ Nôm rải rác khắp thế giới mà chưa được phiên âm qua chữ Quốc Ngữ.


Tiếp theo là phần trình bày về bộ DVD-ROM  Nam Phong Tạp Chí (1917-1934).
Trước khi trình bày về Dự án thực hiện và cách sử dụng bộ DVD-ROM Nam Phong Tạp Chí, GS Nguyễn Minh Lân đã nói qua đôi nét về Nam Phong Tạp Chí. Từ đó chúng ta thấy rõ đây là một tài liệu quí giá về văn học và văn chương Việt đã đối mặt với nền văn minh cơ khí và văn hóa của đế quốc Pháp. Nó cũng có giá trị lịch sử đánh dấu một phong trào của giới sĩ phu Việt Nam trong thời đại đen tối của vận nước mà vẫn cố giữ những giá trị lớn của Đông Phương, bảo tồn và phát huy nền nhân bản truyền thống của dân tộc.
        Nhận thức được việc đó, Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa trước đây đã đưa Nam Phong Tạp Chí vào giảng dạy ở bậc Trung học. (Nam Phong Tạp Chí đã phát hành được 210 số)
 Nói về bộ DVD-ROM Nam Phong Tạp Chí thì đây là công trình 6 năm của Viện Việt Học, với sự góp tâm góp sức  trên 50 chuyên viên điện toán cư ngụ rải rác khắp các tiểu bang Hoa-Kỳ, phần lớn là chuyên viên, sinh viên trẻ. Thêm vào đó có sự hợp tác của gia đình học giả Phạm Quỳnh , mà người đại diện là Ông Phạm Tuân, con út của học giả.
Vì giá bán bộ DVD-ROM Nam Phong Tạp Chí , một bộ gồm 6 dĩa giá $300 đô la, quá đắt nên hầu hết Quý thân hữu đề nghị Viện Việt Học nên có cách nào làm cho thấp hơn mới phổ biến rộng rải được mặc dầu ai cũng biết Viện tốn kém quá nhiều cho công trình này.Anh Huỳnh Lương Vinh đã đưa ra một giải pháp là: chính chúng ta và kêu gọi bạn bè chúng ta đến thư viện điền vào mẫu “yêu cầu sách”, thư viện sẽ đặt mua và đọc giả sẽ được đọc nó “free”. Lúc đó chúng ta có thể mượn về đọc và Viện Việt Học cũng bán được nhiều.Ý kiến hay này đã được mọi người tán đồng. Vậy chúng ta nên thực hiện sớm
Buổi sinh hoạt đã chấm dứt lúc 5giờ (p.m.), sau lời cảm ơn đầy chân tình của GS Nguyễn Minh Lân. Ban Tổ Chức mời chụp hình lưu niệm và tham dự tiệc trà. Nhiều thân hữu, từng nhóm đã chụp hình chung với Giáo Sư và thăm hỏi, đóng góp thêm một số ý kiến. Anh Vũ văn Phương đề nghị Viện Việt Học nên xuất bản một Đặc-San hằng tháng hoặc hai, ba tháng một lần để truyền đạt những tin-tức, tài liệu mà Viện đã nghiên cứu, cần phổ biến …Chúng tôi tin rằng Quý thân hữu sẽ hết sức ủng hộ, yểm trợ những công tác hữu ích của Viện. Trước khi chia tay, GS Nguyễn Minh Lân cũng đã thay mặt Viện Việt Học tặng Hội Người Việt Cao Niên Tiểu Bang Oregon một cuốn Tự Điển và bộ DVD-ROM Nam Phong Tạp Chí. Anh Thái kế An đã nhận và kính lời cảm ơn đến Quý Giáo Sư trong Viện, chúc sức khoẻ và mọi việc thăng tiến tốt đẹp.
 Đây là một trong những buổi sinh hoạt văn hóa tuyệt vời từ trước đến nay. Mọi người đều cảm nhận được sự lợi ích trong buổi “RA MẮT “ thành buổi “MẠN ĐÀM” đầy thú vị về văn học và đầm ấm như trong  một gia đình. Ưu điểm lớn cần nói thêm đó là “Buổi Ra Mắt …” đã khai mạc đúng giờ và bế mạc cũng đúng giờ như trong thiệp mời. Chúng tôi thật vô cùng hoan nghinh tinh thần này và mong được gìn giữ mãi mãi trong các sinh hoạt của chúng ta sau này.
Nguyên Ngọc tưông trình
(CÁO LỖI: Buổi giới thiệu Tự Điển Chữ Nôm và Bộ DVD Nam Phong Tạp Chí của Viện Việt Học Cali dự trù tổ chức vào lúc 2giờ 30 chiều Chủ Nhật, ngày 2/8/2009 tại nhà hàng Venus Restaurant khu Phước Lộc Thọ Seattle đã rất tiếc buộc phải huỷ bỏ vì lý do trùng hợp với rất nhiều sinh hoạt công cộng khác diễn ra trong cùng thời gian tại Seattle. Ban Tổ Chức chân thành cáo lỗi cùng Quí đồng hương và thân hữu.
Trân trọng.
Đại diện BTC: Huỳnh Bình)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.