Hôm nay,  

Kiến An Đạo, Ba Mươi Sáu Năm Sóng Vỗ

21/07/200800:00:00(Xem: 4622)

Các hình ảnh của võ phái Kienando.

Bãi Đồ Sơn trùng trùng sóng trắng. Biển đã nghìn năm âm vang tiếng vọng của đất trời. Như kêu gọi những người con ra đi mang theo nỗi niềm hoài hương, mơ ngày trở lại. Một  lần được thở lại không khí của quê nhà, tình xưa nghĩa nặng. Nhưng sóng bạc đầu vẫn đưa đẩy đi xa...

Kiến An võ đạo xuất phát từ nơi ấy. Vùng đất Kiên An núi cao, biển rộng. Vào thập niên một chín bốn mươi, vùng Hải Phòng, Kiến An đã xuất phát một võ phái mới, mang nhiều tinh hoa tụ hội của các môn phái khác nhau.  Người có công chắc lọc, biến hóa các chiêu thức và tạo thành những bài bản độc đáo, riêng biệt cho một môn võ mang tên của vùng đất quê hương - Võ sư Nguyễn Lâm, Chưởng môn Kienando ngày nay. Khi ấy võ phái mới này chỉ tập luyện và truyền bá cho người quanh vùng. Mãi đến khi đất nước bị chia đôi năm 1954, cùng vận mệnh đất nước môn võ này theo làn sóng người di cư, lưu lạc vào vùng đất phương Nam, tự do và trù phú.

Từ đó môn phái Kiến An ngày thêm phát triển, và chính thức truyền bá rộng rãi khắp nơi từ thập niên 1970  và về sau. Võ phái Kiến An được giới võ thuật hâm mộ qua các giải quán quân liên tiếp, trong những cuộc thi đấu võ đài và biểu diễn công phu. Báo chí Sài Gòn thưở ấy từng đặt biệt danh "Hồng Ngọc Đại Nghĩa" cho một võ sư trẻ tuổi nhưng thân pháp điêu luyện,  dũng mãnh trong các lần biểu dương võ nghệ của môn phái Kiến An - chàng trai ấy chính là thứ nam của võ sư Nguyễn Lâm.

Kiến An võ đạo xuất phát từ nơi ấy. Vùng đất Kiên An núi cao, biển rộng. Vào thập niên một chín bốn mươi, vùng Hải Phòng, Kiến An xuất phát một võ phái mới, mang nhiều tinh hoa tụ hội của thập bát ban võ nghệ khác nhau. Người có công chắc lọc, biến hóa các chiêu thức và lập thành những bài bản độc đáo, riêng biệt cho một môn võ mang tên của vùng đất quê hương - Võ sư Nguyễn Lâm, Chưởng môn Kienando ngày nay.

Khi ấy võ phái mới  này chỉ  tập luyện và truyền bá cho người quanh vùng. Mãi đến khi đất nước bị chia đôi năm 1954, cùng định mệnh đất nước môn võ này theo làn sóng người di cư, lưu lạc vào vùng đất phương Nam, tự do và trù phú.

Từ đó môn phái Kiến An ngày thêm phát triển, và chính thức truyền bá rộng rãi khắp nơi từ thập niên 1970. Võ phái Kiến An được giới võ thuật hâm mộ qua các giải quán quân liên tiếp, trong những cuộc thi đấu võ đài và biểu diễn công phu. Báo chí Sài Gòn thưở ấy từng đặt biệt danh "Hồng Ngọc Đại Nghĩa" cho một võ sư trẻ tuổi nhưng thân pháp điêu luyện, và dũng mãnh trong các lần biểu dương võ nghệ của môn phái Kiến An - chàng trai ấy chính là thứ nam của võ sư Nguyễn Lâm.

Yên bình không bao lâu, vận nước lại lần nữa nổi trôi. Cuộc bể dâu 1975 đã biến miền đất hứa thành nơi khô cằn đầy giông tố tai ương. Võ phái Kiến An cũng xoay dần lên xuống theo cơn trốt xoáy của thời cuộc. Sau khi trở về từ trại tù cải tạo, Võ sư Nguyễn Lâm quyết định mở một sinh lộ mới cho võ phái. Ông ra đi theo chương trình HO, đem gia đình đến miền đất mới tự do, như hai mươi năm trước ông đã làm.

Năm 1995, cuộc sống nơi hải ngoại vừa tạm ổn là Võ sư Nguyễn Lâm bắt tay ngay vào việc truyền bá võ thuật ở xứ người. Võ đường đầu tiên của Kienando là trụ sở của "Hội Người Việt" vùng San Fernando Valley, thuộc thành phố "thiên thần" (Los Angeles), tiểu bang California. Ngay sau đó, môn phái Kiến An đã thu hút được lòng thương mến của cộng đồng Việt Nam địa phương, và đông đảo phụ huynh đã đưa con em mình đến thụ huấn môn võ của quê cha đất tổ.

Sau mười hai năm tại hải ngoại, môn phái Kiến An không những  đã vang danh trong cộng đồng Việt Nam, mà còn truyền bá đến cả cộng đồng của Hoa Kỳ. Võ sư Nguyễn Lâm có những lớp dạy võ học chính thức trong đại học CSUN (California State University, Northridge).

Võ sinh của Kienando ngày nay, bao gồm cả người Việt lẫn các sắc dân địa phương khác theo học. Võ sư Nguyễn Lâm đã viết và xuất bản hai quyển sách: "Thiếu Lâm Kiến An" và "Lôi Vũ Quyền". Sách được đón nhận nồng nhiệt trong giới hâm mộ võ thuật. Ngoài ra Võ sư Nguyễn Lâm thường xuyên viết bài nghiên cứu đăng trên các báo và tạp chí tại hải ngoại. Trong các dịp lễ hội của cộng đồng Việt Nam tại đây, và các cộng đồng địa phương, võ phái Kiến An đưa  đoàn võ sinh đến tham dự biểu diễn võ thuật, như một hình thức phô diễn nét đặc thù văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nơi đâu đoàn võ sinh Kienando cũng đều được tán thưởng nhiệt liệt, và họ đã đem về nhiều bằng tưởng lục danh dự.

Môn phái Kiến An là niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt sống nơi hải ngoại. Ngoài Võ sư Chưởng môn Nguyễn Lâm thân hành chăm sóc võ phái, ông còn có hai phụ tá là Võ sư Nguyễn Văn Đại  Nghĩa với chức vụ "Phó Chưởng Môn" cùng võ sư Trần Phương. Võ đường Kienando cũng đã đào tạo nhiều Huấn luyện viên với kỹ thuật cao.

Riêng tại quốc nội, môn phái Kiến An đã hoạt động mạnh mẽ, với sự điều hành của Phó Chưởng môn, Tổng chưởng quản quốc nội là võ sư Nguyễn Văn Thành Nhân (trưởng nam của Võ sư Nguyễn Lâm) cùng với sự trợ lực của các  võ sư Nguyễn Văn Quý, Huỳnh Trọng Phúc, Huỳnh Thanh Phong, Uông Đình Phương. Trong lần Đại Hội Võ Thuật Cổ truyền 2006, tổ chức tại Bình Định, Qui Nhơn, môn phái kiến An đã đưa một phái đoàn hùng hậu, gồm cả hải ngoại lẫn quốc nội, về đất Tây Sơn tham dự cùng 35 võ phái đến từ các quốc gia trên thế giới. Tại miền đất võ này, đoàn võ sinh Kienando đã tạo nhiều thành tích vẽ vang cho môn phái.

Chúa Nhật, 13 tháng bảy, 2008  là ngày Kỷ Niệm 36 Năm Thành Lập của Võ Phái Kiến An.

Buổi lễ được tổ chức bên trong trụ sở Hội Người Việt, cộng đồng San Fernando, Los Angeles, 

Trời California trở nóng hơn mọi năm. Nhiệt độ có nơi trong vùng lên đến hơn 100 độ F.

Võ đường đã đông đảo người tham dự. Các phụ huynh võ sinh ngồi những hàng ghế.

Các giới truyền thông báo chí, cùng nhân sĩ theo thiệp mời đã hiện diện đầy đủ, như Ông Trần Quang Nam (Chủ tịch Hội Cựu Cảnh Sát Quốc Gia tại Hoa Kỳ), ông Nguyễn Quang Cảnh (Chủ tịch Hội Cựu Chiến Sĩ Vùng San Fernando), Bác sĩ Andrew Lâm, Nha sĩ Caroline Hiền Đỗ, Bác sĩ Đỗ Văn Học, Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Thúy Phượng, ông Mười Trương (Chủ tịch Hội Người Việt tại San Fernando Valley), bà Cao Tuyết Phương, cô Marilyn Mai Vũ, VS Lâm Phạm (Hapkido Vietnam), Võ sư Lý Hoàng Tùng (Chủ tịch Tổng Hội Phát Triển Võ Thuật Thế Giới), GS Hà Huyền Thanh (THPTVTTG), ông Lê Quang Thế (PCT-THPTVTTG), Võ sư Diệp Kim Lan (THPTVTTG), VS Lê Huy (Vovinam SFV), VS Lê Thịnh (Vovinam SFV), VS Nguyễn Khánh Hồng (Tae Kwondo SFV), VS Hồ Đại Lượng (Thiếu Lâm Thái Cực Đường Lang), GS Tony Nguyễn (Judo Vietnam), ông Tô Hùng Phước (Thiếu Lâm Thất Sơn) và ông Lương Hà (Thiếu Lâm Bạch Long).

Tạp chí Viễn Xứ Online, Thời Luận, Thằng Mõ Nam Cali, nhà văn Phong Vũ, nhà văn Nguyễn Ngọc Minh, nhà văn Việt Hải (Chủ bút Văn Đàn Đồng Tâm), nhà văn Tâm An Đỗ Văn Học, nhà thơ Hạ Ái Khanh...

 Sau phần chào quốc kỳ Việt-Mỹ, phút mặc niệm, là diễn văn chào mừng quan khách của Võ sư Chưởng môn Nguyễn Lâm. Người thanh niên trẻ tuổi hào kiệt của bãi  Đồ Sơn, Kiến An năm nào, nay vẫn còn rắc chắc, vạm vỡ dù rằng theo thời gian tuổi đã cao. Tiếng nói ông vẫn mạnh mẽ, vang rền như sóng. Trông ông vẫn còn đầy đủ uy lực, của một Chưởng môn vũ dõng. Đặc biệt hôm nay cũng là sinh nhật của Võ sư Nguyễn Lâm.

Theo truyền lệ, võ phái Kiến An luôn mở đầu bằng bài quyền "Thanh Long Đao" để chào mừng quan khách. Đây là bài quyền độc đáo mà chỉ có Phó Chưởng môn Nguyễn Văn Đại Nghĩa mới phát uy được hết nét uy mãnh của nó. Chàng võ sư trẻ tuổi từng được báo chí gọi là "Hồng Ngọc Đại Nghĩa" đã vận dụng kình lực để triển khai bài quyền với thanh đại đao nổi tiếng trong lịch sử cổ đại.

Tôi nhớ lại hơn mười năm về trước đã từng chứng kiến Hồng Ngọc Đại Nghĩa biểu diễn bài quyền này, và hôm nay cái cảm giác không thể quên ấy trở lại...Cảm giác mình đang đứng giữa đỉnh núi cao trong truyện cổ. Mổi đường đao là một tia chớp loè vụt xuống. Mỗi lằ đao quạt ngang là mỗi luồn gió thốc quật làm nghiêng ngã cây lá chung quanh. Và rồi mắt người xem chợt quay cuồng trong những động tác xoay đao vùn vụt,  làm bay tung đi lã tã các chiếc lá thu đang rơi.

Không biết Tướng Lý Thường Kiệt ngày xưa đã thúc ngựa, vung đại đao chém rụng bao nhiêu quân Tống" Ông đuổi quân xâm lăng ra khỏi biên cương, và còn truy nã theo chiếm đóng nhiều quận hạt phía nam của Trung Hoa khi ấy.

Võ sư Nguyễn văn Đại Nghĩa chấm dứt bài quyền bằng một thế chào thật đẹp. Tôi vẫn còng bàng hoàng, chung quanh im phăng phắc, bỗng cả võ đường bùng lên những tràng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt. Bài quyền này như một bí kíp gia truyền của Kienando, chỉ truyền thụ cho những cao đồ đầy đủ uy lực...

Sau đó là các bài quyền tổng hợp của các võ sinh, các màn song đấu. Đặc biệt là các màn biểu diễn công phu của các Huấn luyện viên như Hải Việt xử dụng "Lưỡng Tiết Côn", Hải Nam biểu diễn bài quyền chuyên xử dụng cước pháp. Nữ huấn luyện viên Cam Ly biểu diễn "Song Tiết Côn" và bài "Lưỡng Nghi Kiếm" do một nữ huấn luyện viên người Mỹ, cô Lynelle Millitate biểu diễn. Huấn luyện Đại Nhân với màn biểu diễn công phá đã làm người xem trầm trồ với sức mạnh của đôi bàn tay đánh vở từng chồng ván dày. Các cao đồ của môn phái này đã gây sự thán phục với quan khách, qua trình độ võ học và sự điêu luyện của họ với các môn binh khí này.

Tiếp theo chương trình là những pha song đấu tự do, với các võ sinh từ đẳng cấp thấp đến cao. Có nhiều em võ sinh bé nhỏ nhưng đã tỏ can đảm và tự tin khi thi sức cùng đấu thủ.

Từng vị phu huynh một được mời lên để phát đai mới và bằng tưởng lục cho con em của mình. Đây là một hình ảnh  đẹp, và gây xúc động cho nhiều người, khi tự tay mình trao đai, đẳng cấp cao hơn cho các võ sinh. Các vị quan khách, thân hào nhân sĩ cũng được dịp phát biểu những cảm tưởng của mình, cũng như các lời khuyến khích đến các võ sinh, mầm non và cũng là tương lai của người Việt Nam tại hải ngoại.

Cả hội trường cùng hát bài "Happy Birthday" để chúc mừng Võ sư Chưởng môn Nguyễn Lâm. Ông vô cùng cảm động khi nhận các bó hoa kính tặng từ các võ sinh thân yêu. Cạnh đó là chiếc bánh sinh nhật to tướng đang nằm chờ...sự công phá của quan khách.

Mọi người  quây quần để thưởng thức món heo quay, bánh hỏi, cùng các thức ăn thuần túy quê hương khác do các bậc phụ huynh mang đến khoản đãi. Không khí thân mật, đầy thân tình của nghĩa đồng hương trong ngày kỷ niệm thành lập của võ phái Kiến An.

Bãi Đồ Sơn sóng vẫn bủa ngàn đời. Riêng ngọn sóng tinh hoa của môn phái Kiến An đã dâng cao trong ba mươi sáu năm rồi không ngừng nghĩ. Sẽ mãi vang dội đến các thế hệ Việt Nam sau này, tiếp nối ông cha đi trước, tiếp tục phát huy nét đẹp của văn hóa nước nhà.

Kính chúc Võ sư Chuởng môn Nguyễn Lâm an khang, và toàn thể môn phái Kieando ngày càng phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc.

Đồ Sơn sóng vỗ nghìn đời,

Võ công nối nghiệp theo lời sử xanh.

Ba mươi sáu năm, tiếng lừng danh,

Cước, quyền, côn, kiếm, Kiến An thập toàn !

 Phong Vũ, tháng Bảy, 2008.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.