Hôm nay,  

Đại-Hội Nghị-Hội Kết Thúc Trong Hân Hoan Của Mọi Người

31/08/200700:00:00(Xem: 2975)

Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ.

St. Paul, MN, ngày 26/08/2007 (QGTTX).-  Đại-hội hằng niên lần thứ 21 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ đã kết thúc vào trưa Chủ-nhật, 26/8, với một nghị-quyết khẳng-định quyết-tâm của tổ-chức này tiếp-tục con đường phục-vụ cộng-đồng người Mỹ gốc Việt ở 50 tiểu-bang, đồng-thời vẫn thúc đẩy con đường tự do, dân-chủ-hoá cho đất nước ở quê nhà.

* Lần đầu tiên tổ-chức ở Minnesota

Mặc dầu thành-lập từ hơn 20 năm nay, vào tháng 8 năm 1986 nơi khuôn-viên chính của VDDH George Mason (Fairfax, VA), đây là lần đầu tiên Nghị-hội nhóm họp đại-hội ở Minnesota, xứ Vạn Hồ thơ mộng của người Da Đỏ, dù như trước đây cũng đã có nhiều lần người của Nghị-hội về Song Thành (Twin Cities, tên gọi nhập lại của hai thành-phố St. Paul và Minneapolis, tương-tự như Sài-gòn Chợ-lớn vậy).  Những lần đó, hoặc là Nghị-hội họp Hội-đồng Điều hợp Trung-ương (cũng như Ban Quản-trị của tổ-chức, họp năm 1995) hoặc về dự các hội-nghị về phát triển kinh tế (“National Refugee Business Conference” năm 1990) hay về y-tế công-cộng (“Conference on Tobacco and Chronic Diseases” năm 2003).  Ngoài ra, nhiều người của Nghị-hội cũng đã về Song Thành sinh-hoạt với cộng-đồng như ra mắt sách (cựu Đại-sứ Bùi Diễm), nói chuyện về tiểu-thương (bà Trần Ngọc Chi Ray nói về các chương-trình SBA, Small Business Administration) hoặc diễn-thuyết về văn-minh văn-hoá VN (G.S. Nguyễn Ngọc Bích, nhiều lần, ở McAlister College, University of Minnesota, Mai Restaurant, Trung-tâm Việt-nam v.v.).

Vì thế nên dù lần đầu họp Đại-hội ở đây, những người của Nghị-hội đến từ xa đã được đón nhận như “người nhà” bởi không ít bạn bè địa-phương đã từng hoạt-động trong Nghị-hội hay đã từng tham-dự các sinh-hoạt của Nghị-hội trong 21 năm qua.

* Ngày đầu, họp về kinh doanh

Đại-hội Nghị-hội chính-thức họp vào hôm thứ Sáu, 24/08, nhưng một ngày trước đó, Nghị-hội đã có như một tiền-đại-hội dành cho tổ-chức VNCEO (tắt cho Vietnamese Chief Executive Officers, Entrepreneurs Organization, một loại câu-lạc-bộ của những nhà kinh-doanh thành đạt trong cộng-đồng người Mỹ gốc Việt, lập ra từ tháng 4 năm 2005 ở Washington dưới sự bảo trợ của Nghị-hội), gặp nhau để trao đổi kinh-nghiệm và tìm ra những cơ-hội làm việc với nhau.  Đặc-biệt đáng chú ý năm nay là một bài thuyết-trình về những cơ-hội làm ăn ở nước ngoài, trong thị-trường quốc-tế do Giáo-sư Richard Kagan, người đã lập ra công-ty Access Asia, Inc. cách đây 30 năm.  Ông nêu ra một số những trường-hợp và cơ-hội làm kinh-doanh với các nước Á-châu và Phi-châu để giúp ta mở rộng tầm nhìn ra ngoài nước Mỹ. 

Một cơ-hội mở đường trong ngành ngân-hàng và chuyển tiển qua các biên-giới quốc gia một cách thuận tiện cũng được 10 nhân-viên của hãng Secure Provider L.L.C. đến trình bầy một cách khá thuyết phục về Virtual Money Card, rõ ràng là một bước tiến mới trong việc chuyển tiền từ nước này sang nước khác dựa vào sức mạnh của máy điện-toán mà vẫn giữ được sự kín đáo cho người dùng.

Đến chiều cùng ngày, các tham-dự-viên được hướng-dẫn đến thăm hai cơ-sở thành công vượt bực của người Việt ở địa-phương.  Một là công-ty MME (Modern Manufacturing &Engineering, Inc.) chuyên làm các bộ-phận chính-xác (precision machinery) trong các loại máy (như máy bay, máy tính, vũ-khí tối tân, v.v.), do một người VN làm chủ, với doanh-số gần 200 triệu một năm.  Theo sự trình bầy của anh Liên Văn Huê, Chủ-tịch Công-ty MME, anh bắt đầu ra làm nhân-viên ở đây nhưng chỉ cần 9 năm sau, anh đã mua lại được công-ty của người chủ Mỹ, đem nhiều máy mới vào để làm cho sản-phẩm được chính-xác hơn và sản xuất nhanh hơn, rút ngắn quá-trình sản xuất mà lại tiết-kiệm được nhân-công để giờ đây doanh-số gấp bội lúc anh mới mua hãng. 

Đặc-biệt hơn nữa là giờ đây, hãng của anh dùng 70% nhân-công là người Việt mà đứng về mặt môi-trường lại được xem là một công-ty rất sạch (vì từ nước đến sắt, thép đều được recycled, nghĩa là đưa trở lại trong sản-xuất).  Không-khí ở công-ty rất dễ thương do đa-phần, từ chủ đến thợ, đều còn rất trẻ, lại tham-gia trong các sinh-hoạt cộng-đồng như các ca-đoàn v.v.

Từ MME, phái-đoàn đi thăm công-ty Lemna, Inc. của kỹ-sư Ngô Như Hùng Việt (thường được biết dưới tên tiếng Anh là Viet Ngo).  Công-ty Lemna là một công-ty chuyên-trị môi-trường và phát triển ở các nước đang phát triển trên thế-giới, do đó nên số doanh-nghiệp gần như không đáng kể ở Mỹ, ngược lại công-ty có năm có số doanh-thu lên đến 2 tỷ đô-la và hiện năm nay cũng có khoảng 1,1 tỷ đô-la các dự-án đang xây cất ở một số nước từ Á-đông (Trung-quốc), Trung-Đông, Đông-Âu và Phi-châu.  Theo sự trình bầy của anh Ngô Như Hùng Việt thì làm ăn với VN lúc này là khó khăn nhất (mất hơn 7 năm mới bắt đầu thương lượng xong một dự-án), làm ăn với Trung-quốc lại tương-đối dễ (vì họ có chính-sách rõ ràng và có cái nhìn lớn) dù như cả hai nước đều vẫn còn vấn-đề tham-nhũng khá tệ hại.  Theo anh nhận xét, Trung-quốc có khả-năng đi rất xa trong khi VN hãy còn đang lúng túng trong những cái nhìn nhỏ nhoi, chật hẹp.

* Một cộng-đồng lớn nhưng đang đứng ở ngã ba đường

Sáng thứ Sáu, ngày đầu chính-thức của Đại-hội, sau nghi-lễ khai mạc (với nhà thơ Nguyễn Văn Dzĩnh, Trưởng Ban Tổ-chức, giới-thiệu các quan khách và cô Phương Đào, chủ-tịch Cộng-đồng, chào mừng) và bài nói chuyện giới-thiệu Nghị-hội của G.S. Nguyễn Ngọc Bích, một buổi thảo-luận khoáng-đại đã đi sâu vào việc đánh giá sức mạnh của cộng-đồng người Mỹ gốc Việt.  Giờ đây là 1 triệu rưởi người, chúng ta ở hải-ngoại (gần 3 triệu người) gởi về trong nước khoảng 4-5 tỷ đô-la một năm--bằng gấp rưỡi lần cả thế-giới cho VN vay hàng năm. 

Chẳng thế mà TNS James Webb đã nói thẳng với Phó-thủ-tướng kiêm Bộ-trưởng Ngoại-giao của Hà-nội hồi tháng 3 năm nay là Hà-nội chớ nên quan-niệm là bang-giao Việt-Mỹ chỉ có hai chiều, giữa Washington và Hà-nội.  Theo ông Webb, Hà-nội cần nhớ là cộng-đồng người Mỹ gốc Việt là một thành-tố thứ ba quan trọng không kém, vì thế nên bang-giao Mỹ-Việt cần phải quan-niệm như một hình tam giác, trong đó cộng-đồng người Mỹ gốc Việt là một góc rất khoẻ, và những nguyện-vọng của cộng-đồng này có ảnh-hưởng lớn trong chính-sách của Mỹ đối với VN.

Sang một đề-tài khác, Tiến-sĩ Phạm Hồng Vũ nêu ra một vấn-đề khá tế-nhị và không dễ trả lời.  Anh nói: “Chúng ta chủ-trương bảo tồn và phát huy văn-hoá VN nhưng văn-hoá đó là văn-hoá nào"  Một dạng văn-hoá chết (như áo dài khăn đống, chẳng hạn) hay một dạng văn-hoá luôn luôn tiến triển, biến hoá như thời-trang thay đổi hàng năm"  Nhất là khi ta nói ‘phát huy’"”

Chính vì lý-do đó mà anh cho rằng tuổi trẻ vẫn chưa đến với các sinh-hoạt cộng-đồng.  Họ tránh đi để khỏi phải bị phiền trách là mất gốc hay không thuộc lịch-sử, họ thấy không cần thiết đến những chỗ mà lớp đàn anh, thay vì làm gương, lại quay ra lớn tiếng với nhau, tố cáo, nặng lời với nhau, đôi khi còn mang cả nhau lên mặt báo, lên Net để xài xể nhau.  Đã tưởng những nhận-định thẳng thắn và có phần gay gắt này của anh có thể gây ra tranh cãi, song trái lại, những tham-dự-viên đã tỏ ra thông-cảm và hiểu những ray rứt nơi anh.

Có lẽ vì ai cũng đến với Nghị-hội bằng nhiều thiện-chí nên không những tranh cãi đã không xảy ra mà trái lại, người ta thấy sự hiện diện của cả bên Cộng-đồng (trẻ trung hơn, ngoài Phương Đào, Chủ-tịch, còn hiện diện cả anh Lê Thịnh, Phó-CT Ngoại-vụ, và anh Nguyễn Bá Phúc, Uỷ-viên Thông tin lo Đài KFAI) lẫn bên Cộng-đồng Tỵ nạn (phần lớn gồm các thành-phần H.O.) đại diện bởi ông Nguyễn Đống và một số vị chủ-tịch các hội-đoàn Quân-nhân.  Trong bữa dạ-tiệc tối thứ Bảy, người ta còn thấy có cả một số anh chị em trẻ mới được bầu vào ban Quản-trị của Vietnam Center (Trung-tâm VN).

* Tình-hình bang-giao Mỹ-Việt sau cuộc viếng thăm của Ô. Nguyễn Minh Triết

Phần thuyết-trình được theo dõi nhiều nhất có lẽ là bài nói chuyện của G.S. Nguyễn Ngọc Bích về vấn-đề bang-giao Việt-Mỹ.  Theo ông Bích, tình-hình có đổi thay từ khi Hà-nội, sau Tết Đinh-hợi, tự-nhiên giở chứng bắt một loạt các thành-phần dân-chủ rồi đưa ra toà xử một cách lộ liễu, bất công (mà điển-hình là ảnh cha Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng một cách thô bạo).  Ngay sau đó, không riêng gì Mỹ mà cả các nước Bắc-Âu, Đông-Âu, rồi Liên-hiệp Âu-châu (“E-U” như lối nói ở trong nước), Úc-châu, Đức, v.v. đều lên tiếng, ra nghị-quyết phản-đối. 

Ở Mỹ, chính-sách cũng cứng rắn hẳn: nhiều dân-biểu nghị-sĩ lên tiếng, viết thư cho bà Condoleezza Rice đòi phải đưa VN trở lại trong danh-sách CPC (các quốc gia đáng quan-tâm đặc-biệt về tự do tôn-giáo), rồi ông Chris Smith đưa ra dự-luật mới về “Nhân-quyền VN 2007,” Tổng-thống Bush mời đại diện một số tổ-chức đấu tranh vào nói chuyện trực-diện ở trong Toà Bạch Ốc (ngày 29/05/07), bà Chủ-tịch Hạ-viện Nancy Pelosi gặp ba vị đại diện, trong đó có người của Nghị-hội, đảng VT và Pháp-sư Thích Giác Đức thuộc Văn-phòng II Giáo-hội Phật-giáo VN Thống nhất, đúng 1 ngày trước khi gặp Ô. Triết, tất cả chỉ để nói lên sự bất mãn của Mỹ--từ Hành pháp đến Lập pháp, từ Dân-chủ đến Cộng-hoà--đối với những vi-phạm trắng trợn của Hà-nội về mặt nhân-quyền.

Chính vì thế mà thế đứng của cộng-đồng người Việt tại Mỹ đã được khẳng-định một lần nữa là rất quan-trọng.

Những bài thuyết-trình và hội-luận khác

Không phải mọi chuyện ở Nghị-hội đều liên-quan đến chính-trị.  Ngoài những phần trên, nhiều bài thuyết-trình hay hội-luận khác liên-quan đến đời sống của người Mỹ gốc Việt cũng đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người nghe, trong đó phải kể:

Phần hội-luận về mua nhà (“An cư lạc nghiệp”) do Tiến-sĩ Đào Thị Hợi và bà Trần Ngọc Chi Ray trình bầy và phần về lợi hại của tín-dụng ở Mỹ, do Dược-sĩ Nguyễn Mậu Trinh, Tổng-quản-trị Nghị-hội, thuyết-trình.

Phần trình bầy của cô Anne Avery của các Trung-tâm Dịch-vụ Medicare và Medicaid (thuộc Bộ Y-tế và Xã-hội Liên-bang) về các phần A, B và nhất là D (mua thuốc) mà nhiều người chưa hiểu thấu đáo.

Phần trình bầy bằng Powerpoint của anh Hiến Phan thuộc Uỷ-ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People S.O.S.), văn-phòng North Carolina, về “Hoá-chất độc-hại trong tiệm Nails: Làm sao để bớt nguy hiểm.”  Đây là một bài thuyết-trình thật hay và chỉ hơi đáng tiếc, nhiều người nhận-định, là các chủ cũng như nhân-viên các tiệm làm móng tay, vì là ngày thứ Bảy, nên đã không đến dự được đông hơn để hiểu rõ về vấn-đề quan-trọng này.

Cuối cùng, phần trình bầy của cô Mai Tâm, cũng thuộc Boat People S.O.S. nhưng ở văn-phòng chính ở Falls Church, Virginia, về hai đề-tài liên-hệ, “Bạo-hành trong gia-đình và vấn-đề buôn người trong cộng-đồng người Việt ở Hoa-kỳ,” cũng đã làm cho nhiều người sửng sốt vì không ngờ là tệ-nạn này đã sang đến cộng-đồng tỵ nạn của chúng ta.

Ngoài ra, cũng còn có những phần trình bầy về “kinh-nghiệm cộng-tác của Nghị-hội với các cơ-quan khác” như Nha Kiểm kê Dân-số (U.S. Census Bureau), Chương-trình Người Mỹ gốc Á-châu Thái-bình-dương của Hệ-thống Bảo tàng Smithsonian (Smithsonian APA Program) (trong triển lãm “Exit Saigon, Enter Little Saigon” về 32 năm định cư của người Việt ở xứ này), và bản tường-trình về hậu-quả của bão Katrina đối với người Việt trong mấy tiểu-bang bị nặng nhất (làm chung với UB Cứu Người Vượt Biển và NAVASA).  Dự-án mới nhất mà Nghị-hội đang làm chung với mấy tổ-chức khác là Viện Truyền-thông Á-Mỹ (AAMI, tắt cho Asian American Media Institute) và hãng làm phim VABC, nhằm sản xuất trong một tương-lai không xa một cuốn sách và một bộ phim (trong 2 thứ tiếng) về “Người Việt đất Mỹ / Vietnamese in U.S.A.” nhằm đưa ra một bộ sử đứng đắn, dưới hình-thức phim và sách, về cộng-đồng của chúng ta trong một phần ba thế-kỷ vừa qua.  Dự-án này được ông Huỳnh Sĩ Nghị, chủ báo Asian American Press và một thành-viên kỳ cựu trong Hội-đồng Điều hợp Trung-ương Nghị-hội, trình bầy.

* Dạ-tiệc và Nghị-quyết

Sau ba ngày làm việc cật lực, Đại-hội đã kết thúc bằng một dạ-tiệc vào tối thứ Bảy, 25/08, tại Ballroom của khách-sạn Kelly Inn, nằm ngay ở trung-tâm thành phố St. Paul, quy-tụ khoảng 150 khách Việt-Mỹ.  Người ta để ý thấy bên cạnh những khách ở xa đến (như cô Debbie Nghiêm và Hoa-hậu Bắc Cali 2003, cô Xuân Đỗ, đến từ San Jose, CA) có khá nhiều bộ mặt hoạt-động trong cộng-đồng Việt-nam ở Minnesota, như các ông Phạm Văn Vy, Chủ-tịch Ban QT Vietnam Center, Phạm Văn Yến, Giám-đốc Trung-tâm Dịch-vụ Xã-hội VN ở Minnesota, ông Trần T. Nhơn và phu-nhân (ông là cố-vấn hội VNCEO), ông Bill Nguyễn (cũng thuộc VNCEO), cựu-thẩm-phán Phạm Đình Tân và phu-nhân (do cựu-thẩm-phán Nguyễn Đình Kỳ, đến từ Virginia, mời), ông Dương Quang Ngữ (một người chủ chốt trong việc vận-động cho hai nghị-quyết cờ vàng của Thượng và Hạ-viện Minnesota), bà Marie Trần và cô Lê Cầm Hương của VSSM, cụ Nguyễn Đình Tuy, chủ-báo Trần Sỹ của Saigon Nhỏ Minnesota, nhà báo Nguyễn Trọng Cảnh của Ngày Nay Minnesota, nhà báo kỳ cựu Phan Thanh Tâm của Đặc-ký Việt-nam (từ trước năm 1975) và hiển-nhiên không thể thiếu, nhà thơ Nguyễn Văn Dzĩnh v.v. chưa kể một số quan-khách Mỹ mà có lẽ người nổi tiếng nhất là cựu-cầu-thủ bóng bầu dục Mark Mullaney của đội Minnesota Vikings.  Buổi dạ-tiệc được “emcee” một cách rất thiện-nghệ bởi anh Lê Quốc Hùng, một khuôn mặt trẻ và văn nghệ thật khả ái ở địa-phương, và cô Thảo Đào, nói tiếng Anh thật lưu loát, thuộc VSSM.

Sáng Chủ-nhật, 26/8, trước khi chia tay, Ban Tổ-chức Đại-hội đã họp lại với Hội-đồng Điều hợp Trung-ương để thanh-toán các khoản chi tiêu và đồng-ý về một bản nghị-quyết nói lên quyết-tâm của Nghị-hội vẫn đi theo con đường đã vạch từ đầu, đó là một đằng đi tìm sự thăng tiến cho cộng-đồng người Mỹ gốc Việt ở xứ này và một đằng thì vẫn thúc đẩy con đường đi đến tự do dân-chủ-hoá cho quê hương và hơn 85 triệu đồng-bào ở trong nước.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.