Hôm nay,  

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam Tại Úc Đến Quận Cam Triển Lãm: Hình Ảnh ‘thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại’

28/04/201000:00:00(Xem: 3505)

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam Tại Úc Đến Quận Cam Triển Lãm:  Hình Ảnh ‘Thuyền Nhân Việt Nam: 35 Năm Nhìn Lại’

Khách tham quan đang chăm chú xem các tấm hình thuyền nhân được Văn Khố Thuyền Nhân VN triển lãm.

Westminster (Bình sa)- - Tại hội trường thành phố Westminster ngày 25 tháng 4 năm 2010, Tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (VKTNVN) đến từ Úc Châu đã tổ chức buổi triển lãm với  chủ đề "Thuyền nhân Việt Nam: 35 năm nhìn lại" nhân ngày tưởng niệm quốc hận 30 tháng 4. 
Nhân dịp nầy Ông Trần Đông, giám đốc VKTNVN, cho biết mục đích những chuyến đi triển lãm hình ảnh là để có sự trao đổi hai chiều giữa VKTNVN và đồng bào. Qua các buổi triển lãm, VKTNVN cũng có dịp tiếp túc và thu nhận thêm hình ảnh để làm phong phú thêm. Công tác dài hạn là thu thập tài liệu để đưa vào hệ thống văn khố thế giới, nơi có khả năng lưu trữ tài liệu này vài trăm năm. Trong thời gian đi sưu tập tài liệu, ông cũng đã thực hiện các cuộc tìm kiếm mồ mả thuyền nhân tại các trại tỵ nạn ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippine, đồng thời ông cũng có danh sách mộ thuyền nhân trên đất liền ở các nước trên, và cũng đã trùng tu mồ mả từ Bắc tới Nam Malaysia, nhưng chưa đụng tới mồ mả tại đảo Bidong, Galang và 250 ngôi mộ thuyền nhân tại trại Pataan. Con số chưa làm tới rất nhiều. Trong khu vực quần đảo Anabas và Natuna có trên 2,000 mộ thuyền nhân mà cho tới bây giờ ông cho biết chỉ mới tìm được 50 đến 60 ngôi mộ. Trong tương lai sẽ phải tìm kiếm và trùng tu nhiều hơn nữa. Ông cho biết hy vọng được sự giúp đỡ của đồng hương trong việc tìm kiếm và trùng tu những ngôi mộ thuyền nhân này.
 Đây là lần đầu tiên VKTNVN giới thiệu đến đồng bào người Việt tại quận Cam những hình ảnh các trại tỵ nạn cũ tại các nước trong vùng Đông Nam Á. Trước phòng triển lãm nhiều hình ảnh các trại tỵ nạn Bidong (Malaysia), Galang (Indonesia), Whitehead (Hongkong)... đã dẫn người xem, nhất là những cựu thuyền nhân trở lại một quá khứ bi hùng. Bên trong hội trường, hơn 150 hình ảnh đã làm nhiều người xúc động, nhất là khu vực triển lãm những hình ảnh thuyền nhân tự sát tại trại Galang trong năm 1991 để phản đối chính sách cưỡng bức hồi hương của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc
Nhiếp ảnh gia Thọ Nguyễn, tác giả những bức hình oan khiên. Đã phải trải qua những giai đoạn khó khăn mới thực hiện được, không cẩn thận bị cảnh sát bắt được đánh đập dã man trước khi bị nhốt vào nhà giam.
Anh đã chụp được tấm hình cô Hương tự thiêu. Năm 1991, sau khi bị rớt thanh lọc, cô làm đơn khiếu nại nhưng vẫn không được. Cô nói cô không thể trở về Việt Nam vì cô là con sĩ quan VNCH. Trong đêm 31 tháng 8, cô tự thiêu trong phòng. Sau khi được đưa vào bệnh viện, “tôi lẻn vào phòng chụp hình, trước khi chết cô ta nói 'đừng chụp nữa, nóng quá.' Chụp xong tôi chạy liền."


Rất nhiều người đến chăm chú nhìn từng bức hình một. Dường như họ cố gắng tìm lại những hình ảnh đã in đậm trong ký ức họ về những ngày tháng đầu tiên được hít thở không khí tự do. Nhiều người xem không cầm được nước mắt khi hồi tưởng lại nghững ngày đầu bước chân đến vùng đất tự do. Chị Anh Lưu kể: Tàu của chị đi hơn 100 người, sau 23 ngày lênh đênh, biển đã là mồ chôn của hơn 20 người. Chị nhắc lại chuyến đi kinh hoàng đó như mới xảy ra ngày hôm qua: "Chúng tôi đi năm 1979, và không nhớ được là bị cướp biển bao nhiêu lần. Bị nhiều quá nên chúng tôi không sợ gì nữa. Sau khi đến biển Malaysia rồi lại bị kéo ra khơi, chúng tôi gặp một tàu cướp Thái Lan. Chúng tôi nói rằng chúng tôi không còn gì nữa và nếu họ không giúp thì chúng tôi sẽ chết. Thế mà họ giúp lương thực, nước uống rồi kéo tàu chúng tôi đến Indonesia."
Chị nói trong nước mắt: "Tôi nghĩ chắc chết hết thôi, rồi tôi cầu Phật Bà, nguyện rằng nếu tôi chết để gia đình chồng tôi, con tôi còn sống thì tôi xin chết. Tôi nghĩ là Phật bà linh ứng nên chúng tôi mới được sống. Hàng năm tôi đều gởi tiền cho chính phủ Indonesia để cảm tạ họ. Anh biết không, lúc đó đất nước họ cũng nghèo lắm mà họ vẫn cưu mang chúng ta."
Anh Ngụy Vũ, một cựu thuyền nhân Bidong, người được nhiều người biết tới trong vai trò Nhà Thuyền Nhân với tác phẩm "Hành Trình biển Đông," trong đó tập hợp rất nhiều câu chuyện đau lòng của những người vượt biển tìm tự do, đã chia sẻ nhiều điều về thảm trạng thuyền nhân: "Chính vì sự chết chóc đầy bi thương của thuyền nhân Việt Nam trên biển Đông trong giai đoạn từ tháng 5 năm 1975 đến năm 1979 đã khiến cả thế giới rúng động và Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ phải làm việc với một số nước vùng Đông Nam Á để chấp nhận cho thuyền nhân đến tạm cư kể từ năm 1979."
"10 năm sau, lúc này làn sóng người tị nạn đã tràn ngập tại các quốc gia Đông Nam Á, và Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ ra nghị định thư chấm dứt làn sóng tị nạn (14/3/1989), dẫn đến các cuộc thanh lọc và nhiều thuyền nhân đã đấu tranh, tự tử để chống lại chính sách hồi hương của Cao Ủy."
"Không có sự kinh hoàng nào hơn cái chết của nửa triệu người Việt trên biển Đông. Cái chết của họ là một cái chết hồn nhiên, vô tội. Nguyên nhân  cũng vì hai chử tự do."
Qua những việc làm của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam chúng ta phải khâm phục tinh thần dấn thân trong những khó khăn của ông Trần Đông, giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân , Oâng Trần Đốn nói: "Tôi biết có những người đã quên đi quá khứ một cách vội vã, nhưng mà đó là lẽ thường tình. Tôi xúc động trước sự có mặt của quý vị ngày hôm nay, và tôi tin rằng nếu quý vị không phụ lòng những người đã chết thì quý vị đừng nên phụ lòng những người đã và đang làm những công việc như ngày hôm nay qúi vị thấy."
Mọi chi tiết đóng góp tài liệu, tiến bạc xin gọi về: Trần Đông + 61 403 578 467 hoặc Email: dongtran.vktn@gmail.comhoặc vào web: www.vktnvn.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.