Hôm nay,  

Dân Biểu Loretta Sanchez Vận Động Cho Nhân Quyền

13/05/200900:00:00(Xem: 3222)

Dân Biểu Loretta Sanchez Vận Động cho Nhân Quyền
Nguyễn-Viết Kim


Cô Lilly Ngọc Hiếu (phụ tá DB Sanchez); DB Loretta Sanchez, GS Kim Oanh, BS Lê Tất Tạo.
Vào chiều thứ bảy ngày 9 tháng 5 vừa qua, bà dân biểu liên bang Loretta Sanchez đã tổ chức một buổi hội thảo với cộng đồng về nhân quyền và sự bổ nhiệm vị tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.  Buổi hội thảo quy tụ đông đảo đại diện của các tổ chức tranh đấu nhân quyền, các tổ chức và các nhân sĩ cộng đồng cùng những cơ quan truyền thông trong vùng. Sau phần chào mừng của Linh Mục Nguyễn Uy Sĩ, giám đốc Trung Tâm Công Giáo, bác sĩ Lê Tất Tạo, Hội Trưởng hội Hy Vọng Phục Vụ Cộng Đồng (Hope Community Services, Inc.) giới thiệu bà dân biểu liên bang Sanchez và nói rõ mục đích buổi họp.
Trong phần mở đầu bà Loretta Sanchez, với tư cách là Đồng Chủ Tịch Khối Việt Nam (Vietnam Caucus) thuyết trình về các vấn đề nhân quyền, nêu rõ các tiến trình, trở ngại và các khó khăn tại quốc nội cũng như những nỗ lực bà đã làm.  Điển hình nhất là sự vận động của bà Sanchez với các dân biểu liên bang khác để đồng thảo một lá thư đặt vấn đề với nhà cầm quyền Hà Nội về những vi phạm nhân quyền.  Lá thư này đã được chuyển qua hành pháp và trình bày tại buổi họp Cứu Xét Định Kỳ Tổng Quát của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại Geneva.
Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC: the United Nations Human Rights Council) thành lập vào năm 2006 và cho tới nay đã có bốn cuộc họp Cứu Xét Định Kỳ (UPR: Universal Periodic Review).  Trong mỗi kỳ họp thì Ủy Ban thẩm định hồ sơ nhân quyền (human rights records) của 16 quốc gia khác nhau trên tổng số 192 quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc; do đó mỗi quốc gia hội viên chỉ được cơ hội thăm dò bốn năm một lần. Trong kỳ họp tháng 5 năm 2009 này, Việt Nam là một trong các quốc gia được quan tâm tới. Sau mỗi kỳ họp thì Ủy Ban sẽ phát hành một bản nhận định chính thức về tình trạng nhân quyền tại các quốc gia vừa được thẩm định.  Tài liệu này dựa trên biên bản của buổi họp cứu xét và có ảnh hưởng rất nhiều trên các chính sách đối ngoại giữa các quốc gia với nhau.
Từ trước tới nay, Hoa Kỳ chỉ tham dự với tính cách là quan sát viên vì cho rằng chỉ các quốc gia có thành tích tốt đẹp về nhân quyền mới nên được là thành viên của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc - UNHRC. Tuy nhiên trong chính sách đối ngoại đổi mới, chính phủ của Tổng Thống Obama tin rằng muốn cải thiện điều gì chúng ta phải là thành viên và vận động thay đổi một cách xây dựng từ bên trong.  Chính vì thế ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố là sẽ tích cực tham dự và hoạt động vào Ủy Ban Nhân Quyền và bà Esther Brimmer, Tân Thứ Trưởng Ngoại Giao đặt trách Các Định Chế Quốc Tế (Assistant Secretary of State for International Organization Affairs) đã tới Geneva hôm qua.  Bà Brimmer cho biết sẽ có về lại New York, có mặt trong buổi họp ngày 12 tháng 5, 2009 để tham gia vào tiến trình đề cử, ứng cử và bầu cử 47 thành viên vào Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.  Chính vì thế, tiếng nói của các cộng đồng Mỹ gốc Việt trên chính trường quốc tế sẽ trở nên quan trọng hơn khi được sự hổ trợ mạnh mẽ của các vị dân biểu liên bang với tiến trình tranh đầu nhân quyền quốc tế như dân biểu Loretta Sanchez.  Cũng trong phần hội thảo này, mọi người được xem một phim tài liệu của SBTN do cô Đăng Minh tường trình từ Geneva về cuộc biểu tình của các cộng đồng Việt Nam từ nhiều quốc gia Âu Châu như Pháp, Đức, Bỉ, Hòa Lan, Ý và các nơi xa hơn như Úc Châu và Hoa Kỳ.


Trong phần kế tiếp của buổi hội thảo, dân biểu liên bang Loretta Sanchez nói về tầm quan trọng của vị tân đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Bà lược sơ qua về tiến trình bổ nhiệm như sau:
1. Sau khi tham khảo ý kiến bộ ngoại giao, thẩm định hồ sơ nhân sự (vetting), thỏa thuận với quốc gia liên hệ (reciprocal agreement), tổng thống sẽ đề cử (nominating).
2. Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện (U.S. Senate Foreign Relations Committee) sẽ có cuộc điều trần (hearing) để thẩm định và cứu xét để đi tới giai đoạn chuẩn y (confirming).
3. Tổng thống sẽ bổ nhiệm (appointing) vị đại sứ và vị này sẽ đại diện Hoa Kỳ để thực thi chính sách ngoại giao với những chi thị của tổng thống (serving at the preference of the president).
Các tham dự viên đã tích cực đưa ra các đề nghị và ý kiến trong tiêu chuẩn tuyển chọn tân Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam:
- thông hiểu hồ sơ nhân quyền tại Việt Nam;
- tích cực tranh đấu cho nhân quyền: lên tiếng mạnh mẽ khi có sự vi phạm, tiếp xúc với các nhà đối kháng, can thiệp cho các người Mỹ gốc Việt;
- tổ chức các buổi họp định kỳ và thường xuyên với cộng đồng Việt hải ngoại để được tường trình về tin tức mà trong nước không được tự do phổ biến;
- để ý đến vấn đề thông tin bị kiểm thảo, thiếu tự do ngôn luận và báo chí trong nước
- tạo cơ hội để có những buổi thảo luận với cộng đồng Việt hải ngoại.
Bà dân biểu liên bang Loretta Sanchez cho biết rằng bà có một sự liên hệ mật thiết với ngoại trưởng Hillary Clinton và hai người thường xuyên trao đổi ý kiến. Trong tuần qua, bà Clinton đã gọi điện thoại cho bà Sanchez ba lần. Ngoài ra bà Sanchez cũng đã là bạn đồng nghiệp với ông Rahm Emanuel, hiện là bộ trưởng phủ tổng thống (White House Chief of Staff) nên hai người có mối liên hệ tốt và có nhiều dịp gặp gỡ nhau để tham khảo.  Hai yếu tố này nói lên ảnh hưởng đặc biệt của bà dân biểu liên bang Loretta Sanchez trên tiến trình bổ nhiệm Tân Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. 
Buổi hội thảo bắt đầu và kết thúc đúng giờ.  Đặc biệt các hội đoàn và tổ chức có ghi danh trước được ưu tiên phát biểu và đệ trình đề nghị.  Sự điều động linh hoạt của bác sĩ Lê Tất Tạo, sự thông dịch uyển chuyển của cô Trần thiện Tâm và sự tổ chức chu đáo của cô Trần Ngọc Hiếu đã làm cho buổi họp đạt được kết quả mỹ mãn. Được biết là bà dân biểu liên bang Loretta Sanchez dự định sẽ tiếp tục có những buổi tham khảo tương tự tại các địa điểm khác nhau trong cộng đồng như chùa, hội trường, phòng lớp học quốc tịch, công viên, v..v...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.