Hôm nay,  

Ghpgvntnhk Ra Thông Bạch Phật Đản Pl 2553

04/05/200900:00:00(Xem: 2520)

GHPGVNTNHK Ra Thông Bạch Phật Đản PL 2553: cảnh giác họa ngoại xâm, đòi csvn thực thi tự do, dân chủ

Hội Đồng Giáo Phẩm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ đã phổ biến Thông Điệp Phật Đản Phật Lịch 2553 kêu gọi Tăng Ni và Phật tử nỗ lực thực nghiệm chánh pháp để góp phần kiến tạo hòa bình an lạc và cảnh giác họa ngoại xâm của  Trung Quốc đối với Việt Nam, đồng thời đòi hỏi chính quyền CSVN phải thực thi quyền tự do, dân chủ cho toàn dân. Nội dung Thông Bạch như sau.         
THÔNG BẠCH PHẬT ĐẢN PL. 2553
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ
Vietnamese American United Buddhist Congregation
Hội Đồng Giáo Phẩm
Chánh Văn Phòng
704. East “E” Street., Ontario, CA 91764 – U.S.A.  |  Tel. & Fax: (949) 986-2433
Phật Lịch 2553                                                                                                 Số 2/HĐGP/TB/CVP
THÔNG BẠCH PHẬT ĐẢN PL. 2553
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni,
Kính thưa toàn thể quý thiện nam, tín nữ gần xa,
Đức Phật sở dĩ là bậc đại giác tôn quý trên thế gian, vì từ địa vị một con người, bằng nỗ lực tự thân, ngài đã giác ngộ và chứng nhập chân lý về thực trạng và nguyên nhân khổ đau của con người, của thế giới, mở bày con đường dẫn đến an lạc giải thoát, niết-bàn tịch tịnh.
Đạo Phật là con đường hòa bình, từ bi và trí tuệ mà nhân loại tuyên xưng, vì nền giáo lý này được khai thị từ tuệ giác của đức Thế Tôn, được triển khai từ nền tảng của bốn sự thực vi diệu (tức Tứ diệu đế); có nghĩa là từ con người, từ thế giới thống khổ này mà xuất hiện con đường viễn ly siêu tuyệt, không thông qua bất cứ thần linh nào, cũng không nhờ cậy bất cứ quyền lực nào của thế gian để được truyền bá. Suốt hơn 2500 năm, giáo lý nhà Phật với tinh thần tự giác tự độ, đã được lan rộng một cách nhẹ nhàng, thầm lặng đến những ai hữu duyên. Không hề có sự bức bách, hăm dọa bởi thần linh hay gươm giáo, cũng không hề có sự ép uổng, chiêu dụ bằng danh vọng hay quyền lợi. Từ bi, bất bạo động là chất liệu nền tảng và cũng là phương thức nhất quán cho việc hoằng dương Chánh Pháp.
Kính thưa chư liệt vị,
Nhân loại đang bước vào thế kỷ 21 với nhiều tiến triển vượt bực về khoa học kỹ thuật nhưng cũng không cứu được hàng tỉ người trở thành nạn nhân của nghèo đói, thất học, bất công, tù hãm và chết chóc. Điều này cho thấy văn minh tiến bộ vẫn có những giới hạn, không phải là giải pháp toàn hảo đem lại an lạc hạnh phúc của con người. Ngược lại, những tiện ích về kỹ thuật và vật chất có thể là điều kiện thuận lợi để con người khuấy lên những biến động xã hội, dẫn đến những tranh chấp danh vọng và quyền lực, khơi mào cho những mâu thuẫn ý hệ và đảng phái, khích động cho những xung đột chủng tộc và tôn giáo, vân vân. Chưa kể là sự lạm dụng thái quá của con người đối với tài nguyên thiên nhiên để thâu đạt và hưởng dụng tiện nghi vật chất, đã góp phần lớn cho tình trạng hâm nóng trái đất, tạo nên các thay đổi nhanh chóng về môi trường, khí hậu, dẫn đến thảm họa chung cho toàn hành tinh trong một ngày rất gần.


Chung qui, như đức Phật từng dạy, thực trạng thống khổ của thế gian đều bắt nguồn từ tham lam, sân hận và si mê. Bao lâu con người còn ôm giữ và phát triển các thứ phiền não này, họ sẽ phải triền miên đối diện với đau khổ, hoạn nạn, âu lo sợ hãi, khủng bố và chết chóc. Thực trạng thống khổ ấy là yếu tính phổ quát, bình đẳng, mà con người tự tạo và là kẻ thừa tự đối với chính những gì họ tạo nên. Tuyên ngôn bất hủ của đức Phật đã từng minh định về tính đồng đẳng này như sau: “Không có giai cấp trong giòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn như nhau.” Tuyên ngôn này xác minh sự bình đẳng của con người trong sự cảm nhận chết chóc và khổ đau, từ thể xác đến tinh thần, không miễn trừ một ai; mặt khác, cũng trên nền tảng của tính bình đẳng này, gợi ý cho một thế giới hòa bình, dân chủ và tự do, trong đó con người biết cảm thông, khoan dung, thương yêu và không tổn hại nhau.
Quán xét thực trạng đầy khủng hoảng và biến động của thế giới hôm nay, người con Phật không nên bi quan, mà nên hiểu rằng, nếu giáo pháp của Phật được con người ứng dụng triệt để qua giới-định-huệ, sẽ góp phần giảm thiểu khổ đau, cuồng tín, thù hận và tham vọng điên đảo. Vì lẽ đó, trách nhiệm trước tiên của người con Phật là thực hành Chánh Pháp để tự cứu mình, đồng thời vì lòng từ bi mà chia sẻ kinh nghiệm tu học của mình đến với tha nhân. Được như vậy, mỗi người con Phật chính là hiện thân của Chánh Pháp; và nơi đâu có mặt Chánh Pháp, nơi đó khổ đau và phiền não được giảm trừ. Thế giới nhờ đó mới hòa bình; nhân loại nhờ đó mới an lạc, hạnh phúc.
Từ sự quán xét một cách tổng thể về hiện trạng của nhân loại và thế giới, người phật-tử Việt Nam cũng không quên nhìn về chính quê hương thân yêu của mình; nơi đó, vẫn còn tiếp diễn các thảm trạng xã hội: bất công, nghèo đói, đạo đức băng hoại, thiếu tự do, không dân chủ; và có thể nói là đang đứng trước thử thách sinh-tử của họa xâm lăng. Trong bước đồng hành của Phật giáo với dân tộc suốt gần hai nghìn năm, phật-tử Việt Nam chưa hề lãng quên trách nhiệm công dân của mình đối với công cuộc dựng nước, giữ nước. Do vậy, nhân mùa Phật Đản năm nay, trước quan ngại và nguyện vọng chung của người Việt  trong và ngoài nước, chúng ta hãy cùng hướng tâm cầu nguyện cho hòa bình, dân chủ sớm trở về trên quê hương; cùng lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo đất nước can đảm nhìn nhận các sai lầm trong quá khứ, mạnh dạn chia sẻ cùng toàn dân trách nhiệm bảo toàn lãnh thổ, xây dựng đời sống dân chủ, tự do, ngõ hầu đưa đất nước đến hòa bình, thịnh trị và hạnh phúc thực sự.
Trong niềm hoan hỷ đón mừng ngày Phật Đản, xin thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, bậc thầy vĩ đại của trời người, ngưỡng nguyện tuệ giác của ngài soi sáng cho thế giới tối tăm của chúng con để vạn loại có thể nhìn nhận và cảm thông nhau, đối xử với nhau với lòng từ bi, độ lượng và hòa kính.
Chúng tôi cũng tha thiết khải thỉnh chư tôn thiền đức và phật-tử gần xa hãy cùng nhất tâm phụng hành Chánh Pháp, nghiêm trì giới-định-huệ để giải trừ thống khổ của trần gian. Vì đây chính là sự cúng dường tối thắng đối với Pháp Phật, và là sự tưởng niệm ý nghĩa nhất đối với Đại Lễ Phật Đản đang diễn ra trên khắp hành tinh của chúng ta.
Nam mô Vô Ưu thọ hạ thị hiện đản sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nay thông bạch,
California, ngày 25 tháng 4 năm 2009
Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHK,
Chánh Văn Phòng,
(ấn ký)
Sa môn Thích Thắng Hoan

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.