NS Xuân Điềm: làm nhạc đấu tranh để chống cái ác CS; Ban Tù Ca Sẽ Có Bưã Cơm Thân Mật vào Chủ nhật 7-12-2008Nhạc sĩ Xuân Điềm.
Đặng Phú Phong Phỏng Vấn Nhạc Sĩ Xuân Điềm
Đặng Phú Phong: Xin anh cho biết tiểu sử.
Xuân Điềm: Thưa anh. Hai anh em Xuân Điềm và Xuân Lạ học nhạc và chơi vĩ cầm từ lúc 7 tuổi, do thân phụ truyền lại. Năm 1959, về Quy Nhơn học chữ và học nhạc với nhạc sĩ Dương Minh Ninh ở trường trung học Cường Để Quy Nhơn. Năm 1963, vào Sài Gòn sinh hoạt chung với các nhạc sĩ Lê Thương, Hùng Lân, Nguyễn Văn Đông, Châu Kỳ, Trầm Tử Thiêng... và chơi nhạc trong trường Quốc Gia Âm Nhạc do nhạc trưởng Nguyễn Phụng, Nguyễn Khắc Cung, Nghiêm Phú Phi... Sáng tác đầu tiên viết chung với nhạc sĩ Đắc Đăng "TÌNH ĐẠI DƯƠNG" do ca sĩ Phương Hồng Hạnh thu thanh vào hãng đĩa Việt Nam, nhạc sĩ Châu Kỳ mua bản quyền và sản xuất.
Đặng Phú Phong: Tôi có nghe qua về cây đàn Banjo của anh trong trại tù Cộng Sản . Anh có thể nói thêm chi tiết.
Xuân Điềm: Thưa anh chiếc đàn Banjo của tôi là kỉ vật làm từ trong tù Cộng Sản suốt thời gian tôi bị lưu đày. Nó luôn thay hình đổi dạng để khỏi bị cán bộ quản giáo tịch thu, mỗi khi có lệnh chuyển trại. Chiếc đàn này là một tập hợp của nhiều vật phế thải do chiến tranh và ngục tù. Thùng đàn làm bằng vỏ bọc đầu bom. Đáy đàn và mặt đàn là thau đựng cơm là đĩa đựng thức ăn của tù. Cần đàn là một khúc củi nấu cơm, dây đàn là ruột của dây điện thoại, móc đàn là 1 kíp nổ của một trái mìn v.v.. Vì vậy cựu tù Nguyễn Tiến Việt một trong những người sáng lập ban "ANH VẪN SỐNG" phát thanh trên đài Little Sài Gòn, gọi ví von tiếng đàn phát ra là thứ "ngôn ngữ tình người". Cây đàn banjo đã được nhà viết tiểu sử Việt Nam qua âm nhạc là giáo sư nhạc sĩ Lê Văn Khoa giới thiệu và triễn lãm tại trường đại học Fullerton Cali. Trong Project 20 đánh dấu 20 năm người Việt tị nạn Cộng Sản thành công trên đất Mỹ. Cây đàn này cũng đã được ban Tù Ca trình diễn tại cuộc đại hội đánh dấu 30 năm tị nạn trước tiền đình quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington năm 2005.
Đặng Phú Phong: Tại sao anh đặt tên ban nhạc là Tù Ca trong khi anh hiện đang ở một nơi có quá nhiều tự do"
Xuân Điềm: Thưa anh đúng, chúng ta đang ở trên đất tự do nhưng chúng ta không quên những người đang mất tự do ở quê nhà, sở dĩ có tên "BAN TÙ CA" là khi còn ở trong tù, người tù đã sáng tác những ca khúc, những vần thơ để nói lên cái tâm trạng " Cá chậu chim lồng" của mình nói lên cái khát vọng cái hoài bão to lớn của người trai thế hệ đối với tổ quốc chưa hoàn thành mà bị bức tử , đọa đày bị sỉ nhục thật thậm tệ do kẻ cướp nước giành cho... Những sáng tác ấy những dòng thơ ấy phải được chia sẽ cùng nhau, vì vậy phong trào hát nhạc tù ra đời ngay trong trại tù nói chung, người tù hát nhạc tù ở trong tù, hai tiếng "Tù Ca" ra đời từ đó.
Đặng Phú Phong: Tôi thích bài Mùa Hoa Tuyết của anh, nhưng hình như sau này anh không mặn mà về thể loại tình ca này nữa, có phải vậy không"
Xuân Điềm: Thưa anh, nói về bản nhạc "MÙA HOA TUYẾT" của tôi đó là một sáng tác vào năm 1969 khi đó Xuân Điềm đang chiến đấu trong lòng địch quân ở chiến khu D vùng Dầu Tiếng Bình Dương. đêm Giáng Sinh nhớ về Sài Gòn ở đó có người yêu có người vợ hiền cùng các con còn nhỏ dại. Người lính trận xa nhà trong đêm Noel chỉ biết cầu xin : "XIN CHO BAO KẺ RA ĐI LẠI VỀ, VỢ TRẺ KHÔNG HAI LẦN ĐÒ, BÀY TRẺ KHÔNG CHA SẦU LO..." và người lính còn xin nhiều điều nữa... Thế rồi mùa Xuân mất nước 1975 sau đó cũng có bao kẻ ra đi... vào tù vượt biên tìm tự do để lại mẹ già vợ yếu con thơ... và lời cầu xin trên cũng thiết thực cho mọi hòan cảnh bản nhạc "MÙA HOA TUYẾT" cũng được tiếp tục gửi đến thính giả với nhiều ca sĩ nổi danh Hải Ngoại cho đến ngày nay. Lời cầu xin ấy vẫn còn ý nghĩa và vang xa mỗi khi Giáng Sinh về. Thưa anh Đặng Phú Phong tình ca là loại nhạc muôn thuở của những người đang yêu lúc nào thời nào cũng thích hợp. Nhưng Xuân Điềm cũng đã sáng tác một số tình ca khi còn tham gia ở các hãng đĩa trung tâm do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm giám đốc như: "ĐỪNG HẸN NHAU", "LOÀI HOA KHÔNG TÊN", "LỐI MÒN", "ANH BIẾT CHĂNG" , "MÙA XUÂN TUỔI MỘNG" v .v... Lúc đó Xuân Điềm cũng có những sáng tác quân ca như "TIẾNG NÓI ĐỘNG VIÊN", "VIỆT NAM KHÔNG QUÂN CA" (viết chung với Xuân Lạ). Hay là "SỨ MẠNG CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ" v.v... Bây giờ tình hình đấu tranh trong nước cần sự tiếp tay của đồng hương tị nạn hải ngoại. Xuân Điềm và ban Tù Ca đang góp một bàn tay vào cộng cuộc đấu tranh chung, vì vậy những sáng tác mới đã lần lượt ra đời, và anh chị em trong Ban Tù Ca cùng dấn thân đấu tranh chung để mong làm được một việc gì có ích lợi cho quê hương.