Hôm nay,  

HR 7063 - Hoa Kỳ Và Thế Giới: Khả Năng Ngoại Ngữ và Kiến Thức Quốc Ngoại

25/10/200800:00:00(Xem: 5163)

TNS Correa, Gs Michael Matsuda, Gs Quyên Di, Thầy Vũ Hoàng, Gs Kim Oanh, DBLB Loretta Sanchez.

(LTS: Một dự luật quan trọng về giaó dục đang được giới thiệu, và có thể sẽ mở thêm nhiều cánh cửa mới cho học sinh Hoa Kỳ. Giáó sư Gs Nguyễn Lâm Kim Oanh -- Giám Đốc Điều Hành Chương Trình Ngôn Ngữ Chiến Lược, Hệ Thống Đại Học California State University -- nơi đây sẽ  giải thích chi tiết về dự luật HR 7063.)

 Chiều thứ Tư ngày 22 tháng 10, dân biểu liên bang Loretta Sanchez đã cùng với các chuyên gia giáo dục trong cộng đồng mở một buổi họp báo để giới thiệu dự luật HR 7063.  Là một người được mời cộng tác trong việc soạn thảo dự luật này trong giai đoạn chót, chúng tôi đã vận động ráo riết để nâng cao vai trò của các trường và trung tâm dạy tiếng mẹ đẻ trong các cộng đồng di dân, trong đó có các trường Việt ngữ.  Mục đích chính của dự luật là (1) để giúp các giáo chức thuộc các trường công lập được tu nghiệp thêm về ngoại ngữ và các vấn đề quốc ngoại ; và (2) tạo cơ hội cho học sinh được học thêm ngoại ngữ qua các chương trình học phụ trội sau giờ học.  Nếu thành đạo luật, một ngân khoản 200 triệu mỹ kim sẽ được dành riêng cho các học khu nộp đơn xin để hoàn thành hai mục đích trên.  Đây là cơ hội để các học khu có phương tiện và động lực "bắt tay" làm việc với các trường Việt ngữ trong vùng.

Thầy Vũ Hoàng, đại diện cho gần 100 trường và trung tâm Việt ngữ tại miền nam California cho biết hiện tại các trường Việt ngữ vẫn "tự túc tự cường" - từ phòng ốc, đến giáo trình và tu nghiệp sư phạm.  Nếu được sự hổ trợ và cộng tác của các học khu, các chương trình Việt ngữ sẽ phát triển mạnh hơn.  Giáo sư Quyên Di, một người hiện đang phụ trách môn Việt văn tại đại học UCLA và CSU Long Beach và là một huấn luyện viên cho các chương trình tu nghiệp sư phạm cho các trường Việt ngữ tòan quốc Hoa Kỳ tin HR 7063 là "chìa khóa" giải quyết những khó khăn hàng đầu mà các trung tâm/trường Việt ngữ đang đương đầu:  giáo chức thiếu kinh nghiệm sư phạm, học sinh thiếu giáo trình thích hợp, trường học thiếu ngân khoản và phòng ốc thoải mái.  Ông Michael Matsuda, đại diện giới giáo chức cho biết HR 7063 sẽ cho các giáo chức có cơ hội học hỏi thêm về sự liên hệ của các quốc gia trên thế giới và mối tương quan mật thiết giữa các quốc gia trên các vấn đề quan trọng như kinh tế, môi sinh, năng lực, và nhân quyền.  Hiện tại đa số các giáo chức không biết nhiều về các vấn đề này hoặc có ý niệm sâu sắc về tình hình quốc tế.  Mặc dầu họ được huấn luyện về các bộ môn như Toán, Khoa Học, Xã Hội Học, họ chưa được huấn luyện và đào tạo một quan điểm toàn cầu trên các vấn đề này. Ví dụ như, trong môn Khoa Học, học sinh phải được dạy để hiểu là sư hâm nóng toàn cầu làm tăng mức nước biển và sẽ ảnh hưởng tai hại đến các quốc gia gần sát biển như Việt Nam.  Trong môn Xã hội học, các giáo chức phải biết đủ để nói về vấn đề nhân quyền và nạn buôn bán người khi giảng phần giao thương quốc tế.  Thượng nghị sĩ Lou Correa lên tiếng đồng lòng ủng hộ dự luật HR 7063. 

Một trong những vấn đề cộng đồng chúng ta quan tâm hàng đầu là duy trì và phát triển tiếng mẹ đẻ.  Để thật sự thành công trong xã hội, con em chúng ta phải có một chỗ đứng vững trong gia đình và cộng đồng.  Là một cộng đồng tị nạn và di dân, khả năng Việt ngữ cùng với Anh ngữ là chìa khóa cho sự thành công của con em chúng ta.  Các nghiên cứu giáo dục cho thấy các học sinh được dạy hai ngôn ngữ từ lúc bé, có trí thông minh cao hơn và học thêm ngoại ngữ thứ ba, thứ tư dễ dàng hơn. Trong chức vụ là Giám Đốc Điều Hành Chương Trình Ngôn Ngữ Chiến Lược cho hệ thống đại học CSU, gồm 23 trường đại học trong tiểu bang California, tôi ý thức hơn bao giờ hết tầm quan trọng của ngoại ngữ.

Theo các thống kê mới nhất do cơ quan CED - Committee on Economic Development - Ủy Ban Phát Triển Kinh Tế Hoa Kỳ -

- Hàng năm HK mất trên 2 tỉ mỹ kim vì các công ty thiếu khả năng ngoại ngữ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế hoặc bị thua lỗ vì thiếu kiến thức đa văn hóa

- Hiện tại trên 80 cơ quan chính phủ liên bang đang ráo riết tuyển dụng nhân viên có khả năng ngoại ngữ -từ tiếng Ả-Rập, Ba Tư, Trung Hoa, Đại Hàn, Nga, Ấn v...v... tổng cộng là gần 100 ngoại ngữ khác nhau, kể  cả tiếng Việt

- Trong toàn quốc gia Hoa Kỳ, số dân nói tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ càng ngày càng tăng cao - tại một số tiểu bang, như California, Hawaii, New Mexico, và Texas, trên 50% dân số dùng một ngôn ngữ mẹ đẻ khác ở nhà. Do đó các cơ quan chính quyền từ luật pháp đến hành pháp cần nhiều nhân viên thông thạo các ngôn ngữ của các sắc dân thiểu số để sự phục vụ được hữu hiêu hơn.

Các điều này cho chúng ta thấy rằng ngoại ngữ và kiến thức về tình hình quốc tế rất quan trọng.  Tuy nhiên hiện tại chỉ có 25% trường công lập dạy ngoại ngữ - và học sinh chỉ được học một vài ngoại ngữ thông thường như tiếng Tây Ban Nha hoặc Pháp.  Đa số học sinh Hoa Kỳ kém kiến thức căn bản về địa lý và liên hệ giữa các quốc gia .  Ngược lại, con em của các gia đình tị nạn và di dân như cộng đồng người Việt hải ngoại có sự hiểu biết khá hơn học sinh thường về vấn đề quốc ngoại - lý do là đa số các gia đình tị nạn và di dân vẫn tiếp tục quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội của quốc gia gốc của họ.  Nhất là khi con em còn hiểu và nói được tiếng mẹ đẻ các em tham gia vào được các câu truyện và bàn cãi về đất nước quê hương và mở rộng tầm hiểu biết hơn.

Hiện tại, học sinh thuộc các học khu nghèo ít có cơ hội học ngoại ngữ lúc tiểu học - lúc mà học sinh thâu thập được nhiều và học nhanh nhất.   Đa số các học khu không có nhân viên đủ bằng cấp để dạy các ngoại ngữ khác, nhất là các ngoại ngữ Á Châu.  Điều kiện bằng cấp chuyên môn để dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục công lập rất rắc rối và khó khăn nên ngay cả khi học khu muốn có các chương trình học ngoại ngữ cho học sinh cũng khó thực hiện ngay được.

Dự luật HR 7063, do dân biểu liên bang Loretta Sanchez đệ trình quốc hội, nếu thành đạo luật sẽ giúp cho các học khu và cộng đồng muốn con em học ngoại ngữ "đốt giai đoạn" và làm được hai điều rất thiết thực:

1. Học khu có quyền tuyển dụng các thầy cô giáo đang dạy Việt ngữ tại các trường và trung tâm Việt ngữ dạy Việt ngữ cho học sinh của trường công lập vì đây là các chương trình phụ trội (enrichment program). 

2. Học khu có quyền và có điều kiện tài chánh để làm hợp đồng với các trường và trung tâm Việt ngữ để họ dạy Việt ngữ cho học sinh công lập (hợp đồng - do hai bên thỏa thuận).

Dự luật này khi thành đạo luật sẽ có ba ảnh hưởng rất tích cực:

A. Nâng cao vai trò của các trường và trung tâm dạy tiếng mẹ đẻ như Việt ngữ của các cộng đồng di dân. 

B. Các trường và trung tâm dạy ngôn ngữ sẽ được trợ giúp về sư phạm và tài liệu giáo khoa để việc dạy ngôn ngữ hữu hiệu hơn.

C. Các học sinh sẽ thấy việc học Việt ngữ (hay các ngôn ngữ khác) có giá trị hơn vì tất cả học sinh, không riêng gì học sinh gốc Việt sẽ được học Việt ngữ. 

Nhìn xa hơn chúng ta sẽ thấy được là khi các trường công lập tạo cơ hội cho học sinh phát triển khả năng ngôn ngữ - trình độ Việt ngữ học sinh/sinh viên khá hơn thì sách, báo, truyền thông, truyền hình Việt ngữ sẽ tăng trưởng mạnh hơn và sự đoàn kết của cộng đồng Việt Nam hải ngoại chặt chẻ hơn.  Chúng tôi rất mong toàn thể cộng đồng Việt Nam hải ngoại ý thức tầm quan trọng của dự luật này và cùng chúng tôi ủng hộ và vận động cho HR 7063 sớm thành đạo luật.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.